Uy danh họ Đào oai trấn Hải Ninh

Thứ Năm, 17/01/2019, 17:38
Những hạt nắng chiều cuối cùng còn vương lại trên tán lá cũng là khi tôi rời ngôi nhà ông Đoàn Như Vĩnh ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. 

Có người ví von, nguyên Chánh thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, là một trong những người am hiểu nhất lịch sử Trà Cổ. Qua cuộc trò chuyện thì quả là tiếng đồn chẳng sai.

Danh không hổ

Vui chuyện về dải đất uốn vành khuyên từ mũi Sa Vĩ giáp giới Việt - Trung đến Mũi Ngọc, ông Vĩnh kể về khí phách của người Móng Cái chống Pháp được lưu truyền trong câu: “Sông Mang mà lòng chẳng mang/ Núi Hổ mà danh không hổ”. 

Theo lời ông Vĩnh, núi Hổ Sơn nay là Ban chỉ huy Quân sự TP Móng Cái. Còn cồn Mang là hòn cồn bên sông Mang.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, tên gọi Móng Cái hiện nay vốn bắt nguồn từ cái tên Mang Nhai. Con sông được người dân địa phương gọi bằng cái tên gần gũi “Thác Mang” vốn có ngọn thác đổ xuống, dòng sông chảy mạnh dữ dội, uốn khúc giống như một con rắn hổ mang khổng lồ mà thành tên gọi. Còn “Nhai” xuất phát từ “Cái” nghĩa là chợ. 

Do chữ Nôm của ta thiếu âm nên viết “Mang Cai” thành Mang Nhai tức là chợ bên sông Mang. Đến khi người Pháp đến đây, đã phiên âm thành Mon Kay, còn nhà nước sau này việt hóa thành Móng Cái.

Dòng sông Thác Mang trong tên gọi của người dân địa phương thì trên bản đồ quan phương có tên gọi sông Ka Long. Ka Long là một trong ba con sông chảy trên địa bàn tỉnh Hải Ninh xưa. Riêng sông Ka Long chạy từ Núi Ngọc đến Móng Cái. Năm 1905, ông Lagarue, một người Pháp, đã viết bài giải thích rằng, tên sông là Gia Long – vị vua sáng lập nhà Nguyễn.

Ông Đoàn Như Vĩnh bên cha – cụ giáo Đoàn Trấn. Ảnh: Trần Minh.

Có lẽ Hoàng đế Gia Long đã thấu hiểu việc lấn chiếm lãnh thổ từ phương Bắc nên đã coi chừng những người láng giềng quấy rầy của mình và nhà vua đã rất đúng đắn khi lấy tên của mình để đặt tên cho con sông mà ngày nay được gọi là Ka Long – Lagarue viết.

“Bằng cách gọi tên con sông là sông Ka Long, như vậy là nhà vua đã nghĩ đến việc xác định một cách vĩnh viễn những cột mốc để định địa giới đế chế của mình và tránh những việc lấn chiếm đất đai của thiên triều” (En l’appelant Song Gia Long il pensait ainsi fixer définitivement les bornes de son empire et éviter les empiètements des Célestes).

Địa linh ắt sinh nhân kiệt. Cụ Phan khi xuất dương Đông Du cũng đã qua Móng Cái. Tương truyền, cụ đã đến nhà và viết trên bàn thờ họ Đào một cặp đối liễn.

Vì ngẫu hứng, chỉ có mực mà không có nghiên, cụ Phan bẻ một nhánh gừng làm bút và đề: “Thánh thừa ngọc thị ứng thỉnh trung/ Phật ngự kim liên phù gia nội” (Ý nói lòng yêu nước thương dân của họ Đào như viên ngọc quý giữa đời thường, Phật ngồi trên tòa sen sẽ phù hộ cho cả gia tộc).

Oai trấn Hải Ninh

Ngày 24/11/2018, tôi dự Hội thảo về đền Xã Tắc ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Trong khi các đại biểu loay hoay với tấm bia ngôi miếu do Hoa kiều ở Móng Cái lập ra, để thờ thần bản địa của họ, thì tôi lưu ý với Ban tổ chức Hội thảo rằng trên bia có ghi Phủ úy Đào Đức Điển công đức 5 quan tiền xây dựng miếu này. Vậy Phủ úy Đào Đức Điển là ai? Đó là một nhân vật lẫy lừng của dòng họ Đào uy danh oai trấn Hải Ninh.

