Tự do lựa chọn

Thứ Sáu, 10/05/2019, 16:12
Trước đây nước ta chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động, giá cước cao ngất ngưỡng. Vì điện thoại di động khi ấy chưa phải là nhu cầu thiết yếu.

Người ta có hai sự lựa chọn: dùng hoặc không dùng. Không ai kêu ca. Khi thế độc quyền bị phá, giá giảm mạnh, giảm xuống tới mức hầu hết dân chúng đều dùng được, nay thì trở thành nhu cầu thiết yếu.

Không ai biết giá điện ở nước ta cao hay là thấp so với giá điện của thế giới vì không có căn cứ gì để so sánh. Còn so với trong nước thì điện là sản phẩm độc quyền nên chỉ có thể so sánh giá của nó hiện nay so với giá của nó trước đây. Vì vậy, nói giá điện của Việt Nam ngày cang cao là không sai, vì điện tăng giá liên tục chứ không hề có lúc nào giảm giá.

Các quan chức quản lý ngành điện và một số nhà báo “ăn theo” ngành này mang giá điện quy ra đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái rồi so sánh với giá điện của các nước để kết luận rằng giá điện ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới. 

Ảnh: L.G.

Những người này còn lập luận rằng, giá điện ở nước ta thấp còn do than bị buộc phải bán giá thấp cho ngành điện, cho nên nếu như giá than áp dụng giá thị trường thì giá điện sẽ phải nâng lên, rằng các thiết bị vật tư đầu vào của ngành điện đều nhập khẩu theo giá thị trường thế giới, rằng nhà nước đã kìm giá điện thấp quá lâu, nên phải tăng giá điện lên cho phù hợp với giá thị trường. 

Những lập luận như vậy không có sức thuyết phục, lý do là Tập đoàn Điện lực là doanh nghiệp độc quyền, dù là độc quyền của nhà nước nhưng nhà nước không kiểm soát được chi phí. 

Một doanh nghiệp quản lý một nguồn lực khổng lồ của quốc gia nhưng báo cáo tài chính không được kiểm toán định kỳ hàng năm thì nhà nước nào có thể biết được giá cả đầu vào của nó cao hay rẻ, chi phí của nó có hợp lý hay không. Không kiểm soát được chi phí nhưng nhà nước lại quyết định giá điện, rồi gọi là “theo cơ chế thị trường” thì không thật logic.

Còn đối với người dân, họ không cần biết và không thể biết làm ra một đơn vị sản phẩm điện hao tổn bao nhiêu chi phí, họ chỉ biết giá điện tăng là sự áp đặt vô căn cứ. Họ rất muốn tin vào cơ quan nhà nước, nhưng làm sao có thể tin được vào sự giải thích của các cơ quan nhà nước khi các cơ quan này không kiểm soát được chi phí của ngành điện. 

Trên thị trường chứng khoán, các công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính mỗi quý một lần, hàng năm đều có kiểm toán độc lập, cơ quan kiểm toán do đại hội cổ đông lựa chọn hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn, thế mà thỉnh thoảng vẫn có công ty lừa dối chính cổ đông của mình, huống hồ là một doanh nghiệp khổng lồ tài chính chưa được công khai.

Người dân không phải là cổ đông của Tập đoàn Điện lực, họ không cần biết chi phí. Họ cần có sự lựa chọn để coi giá của một mặt hàng do nhà cung cấp nào là hợp lý. Nhưng họ không có quyền đó, vì điện là sản phẩm của doanh nghiệp độc quyền. 

Nếu như họ có quyền lựa chọn, thì dù giá điện lên xuống như giá heo ngoài chợ họ cũng không bức xúc, họ sẽ chọn nhà cung cấp nào đưa ra mức giá họ chấp nhận được. Khi có sự lựa chọn, chẳng có ai kêu ca về giá cả.

Thực ra Chính phủ cũng đã có quyết định về lộ trình thị trường hóa ngành điện theo 3 bước: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. 

