Từ nguyên mẫu Tạ Đình Đề đến nhân vật của Lưu Quang Vũ
Hoàn cảnh riêng của Lưu Quang Vũ cũng nhiều long đong, vất vả. Gia đình riêng đổ vỡ, con trai còn nhỏ, công ăn việc làm chưa có. Mặc dù có chút tên tuổi, được bạn đọc biết đến với tư cách là tác giả tập thơ Hương cây - Bếp lửa (in chung với Bằng Việt, được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1968) nhưng khi đó bằng cấp, nghề nghiệp chuyên môn không có (đang học dở lớp 10, Lưu Quang Vũ xung phong đi bộ đội và được đặc cách tốt nghiệp phổ thông theo quy chế thời chiến) cộng với một vài điều tiếng nên anh không xin được việc làm. Cha mẹ tôi rất thương và xót xa cho hoàn cảnh của con nhưng cũng không làm gì hơn được. Giữa lúc đó, như một cơ duyên, bác Vạn Lịch - khi đó là Chánh Văn phòng Tổng cục Đường sắt - bạn của cha tôi, đã giới thiệu Lưu Quang Vũ đến gặp Tạ Đình Đề.
Cái tên Tạ Đình Đề từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với các thành viên trong gia đình chúng tôi. Bác Vạn Lịch đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện mang màu sắc li kỳ huyền thoại về nhân vật này. Thời kì năm 1947-1949, Tạ Đình Đề là chỉ huy đội biệt động Hà Thành. Ông là người có tài xuất quỷ nhập thần, đã lập nên những chiến công thầm lặng, vô cùng oanh liệt.
Một cảnh trong vở “Tôi và chúng ta”. |
Tạ Đình Đề đã từng học trường Võ bị của Tưởng Giới Thạch, được chúng giao nhiệm vụ ám sát Bác Hồ nhưng rồi được Bác cảm hóa và trở thành người cận vệ trung thành của Bác. Được sự giới thiệu của bác Vạn Lịch, Lưu Quang Vũ rất háo hức đến Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt làm quen với Tạ Đình Đề và được ông nhận vào làm việc.
Thời gian làm việc tuy không dài nhưng tính cách, con người, những suy nghĩ và việc làm mới mẻ của Tạ Đình Đề đã để lại ấn tượng đậm nét trong lòng Lưu Quang Vũ. Và điều quan trọng hơn, chính hình ảnh Tạ Đình Đề đã trở thành nguyên mẫu để Lưu Quang Vũ sáng tạo nên hình ảnh Giám đốc Hoàng Việt trong vở kịch nổi tiếng Tôi và chúng ta.
Vở diễn đã được Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu 1985 và trở thành hiện tượng sân khấu những năm 80 của thế kỷ trước, với kỷ lục công diễn hơn một tháng liền tại Nhà Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh. Các buổi diễn luôn bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay hoan hô đầy phấn khích của khán giả. Còn một điều ít người biết là sự ám ảnh về nỗi oan khiên dẫn đến tù tội của Tạ Đình Đề còn là động lực để Lưu Quang Vũ viết nên vở kịch 2000 ngày oan trái sau này.
Tạ Đình Đề đã kể cho TS. Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về thời gian làm việc của Lưu Quang Vũ ở Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt như sau: “Nghe giới thiệu, Lưu Quang Vũ đến gặp tôi. Lúc gặp nhau, qua câu chuyện, tôi phần nào đoán biết được đây là con người có kỉ luật, được đào tạo bài bản và từng được tôi luyện trong khó khăn, gian khổ của cuộc đời quân ngũ.
Không hiểu có phải một thời mình là quân nhân hay sao mà khi tìm người về làm việc, nghe nói họ là bộ đội phục viên đang tìm công ăn việc làm, tôi đã có thiện cảm ngay. Tôi nhận Lưu Quang Vũ vào làm việc ở đơn vị mình. Qua thời gian sống và làm việc với đơn vị, tôi và Lưu Quang Vũ rất tâm đầu ý hợp.
Sau một thời gian làm thợ tại Xưởng, Lưu Quang Vũ có nói với tôi những suy nghĩ của anh về đời sống đang xuống cấp do cơ chế quan liêu, bao cấp sinh ra. Vũ nói sẽ viết kịch để phản ánh đúng hiện thực xã hội. Tôi thấy Vũ là người có năng khiếu, chịu khó, dám nghĩ dám làm nên hoàn toàn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để cậu ấy thực hiện ý định sáng tác của mình.
