Văn hóa từ chức trước tiên xuất phát từ lòng tự trọng

Thứ Sáu, 02/12/2016, 06:17
Các lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới khi họ mắc khuyết điểm phần lớn họ đều xin từ chức. Vậy sao người Việt Nam lại không có văn hóa từ chức?


Bác Nguyễn Phong Lan (Bình Lục, Hà Nam): Kính thưa nhà báo, trong nhiều năm qua, thực tế cho thấy có những cán bộ lãnh đạo ở nhiều cấp mắc khuyết điểm, thậm chí là khuyết điểm trầm trọng. Thế nhưng hình như không có hình thức kỷ luật xứng đáng. Hơn nữa, chưa thấy một vị lãnh đạo nào mắc khuyết điểm xin từ chức cả.

Trong khi đó, các lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới mà chúng ta từng được biết khi họ mắc khuyết điểm tương đương với khuyết điểm cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam hoặc có nhiều trường hợp nhẹ hơn rất nhiều nhưng phần lớn họ đều xin từ chức. Vậy xin hỏi nhà báo, vì sao người Việt Nam lại không có văn hóa từ chức? Xin nhà báo giải thích hiện tượng này và phải làm gì để có được văn hóa ấy?

Nhà báo Minh Đức: Kính thưa bác Nguyễn Phong Lan, có hai hiện thực bác đã đưa ra trong câu hỏi ngắn gọn của mình. Hiện thực thứ nhất là có rất nhiều những nhà lãnh đạo trên thế giới đã từ chức khi họ không làm tròn trách nhiệm với vị trí của mình hoặc họ mắc một khuyết điểm hay sai lầm mà một người ở vị trí họ không thể chấp nhận. 

Hiện thực thứ hai là lâu nay, ở Việt Nam không có văn hóa từ chức. Bác có hỏi: "Vậy xin hỏi nhà báo vì sao người Việt Nam lại không có văn hóa từ chức?". 

Tôi xin lỗi bác cho phép tôi thêm hai chữ vào câu hỏi ấy. Hai chữ đó là HIỆN NAY: Vì sao người Việt Nam HIỆN NAY lại không có văn hóa từ chức?. Như thế sẽ chính xác. Vì trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đã có không ít những người làm quan đã để lại tiếng thơm trong dân bởi những hành động cao cả của họ trong đó có hành động từ chức. 

Minh họa: Lê Phương.

Có người đang làm quan đã xin từ chức khi họ mắc tội với Vua và với dân, có người từ chức vì không làm tròn sứ mệnh của họ được Nhà Vua giao cho và có người dâng tấu xin Vua trừng trị những kẻ xu thần, bóc lột dân chúng không được chấp nhận thì họ xin từ chức với ý nghĩ họ đã không làm được gì giúp cho xã tắc. Tất cả những hành động từ chức nói trên cho chúng ta thấy nhân cách và trách nhiệm của các vị quan thời xưa. 

Những người từ chức thường về ở ẩn làm nghề dạy học hoặc bốc thuốc. Nhưng giá trị lớn nhất của họ chính là để lại những tấm gương sáng về lòng tự trọng, trách nhiệm với Vua và muôn dân. Một quốc gia có những vị quan như thế hỏi dân còn lo gì nữa. Nhưng buồn thay, những vị quan như thế đã không còn.

Vì sao người nay lại không tiếp bước được người xưa? Trước hết chúng ta phải hiểu rằng: con đường từ một người bình thường thời nay để trở thành một vị quan đối với không ít người là con đường dễ dàng. Người xưa phải thi Hương, thi Hội bao vòng, bao lượt để có được những chứng chỉ về kiến thức như chúng ta lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ hay giáo sư ngày nay. 

Chính vì thi cử nghiêm ngặt như thế nên ai đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn... đều đúng với cái danh của họ. Hơn nữa, trong Bộ luật Hồng Đức cho thấy cách bổ quan có một yếu tố vô cùng hệ trọng. Đó là những người trước khi được bổ làm quan phải được kiểm tra xem người ấy sống có hiếu với cha mẹ hay không, có lễ với dân hay không. Kẻ bất hiếu với cha mẹ và không có lễ với dân thì khi làm quan chỉ đem cái chức của mình mà vơ vét cho cá nhân mình mà thôi. 

