Vận động tranh cử Tổng thống Mỹ: Thả sức bôi lem

Thứ Ba, 31/07/2012, 09:00
Càng gần tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11/2012, độ nóng của những cuộc phản biện lẫn nhau giữa đương kim Tổng thống Barack Obama và đối thủ chính yếu từ đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc bang Massachusetts, Mitt Romney, càng trở nên quyết liệt hơn. Có thể sẽ xuất hiện những lời “mạo phạm” không dễ gì xin lỗi.

Quần ngư tranh thực

Các chương trình vận động tranh cử Tổng thống Mỹ luôn mang tính chất một mất một còn. Ranh giới giữa sự tiêu cực và sự bẩn thỉu trong đó đã không chỉ một lần bị xóa nhòa ở Mỹ. Trong toàn bộ lịch sử hơn hai trăm năm của nước Hoa Kỳ, chỉ có một mình George Washington là chính trị gia không hề nói một lời nào khiếm nhã về các đối thủ trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống. Đơn giản là vì ông đã không hề có ai là đối thủ cả. Và ông cũng là ứng cử viên duy nhất được nhận 100% số phiếu của các cử tri.

Những vòng tranh cử Tổng thống “bẩn thỉu” đầu tiên ở Mỹ đã được bắt đầu ngay sau khi George Washington về vườn năm 1796 sau hai nhiệm kỳ ngồi trên ghế nguyên thủ quốc gia. Ở thời điểm đó đã có hai ứng cử viên muốn giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống là Thomas Jefferson và John Adams (ông này vốn là cấp phó của George Washington. Hai chính trị gia lừng lẫy này đã cùng nhau “tỉ thí” hai lần trong các cuộc chạy đua vào chức Tổng thống năm 1796 và năm 1800.

Những quan điểm căn bản của hai người rất khác nhau. Ông Jefferson chủ trương thành lập một nội các không đông lắm với những thẩm quyền không lớn có thể được điều chỉnh bởi dư luận quần chúng nhân dân. Ngược lại, ông Adams lại muốn xây dựng một hệ thống chính quyền trung ương hùng hậu, bị chi phối bởi lợi quyền của giới tinh hoa kinh tế và chính trị của nước Mỹ.

Thế nhưng, bất chấp việc tồn tại của một chủ đề trọng đại như vậy cho các cuộc tranh luận chính trị, chiến dịch vận động tranh cử của hai ứng cử viên này lại tập trung vào những sự vụ cá nhân của chính họ. Những tờ báo có cảm tình với ông Adams gọi ông Jefferson là kẻ vô thần và đao phủ, vì ông đã công khai bày tỏ sự khâm phục của ông đối với cuộc cách mạng Pháp vĩ đại. Jefferson cũng bị các thế lực thù địch mô tả như một kẻ nhát gan vì trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh giành độc lập dẫn tới sự xuất hiện của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ông không đứng trong hàng ngũ quân đội mà lại dồn sức cho các hoạt động chính trường. Jefferson tuyên bố mình là ứng cử viên của những người bình dân nhưng lại bị các đối thủ đánh giá là một kẻ chuyên mị dân và lợi dụng tối đa những nỗi lo ngại của dân chúng để xây dựng và củng cố tiền đồ chính trị cho bản thân mình. Ông cũng bị bôi lem bởi mối quan hệ với nữ nô lệ da đen Sally Hemings (của đáng tội, về sau người ta đã tìm ra những chứng cớ có thật về mối quan hệ tình cảm kéo dài tới 38 năm này) và bởi lời tuyên bố rằng, ông sẽ hợp pháp hóa việc bán hoa nếu ông trở thành Tổng thống… Rốt cuộc là, ông Adams đã vượt lên trước và đắc cử Tổng thống năm 1796.

Tất nhiên, phúc không dễ trùng lai. Trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1800, những thế lực ủng hộ ông Jefferson đã giành lấy thế chủ động trong những nỗ lực nói xấu đối thủ và buộc cho ông Adams tội chuẩn bị hủy bỏ Hiến pháp Hoa Kỳ và đưa người con trai của mình lên kế vị trên ghế nguyên thủ quốc gia. Ngoài ra, các “môn đệ” của ông Jefferson còn khẳng định rằng ông Adams còn cặp với hai nữ nô lệ được lựa chọn đặc biệt từ Anh tới… Rốt cuộc là ông Jefferson đã trở thành vị Tổng thống thứ ba của Mỹ sau cuộc bầu cử năm 1800.

Năm 1828, tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng có tướng Andrew Jackson và đương kim Tổng thống (thứ sáu trong lịch sử nước Mỹ) John Quincy Adams. Những người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm đã sáng tác ra một văn phẩm bôi lem để làm vũ khí chính trong suốt quá trình vận động tranh cử. Theo đó, thân mẫu của tướng Jackson vốn là gái làng chơi mà đám binh lính Anh mang theo từ xứ sở sương mù sang Bắc Mỹ. Tại “thế giới mới”, người đàn bà này đã theo một gã đàn ông lai làm vợ và sinh ra 7 người con, trong đó có tướng Jackson…

Đáp lại, những người ủng hộ tướng Jackson gọi ông Adams là “ma cô dắt gái”. Sự thực là, trong một buổi tiếp tân, ông Adams đã giới thiệu cho một bậc vương giả nước ngoài làm quen với một mỹ nữ trẻ trung nhí nhảnh và về sau, chân dài này đã trở thành bồ nhí của vị khách đế vương kia. Tổng thống Adams còn bị buộc tội đã chơi trò đỏ đen ngay trong Nhà Trắng và thậm chí còn mua sắm những đồ chuyên dụng của “bác thằng bần”. Sự thực thì ông Adams chỉ phải chịu trách nhiệm vì trong Nhà Trắng đã xuất hiện một bàn billard… Cũng phải nói rằng, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1828, ông Adams đã bị lấm lưng phơi bụng không chỉ vì những vụ việc mang tính bôi lem đó. Ông còn bị đối phương buộc tội tham ô và lãng phí công sản. Đó là những lời buộc tội nghiêm trọng và nhìn chung là có cơ sở thực tế…