Nhưng, sau đó tôi bị bắt giam để điều tra. Việc sáng tác của Vũ như thế nào tôi cũng không nắm được... Năm 1985, tôi được tha tù, Lưu Quang Vũ có đến thăm và đưa cho tôi xem vở kịch Tôi và chúng ta. Vũ nói với tôi rằng, từ khi tôi bị bắt giam thì cậu ta nhận ra sự oan trái, bất công nên cậu ta bắt đầu viết vở kịch này. Cậu ta còn cho tôi biết khi công diễn vở kịch, người xem rất hoan nghênh vì nó đã phản ánh đúng thực tế của đời sống kinh tế, xã hội lúc bấy giờ...
Lưu Quang Vũ nói rằng, nhờ những tháng ngày sống, làm việc ở Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt mà viết được vở kịch này. Đọc xong vở kịch, tôi cũng không ngờ mới ngày nào đây Lưu Quang Vũ là người lính hiền lành, ít nói, chăm chỉ, lặng lẽ, nhiệt huyết mà bây giờ đã trở thành nhà thơ, nhà viết kịch tài ba và nhân hậu”(TS. Dương Thanh Biểu: Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời. Nxb. Hội Nhà văn, H., 2014, tr. Về Tạ Đình Đề, xin xem thêm trong cuốn sách này). Về vở kịch Tôi và chúng ta, xem kịch bản trong Lưu Quang Vũ: Hồn Trương Ba - da hàng thịt (tuyển kịch, Nhã Nam và Nxb. Hội Nhà văn, H., 2013, tr.221-313).
Lúc mới vào làm việc ở Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt, Lưu Quang Vũ được giao nhiệm vụ chấm công, theo dõi khối lượng sản phẩm của công nhân. Đó là thời kì quan liêu bao cấp nhưng Tạ Đình Đề đã áp dụng hình thức khoán sản phẩm, khoán công việc đến từng tổ sản xuất, từng người công nhân. Nghĩa là đơn vị của ông không áp dụng hình thức trả lương bình quân như xí nghiệp khác vẫn làm mà trả lương theo sản phẩm.
Ở thời kì đó đây là điều vô cùng mới lạ, thậm chí là mạo hiểm. Có thời gian Lưu Quang Vũ chuyển sang làm ở bộ phận sản xuất nhựa, in gia công. Và cuối cùng chuyển sang làm ở bộ phận thi đua và đội văn nghệ của xí nghiệp.
Hình ảnh Tạ Đình Đề đã trở thành nguyên mẫu để Lưu Quang Vũ sáng tạo. |
Tạ Đình Đề với bản tính nghĩa hiệp, giỏi thu phục nhân tâm, biết tôn trọng những người có tài. Ông đã tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện để họ phát huy sở trường của mình. Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa cũng có thời là “quân” dưới trướng Tạ Đình Đề. Đó cũng là thời điểm thăng hoa trong sáng tác của người nhạc sĩ này với những ca khúc nổi tiếng như Tàu anh qua núi, Tình yêu bên dòng sông quan họ.
Nhân vật chính - Giám đốc Hoàng Việt trong Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ ở hồi cuối cũng bị bắt giam trong sự phẫn nộ và đau đớn của những người công nhân. Phải chăng nó cũng giống với nguyên mẫu ngoài đời?
Tạ Đình Đề nhớ lại: “Khi đi qua sân xí nghiệp để lên xe về trại giam, tôi thấy nhiều anh chị em công nhân ra vẫy tay, tạm biệt. Nhiều người sụt sùi, mắt ngấn lệ. Trong đó tôi nhận ra Lưu Quang Vũ, hai mắt đỏ hoe, vừa khóc, vừa giơ tay vẫy vẫy. Tôi nhìn anh em và cũng giơ tay vẫy từ biệt những đồng nghiệp thân yêu của mình. Tôi tự hỏi: “Không ngờ lo việc làm và đời sống cho anh em lại trở thành tội và bị bắt giam?”(TS. Dương Thanh Biểu: Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời. Sđd...).
Tạ Đình Đề bị bắt với các tội danh: tổ chức móc ngoặc, chiếm dụng thiết bị máy móc của nhà nước đem về sử dụng sai nguyên tắc; lập quỹ trái phép; tham ô và cố ý làm trái nguyên tắc chế độ kinh tế tài chính, thưởng cho công nhân sai nguyên tắc; tuyển dụng người vào làm việc một cách tùy tiện, lập ra đội văn công để phục vụ đường sắt trái với quy định của Chính phủ...
