Từ việc nhà sáng lập WikiLeaks bị bắt: Trò chơi ú tim của các chính quyền

Thứ Năm, 25/04/2019, 17:38
Vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange ở London đã chìm đi nhanh chóng, trong một sự thờ ơ đáng kinh ngạc. Không còn chính quyền nào muốn dính dáng vào vụ việc rắc rối này và khi nhìn lại toàn bộ câu chuyện, bất cứ ai cũng có thể hiểu vì sao.


Vụ bắt giữ bất ngờ

Ngày 11-4 cảnh sát Anh bắt Julian Assange ngay tại tòa đại sứ Ecuador ở London. Đây là nơi sáng lập viên WikiLeaks ẩn náu từ năm 2012. 

Julian Assange, 47 tuổi, lập ra trang mạng WikiLeaks từ năm 2006. 3 năm sau, trang mạng này cho công bố hàng trăm ngàn tài liệu mật trong các lĩnh vực quân sự và ngoại giao của Mỹ, gây nên một cơn địa chấn. Chính quyền Mỹ lập tức đưa ông vào diện truy nã khiến Assange phải trốn chạy khắp nơi trên thế giới.

Là một công dân Australia, Assange còn bị cảnh sát quốc tế truy nã vì tội hiếp dâm. 

Tòa án ở Thụy Điển đã từng đưa ra lệnh truy tố Assange về tội danh này nhưng đến năm 2017 thì ngừng tiến hành điều tra. Từ năm 2012 ông sống trong tòa đại sứ Ecuador ở London nhưng gần đây, quan hệ giữa Assange và các nhân viên ngoại giao của đất nước Nam Mỹ này trở nên căng thẳng. 

Người sáng lập WikiLeaks tố cáo nước chủ nhà giới hạn đáng kể những quyền tự do cá nhân của ông. Trong khi đó, Chính phủ Ecuador tố cáo Assange biến tòa đại sứ của mình thành “hang ổ của gián điệp” và “có những hành vi không đúng mực với các cán bộ ngoại giao” Ecuador.

Việc bắt giữ Assange chỉ được tiến hành khi chính quyền Ecuador hủy bỏ quyền tị nạn chính trị của nhà sáng lập WikiLeaks. Một hành động mà nhiều người coi là sự phản bội, đối với một “người hùng của thế giới”.

Ngay sau khi bị bắt giữ, cảnh sát Anh đã đưa Assange trình diện tại một tòa án ở quận Westminster, London. 

Vụ bắt giữ Julian Assange gây ra những phản ứng trái chiều.

Tại phiên tòa, thẩm phán đã kết tội ông vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012, sau khi có yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển về cáo buộc ông xâm hại tình dục phụ nữ. 

Theo luật, Assange có thể đối mặt với án tù lên tới 12 tháng vì tội danh này. Mặc dù chính quyền Anh cho biết sẽ bảo đảm các quyền của ông theo đúng pháp luật nhưng người ta có thể thấy ngày bị giải về Mỹ của Assange đã đến rất gần. 

Bởi, chính trong ngày hôm đó, Bộ Tư pháp Mỹ lập tức đưa ra cáo buộc Assange về tội đánh cắp dữ liệu và yêu cầu dẫn độ. Dựa trên mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Anh và Mỹ, ai cũng biết điều gì sẽ xảy ra.

Kẻ thù của nước Mỹ

Julian Assange bắt đầu được biết đến từ năm 2009, khi ông có được từ Chelsea Manning, một cựu sĩ quan tình báo Mỹ 750.000 trang tài liệu dạng mật về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq. 

Trong đó, có điều được Tổ chức Bác sĩ không biên giới mô tả là “tội ác chiến tranh”. Manning lập tức bị chính quyền Mỹ bắt giữ tháng 5-2010 với 20 tội danh. Sau đó WikiLeaks bắt đầu công khai một lượng lớn các bức thư điện tử của Bộ Ngoại giao Mỹ, với các thông tin từ khoảng 270 đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ. 

Những tài liệu này cũng tiết lộ nhiều thông tin mật liên quan đến bà Hillary Clinton - Ngoại trưởng Mỹ khi đó, cho thấy nhiều uẩn khúc trong quan hệ Ngoại giao của Mỹ với cả các đồng minh lẫn đối thủ.

Uy tín lớn của WikiLeaks khiến họ nhận được sự giúp sức từ các nguồn tự do khác. Cuối tháng 12-2011, một nhóm hacker nặc danh tự xưng là Anonymous đã tấn công Stratfor - một công ty tình báo tư nhân tại Austin thường bán các thông tin tình báo cho Bộ Quốc phòng Mỹ và các khách hàng khác. 

Nhóm Anonymous đã chuyển các thông tin này cho WikiLeaks công bố. Nhưng, FBI đã tìm ra thành viên Jeremy Hammond của nhóm, vốn là một nhà hoạt động chính trị tại Chicago. Hammond bị kết án 10 năm tù giam.

Tiếp đó, những thông tin về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) đã gây tác động lớn đến chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Rồi thông tin liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 hay những công cụ theo dõi của CIA năm 2017, tất thảy đều làm rúng động chính quyền Mỹ. Vì thế, suốt bao năm qua, ông trở thành đối tượng bị truy đuổi của chính quyền Mỹ bất chấp sự ủng hộ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Assange chỉ thực sự có được sự an toàn vào tháng 6/2012 khi chính quyền thiên tả của Tổng thống Ecuador khi đó - Rafael Correa - cho phép ông hưởng quy chế tị nạn tại đại sứ quán nước này ở London, điều kéo dài đến tận gần đây.

Tuy nhiên, thời thế đã khác.

