Tuyên thệ nhậm chức

Chủ Nhật, 10/04/2016, 16:14
Hình ảnh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ ngay sau khi trúng cử trở thành điểm nhấn thổi luồng sinh khí mới tại kỳ họp Quốc hội lần này, khơi dậy ý nghĩa thiêng liêng và ý thức, lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Nhìn lại lịch sử, tuyên thệ thực ra đã có từ lâu, trở thành nét văn hoá truyền thống của dân tộc, đáng tiếc chúng ta đã lãng quên thủ tục và giá trị ấy suốt mấy chục năm trời…

Chính vì lãng quên nên khi nghi thức tuyên thệ được tái hiện tại kỳ họp Quốc hội lần này đã gây sự chú ý đặc biệt của đồng bào, cử tri cả nước. Sáng 2-4, ngay sau khi được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đại Quang tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Trần Đại Quang xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; nỗ lực làm hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”. 

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Tuyên thệ khác với phát biểu cảm tưởng - một hình thức dành cho người sau khi nhậm chức phát biểu cảm ơn sự quan tâm của cấp trên, của tập thể, đồng nghiệp; bày tỏ sự xúc động, vinh dự, tự hào; hứa quyết tâm phấn đấu hoàn thành chức trách được giao… 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ trước Quốc hội.

Phát biểu cảm tưởng không có quy định cụ thể mà thường cá nhân tự diễn giải, truyền đạt theo suy nghĩ của mình, cũng không có lễ nghĩa, nghi thức. Còn tuyên thệ được thực hiện theo nghi thức tuỳ theo từng cấp khác nhau, lời lẽ trong tuyên thệ phải ngắn gọn, nội dung phải rõ ràng: tuyên thệ trước ai, tuyên thệ điều gì. Việc quy định các chức danh lãnh đạo cấp cao của nhà nước phải tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu có ý nghĩa buộc người đã tuyên thệ phải thực hiện lời hứa của mình và là căn cứ đánh giá sau này.

Gần 10 năm trước, cũng tại diễn đàn Quốc hội, khi góp ý về việc lãnh đạo cấp cao của Nhà nước sau khi trúng cử, nhậm chức cần có tuyên thệ trước đất nước, trước nhân dân, đại biểu Dương Trung Quốc có nhắc đến hình ảnh “cột đá thề”. Ông nói, đọc trong sử cũng thấy có hội thề Đông Quan. 

Đến thời cận đại, kết thúc Quốc dân Đại hội Tân Trào thì Ủy ban Giải phóng dân tộc đọc lời tuyên thệ trước hòn đá thề mà bây giờ còn di tích ở trên Tân Trào, hay Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, sau đó toàn dân thề. Chính phủ đầu tiên cũng có lời tuyên thệ… 

“Ý tưởng tuyên thệ thực ra là trở lại những giá trị truyền thống chứ hoàn toàn không mới” – ông Dương Trung Quốc nói. 

Đến năm 2011, vào tháng 7, Quốc hội khoá XIII họp kỳ thứ nhất. Tại kỳ họp, bộ máy lãnh đạo cấp cao của Nhà nước được kiện toàn, trong đó có việc bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ được Quốc hội bầu. Đón đầu thời điểm, Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Trần Đình Huỳnh gửi tới báo chí và cơ quan chức năng thư ngỏ gửi ứng viên Chủ tịch nước và Thủ tướng.

Trong thư, ông Trần Đình Huỳnh bày tỏ: “Là một công dân, một nhà giáo đã nghỉ hưu, tôi nhận thấy ở kỳ họp lần thứ nhất của Quốc hội khóa XIII, theo Hiến pháp hiện hành của nước ta, hai vị sẽ có quyền và trọng trách rất lớn trước quốc dân về việc thành lập Chính phủ mới - một trọng trách gần giống việc Bác Hồ đã làm khi Người được Quốc hội khóa I giao cho thành lập chính phủ mới năm 1946”.

Từ đó, ông đề nghị, những đồng chí đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội tuyên thệ khi trúng cử, nhậm chức là việc nên làm, cần phải làm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc trúng cử, nhậm chức trước Quốc hội năm đó cũng giống như các khoá trước, không có tuyên thệ, thay vào đó là những phát biểu cảm tưởng.

Như vậy, tuyên thệ đã bị lãng quên mấy chục năm, qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trở lại lịch sử, 70 năm trước, khi thành lập Chính phủ kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã đọc lời tuyên thệ nhậm chức: “Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”. 

Người cũng đưa ra những tuyên bố với những cam kết rất mạnh mẽ: “Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan, phát tài”.

Với tầm nhìn của một nhà chính trị lỗi lạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lường trước căn bệnh trầm kha của mọi nhà nước ở tất cả các chế độ cũng có thể nhiễm vào Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời, hằn sâu trong tâm trí nhân dân về căn bệnh quan liêu, tham nhũng. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ trước Quốc hội.

Bởi vậy, Người tuyên bố: “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”.