Khi một ông quan có kiến thức sâu rộng và có lòng yêu kính cha mẹ thì sẽ biết hy sinh cho muôn dân. Vì thế mà khi họ có lỗi với Vua và muôn dân, họ tự thấy xấu hổ mà từ chức. Còn người nay thì lười học, bởi thế mà mua bằng để tiến thân. Người nay coi chức vụ là bổng lộc nên chạy chọt để thăng quan tiến chức nhằm vơ vét của Nhà nước và của nhân dân làm của riêng. Những ông quan làm quan với mục đích như thế thì làm sao có chuyện từ chức được.

Lâu nay, chúng ta thường nói đến những ông/bà quan chức bị kỷ luật ở cơ quan này thì lại sang làm quan chức ở cơ quan khác. Việc "rút kinh nghiệm" của những quan chức mắc khuyết điểm lâu nay coi như là lá bùa hộ mệnh cho vị trí của những quan chức đó. 

Khi còn sống, ông Nguyễn Bá Thanh đã nói đại khái cái "dây rút kinh nghiệm" rút mãi cũng không hết. Mới đây, có quan chức cao cấp mắc khuyết điểm trầm trọng như kết luận của các cơ quan chức năng nhưng lại loay hoay không biết hay không dám kỷ luật người mắc khuyết điểm ấy như thế nào. 

Những cuộc họp kỷ luật cán bộ, công chức... ở hầu hết các cơ quan luôn có câu: Đồng chí A, đồng chí B đã mắc khuyết điểm nhưng cũng có nhiều ưu điểm. Cách nói này không phải là sự công bằng mà là sự đánh tráo hoặc hòa cả làng. Hành xử với những người mắc khuyết điểm như thế chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho dù họp kiểm điểm người đó ở cấp này hay cấp nọ mà chỉ làm cho người đó coi thường kỷ luật, coi thường pháp luật và dễ dàng dấn sâu hơn vào khuyết điểm của họ sau này mà thôi. Cách làm như vậy nói một cách chính xác là gián tiếp bao che cho những người có khuyết điểm và có tội với đất nước.

Mới đây, chúng ta chứng kiến một sự thật phải nói là bi hài đến tận cùng của sự bi hài. Đó là việc một cơ quan có hơn 40 ông/bà quan chức mà chỉ có 2 nhân viên. Ôi, cái thời mà quan nhiều hơn dân như thế thì làm sao chúng ta có thể xây dựng một đất nước phát triển cho được. 

Không bao giờ đất nước phát triển đúng nghĩa của phát triển khi chúng ta vẫn còn một lối sống như vậy. Mọi giải thích của ông thủ trưởng cái cơ quan kia chỉ làm cho sự bi hài đó càng bi hài và đầy tính bi thảm mà thôi. Một câu hỏi mà chúng ta đặt ra là làm thế nào để người Việt Nam ngày nay có văn hóa từ chức. 

Để có được những ông/bà quan chức có văn hóa từ chức thực sự chúng ta phải mất một thời gian rất, rất dài nữa nếu ngay từ bây giờ tất cả đất nước chúng ta phải nhận thấy đó chính là một nguy cơ cản trở sự hưng thịnh và tiến bộ của một đất nước. Chúng ta phải giáo dục lòng tự trọng của con người từ khi con người đó sinh ra, chúng ta phải sống theo pháp luật một cách nghiêm minh nhất, và không để cho chức quyền  đồng nghĩa với đặc quyền đặc lợi như bây giờ. 

Một con người biết hy sinh cho đất nước sẽ không bao giờ chỉ tìm cách thu vén cho cá nhân mình. Nếu không có được những con người như thế thì tôi chắc chắn 100% rằng: chúng ta chẳng nhờ vả gì con người đó cho dù ông/bà ta đứng ở vị trí nào trong xã hội.

Đất nước trong lúc này chưa dám đòi hỏi những người có quyền chức từ chức. Việc ấy là việc vô cùng lớn. Khi đất nước có những quan chức như thế thì thái bình thực sự đã bắt đầu ở mọi nơi chốn. Nhưng người dân có quyền đòi hỏi tính nghiêm minh của pháp luật đối với mọi người và đặc biệt đối với những quan chức gây tổn hại tài sản của nhà nước, của nhân dân và tổn hại tinh thần của xã hội. 

Các cơ quan luật pháp sẽ nghĩ thế nào về hai thanh niên ăn cắp hai ổ bánh mỳ bị truy tố trong khi không ít những người lãnh đạo làm thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước? Chỉ cần luật pháp công bằng với mọi con người trong xã hội thì mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi.

M.Đ.
.
.