Khi kẻ thù của kẻ thù chưa chắc đã là bạn

Lenin Moreno, tổng thống đương nhiệm của Ecuador vốn cũng là một lãnh đạo thiên tả. Song, kể từ khi lên nắm quyền, những điều tiếng về vị phó tổng thống năm xưa ấy bắt đầu xuất hiện. 

Thật bất ngờ, chính WikiLeaks trong thời gian gần đây lại công bố những thông tin về tệ tham nhũng của chính quyền Moreno. Có lẽ điều này cùng với khoản chi phí khổng lồ bỏ ra để “bảo vệ” cho Assange, đã khiến chính quyền Ecuador quyết định “vứt đi cục nợ”.

Hình ảnh 7 nhân viên an ninh bế bổng Julian Assange bê ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London hôm 11-4 đã gây nên những dư luận trái chiều. 

Julian Assange, sau hơn 2.200 ngày lưu trú tại Đại sứ quán Ecuador ở London đã trở nên già nua và tiều tụy hơn rất nhiều so với hình ảnh trẻ trung và đầy sức sống của mình, trong lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc họp báo chính thức cũng tại nơi này năm 2012.

Cảnh sát Anh ập vào bê Julian Assange ra khỏi Đại sứ quán Ecuador.

Với quyết định bỏ rơi Assange, chính quyền Moreno ngay lập tức hứng chịu sự chỉ trích. Cựu tổng thống, người tiền nhiệm và có thể nói là cấp trên của Moreno ngày trước, ông Correa đã gọi thẳng đây là “sự phản bội những giá trị dân chủ”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thì gây bất ngờ khi tuyên bố: "Tôi thực sự không biết gì về ông ta cả”, cho dù vào năm 2016 ông còn nói: “Tôi yêu WikiLeaks” (bởi những thông tin khi đó, tiêu cực đối với chính quyền của đảng Dân chủ, đem đến nhiều lợi thế cho ông trong cuộc đua vào ghế tổng thống). 

Chính quyền Australia thì nhẹ nhàng đưa ra thông báo sẽ làm việc với nhà chức trách Anh để bảo đảm quyền lợi của công dân nước mình. Liên minh châu Âu thì cho biết sẽ theo dõi sát vụ việc. Trong khi đó, cơ quan công tố Thụy Điển nói sẽ cân nhắc mở lại cuộc điều tra nhằm vào ông Assange trước các cáo buộc tấn công tình dục.

Cho đến lúc này, chỉ có duy nhất Nga lên tiếng yêu cầu chủ nhân WikiLeaks vẫn được đảm bảo các quyền nhất định sau khi bị bắt. Dĩ nhiên, tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất đến từ những người ủng hộ Assange khắp thế giới, những người bình thường.

Những phản ứng này không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, sự “lật mặt” bất ngờ từ 2 tác nhân quyết định số phận của Assange là chính quyền Ecuador và Mỹ thì thực sự đáng để lưu ý.

Lenin Moreno khi lên nắm quyền đã đảm bảo sẽ bảo vệ Assange vì những giá trị dân chủ. Trong cuộc bầu cử năm 2014, thậm chí chính tuyên bố bảo vệ Assange đã giúp Moreno vượt lên các đối thủ ở phe cánh hữu, vốn được Mỹ ủng hộ. Nhưng giờ, khi thấy gánh nặng ngày càng lớn, ông đã phủi tay. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi lên nắm quyền lại vướng phải rắc rối vì những tiết lộ của WikiLeaks liên quan tới chính quyền của mình, nhất là các thông tin quanh các tranh cãi về sự dính dáng của Nga trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, giờ cũng đã xóa ngay hình ảnh Assange ra khỏi bộ nhớ.

Rõ ràng, số phận của Assange hay những giá trị dân chủ đã không được đếm xỉa đến trong hoàn cảnh này. Những thông tin WikiLeaks đưa ra không được “kiểm duyệt” và chúng làm cho chính những chính quyền đang hoặc có ý định bảo vệ Assange cũng cảm thấy không an toàn.

 Điều này làm người ta nhớ lại số phận hẩm hiu của một “người hùng dân chủ” khác: Edward Snowden vào năm 2013.

Khi đó, sau khi cũng công khai những bí mật về chương trình theo dõi người dân của chính quyền Mỹ, Snowden đã phải đào thoát sang Hong Kong, Trung Quốc. 

Từ tháng 3 đến tháng 6-2013, Trung Quốc đã che chở cho kẻ đào tẩu này khi những tiết lộ của Snowden giúp Bắc Kinh “phản pháo”: Trung Quốc là nạn nhân của các vụ tấn công mạng từ Mỹ chứ không phải như cách mà chính quyền Mỹ vẫn đổ cho Bắc Kinh. 

Tuy nhiên, khi những thông tin mà Snowden đưa ra ngày càng nóng, sức ép ngày càng lớn từ phía Mỹ cùng với sự quan tâm của người dân Trung Quốc cho sự việc này vượt qua mức độ mong muốn của chính quyền, Snowden đã buộc phải đến Nga và tị nạn ở đây từ đó tới giờ. Có điều, kể từ đó, không một thông tin nào gây bất lợi cho ai được tiết lộ nữa. Snowden đã chọn một cuộc sống yên bình.

Vụ bắt giữ Julian Assange, nói theo cách của chính quyền Anh, là một hành động đảm bảo sự công bằng của luật pháp. Tất nhiên, người Anh có lý của mình khi Assange đã trốn tránh lệnh truy nã của tòa án Thụy Điển khi được yêu cầu. Nhưng như người ta vẫn nói: Luật pháp có nhiều cách để diễn giải cho những mục đích khác nhau.

Từ giờ, Assange sẽ phải tự lo cho mình thôi... 

Tử Uyên
.
.