Vị Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ Abraham Lincoln cho tới hôm nay vẫn được đánh giá như một trong những chủ nhân ông Nhà Trắng vĩ đại nhất. Danh giá của ông luôn ở mức hoàn hảo. Thế nhưng, chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông năm năm 1860 không phải là không kèm theo những trò ném bùn. Các đối thủ của ông đã gọi ông là “con khỉ trung thực” vì ngoại hình không dễ nhìn của ông và đã tung ra vô số những bức biếm họa thích ứng…

Mitt Romney

Văn minh nhưng vẫn đen tối

Hiện nay, các nhà sử học đã gọi thế kỷ XIX của nước Mỹ là “thời đại bùn lầy” vì nhìn chung, trong thế kỷ XX, các phát ngôn trong các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã trở nên ít nhiều văn minh và thanh lịch hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là vì sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng - số lượng các tờ báo và tạp chí trở nên nhiều hơn trước bội phần và cạnh tranh với nhau rất quyết liệt. Để có thể tồn tại, các phương tiện thông tin đại chúng bắt buộc phải bớt đi khẩu khí hàng tôm hàng cá, nâng cao chất lượng bài vở và tuân thủ theo những tiêu chí đạo lý phổ cập trong hoạt động của nhà báo. Thế nhưng, không phải vì thế mà các ứng cử viên Tổng thống Mỹ lại kìm nén cảm xúc khi nói về nhau.

Thí dụ nhỡn tiền. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra ngày một sôi động khi chỉ còn gần bốn tháng nữa là tới ngày quyết định 3/11/2012. Cả đương kim Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ và đối thủ chính của ông là ứng cử viên khả dĩ nhất của đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc bang Massachusetts, Mitt Romney, đều không từ bỏ bất cứ một cơ hội này để cáo giác những “gót chân Asin” của nhau.

Mới đây nhất, ông Obama đã đề nghị cử tri Mỹ tìm hiểu kỹ hơn về quá khứ doanh nhân của ông Romney, người đã khẳng định mình nhiều cơ hội xử lý các khúc mắc kinh tế hơn nhờ những kinh nghiệm thu được khi điều hành Tập đoàn Bain. Theo đương kim Tổng thống Mỹ, ông Romney khi ngồi ở vị trí cầm trịch tại tổ hợp đầu tư của mình đã chủ yếu chỉ quan tâm tới lợi lộc của các ông bạn tỉ phú chứ không mấy để ý tới các vấn đề của công nhân. Những lực lượng ủng hộ ông Obama đã thống kê một danh sách những công ty thuộc Tập đoàn Bain trong thời gian ông Romney danh chính ngôn thuận vẫn phải giữ trách nhiệm điều hành, đã bị phá sản hoặc phải chuyển ra nước ngoài hoạt động.

Đáp lại, ông Romney đã phủ nhận trách nhiệm của mình đối với những quyết định như thế vì cho rằng, ở thời điểm đó, trong thực tế ông không còn điều hành trực tiếp nữa mà chỉ đơn thuần là đặt chữ ký mình vào các văn bản.

Trước lời biện minh này của ông Romney, Tổng thống Obama đã khẳng định: “Với tư cách Tổng thống Hoa Kỳ, tôi đã hiểu ra rằng, tôi phải chịu trách nhiệm về mọi việc diễn ra dưới quyền điều hành của tôi”. Không “nền nã” như thế, một số chính trị gia ở phe của ông Obama đã đưa ra những lời bình luận rất nghiêm khắc. Thị trưởng Chicago, Rahm Emmanuel, thẳng thừng tuyên bố: “Đừng chối tội nữa. Một khi anh khẳng định rằng  Bain Capital là giấy thông hành đưa anh vào Nhà Trắng thì anh hãy chịu trách nhiệm về tất cả những gì đã xảy ra ở Bain Capital”…

Theo những tài liệu mà ông Romney đã đưa ra với tư cách ứng cử viên Tổng thống, ông đã rời khỏi Tập đoàn Bain mà ông lập ra từ tháng 2-1999 là để dồn sức cho việc chuẩn bị Thế vận hội mùa đông tại Salt Lake. Thế nhưng, theo tài liệu mà những người Dân chủ công bố, ông Romney vẫn tiếp tục làm việc tại Bain cho tới năm 2002, khi Thế vận hội chính thức diễn ra. Lý giải chính thức từ phía đảng Cộng hòa cho sự sai khác này là: cần phải có vài năm để ông Romney bàn giao hết chức trách của mình và trong giai đoạn đó, ông không phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra tại Bain từ sau thời điểm tháng 2/1999…

Ủy ban vận động tranh cử của đương kim Tổng thống Obama cho rằng, ông Romney phải chịu trách nhiệm về việc công nhân bị sa thải và những vụ phá sản của các công ty thuộc Tập đoàn Bain. Ông Romney cho rằng, thuộc hạ của ông Obama đã nói không đúng sự thật và yêu cầu đương kim Tổng thống Mỹ phải đưa ra lời xin lỗi. Thế nhưng, ông Obama đã từ chối.

Thực sự là không ai rõ còn những sự cố gì có thể xảy ra nữa, một khi cả hai bên đều không thể lùi mà nhường cho đối thủ những luận điểm thuận lợi

Trần Thanh Tịnh
.
.