Bước thứ nhất và bước thứ hai đang bắt đầu thực hiện, còn bước thứ ba dự kiến sẽ thực hiện từ sau năm 2022. Bước thứ nhất và bước thứ hai không liên quan mấy đến người tiêu dùng, vì dù có thực hiện hai bước này thì người tiêu dùng vẫn không có lựa chọn nào khác là mua điện của Tập doàn Điện lực. 

Chỉ có thực hiện bước thứ ba thì người tiêu dùng mới được lựa chọn, vì khi ấy mới các nhiều nhà cung cấp điện bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng.

Khi thực hiện bước thứ ba, Tập đoàn Điện lực chỉ còn giữ độc quyền truyền tải điện, tức là vẫn sở hữu hệ thống đường dây, các trạm biến thế, cột điện và dây nhợ đang rải khắp các khu dân cư như cũ. Các nhà cung cấp điện bán lẻ sẽ thuê hạ tầng này của Tập đoàn Điện lực để đưa điện đến khách hàng của họ. 

Tập đoàn Điện lực sẽ trở thành một doanh nghiệp công ích, thu phí cho thuê hạ tầng truyền tải điện. Các nhà máy điện của Tập đoàn này dù được cổ phần hóa hay chưa vẫn chỉ là một trong những nhà cung cấp cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp khác.

Lộ trình là như vậy, nhưng với cung cách hành xử và những gì đang được truyền thông hiện nay thì thị trường cạnh tranh bán lẻ điện rất khó thành hiện thực. Hiện nay, việc tuyên truyền cho việc tăng giá điện đang chiếm vị trí áp đảo, còn tuyên truyền cho mục tiêu cuối cùng của lộ trình cạnh tranh của ngành điện thì hết sức mù mờ. 

Ảnh: L.G.

Thông thường, khi triển khai một chủ trương, một chiến lược hay một kế hoạch thì nhà nước phải tập trung giải thích cho người dân nhận thức được sự hay ho hữu ích cuối cùng mà chủ trương, chiến lược hay kế hoạch đó đạt tới. 

Trong trường hợp này, mục đích cuối cùng là cạnh tranh bán lẻ có vẻ đang bị che mờ. Thậm chí đây đó trên truyền thông chính thống vẫn còn không ít lời “hăm dọa”, rằng cạnh tranh sẽ khiến cho điện tăng giá.

Không có bất kỳ một dữ kiện nào làm cơ sở để dự đoán điện có tăng giá hay không khi được tự do hóa, không nên lấy các dữ kiện của nước nào đó để suy đoán, vì Việt Nam là Việt Nam với tất cả sự đặc thù của Việt Nam. Nhưng dù có tăng giá hay không thì tự do lựa chọn vẫn mang lại những lợi ích to lớn cho từng người dân và cho toàn xã hội.

Khi được tự do lựa chọn, người tiêu dùng không chỉ biết cách chọn nhà cung cấp có giá rẻ nhất mà còn biết tự điều tiết nhu cầu dùng điện của mình, điều đó sẽ khiến cho tổng chi tiêu không thay đổi. 

Vì điện còn là đầu vào của hàng loạt các hàng hóa dịch vụ khác, nên khi ấy các doanh nghiệp cũng sẽ lựa chọn tiêu thụ điện trong những chừng mức hiệu quả nhất cho sản xuất kinh doanh.

Khi có tự do lựa chọn, giá cả sẽ mang một vẻ đẹp quyến rũ. Nếu không bị nhà nước áp đặt làm cho méo mó, giá cả sẽ là “người” truyền tin và hướng dẫn vạn năng. Nó chỉ cho người tiêu dùng cách tiêu dùng thông minh nhất, nó chỉ cho người sản xuất cách sản xuất hiệu quả nhất. 

Nó phân bố nguồn lực, nó điều chỉnh đầu tư, nó kích thích sáng tạo, lèo lái công nghệ, khai thác thời cơ, phòng ngừa rủi ro. Khi giá cả không bị áp đặt, thị trường sẽ vận hành thông suốt. Đó chính là con đường dẫn đến thịnh vượng.

Không phá giá, nhưng...

