Từ những mối giao thương quốc tế: Đao thương hay lưỡi cày?

Thứ Ba, 30/10/2018, 16:19
12h ngày 17-10 (theo giờ địa phương), trong chuyến thăm Bỉ và EU của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA, dự kiến vào cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (đầu năm 2019).

Ngay chiều 17-10, EC đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa hiệp định này vào thực thi trong thời gian sớm nhất.

Cuộc chiến giằng co

Đây là một chỉ dấu nữa cho thấy cuộc đấu giữa khuynh hướng thương mại đa phương, vốn mang lại lợi ích to lớn cho toàn cầu trong suốt mấy thập niên qua, với trào lưu thương mại biệt lập đã được cổ súy và được tiếp thêm nguồn sinh lực mạnh mẽ kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng, đang có những diễn biến giằng co, khi mà không bên nào có thể hoàn toàn giành được ưu thế vượt trội.

Nhưng, có đúng ông Trump, với câu thần chú “Nước Mỹ trước tiên”, là người tuyệt đối theo chủ nghĩa biệt lập, chủ trương phá vỡ mọi kết cấu của hệ thống thương mại đa phương hay không?

Câu trả lời có vẻ như là phủ định!

Nếu nhìn qua thì dường như ông chủ Nhà Trắng là người rất nhất quán trong việc xem xét lại những hiệp định thương mại đa phương mà trong đó, Mỹ với tư cách cường quốc kinh tế số 1 thế giới, luôn đóng vai trò rất quan trọng. 

Vừa chính thức nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã cả quyết rút ngay Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, vốn đã khiến cho 12 nước tham gia mất rất nhiều thời gian để đàm phán trước đó.

Ông cũng nhiều lần bắn tin cho các đối tác đồng thời là đồng minh gần gũi của Mỹ như Nhật Bản hoặc EU rằng sẽ đàm phán lại các hiệp định thương mại với họ và cũng chẳng ngần ngại (không chỉ một lần) đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại thế giới WTO nếu còn bị đối xử “tồi tệ” (ý của ông Trump là thiết chế thương mại toàn cầu này “thiên vị” Trung Quốc trong các tranh chấp với Mỹ...).

Và bước tiến triển mang tính thực tế nhất để chứng minh rằng ông Trump sẽ bằng mọi cách để tìm kiếm những hiệp định mới có lợi hơn cho nước Mỹ, bằng cách xóa bỏ các hiệp định cũ, hoặc đạt được những phiên bản biến thế của các hiệp định đó, chính là NAFTA.

Người dân biểu tình phản đối Hiệp định NAFTA. Ảnh: L.G.

Câu chuyện NAFTA

NAFTA, hay Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ, là hiệp định thương mại mà Mỹ ký với hai nước láng giềng có chung biên giới ở cả hai đầu Nam-Bắc: Canada và Mexico. 

Bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1-1994 và được thực thi tiệm tiến từng bước cho đến hết tháng 1-2008, NAFTA loại bỏ hầu hết thuế quan đối với sản phẩm được trao đổi giữa các quốc gia tham gia hiệp định tay ba này. 

Xét về tổng thể, NAFTA đã định hình lại một cách căn bản quan hệ kinh tế ở khu vực Bắc Mỹ, thúc đẩy sự hội nhập chưa từng có giữa hai nền kinh tế phát triển là Mỹ và Canada với nền kinh tế đang phát triển là Mexico.

Về khía cạnh kinh tế, NAFTA đã đem lại những lợi ích to lớn cho ba thành viên Bắc Mỹ. Thương mại khu vực này trong khoảng thời gian hai thập niên từ khi có hiệp định đã gia tăng một cách đáng kể, từ 290 tỷ USD năm 1993 lên đến hơn 1.100 tỷ USD vào năm 2016. 

Đầu tư xuyên biên giới tăng vọt với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của Mỹ ở Mexico trong cùng giai đoạn đó từ 15 tỷ USD lên hơn 100 tỷ USD.

Nói cách khác, NAFTA mở ra một kỷ nguyên mới cho các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương, cho dù đây thực chất là một thỏa thuận đa phương ba bên.

Tuy nhiên, cũng như bất cứ một hiệp định tự do thương mại nào khác, NAFTA cũng có những khía cạnh tiêu cực đối với các thành viên và ông Trump, ngay từ khi tiến hành vận động tranh cử tổng thống, đã cam kết là sẽ “đàm phán lại” để đạt được một biến thể “tốt hơn” cho nước Mỹ. 

Khía cạnh tiêu cực căn bản mà ông Trump nhắm vào là hiệp đinh này làm tổn hại đến công ăn việc làm của người Mỹ, bởi chúng “chạy” sang các thị trường giá rẻ hơn như Mexico!

Thế nên từ tháng 8-2017, các cuộc đàm phán chính thức ba bên đã được tiến hành và trong suốt quá trình này, Tổng thống Trump đã sử dụng việc áp thuế quan như đòn bẩy để buộc các đối tác phải nhượng bộ. 

Ngoài ra, Mỹ cũng tiến hành sách lược “đánh lẻ”, tìm cách thỏa thuận riêng rẽ với từng đối tác, triệt tiêu khả năng Mexico liên thủ với Canada để gây khó dễ cho Mỹ trong các cuộc đàm phán. Sau một năm trời, tháng 8-2018, Mỹ đạt được thỏa thuận với Mexico và tháng sau, đến lượt Canada đạt được thỏa thuận với Mỹ trước kỳ hạn chót do Mỹ đặt ra.

Một loạt các điều khoản mới được đưa vào để NAFTA biến hình trở thành USMCA mà theo đánh giá sơ bộ của nhiều chuyên gia kinh tế, là một “thắng lợi” của ông Trump, cho dù nó sẽ còn phải chờ để cơ quan lập pháp của cả ba nước thành viên thông qua.

