Uber hóa và Uber hóa trong môi trường Đại học

Thứ Ba, 06/03/2018, 08:44
Sự xuất hiện gần đây của Uber và Grab đã gây nên nhiều tranh cãi và phản đối, đặc biệt là từ phía các hãng taxi truyền thống và cả một số nhà quản lý. 

Tiến sỹ Ngô Tự Lập sinh năm 1962 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải (Liên Xô, 1986), ông làm thuyển trưởng một tàu đổ bộ trước khi chuyển về Tòa án Quân sự Trung ương và học Đại học Luật Hà Nội.

Ngô Tự Lập nhận bằng Thạc sĩ văn chương tại École Normale Superieure de Fontenay/St. Cloud (Pháp, 1996) và Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn chương Anh tại Illinois State University (Hoa Kỳ, 2006).

Bắt đầu sáng tác năm 1989, Ngô Tự Lập làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu luận, sáng tác ca khúc và cũng là một dịch giả tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh.

Ông là tác giả và dịch giả của khoảng 20 đầu sách. Tác phẩm của Ngô Tự Lập được dịch và công bố tại nhiều nước như Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp, Ấn Độ, Thụy Điển, Canada, Trung Quốc, Thái Lan, CH Séc... Tập thơ song ngữ Anh-Việt của Ngô Tự Lập, Black Stars (Milkweed, USA, 2013), do Martha Collins và tác giả dịch, được đề cử giải PEN 2014 cho hạng mục thơ dịch (Poetry in Translation).

Ngô Tự Lập là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hiện nay là Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ.


Nhưng Uber hóa là một xu hướng đang trở nên ngày càng phổ biến trong tất cả lĩnh vực của xã hội. Giáo dục đại học dĩ nhiên cũng không phải là ngoại lệ - đó chính là điều chúng tôi muốn bàn trong bài viết nhỏ này.

Nhưng trước hết, hãy nói về Uber hóa nói chung. Cuộc cạnh tranh dữ dội giữa taxi truyền thống và taxi Uber hiện đang diễn ra ở Việt Nam thật ra đang phản ánh một cuộc đấu tranh có bản chất sâu xa hơn: cuộc đấu tranh giữa một phương thức kinh doanh cũ đang nhanh chóng trở thành lỗi thời với một phương thức kinh doanh mới thuộc về tương lai. 

Có thể nói rằng Uber hóa là một trong những biểu hiện tiêu biểu của nền kinh tế mới, hay cách mạng công nghiệp 4.0 như cách nói đang thời thượng hiện nay.

Ý tưởng trung tâm của Uber và Grab là huy động xe hơi cá nhân tham gia vào hoạt động vận tải hành khách công cộng, nhờ đó tăng hiệu quả sử dụng của chúng: chủ xe có thêm thu nhập, khách hàng được giảm cước phí, giao thông bớt ùn tắc, môi trường đỡ bị hủy hoại nhờ giảm bớt khí thải (một ý tưởng rất đáng được ủng hộ).

Thực ra ý tưởng này không mới. Từ nhiều thập niên trước, ở nhiều quốc gia đã có dịch vụ đi xe chung (tiếng Anh gọi là carpooling) - những người có nhu cầu sử dụng xe hơi tương đối giống nhau thỏa thuận đi chung xe để giảm chi phí mua, bảo trì và các chi phí khác liên quan đến xe hơi. Carpooling được nhiều chính phủ khuyến khích, nhưng trước kia không phổ biến lắm do việc kết nối hết sức phức tạp, khó khăn.

Chính những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, trong những năm gần đây đã cho phép giải quyết một cách hiệu quả việc tìm kiếm và kết nối giữa chủ xe và những người có nhu cầu sử dụng xe, biến ý tưởng này thành một hình thức vận tải đặc biệt hiệu quả. 

Rất nhiều quy định của chúng ta đang trở thành lạc hậu so với thực tiễn.