Những lời tuyên bố, tuyên thệ của Bác Hồ cho thấy dũng khí của người “cầm lái” con thuyền cách mạng khi đi thẳng vào vấn đề mà người dân mong mỏi nhất nhưng với người lãnh đạo lại thường không dễ hứa và cam kết trước quốc dân đồng bào: “Phải là một Chính phủ liêm khiết”, “không phải là kẻ tham quyền cố vị”. Trong tình hình hiện nay, thiết nghĩ nếu người lãnh đạo tự tin đưa ra tuyên bố ấy chắc chắn sẽ có sức mạnh to lớn quy tụ lòng người. 

Khi bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân, vấn đề tuyên thệ lại được đặt ra. Khác với những lần trước, các ý kiến góp ý tầm quan trọng của tuyên thệ và cần đặt ra quy định ngay trong Hiến pháp. 

Điều  này nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu Quốc hội và Hiến pháp chính thức quy định việc tuyên thệ. Điểm 7, Điều 70 ghi rõ: “Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”. 

Như vậy, chủ thể tuyên thệ gồm 4 chức danh, nội dung tuyên thệ có thể bổ sung những điểm khác nhau theo từng chủ thể song bắt buộc phải tuyên thệ “trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”. 

Tại nghi thức tuyên thệ, có 3 cảnh vệ thực hiện việc rước cờ Tổ quốc đi trước, 2 người đi sau mang quyển Hiến pháp đặt trên bục tuyên thệ. Khi đọc lời tuyên thệ, người tuyên thệ phải đặt tay trái lên Hiến pháp, tay phải bẻ vuông, hướng lòng bàn tay ra phía trước. Khi thực hiện nghi thức, lãnh đạo sẽ đọc lời tuyên thệ, đồng thời tay phải giơ cao, tay trái đặt lên cuốn Hiến pháp màu đỏ.

Không phải mang tính hình thức, lễ nghi như một số quan niệm, tuyên thệ là lời hứa thiêng liêng của người được bầu giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước trước lá cờ Tổ quốc - lá cờ đã từng thấm máu đỏ của nhiều thế hệ, là hồn thiêng của núi sông, trước những người đã tín nhiệm bỏ phiếu bầu ra mình nên thể hiện ý nghĩa lớn lao. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trước Quốc hội.

Tuyên thệ cũng là giờ phút thiêng liêng của người lãnh trọng trách trước quốc gia để sau này làm gì cũng cần nghĩ đến điều mình đã hứa trước quốc dân, đồng bào sao cho trọn bổn phận, cho đúng những gì đã cam kết, giống như lằn ranh đỏ buộc người lãnh đạo đã tuyên thệ là phải tuân thủ.

Tại các nước, nghi lễ tuyên thệ nhậm chức, tuyên thệ cũng diễn ra trang trọng. Ví dụ, Tổng thống Mỹ khi đọc lời tuyên thệ thường đặt tay trái lên quyển kinh thánh, tay phải giơ ngang đầu. Trong khi đó, Tổng thống Nga thường đặt tay phải lên quyển Hiến pháp Liên Bang Nga và tuyên thệ. 

Khi Washington trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ năm 1789, ông đã tổ chức tuyên thệ nhậm chức tại New York City. Những lời tuyên thệ nhậm chức của các tổng thống Mỹ được quy định cụ thể trong Hiến pháp Mỹ. 

Để nhận trách nhiệm của mình, tân Tổng thống Mỹ phải tuyên thệ: “Tôi xin thề thực hiện trung thực nhiệm vụ Tổng thống Mỹ và sẽ làm hết sức mình để gìn giữ, che chở và bảo vệ Hiến pháp của nước Mỹ”. 

Phần lớn các Tổng thống Mỹ đặt tay lên một quyển kinh thánh, truyền thống này bắt đầu từ thời Tổng thống George Washington sau khi có nhiều ý kiến cho rằng tuyên thệ nhậm chức mà không có kinh thánh là thiếu hợp pháp. Washington cũng là một trong những tổng thống đầu tiên của Mỹ hôn Kinh thánh và nói thêm: “Xin Chúa hãy giúp con” khi kết thúc lời tuyên thệ.

Tuy nhiên, xem nghi lễ tuyên thệ vừa qua ở ta cũng cho thấy còn những vấn đề cần hoàn thiện hơn. Chẳng hạn, khi người lãnh đạo tuyên thệ, những người có mặt trong Hội trường Quốc hội cần phải đứng trang nghiêm (giống như nghi lễ chào cờ), thay cho việc ngồi như hiện nay. 

Trên bục tuyên thệ cần phải đảm bảo tính thiêng liêng, do đó đoàn chủ tịch điều hành phiên họp (chủ tịch, phó chủ tịch Quốc hội) không nên ngồi ở phía trên khi diễn ra lễ tuyên thệ. Việc tuyên thệ không chỉ hứa trước Quốc hội mà còn đối với đồng bào, cử tri nên cần thiết truyền hình trực tiếp để người dân được chứng kiến, theo dõi.

An Nhi
.
.