Từ đề thi cuối cùng của vua Khải Định: Tại sao phải bàn về văn minh?

Thứ Bảy, 20/07/2019, 11:24
Thế nào là văn minh? Câu hỏi trằn trọc các xã hội phương Đông cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cũng là câu hỏi mà chúng ta hôm nay vẫn phải đau đáu trả lời!

"Các nước trên khắp hoàn cầu sôi động nói đến văn minh. Vậy hai chữ văn minh có xuất xứ từ sách vở nào?... Các ngươi với tài kinh luân vốn có, hãy thử trình bày rõ ràng kiến giải của mình, không bè phái, thiên lệch, không a dua, quanh co, xuyên tạc khiến sai sót khi đem thực hành, cũng đừng quá khéo dùng lời lẽ bay bướm mà trống rỗng, chẳng có được phương sách gì hay, để trẫm thu lượm rồi thử áp dụng". Đấy chính là đề thi do đích thân vua Khải Định biên soạn ở kỳ thi đình cuối cùng trên dải đất Việt Nam, năm 1919.

Một trăm năm sau, đọc lại đề thi này thấy rất rõ triều đình phong kiến lúc đó đã quan tâm đến khái niệm "văn minh" như thế nào. Khi đề nghị các sĩ tử luận về "văn minh", nhà vua đã cẩn thận "rào" trước về việc phải "trình bày rõ ràng kiến giải" và phải không bè phái, quanh co/không a dua, xuyên tạc/ không dùng lời lẽ bay bướm mà trống rỗng.

Tại sao lại phải "rào" như thế? Tại vì đấy chính là những biểu hiện phản văn minh? Những biểu hiện mà có thể nhà vua biết trước là khả năng cao sẽ xảy ra với những sĩ tử vốn quen đi theo lối học tầm chương trích cú? Không hiểu trong kỳ thi cuối cùng của nền khoa bảng phong kiến, các sĩ tử Việt Nam đầu thế kỷ XX đã luận về văn minh như thế nào nhưng theo một bộ phận các nhà nghiên cứu thì phải đến năm 1919 mới chính thức xóa bỏ lối khoa cử lạc hậu đã cho thấy tốc độ văn minh chậm chạp của những nhà điều hành đất nước.

Vua Khải Định.

Cụ thể, lối khoa cử Nho học này đã được Trung Quốc bỏ từ năm 1900, Triều Tiên bỏ từ năm 1894, Nhật Bản bỏ từ năm 1868. (Theo sách Khoa cử Việt Nam của Nguyễn Thị Chân Quỳnh, NXB Văn học - 2007).

Thêm một so sánh nữa: Đến năm 1919, thông qua một đề thi, đội ngũ trí thức phong kiến có vẻ mới thực sự quan tâm đến khái niệm "văn minh" trên diện rộng thì ở Nhật Bản từ 26 năm trước đã có cuốn sách nổi tiếng của Fukuzawa Yukichi Bàn về văn minh.

Tác phẩm của Fukuzawa chính là cuốn sách gối đầu giường của trí thức Nhật Bản nói riêng và người dân Nhật Bản nói chung thời kỳ đó. Nó phá vỡ hàng loạt tư tưởng cũ kỹ, mở ra lối tư duy hiện đại, kéo người Nhật Bản đến gần với văn minh phương Tây, đặt nền móng quan trọng giúp nước Nhật thực hiện những bước đại nhảy vọt sau này.

Theo Fukuzawa, có 2 yếu tố quan trọng để bàn về văn minh một nước, đó là đạo đức và tri thức. Đất nước có nền tảng văn minh cao là đất nước có mặt bằng đạo đức và mặt bằng tri thức cao. Nhưng khi bàn bạc, mổ xẻ về 2 yếu tố cơ bản của văn minh, điều thú vị là Fukuzawa không đặt chúng ở cạnh nhau một cách chung chung, đưa ra những chỉ dẫn chung chung và những kêu gọi chung chung, dễ nói mà khó làm, dễ nghe mà khó áp dụng vào thực tế.

Ông chỉ ra những điểm khác nhau cơ bản giữa đạo đức và tri thức - những sự khác biệt mà đến tận bây giờ đọc lại, chúng ta vẫn thấy nó có ích trong việc xác lập khái niệm "văn minh".

Theo ông, đạo đức không phải là một tồn tại khách quan nên người ta không thể xem nó, nhìn nó, sờ nó. Đạo đức là thứ vốn ở bên trong con người nên chỉ mỗi người mới có thể tự cảm nhận rõ nhất về đạo đức của chính mình mà thôi. Ngược lại, trí tuệ là cái lộ ra bên ngoài, thể hiện ở những thứ mà con người phát minh, những thứ mà con người làm được.

Cho nên đánh giá về trí tuệ thường dễ hơn và chính xác hơn nhiều so với đánh giá về đạo đức. Áp dụng luận điểm này vào xã hội hiện đại, chúng ta thấy là đã có những quan chức luôn nói những điều rất đạo đức và luôn chỉ dạy những người xung quanh mình phải làm việc một cách có đạo đức. Tuy nhiên, đến một ngày nào đó, sau khi một vụ án nào đó bị phát giác, có thể chúng ta sẽ "việt vị nặng" với cái gọi là "đạo đức" của những người này.

Điểm khác thứ hai: Đạo đức về cơ bản là những thứ giá trị bất biến nhưng trí tuệ thì vạn biến. Những tiêu chuẩn đạo đức của các tôn giáo, của các xã hội có cùng trình độ phát triển có thể được diễn đạt theo những cách khác nhau nhưng về bản chất đều giống nhau. Nó đều nhấn mạnh đến những yếu tố cốt lõi như sự trung thực, vị tha, tinh thần giúp đỡ, yểm trợ người nghèo khó. 