Lại ngược dòng lịch sử một chút, vùng đất này từ thế kỷ 17, có tên là châu Vạn Ninh. Tháng 6 năm 1888, châu Vạn Ninh được chia thành châu Móng Cái và châu Hà Cối, thuộc phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên. Đến tháng 6 năm 1906, chính quyền cai trị người Pháp tách phủ Hải Ninh ra khỏi tỉnh Quảng Yên, thành lập tỉnh Hải Ninh. Ban đầu, tỉnh Hải Ninh có ba châu: Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên. 

Tỉnh Hải Ninh tồn tại hơn 50 năm, đến ngày 30 tháng 10 năm 1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ 7, đã phê chuẩn hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới: tỉnh Quảng Ninh.

Vẫn Lagarue viết rằng, “vùng nằm giữa sông Tai Chi và sông Hà Cối thuộc về thủ lĩnh họ Ngô, vùng phía Tai Chi giao cho thủ lĩnh họ Đào và vùng phía đông sông Hà Cối thuộc về thủ lĩnh họ Nguyễn. Người ta vẫn còn biết những ngôi mộ của ba vị thủ lĩnh này”.

Truyền thống hiển hách nhiều đời của dòng họ Đào ở Móng Cái bắt đầu từ đây. Người họ Đào đầu tiên đến Móng Cái lập nghiệp là cụ Đào Đình Yết, tương truyền là hậu duệ của Đào Duy Từ.

Cụ Đào Đình Yết đã sinh cơ lập nghiệp tại thôn Vườn Trầu (nay là phố Vườn Trầu), thành phố Móng Cái. Tại đây, cụ Đào Đình Yết sinh được một người con trai là Đào Đức Điển, thông minh tài đức. Dưới triều vua Tự Đức nhà Nguyễn, Đào Đức Điển được phong làm Tri phủ kiêm Phó lãnh binh phụ trách quân sự, giữ gìn bờ cõi từ Móng Cái tới Uông Bí. Nhân dân địa phương thường gọi cụ là Cụ Phủ Đào. Châu bản triều Nguyễn còn ghi rõ những công lao của cụ Đào Đức Điển.

Năm Tự Đức thứ 22 (1869), Quyền quản Thủy đạo Hải Ninh Đào Đức Điển tự xuất 6 chiếc thuyền của nhà chiêu mộ thủy dung theo quân thứ đánh giặc. Đến năm Tự Đức thứ 26, Bộ Công tâu lên triều đình 3 chiếc thuyền vật liệu hư hỏng, xin sửa chữa.

Năm Tự Đức thứ 23 (1870), Bộ Binh tâu lên triều đình, theo lời bẩm trình của viên phủ Hải Ninh là Hoàng Đức Sĩ đã cho biết: Quyền quản Đào Đức Điển cùng Thông lại Đàm Đức Chiên, Quyền quản Hoàng Đình Tuy ra biển dẹp bắt 18 thuyền phỉ Mã Sơn, khiến hơn 1 tháng không thấy bóng dáng bọn phỉ quay lại.

Năm Tự Đức thứ 30 (1877), Phủ úy Đào Đức Điển đánh tiếp viện, tiêu diệt 200 tên phỉ nhà Thanh sang cướp phá ở xã Đại Dực thuộc Đồn Châu - Tiên Yên.

Nhờ công lao tiễu phỉ, năm Tự Đức thứ 32 (1879), Bộ Binh tâu lên triều đình đề nghị thăng chức cho Đào Đức Điển. Triều đình chuẩn y và thăng Đào Đức Điển thụ chức Cai đội tinh binh.

Ông Đào Đức Thanh trên đường Đào Phúc Lộc (Móng Cái) tháng 12 năm 2018.

Cụ Phủ Đào làm quan với tấm lòng nhân ái, nghĩa khí nên được nhân dân thương mến. Đến khi triều đình ký Hiệp ước Patenote (1884), quân Pháp chiếm đóng và cai trị Hải Ninh, Đào Đức Điển từ quan, bất hợp tác với giặc. Cùng thời gian đó, dòng họ Đỗ dấy binh chống lại quân Pháp. Cuối tháng 11 năm 1885, quân Thiên Địa Hội nổi lên chiếm thành Hổ Sơn trong 3 ngày. Những thất bại không làm cho người dân địa phương nao núng tinh thần. Sĩ phu Móng Cái truyền tụng trong dân chúng câu ca: “Sông Mang mà lòng chẳng mang/ Núi Hổ mà danh không hổ”. Những lời truyền tụng ấy sống trong lòng dân trải dài qua ba thế kỷ, mà người viết bài này được ông Đoàn Như Vĩnh đọc cho chép lại.