Sau gần 2 năm bị tạm giam, Tạ Đình Đề bị đưa ra xét xử từ ngày mùng 7 đến 12 tháng 6 năm 1976. Sau 6 ngày xét xử, Tạ Đình Đề được tuyên bố tha bổng. Ngày tòa xử Tạ Đình Đề, Lưu Quang Vũ đã không còn làm việc ở Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt nữa nhưng vẫn lặng lẽ theo dõi. Hôm tòa tuyên bố Tạ Đình Đề vô tội, Lưu Quang Vũ cũng có mặt trong đám đông chào đón ông với rất nhiều hoa và nước mắt.
Vở kịch Tôi và chúng ta ra đời năm 1984 trong bối cảnh trước thềm Đổi mới của đất nước. Nhân vật Hoàng Việt hội tụ đủ phẩm chất của một con người có tinh thần dân chủ. Hoàng Việt đã dám nhìn thẳng vào sự thật và thấy vô số bất cập trong quản lí đang tồn tại làm cản trở sự phát triển của xã hội. Tiếng nói của anh là tiếng nói đầy tinh thần dũng cảm khi nhân vật thẳng thắn chỉ rõ cái sai của xí nghiệp Thắng Lợi.
Sự thật đó là một đơn vị sản xuất “rất không bình thường, rất yếu kém, bê bối, tồi tệ, mọi khâu sản xuất đều trì trệ ”, “dối trên lừa dưới”. Căn bệnh quan liêu, duy ý chí, xa rời thực tế, hàng trăm nguyên tắc đã lỗi thời áp dụng máy móc mà cứ tồn tại vô lí: “Cấp trên cao lại dựa vào cấp trên cao nữa, nghĩa là kế hoạch đề ra một cách ngược. Đáng lẽ phải do từ cơ sở đưa lên, dựa trên khả năng yêu cầu của thị trường”. Hoàng Việt dám thay đổi bằng hành động cụ thể: bắt tay vào triển khai kế hoạch trên tình hình thực tế, loại bỏ chức vụ không cần thiết, tăng thêm lao động nhằm tăng năng xuất lao động, đưa ra chế độ khoán lương theo sản phẩm tạo nên sự công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ.
Với tinh thần “người thật việc thật”, Hoàng Việt đã giúp cho xí nghiệp ăn nên làm ra, tăng năng suất lao động lên gấp bốn lần, đời sống của công nhân được cải thiện, đó là thành quả mới mà cơ chế cũ không thể có được. Hoàng Việt đã trả lời thẳng thắn Bộ trưởng: “Trong khi trên chưa kịp sửa đổi thì cho phép chúng tôi được tự sửa đổi” bởi lẽ “nguyên tắc sinh ra để phục vụ sự sống chứ không phải sự sống sinh ra phục vụ các nguyên tắc”. Khát vọng của Hoàng Việt thật lớn lao, có ý nghĩa nhưng mạo hiểm, khát vọng ấy bắt nguồn từ hi vọng xây dựng một xã hội bình đẳng và dân chủ, ở đó người lao động thực sự được làm chủ cuộc sống.
Tinh thần và việc làm của Hoàng Việt được sự cổ vũ của đông đảo công nhân như cô Thanh, ông Quých, bà Bộng, bởi một lẽ rất giản dị là một giám đốc mới đã biết quan tâm đến đời sống cụ thể của công nhân. Người công dân được nói lên nguyện vọng dù là rất nhỏ bé của mình. Không khí cởi mở, bình đẳng, dân chủ như một luồng sinh khí mới làm thay da đổi thịt xí nghiệp Thắng Lợi. Đúng là “Phải có người ra khỏi hang trước... phải có một người đi trước”.
Không phải chỉ sau này, khi Tạ Đình Đề đã được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và Huân chương Độc lập Hạng ba mà ngay từ thời gian khó, oan nghiệt đó, Lưu Quang Vũ đã coi ông là anh hùng của người lao động, một con người đi trước thời đại.
Đồng nghiệp thân thiết của Lưu Quang Vũ đều biết rằng vở kịch Tôi và chúng ta có tên gọi ban đầu là Người đi trước. Hiện tượng Tạ Đình Đề tương tự như trường hợp ông Kim Ngọc trong nông nghiệp. Ông đã là một nguyên mẫu sinh động để Lưu Quang Vũ xây dựng nên nhân vật Hoàng Việt trong vở kịch Tôi và chúng ta nổi tiếng lúc bấy giờ, vẫn còn tính thời sự cho đến hôm nay.