"Các thánh nhân ngày xưa tự bản thân họ đã bao gồm đầy đủ đức hạnh và có thể giảng dạy đức hạnh cho người khác nên hậu thế có nỗ lực học hỏi đến đâu đi nữa cũng không thể vượt được họ... Trong thế giới của đức hạnh, các thánh nhân như thể có "độc quyền bán", người đời sau chỉ có thể vào làm dịch vụ kho vận, chứ không thể làm gì khác. Đây cũng là lý do không có thêm thánh nhân nào sau Jesus Christ, Khổng Tử... Như vậy, tính chất của đức hạnh thời xưa và thời nay không khác nhau" - Fukuzawa viết. 

Nếu được phép "biên tập" câu này, chúng tôi chỉ dám thêm vào 2 chữ: "không khác nhau... quá nhiều!".

Ngược lại với cái thứ không khác nhau quá nhiều ấy, trí tuệ lại là thứ mà sau mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây luôn có thể tạo ra những khác biệt mới mẻ. 

Fukuzawa viết dí dỏm rằng: "Những chuyện người xưa từng e sợ thì người nay xem thường. Những chuyện người xưa cho là kỳ lạ thì người nay cho là trò cười... Giả như đưa thánh nhân xưa đến được thế giới hiện đại để nghe về kinh tế học hoặc mời lên thuyền chạy động cơ hơi nước, cho xem điện tín... thì chắc chắn các vị ấy sẽ ngạc nhiên sững sờ".

Mượn chính cách nói này, chúng ta có thể nói thêm rằng nếu có một phép màu đưa Fukuzawa đi ngang qua cuộc sống hiện đại hôm nay, có thể chính ông cũng sẽ ngạc nhiên, sững sờ trước sự xuất hiện của điện thoại thông minh, máy tính thông minh hay Internet và trí tuệ nhân tạo. 

Nếu cái trí tuệ mà ở thế kỷ XIX, Fukuzawa nói đến là trí tuệ con người thì cái trí tuệ khiến nhân loại ở thế kỷ XXI này sôi lên lại là trí tuệ phi con người.

Điểm khác biệt thứ ba: Đạo đức có thể đột nhiên tốt lên, đột nhiên xấu đi nhưng một khi đã nắm bắt được trí tuệ thì sẽ không mất đi, tất nhiên trừ trường hợp tuổi tác và bệnh tật. Chính vì vậy, một người tốt có thể làm việc xấu và ngược lại, một người xấu có thể làm việc tốt. Đỉnh cao của một xã hội văn minh là phải làm sao tạo ra một số lượng người tốt làm việc tốt nhiều nhất có thể.

Cuốn sách nổi tiếng của Fukuzawa Yukichi "Bàn về văn minh". Ảnh: L.G.

Ở thời đại của mình, thời đại mà xã hội phương Đông manh nha đụng chạm với xã hội phương Tây, việc Fukuzawa phải phân định rõ những sự khác biệt mang tính quy luật giữa đạo đức và trí tuệ là để chỉ ra những khuyết thiếu, những điểm cần phải bồi đắp ngay của xã hội phương Đông.

Một phương Đông trải qua hàng ngàn năm coi trọng đức trị và chỉ nhất nhất lấy đức trị làm tiêu chuẩn của văn minh chắc chắn phải thay đổi. Sự thay đổi ấy một mặt vẫn phát huy đức trị nhưng mặt căn cốt và mang tính đột phá là phải bồi bổ trí tuệ, để hy vọng có thể hòa vào dòng chảy của văn minh phương Tây đương thời.

Dòng chảy văn minh ấy mang tính xu thế và đã là xu thế thì không ai có thể chống lại. Phải nói, dưới sự chỉ dẫn tinh thần của những nhà tư tưởng có tầm nhìn chiến lược như Fukuzawa, đất nước Nhật Bản đã thực hiện thành công quá trình này.

"Thế nào là văn minh?", trở lại với câu hỏi mà vua Khải Định đặt ra cho đội ngũ trí thức phong kiến Việt Nam trong một đề thi năm 1919, có lẽ cũng sẽ có những sĩ tử trả lời câu hỏi này bằng cách chỉ ra mặt trái của một xã hội mà cả ngàn năm chỉ có thể lấy "đức trị" làm khuôn vàng thước ngọc của một mô hình phát triển.

Bởi lẽ, trong thánh dụ bãi bỏ chế độ khoa cử cũ, chính vua Khải Định đã nói công khai: "Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang mở rộng trước mặt". 

Trên Nam Phong Tạp chí năm 1918 - 1 năm trước kỳ khoa bảng cuối cùng, học giả Phạm Quỳnh cũng viết rằng triều đình quyết tâm thay đổi vì lối thi cử cũ "không đủ làm cái phương pháp để kén chọn người tài".

Chắc chắn những sĩ tử trong kỳ thi cuối cùng năm đó cũng đau đáu với sự đụng chạm giữa cái cũ và cái mới, cũng ít nhiều ý thức được về việc cần phải thay đổi vì chỉ có thay đổi mới hy vọng tiến đến văn minh. Nhưng, có lẽ do hoàn cảnh lịch sử riêng mà những thay đổi sau đó là bất khả.

Thế nào là văn minh? Câu hỏi trằn trọc các xã hội phương Đông cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cũng là câu hỏi mà chúng ta hôm nay vẫn phải đau đáu trả lời!

Phan Mỹ Chí
.
.