"Tại một số thời điểm, Chính phủ đưa ra cam kết "không tăng giá" với một số mặt hàng thiết yếu và giữ ổn định giá trong một thời gian dài. Thế nhưng, điều này giống như chiếc lò xo bị nén lâu thì bật mạnh khi cuối cùng vẫn phải điều chỉnh tăng mạnh, gây tâm lý "sốc" và có thể khuếch đại hậu quả của nó nhiều lần so với thông thường.

Nhiều năm trước đây, công tác điều hành tỉ giá cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Việc cam kết không phá giá nhưng không thực hiện được đã tạo ra một thị trường ngoại hối cực kỳ bất ổn và tín nhiệm của nhà điều hành xuống thấp, tạo ra những kỳ vọng tiêu cực đi ngược với các thông điệp chính sách. 

Và bây giờ, câu chuyện giá xăng, giá điện cùng nhiều mặt hàng khác dồn dập tăng giá trong một tháng, một quý đã cho thấy rõ hệ quả, tạo sự bức xúc nơi người dân.

PGS Phạm Thế Anh
Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội (Theo Báo Tuổi trẻ TP HCM)

Minh bạch giá điện

"Khi chuyển về nhà mới tại Vancouver, Canada, năm ngoái, việc tôi làm đầu tiên là đăng ký sử dụng điện. Tôi không phải đến chi nhánh điện lực, ngồi chờ giao dịch với nhân viên để được điền vào đơn đề nghị lắp đặt công tơ, hay trình chứng minh thư, sổ hộ khẩu, sổ đỏ photo công chứng, cũng không phải nói với ai "phiền chị, phiền anh giải quyết sớm vì nhà có trẻ nhỏ". Chỉ cần 5 phút, tôi đã được tạo một tài khoản trên website của Công ty Điện lực BC Hydro.

Bất cứ khi nào tôi cũng có thể vào xem rất chi tiết về lượng điện tiêu thụ và tiền điện theo ngày, hay tổng tiền điện lũy tiến trong kỳ của gia đình. Tài khoản cũng có tính năng so sánh lượng điện tiêu thụ giữa các tháng, cũng như dự báo tổng tiền điện trong kỳ. Mọi thông tin, thông báo đều rõ ràng, chi tiết, tôi không bao giờ phải gọi tới đường dây nóng hay đến gặp nhân viên ngành điện để phàn nàn.

Đầu tháng 3 vừa rồi, Công ty Điện lực BC Hydo thông báo tăng giá điện ở tỉnh bang British Columbia, hiệu lực từ đầu tháng 4 Họ nêu ra lộ trình rõ ràng, rằng trong vòng 5 năm tới, giá điện sẽ tăng tổng cộng là 8,1% để người dân và doanh nghiệp có kế hoạch ngân sách cho tiêu thụ điện trong dài hạn.

Để được phê duyệt mức tăng giá này, BC Hydro phải trải qua nhiều vòng chất vấn, phải giải trình đầy đủ thông tin về doanh thu, chi phí, hiệu quả kinh doanh và lý do tăng giá trước một hội đồng độc lập do chính phủ tỉnh bang lập ra. 

Hội đồng này có trách nhiệm kiểm soát giá cả của những doanh nghiệp độc quyền trong ngành năng lượng, đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa người tiêu thụ và nhà cung cấp. Tất cả những thông tin của BC Hydro giải trình với hội đồng đều công khai trên mạng cho dân đọc.

Thế giới không thiếu những doanh nghiệp đã từng độc quyền trong các dịch vụ công như điện, nước, viễn thông. Và nhiều nước cũng không thiếu kinh nghiệm quý báu để giúp những doanh nghiệp này trở nên thân thiện với thị trường.

Tôi cũng hiểu vướng mắc về cơ chế và một số nhiệm vụ chính trị với một doanh nghiệp như EVN là có thật và chúng ta khó mà có ngay thị trường điện cạnh tranh như mơ ước. Nhưng điều đó không có nghĩa là cách ứng xử với dân chúng, những khách hàng của ngành điện không thể cải thiện".

Chuyên gia Năng lượng và Môi trường
Nguyễn Đăng Anh Thi (Theo VnExpress)


Hoàng Hải Vân
.
.