Nhưng taxi Uber và Grab chỉ là một ví dụ của xu hướng Uber hóa, mà, như chúng tôi đã viết ở trên, đang phát triển mạnh mẽ trong hầu như mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực cho thuê nhà ở chẳng hạn: những gia đình hoặc cá nhân có thừa một vài phòng ở trong một khoảng thời gian nhất định có thể thông qua một công ty dịch vụ kiểu Uber để cho những người có nhu cầu phù hợp thuê với cái giá thấp hơn so với giá khách sạn thông thường. 

Dịch vụ này giúp tăng thu nhập cho chủ căn hộ, tăng hiệu suất sử dụng của phòng ở nhưng người thuê cũng được hưởng lợi. Ý tưởng phát triển dịch vụ dùng chung cũng có thể áp dụng với những đồ vật hay dụng cụ khác.

Ở Pháp, chẳng hạn, từng có một trào lưu mua thuyền buồm. Hàng ngàn chiếc thuyền buồm được mua và neo buộc tại các cảng khắp nước Pháp nhưng tỉ suất sử dụng rất thấp. Liệu có cần hoặc có nên mua những chiếc thuyền đắt tiền như vậy để chỉ sử dụng một vài lần mỗi năm? 

Rộng hơn, sự nhận thức lại về môi trường khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: liệu có cần thiết không khi chúng ta sử dụng quá nhiều nguyên vật liệu để sản xuất những đồ vật ít khi dùng đến?

Điều này đúng ngay cả những đồ gia dụng thông thường. Ví dụ, trước đây mỗi gia đình thường có một bộ dụng cụ: một cái máy khoan, một cái cưa, một cái máy bơm... mà tỉ suất sử dụng rất thấp, có những đồ cả năm không hề sử dụng lần nào. Sẽ thông minh hơn nhiều nếu chúng ta thuê những dụng cụ này mỗi khi cần đến.

Xu hướng Uber hóa ảnh hưởng, hay ít nhất là liên quan, đến một lối sống mới đang hình thành: lối sống chia sẻ. 

Chẳng hạn, ngày càng có nhiều bạn trẻ họ không có chủ trương mua mà chỉ thuê nhà. Việc thuê nhà cho phép có thể sống trong những điều kiện tốt, dễ thay đổi tùy theo ý thích và công việc mà không đòi hỏi đầu tư lớn - điều cực kỳ quan trọng trong một xã hội không ngừng biến đổi, khi các cá nhân thường xuyên thay đổi nơi làm việc, thường xuyên di chuyển, thường xuyên thay đổi đối tác, không chỉ đối tác làm ăn mà cả đối tác trong quan hệ tình cảm.

Uber hóa là một xu hướng không thể tránh khỏi còn bởi vì trái đất của chúng ta đã quá tải, đã bị khai thác cạn kiệt. Uber hóa, vì thế, cũng là một thái độ văn minh trong ứng xử với thiên nhiên. Nó phản ánh sự trưởng thành đáng kể của nhân loại trong tư duy về tài sản. 

Trong quá khứ, do hoàn cảnh sống bấp bênh mà cội nguồn sâu xa là nền sản xuất thấp kém, người ta có xu hướng tích lũy tài sản càng nhiều càng tốt.

Thế nhưng khi cái nền sản xuất đã phát triển hơn, khi năng suất lao động đã cao hơn, khi điều kiện sống đã được đảm bảo, con người sớm hay muộn cũng sẽ nhận thấy rằng là việc tích trữ là không cần thiết.

Về điểm này, tôi thấy Marx đã tiên đoán rất chính xác. Nhiều người nghĩ rằng vì lòng tham của con người là vô bờ bến nên không thể có cái viễn cảnh đẹp đẽ “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” của chủ nghĩa cộng sản. 

Thế nhưng thực tiễn đang cho thấy rằng cuộc sống sẽ thay đổi. Khi phương thức sản xuất thay đổi thì tâm lý con người ta sẽ thay đổi. Khi mà nền kinh tế tri thức lên ngôi, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho phép đảm bảo ở mức cao các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, cái nhu cầu tích trữ và lòng tham tưởng chừng cố hữu của con người cũng sẽ ngày càng giảm đi.

