Từ những tấm biển hiệu đến tư duy quản lý đô thị

Thứ Tư, 22/06/2016, 08:36
Cuộc tranh cãi về kích thước và màu sắc của những tấm biển hiệu ở phố Lê Trọng Tấn vừa qua, theo tôi, là một dấu hiệu đáng mừng. 

Điều đáng mừng trước hết, đó là sự cởi mở, là sự tham gia tích cực của người dân vào đời sống xã hội - cũng tức là sự mở rộng dân chủ. Nhưng đáng mừng hơn, đó là nỗ lực tìm tòi của những người quản lý. Rõ ràng, trong chuyện này, những người quản lý đã có sáng kiến nhằm cải thiện không gian đô thị, cụ thể là tạo ra một khu phố có bản sắc. Đó chính là tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng - phẩm chất đầu tiên cần phải có ở những nhà quản lý.

Ta thường nghĩ rằng bản sắc văn hóa chỉ là những gì tự nhiên mà có. Điều đó dĩ nhiên chẳng có gì sai. Văn hóa hình thành cùng với một cộng đồng người và dù hay hay dở cũng gắn liền với cộng đồng ấy. 

Trong cuộc sống, thông qua những hoạt động đa dạng của mình, mỗi thành viên của cộng đồng đều tham gia vào việc xây dựng văn hóa. Tuy nhiên, trong một cộng đồng, cho dù là một cộng đồng dân chủ nhất, các thành viên không bao giờ bình đẳng tuyệt đối. Những thành viên có nhiều quyền lực hơn sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến văn hóa cộng đồng. Như thế, văn hóa cộng đồng cũng là sự phản ánh của cơ cấu quyền lực.

Khi nói đến quyền lực, tôi muốn nói đến nhiều loại quyền lực khác nhau. Nhưng thứ quyền lực dễ nhận thấy nhất và có ảnh hưởng trực tiếp nhất là quyền lực chính trị. Trên thực tế, bản sắc nhiều khi bắt đầu bằng quyết định của chính quyền hay người lãnh đạo. 

Chẳng hạn cái sạch của Singapore bắt đầu bằng những quy định ngặt nghèo, và vẻ đẹp của Paris mà chúng ta khâm phục hôm nay cũng một phần quan trọng là nhờ công lao quy hoạch của các kiến trúc sư và những quy định chặt chẽ của chính quyền về các công trình xây dựng trong thành phố.

Ở Nga, Pyotr Đại đế từng có quy định yêu cầu thị trưởng phải thường xuyên tổ chức vũ hội và buộc dân chúng uống cafe để học theo lối sống các nước Tây Âu. Tương tự như vậy, ở Việt Nam, những nỗ lực hiện đại hóa lối sống của người Việt do triều đình nhà Nguyễn chủ trương còn lưu lại trong câu ca dao:

Chiếu vua vừa mới ban ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng...

Như thế, trong một chừng mực nào đó có thể nói rằng văn hóa của một cộng đồng chính là sự phản ánh văn hóa của những người lãnh đạo. Tất nhiên văn hóa còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác, và mối quan hệ giữa văn hóa và quyền lực không phải là một mối quan hệ đơn giản, nhưng một thành phố chỉ có thể văn minh nếu những người lãnh đạo văn minh. 

Ngược lại, những nhà lãnh đạo thành phố thiếu hiểu biết, kém thẩm mỹ hay thiển cận về chiến lược phát triển, sớm hay muộn cũng khiến nó trở nên nhếch nhác, xấu xí và bế tắc.

Theo tôi, các đô thị Việt Nam hiện nay đều trong tình trạng hết sức lộn xộn. Không chỉ kiến trúc, quy hoạch, mà cả giao thông, môi trường, lối sống cũng hết sức tùy tiện. Vì thế, những nỗ lực nhằm giảm bớt sự lộn xộn, tùy tiện trong cuộc sống đô thị là rất đáng trân trọng. 

Chúng ta cũng thường nghĩ đến các quy định của chính quyền như những chính sách lớn, tốn kém và khó thực hiện. Thật ra có những quy định rất giản dị, dễ thực hiện, và về mặt tài chính không những không tốn kém mà còn có hiệu quả kinh tế cao. Một trong những thay đổi nhỏ nhưng hiệu quả cao và rất đáng trân trọng là sân ga Hà Nội. 

Rất nhiều công trình, nhà cửa, bến xe, biển chỉ đường...

Những ai từng lên tàu ở ga Hà Nội trước đây đều nhớ: muốn lên tàu, chúng ta phải băng qua rất nhiều đường ray, những thanh tà vẹt, những cục đá lổn nhổn, rồi trèo lên toa tàu cao ngang bụng. Với người đi tay không, điều đó đã khó, còn khó hơn gấp bội nếu bạn có một chiếc va li. Nhưng đó là việc hành khách đều phải làm - cho dù khách là một em nhỏ, một phụ nữ có thai hay một người già bệnh tật. 

