Tự xuất bản: Một thời đại ai cũng là tác giả

Chủ Nhật, 04/08/2019, 10:22
Một trong những khoảnh khắc đã thay đổi ngành xuất bản là khi "triết gia đích thực cuối cùng trên Trái đất", ngài Henry David Thoreau không thể tìm được một nhà xuất bản nào chịu đỡ đầu cho cuốn du ký "Một tuần trên những con sông ở Concord và Merrimack".


Không còn cách nào khác, Thoreau tự ấn hành tựa sách của mình. Ông mất 4 năm để có thể trả nợ nhà in. Sau 4 năm, người ta chuyển tới cho ông số sách ế còn lại. Một cách tự trào, ông viết: "Giờ đây tôi có hẳn một thư viện với 900 cuốn sách, trong số đó có 700 cuốn là sách của tôi".

Tự xuất bản là một trào lưu hiện đại. Nhưng không có nghĩa nó chỉ mới xuất hiện vài năm nay. Thực tế, tuổi đời của thuật ngữ này có lẽ cũng lâu gần bằng với thuật ngữ "xuất bản". 

Lần đầu tiên khi bản thảo cuốn tiểu thuyết vĩ đại Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen được gửi tới một nhà xuất bản, gia đình bà đã có nhã ý tự chi trả nhằm "giảm thiểu mức độ rủi ro tài chính" cho nhà xuất bản ấy.

Ngay ấy đã vậy, nói chi bây giờ. Sự phổ cập của công nghệ in ấn và sự phát triển của internet khiến cho việc tự xuất bản quá đỗi dễ dàng. Chỉ cần khoảng 4,99 USD là đủ để bạn mua một ứng dụng có thể biến bản thảo đánh máy của mình thành dạng thức một cuốn sách. Nếu không có chi phí in ấn, bạn cũng chỉ mất khoảng vài giờ để tải cuốn sách của mình lên Amazon và bắt đầu tự bán nó.

Ở Việt Nam, tự in sách ngày càng nhiều. Một số bên phát hành độc lập tự cho in lại những tác phẩm dịch không còn bán trên thị trường, như Tôi là con mèo của Natsume Soseki, Một nỗi đau riêng của Kenzaburo Oe, Những di chúc bị phản bội của Milan Kundera,... 

Lấy cớ "lưu hành nội bộ" nhưng thực tế những cuốn sách này vẫn được trao đổi ngầm trên thị trường.

"Bên phía nhà Swann" - tập 1 của bộ tiểu thuyết đồ sộ "Đi tìm thời gian đã mất" từng được tự xuất bản bởi tiền túi của tác giả.

Thôi thì bỏ qua những nhập nhèm về bản quyền của việc in lại những tác phẩm dịch như trên, đáng nói hơn trong trào lưu tự xuất bản là việc xuất hiện những bạn trẻ táo bạo chọn cách tự viết, tự biên tập, thiết kế, in ấn, xin giấy phép và phát hành.

Như Spiderum, một diễn đàn thu hút nhiều 9X đam mê viết, đến nay đã tự xuất bản được 2 tuyển tập. Thậm chí khi tuyển tập đầu tiên, Dăm ba cái tuổi trẻ ra đời, Spiderum đã tổ chức một buổi giao lưu với tên gọi Từ anh hùng bàn phím đến anh hùng bàn giấy, như một lời tuyên ngôn ai cũng có thể trở thành tác giả.

Nhưng liệu, có thực rằng ai cũng có thể trở thành tác giả?

So với những hoạt động sáng tác khác, chẳng hạn như viết nhạc, thì viết lách dường như vẫn chưa được giải thiêng. Trong khi những ban nhạc độc lập từ lâu đã được công nhận là nghệ sĩ, thậm chí khi so sánh với các nghệ sĩ chính thống, họ còn được ngợi ca là có bản sắc và tiếng nói không pha tạp, thì những tác giả độc lập (tạm hiểu là những người tự xuất bản) lại không có được uy tín nghề nghiệp như một tác giả được o bế bởi những nhà xuất bản chính danh.

Một thời gian dài trong lịch sử, biết chữ là một đặc quyền chỉ dành riêng cho những gia tộc kim phấn và tầng lớp trí thức tinh hoa. Sự "thiêng" của chữ nghĩa có lẽ chăng cũng bắt nguồn từ việc nó từng không được phổ cập. 

Như ở Việt Nam ngày trước, mỗi khi viết người ta thậm chí còn đốt nến, xông hương. Không ai dám cả gan đặt chân lên sách vì như thế là mạo phạm với tiền nhân, với thánh hiền.

Vì thế, thật khó mà chấp nhận cái ý niệm rằng, giờ đây ai cũng có thể làm tác giả. Từ "xuất bản" trở nên mất giá trị hơn bao giờ hết. Không cứ xuất bản sách mới là xuất bản, đến cả facebook, wordpress cũng dùng từ "publish" - xuất bản luôn. 

Có câu chuyện rằng, trong một bữa tiệc, nữ văn sĩ Margaret Atwood mới làm quen với một bác sĩ phẫu thuật não. Vị bác sĩ nói với Atwood, sau này khi về hưu ông cũng sẽ... viết sách. Atwood cười đáp, vậy khi tôi nghỉ hưu tôi sẽ làm bác sĩ phẫu thuật.

Lời của Atwood có chiều đả kích. Ai cũng biết bà là một trong những tác giả xuất chúng nhất của văn đàn đương đại. Thế mà, vị bác sĩ kia chỉ cần bỏ ra vài đồng là cũng có thể tự in sách, cũng trở thành tác giả như ai.