Bây giờ xin trở lại đề tài của chúng ta, chủ đề giáo dục đại học. Gần đây, chúng ta bắt đầu nói nhiều về đại học 4.0. Các cuộc thảo luận đã đề cập đến nhiều khía cạnh mà chúng tôi sẽ không bàn đến ở đây.

Điều chúng tôi muốn bàn là xu hướng Uber hóa các nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và vật lực, trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Thế nhưng, theo chúng tôi, rất nhiều quy định của chúng ta đang trở thành lạc hậu so với thực tiễn.

Chẳng hạn, trong quy định về mở ngành đào tạo ở bậc đại học, Thông tư năm 2017 của Bộ GD-ĐT yêu cầu cơ sở đại học phải có tối thiểu 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ (ThS) trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó ít nhất 1 tiến sĩ (TS) và 4 ThS, hoặc 2 TS và 2 ThS cùng ngành đăng ký đào tạo. 

Thông tư này cũng quy định, giảng viên cơ hữu phải giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng chương trình đào tạo. Trong đảm bảo chất lượng, chúng ta cũng đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải đảm bảo một tỉ lệ giảng viên và diện tích sử dụng trên đầu sinh viên, học viên.

Chúng tôi cho rằng những quy định như vậy đã lỗi thời, bởi vì trong xã hội chia sẻ hiện nay, chúng ta cần phải tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, cả nguồn lực con người lẫn nguồn lực vật chất. bằng cách chia sẻ, hay nói cách khác là Uber hóa chúng, để nâng cao hiệu quả sử dụng, chứ không nên xem các nguồn lực đó như là những nguồn dự trữ.

Xin lấy ví dụ về giảng viên. Khi mở ngành, điều quan trọng nhất là nhu cầu của xã hội. Khi có người học thì sẽ có người dạy. Chúng ta cũng không nhất thiết phải quy định cứng nhắc về giảng viên cơ hữu, bởi vì các giảng viên chỉ đảm nhiệm một vài môn nhất định và điều quan trọng là họ giảng dạy như thế nào, chứ không phải là họ thuộc biên chế ở đâu.

Một số môn học có thời lượng rất ít trong mỗi chương trình, giảng viên phụ trách môn học ấy cần phải dạy cho nhiều trường. Quy định về ngày đúng và ngành gần cũng có vấn đề, bởi nó hạn chế tính sáng tạo của giảng viên, đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi tính liên ngành đang ngày càng trở nên một đòi hỏi của tất cả các ngày đào tạo.

Quy định cứng nhắc về giảng viên cơ hữu còn lỗi thời vì một xu hướng thậm chí còn quan trọng hơn: với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngay cả vai trò của người thầy cũng ngày càng trở nên không cần thiết nữa. Người học thậm chí không cần đi học. Điều quan trọng là nội dung bài học được người học tiếp thu như thế nào, chứ không phải là được tiếp thu ở đâu.

Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta chỉ cần công bố nội dung môn học cùng các yêu cầu cần phải đạt được sau khi hoàn thành môn học, còn người học có toàn quyền lựa chọn học ở đâu và dưới hình thức nào. Nếu người học thi đạt yêu cầu và tích lũy đủ số tín chỉ, họ có thể được cấp bằng.

Xu hướng Uber hóa cũng hiện hữu và nên được khuyến khích trong việc quản lý và khai thác các cơ sở vật chất, hậu cần. Hiện nay, mỗi trường đại học, mỗi viện nghiên cứu đều có những có sở vật chất tương tự nhau: hội trường lớn, hội trường nhỏ, phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, sân vận động, cung thể thao... 

Rất nhiều trong số những cơ sở vật chất đó có tỉ suất sử dụng rất thấp. Việc Uber hóa sẽ giúp chúng ta tổ chức, khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất và hậu cần hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, nhờ các ứng dụng của công nghệ thông tin, một nhóm các trường đại học và viện nghiên cứu có thể luân phiên sử dụng chung các hội trường, quảng trường, thư viện... Uber hóa không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các cơ sở vật chất, tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm nguồn lực, nó còn giúp cải thiện chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải thay đổi căn bản tư duy quản trị đại học. 

Ngô Tự Lập
.
.