Đời nối đời vì nước

Cụ Đào Đức Điển có 7 người con trai và 3 người con gái, đều noi gương cha ông học hành thành tài, tham gia giúp nước.

Người con cả là Đào Quang Huấn năm 18 tuổi đã phụ trách việc cung cấp tiền lương, gạo thóc cho các đồn binh dọc biên giới. Một lần, bị giặc Tàu phục cướp, ông đã cùng binh sĩ chống trả quyết liệt, nhưng do ít quân nên ông sa vào tay giặc. Đào Quang Huấn bị chặt đầu ném xuống biển tại vùng núi Miếu. Nhân dân lập miếu thờ ông ở Gành Võ, nay thuộc huyện Hải Hà.

Người con thứ sáu là Đào Quang Thể (thường gọi là Cai Thể) đã tham gia phong trào Việt Nam Quang Phục hội của cụ Phan Bội Châu và là bạn thân thiết của cụ Nguyễn Thượng Hiền.

Tháng 1 năm 1917, ông Cai Thể lãnh đạo binh lính yêu nước làm cuộc binh biến ở đồn Móng Cái: tổ chức cho binh lính bỏ thuốc độc để giết sĩ quan Pháp. Sự việc bại lộ, ông bị giặc Pháp bắt và xử bắn cùng 11 đồng đội tại sân vận động Đông Trì. Trước khi chết, ông Cai Thể hô to: “Việt Nam đời đời độc lập”. Người dân Móng Cái đã lập miếu thờ “Thập Nhị Anh Linh” để tỏ lòng tôn kính.

Đời thứ tư, cháu nội cụ Phủ Đào, là Đào Chính Nam, từng học trường sĩ quan Hoàng Phố (Trung Quốc), được phong hàm Đại tá, Phó Tư lệnh Quân khu 4, dưới quyền Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn…

Đời thứ năm của họ Đào là Đào Phúc Lộc, người Đảng viên đầu tiên của Móng Cái, Trưởng phòng Tình báo đầu tiên của Bộ Quốc phòng, được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên Đào Phúc Lộc cũng đã được đặt cho một tuyến phố tại thành phố Móng Cái.

Ông Đào Đức Thanh, con trai của Đại tá Đào Chính Nam, mới từ Móng Cái trở về Hà Nội. Ông chuyển cho tôi phần tư liệu về thân sinh mình. Có một nét đặc biệt trong tiểu sử Đại tá Đào Chính Nam. Đó là năm 1949, ông được cử làm Tư lệnh Quân khu Đông Bắc. Địa bàn dưới quyền quản lý của ông về mặt quân sự lúc ấy cũng gần như tương đương với vùng đất mà ông nội – Phủ úy Đào Đức Điển đã quản cai hơn 70 năm về trước. Thế rồi, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Hiệu trưởng trường Lục quân Việt Nam mời ông về làm Hiệu phó cho mình. Ông nhận lời. Cuộc đời Đào Chính Nam làm Đại tá – Phó tướng dưới quyền những vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam: Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Thiếu tướng Trần Tử Bình… Ông là thầy dạy của nhiều vị tướng nổi danh sau này như Trung tướng Nam Long, Trung tướng – Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy, Trung tướng – Phó Thủ tướng Chính phủ Đồng Sĩ Nguyên.

Trong hồi ký viết về những ngày đầu binh nghiệp, Trung tướng Đặng Quân Thụy kể lại môn học Điều lệnh đội ngũ do thầy Đào Chính Nam trực tiếp giảng dạy:

“Điều làm chúng tôi hết sức thán phục là tuy thầy tuổi đã cao, sức khỏe có hạn, nhưng khi làm các động tác mẫu cho chúng tôi xem thì rất chuẩn xác và nhuần nhuyễn.

Có đồng chí học viên còn so sánh động tác thầy làm như các động tác của “nghệ sĩ múa”. Thầy dạy rất tỉ mỉ, chính xác từng động tác…”.

Khải Mông
.
.