Trước nay, ta vẫn phải nực cười khi thấy những cây bút cỡ như Gào, như Phan Ý Yên, Hamlet Trương, Hạ Vũ vẫn tự gắn cái mác "nhà văn" lên danh xưng, trong khi Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Triều Hải thì cũng chỉ là "nhà văn" thôi chứ còn là nhà gì được nữa. 

Một nhà báo từng nói với tôi rằng, hình như văn chương giờ đây giống như đồ trang sức phù phiếm của một số người. Vâng, đúng thế. Vậy thì, với trào lưu tự xuất bản, sự tự do văn chương sẽ còn cổ súy người ta đánh bóng danh xưng đến mức nào nữa đây?

Đó là chưa kể chúng ta đang sống trong một nền văn hóa "bạn có thể". Những slogan quảng cáo, những cuốn sách self-help bày bán nhan nhản lúc nào cũng ra rả những lời thôi thúc hấp dẫn mà lừa mị: ai cũng có thể làm ngôi sao, ai cũng có thể thành tỉ phú, ai cũng có thể làm bất cứ điều gì họ muốn và cuối cùng là, ai cũng có thể thành tác giả.

Giới tự xuất bản cũng có lời bào chữa cho mình. Họ bảo, này nhé, bao nhiêu nhà văn lớn đều đã từng tự xuất bản: Stephen King, Edgar Allan Poe, Mark Twain. Nhưng, họ lại không kể nửa sự thật còn lại, là cuốn sách King tự xuất bản là cuốn sách của ông năm 15 tuổi, chưa bao giờ nổi danh.

Còn với Edgar Allan Poe, thậm chí là một cuốn sách ông không đề tên của mình và nếu không phải sau này được tiết lộ nó là bút tích của Poe thì đã không được ai chú ý. Và Mark Twain ư? Đúng là ông đã tự xuất bản Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn nhưng ông tự xuất bản nó khi đã là tác giả hạng nhất, đã có cả tá đầu sách do những bên uy tín ấn hành.

Sự thẩm định của nhà xuất bản không phải lúc nào cũng sáng suốt, chuyện này ta sẽ bàn tiếp ở phần cuối bài viết này. Nhưng, tôi nhớ khi phỏng vấn Viet Thanh Nguyen, nhà văn gốc Việt đầu tiên được trao giải Pulitzer cho dòng sách hư cấu, anh đã kể rằng tập truyện ngắn Người tị nạn (đã được dịch và ấn hành ở Việt Nam) anh ròng rã viết suốt 17 năm, vậy mà khi giao bản thảo cho người biên tập, anh đã nói một câu: "Nếu nó hay, anh hãy xuất bản nó. Nếu nó không hay, tôi chấp nhận cuốn sách sẽ không bao giờ được xuất bản".

Biếm họa về cái chết của những nhà xuất bản khi tự xuất bản lên ngôi.

Ở một tầm cỡ như vậy nhưng Việt cũng không dám khẳng định những gì anh viết đã là đáng để in ra. Tất nhiên, anh càng không nghĩ tới sẽ xuất bản những thứ bị từ chối. Bạn đọc thư trao đổi giữa F. Scott Fitzgerald và biên tập viên Maxwell Perkins, mới thấy rằng một tiếng nói thứ ba là quan trọng đến đâu với một người cầm bút.

Ta không phủ nhận tự xuất bản. Tự xuất bản thực chất là một trào lưu văn minh, tất nhiên cũng như mọi thứ văn minh mà con người từng phát kiến, như internet, tivi, ngân hàng, dân chủ, nữ quyền, tất cả đều chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn. Nhưng chỉ xin kết lại bằng một câu chuyện thế này. Tôi có một người bạn trẻ đam mê triết học, anh Phạm Tấn Xuân Cao, chủ một blog về hiện tượng học.

Quen nhau sơ sơ trên mạng xã hội, một hôm tôi thấy anh chia sẻ dòng trạng thái, rằng anh có dịch một tác phẩm triết học về siêu hư cấu, bản dịch ấy đã được gửi tới một nhà xuất bản uy tín nhưng đợi mãi, đợi mãi mà cuốn sách vẫn chưa thành hình. Thất vọng, anh tự in trước vài bản để lấy lại động lực chữ nghĩa gian nan. 

Vì anh nghiên cứu về đề tài mà tôi quan tâm nên tôi cũng đặt mua một cuốn. Tác phẩm xuất sắc nhưng đọc khó vô cùng và tôi cũng lờ mờ đoán được tại sao nhà xuất bản vẫn dè dặt chưa in nó.

Một nhà xuất bản, xét cho cùng vẫn là một doanh nghiệp. Họ cũng phải tính toán. Cái tính toán ấy đôi khi lại là trở lực của những tác phẩm có giá trị song khó tiếp cận với số đông. Còn hành động tự xuất bản, nó vượt khỏi lề thói của việc bán mua mà phần nhiều xuất phát từ một đam mê vô cùng thuần khiết.

Như Marcel Proust ngày đó vật vã với cuốn Bên phía nhà Swann không ai chịu đỡ đầu, thành thử ông đành lấy tiền túi ra in nó. Sau này, André Gide - cây đại thụ văn chương và cũng là chủ nhà phát hành La Nouvelle Revue Francaise - đã viết thư tay trao cho Proust, xin lỗi ông và nói việc từ chối Bên phía nhà Swann là "sai lầm nghiêm trọng nhất của La Nouvelle Revue Francaise". 

Tôi tự hỏi nếu Proust không có niềm đam mê vô điều kiện ấy, nếu Proust không có niềm tin bất khả lay chuyển vào bộ ký ức đồ sộ miên man của mình thì sẽ ra sao?

Tất nhiên, ngàn kẻ đam mê mới có một kẻ thực sự có tài cỡ Proust. Và, theo đuổi đam mê đã khó, tỉnh táo với đam mê lại khó gấp trăm lần.

Hiền Trang
.
.