Thực trạng đó đã kéo dài hàng chục năm, có lẽ đến gần trăm năm. Mãi cách đây mấy năm, nhà ga mới quyết định tôn sân ga cao ngang mặt sàn tàu. Bây giờ, hành khách có thể ung dung kéo va li đến tận cửa toa tàu và nhẹ nhàng khởi hành. Ai đưa ra quyết định đó? 

Có người nói với tôi: ông Đinh La Thăng. Tôi không dám chắc, nhưng có lẽ đúng, bởi việc đó được thực hiện ít lâu sau khi ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Dù ai đi nữa thì chúng ta cũng rất cảm ơn: một quyết định nhỏ của nhà quản lý đã giúp giảm nhẹ nỗi vất vả của biết bao người.

Trong trường hợp các biển hiệu ở phố Lê Trọng Tấn, có lẽ cần bàn thêm về việc ấn định hai màu xanh đỏ một cách cứng nhắc cho tất cả các biển hiệu của nhiều loại thương hiệu khác nhau, nhưng rõ ràng kích thước thống nhất của các biển hiệu có đem lại sự nhịp nhàng, trật tự nhất định cho đường phố. 

Nhưng chuyện những tấm biển hiệu cũng chỉ là một trường hợp cụ thể. Theo tôi, thành phố Hà Nội cần một cái nhìn rộng lớn hơn. Cũng về vấn đề này, hơn mười năm trước tôi đã có một bài báo ngắn về việc chọn và sử dụng màu đặc trưng cho cộng đồng, thành phố hay địa phương - cách làm khá phổ biến ở nhiều nước mà theo tôi chúng ta nên học tập.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy nhà cửa, bến xe, trạm điện thoại công cộng... ở Hà Nội được làm theo đủ mọi kiểu dáng, sơn đủ mọi màu. Theo tôi, hiệu quả sẽ khác hẳn nếu chúng ta chọn một màu đặc trưng để dùng cho một số công trình và phương tiện như bưu điện và hòm thư, trạm điện thoại công cộng, xe buýt và điểm đỗ xe buýt, như người Anh đã làm ở London. 

Xin lưu ý rằng màu đỏ đặc trưng của London rất chói, thậm chí có thể nói là quê kệch, nếu như dùng để sơn các đồ dùng riêng lẻ. Thế nhưng khi sử dụng thống nhất, nó lại khiến ta thích thú.

...ở London mang màu đỏ đặc trưng.

Việc dùng một màu thống nhất như vậy hoàn toàn không tốn kém. Ngược lại, khi sơn cùng màu như vậy, giá sơn còn giảm đi, trong khi những lợi ích của nó rất đáng kể.

Thứ nhất, nó giúp người sử dụng, đặc biệt là người nước ngoài, những người từ địa phương khác đến, dễ dàng nhận ra các công trình và phương tiện cần thiết.

Thứ hai, nó góp phần giảm bớt cảm giác hỗn loạn trong điều kiện nhà cửa, phương tiện và quy hoạch đô thị rất lộn xộn hiện nay.

Thứ ba, nó sẽ tạo nên một cảm giác thích thú đặc biệt cho khách du lịch. Tôi tin chắc rằng khó có hình thức nào quảng cáo cho du lịch Hà Nội hiệu quả hơn và rẻ tiền hơn.

Thứ tư, khi màu đặc trưng ấy được lặp đi lặp lại, nó sẽ tạo nên không chỉ một nét bản sắc, mà cả giá trị thương mại. Các công ty du lịch có thể dùng màu đặc trưng đó cho các tờ quảng cáo, các sản phẩm của Hà Nội có thể dùng màu đặc trưng đó trên bao bì. Một ngày nào đó, nó có thể trở thành niềm tự hào của Hà Nội.

Việc chọn màu đặc trưng nhằm tạo nên nét độc đáo, đồng thời tăng giá trị trong kinh doanh du lịch, theo tôi chính là một trong những ví dụ về việc tận dụng ưu thế của kinh tế tri thức. Thu hút du lịch, về bản chất là thu hút dòng tài chính từ những nước phát triển, nơi dân chúng có thu nhập cao nhờ trình độ công nghệ tiên tiến, vào Việt Nam. 

Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp và cơ sở hạ tầng còn yếu kém của Việt Nam, việc theo đuổi cuộc chạy đua công nghệ cao, theo tôi, gần như là vô vọng. Cách tốt nhất đối với chúng ta là dùng tri thức để hoạch định và điều hành nền kinh tế nhằm tận dụng những thành quả của thế giới.

Trên đây tôi lấy Hà Nội làm ví dụ, nhưng một biện pháp tương tự cũng có thể và nên áp dụng cho các thành phố khác, đặc biệt là các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh. Và câu chuyện tuy nhỏ nhưng nó mang bản chất của rất nhiều chuyện đang diễn ra trên đất nước ta hôm nay. 

Thông điệp của tôi cũ và giản dị: Mặc dù tiền rất cần thiết để phát triển, nhưng cái cần thiết nhất không phải là tiền, mà là cách nghĩ, trước hết là cách nghĩ của những người lãnh đạo. 

Ngô Tự Lập
.
.