Nói cách khác, qua USMCA, ông Trump không hoàn toàn chống lại các hiệp định thương mại đa phương! Bằng sách lược quyết liệt phá bỏ những hiệp định cũ, ông Trump muốn đàm phán để đạt được những hiệp định mới, miễn là chúng có lợi cho nước Mỹ, cho dù có thể chỉ trong ngắn hạn. 

“Vũ khí thuốc độc” của ông Trump

Mặc dù chỉ có ba quốc gia là Mỹ, Mexico và Canada tham gia vào hiệp định NAFTA mới với tên gọi USMCA, hiệp định này không đơn thuần là một hiệp định ba bên.

Bởi trong nội dung của USMCA có điều khoản quy định các nước thành viên của hiệp định không được ký hiệp định thương mại tự do song phương với các nền kinh tế phi thị trường; nếu một trong ba quốc gia của hiệp định này ký hiệp định thương mại tự do song phương với một nền kinh tế phi thị trường thì hai nước thành viên còn lại có thể ngừng thực hiện hiệp định ba bên sau khi thông báo trước 6 tháng.

“Nền kinh tế phi thị trường” được nhằm tới ở đây là ai, nếu không phải là Trung Quốc? Và điều khoản này, được gọi là “điều khoản thuốc độc”, chính là nằm trong một sách lược chung của Mỹ nhằm liên kết với các đối tác hùng mạnh (không chỉ giới hạn ở Mexico hay Canada) như Nhật Bản, EU trong các hiệp định thương mại tự do trong tương lai để đối phó với Trung Quốc.

Bởi trong đàm phán, nhiều khả năng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cài điều khoản này vào trong các hiệp định thương mại tự do nhằm cô lập Trung Quốc, hạn chế tối đa việc quốc gia này sử dụng đòn thế tìm kiếm các đồng minh mới để hạn chế những tiêu cực do chiến tranh thương mại với Mỹ.

Như vậy, lởn vởn đằng sau những cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với hai đối tác Bắc Mỹ vẫn là hình bóng của cuộc thương chiến khốc liệt giữa Mỹ với Trung Quốc, mà người ta có lý do để lo ngại là rất có thể từ chiến tranh thương mại biến thành một cuộc đụng độ toàn diện giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Ông Mike Pence đưa ra nhiều cáo buộc về Trung Quốc. Ảnh: L.G.

Lời “tuyên chiến” của Phó Tổng thống Mỹ

Nếu ai còn có chút nghi ngờ gì về việc Mỹ không coi Trung Quốc như là một đối thủ cần phải triệt hạ thì hãy đọc lại bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ở Viện Hudson ngày 4-10. 

Trong bài phát biểu này, mà ngôn từ và cách thể hiện gợi nhớ như một lời “tuyên chiến” của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Phó Tổng thống Mỹ nói rằng không chỉ gây tổn hại về mặt kinh tế cho Mỹ trong một thời gian dài, Trung Quốc còn tìm cách can thiệp vào nền chính trị Mỹ bằng cách khai thác sự chia rẽ về chính sách giữa chính quyền liên bang với các cấp địa phương ở Mỹ, tìm cách thay đổi nhận thức của người Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc, sử dụng các đòn bẩy kinh tế để gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lẫn cử tri Mỹ...

Mục tiêu của tất cả những đòn thế này là gì? Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, trái với lối nói bóng bẩy ngoại giao, đã cáo buộc rằng “Trung Quốc muốn có một Tổng thống Mỹ khác”.

Hay nói như ông Mike Pence cũng trong bài phát biểu này thì “những gì mà người Nga làm (theo cáo buộc của phía Mỹ) chẳng là gì so với những việc mà Trung Quốc đang làm trên đất nước này”.

Với cách tiếp cận khá cực đoan như vậy, không có gì ngạc nhiên khi chính trị gia phó cho ông Trump tuyên bố rằng “khi chúng ta (Mỹ) đáp trả các hành vi thương mại của Trung Quốc, chúng ta sẽ tiếp tục đòi hỏi một mối quan hệ kinh tế tự do, công bằng và có đi có lại với Trung Quốc. 

Chúng ta sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phải phá bỏ các rào cản thương mại, thực hiện các nghĩa vụ, mở cửa hoàn toàn nền kinh tế như chúng ta đã mở cửa nền kinh tế của mình”.

Một lần nữa, thương mại lại được coi như một trong những “vũ khí” chính để Mỹ, cường quốc đang ở vị thế suy giảm sức mạnh (một phần do chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump), dùng để đối phó với Trung Quốc, vốn đang có tham vọng vươn lên trở thành một cường quốc toàn cầu.  

* * *

Trở lại với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ được đệ trình lên Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019, cho thấy một khía cạnh khác, tích cực hơn, của quan hệ giao thương giữa các quốc gia hiện nay: chiến tranh thương mại không phải là lựa chọn duy nhất cho cạnh tranh.

Biến đao thương thành lưỡi cày hay rèn lưỡi cày thành đao thương trong quan hệ thương mại, điều đó tùy thuộc vào sự lựa chọn chính sách của mỗi quốc gia. 

Nhưng, qua ví dụ về Hiệp định tự do thương Việt Nam-EU, có thể thấy đẩy mạnh kết nối, hội nhập, tăng cường hợp tác đã và vẫn là chìa khóa, là động lực để quan hệ giữa các quốc gia không phải là một trò chơi có tổng bằng 0, khi thiệt hại của bên này là phần thưởng cho bên kia.

Nó vẫn có thể đạt tới trạng thái “win-win”, hai bên cùng thắng, với sự tôn trọng tối đa lợi ích của mỗi bên. 

Yên Ba
.
.