“Cú shock địa chính trị ở Á Đông”:

Từ Trung Quốc “thiên triều” tới Trung Quốc “quốc gia dân tộc”

Thứ Bảy, 04/07/2020, 08:27
Điều gì đang diễn ra tại các vành đai xung quanh Trung Quốc? Tại sao Trung Quốc có xung đột lãnh thổ với phần lớn các nước xung quanh, cả trên bộ lẫn trên biển, trên núi cao, trên hoang mạc, thảo nguyên và hải đảo?


Tuần này, lính Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ tại khu vực tranh chấp Jammu and Kashmir. Đó là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong 50 năm trở lại đây trên khu vực lãnh thổ nằm dưới sự tranh chấp của 3 quốc gia: Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Tình hình ở đây phức tạp đến mức dù có cuộc chiến tranh biên giới năm 1962, tình trạng tranh chấp hầu như không hề được giải quyết, thay vào đó, các bên đồng ý giữ nguyên hiện trạng bằng cái gọi là Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control).

Cuộc đụng độ vừa diễn ra chỉ là một phần của bức tranh lớn trong quan hệ lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Ngay cả quốc gia nhỏ bé như Bhutan, một nước mà lực lượng an ninh chỉ có không quá 8.000 người, cũng đang đối mặt với sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại vùng tranh chấp trên cao nguyên Doklam (trên dãy Himalaya).

Điều gì đang diễn ra tại các vành đai xung quanh Trung Quốc? Tại sao Trung Quốc có xung đột lãnh thổ với phần lớn các nước xung quanh, cả trên bộ lẫn trên biển, trên núi cao, trên hoang mạc, thảo nguyên và hải đảo?

Bài viết này gợi ý về sự chuyển đổi của Trung Quốc từ “thiên triều” tới Trung Quốc “quốc gia dân tộc” và hệ quả của sự chuyển đổi này đối với việc phân định biên giới cũng như thái độ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Từ Trung Quốc đế chế tới Trung Quốc quốc gia dân tộc (nation-state) làm thay đổi hệ hình chính trị và quan hệ quốc tế khu vực cũng như thách thức các phương thức ứng xử truyền thống của các nước láng giềng đối với Bắc Kinh.

Vùng Jammu and Kashmir, một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới. Nguồn: CNN.

Trong nhiều nghìn năm, đế chế Trung Quốc tự cho mình là nền văn minh trung tâm (Trung Hoa). Quan niệm văn hóa, văn minh này phác thảo một hệ thống thế giới mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là Trật tự thế giới của Trung Hoa hay Trật tự quan hệ quốc tế truyền thống ở Á Đông. Sự vận hành của hệ thống này lấy thần phục làm cơ sở thông qua việc các chư hầu triều cống thiên tử Trung Hoa.

Trong thế giới của thần phục đó, triều đình Trung Quốc quan hệ với bên ngoài chủ yếu thông qua sự kết hợp của “quyền lực mềm” (kiểm soát thương mại) với công cụ quân sự (chinh phạt) để xây dựng và vận hành trật tự quốc tế. Trong hệ thống này, trừ một số khu vực đặc biệt (vùng mỏ, khu vực cốt yếu về kinh tế, an ninh...), lãnh thổ và phân định biên giới (theo cách hiểu hiện đại) không phải là mối quan tâm của “thiên triều”. “Thần phục” được người Trung Quốc hiểu là đất đai, thần dân nằm dưới uy quyền của hoàng đế. Tuy nhiên, ví dụ đơn giản về việc người Việt, trong thì xưng đế, ngoài xưng vương và đấu tranh không khoan nhượng bảo vệ lãnh thổ, cho thấy cư dân bên ngoài Trung Quốc hiểu rất khác ý niệm thần phục này.

Trong hệ thống quan hệ quốc tế đế quốc đó, Trung Quốc dùng khái niệm “quốc” một cách chung chung để chỉ tất cả các thực thể chính trị nằm trong thiên hạ của hoàng đế. Đứng đầu các quốc này (thường mặc định) là quốc vương và chỉ được coi là chính danh nếu như được hoàng đế Trung Quốc công nhận.

Mặt khác, các quốc này rõ ràng có chủ quyền, có vương, có hệ thống hành chính riêng và độc lập về chính sách. Điểm duy nhất cần phải làm rõ, mà đến giờ vẫn còn tranh cãi giữa học giả Trung Quốc và phương Tây: thực chất quan hệ chư hầu-phiên thuộc là gì? Tính chất của sự lệ thuộc triều cống? Quan hệ lệ thuộc này là thực hay hư?

Điều làm cho sự diễn giải thần phục phức tạp hơn là ở chỗ hệ thứ bậc này rất lỏng lẻo khi áp dụng với các nước xa “Trung Quốc”, ví dụ các chư hầu như Xiêm, Chân Lạp, Champa, Malacca, Miến Điện, Ai Lao, Ấn Độ, Ba Tư...

Trong thế giới quan của các đế chế Trung Quốc, chiến tranh giữa thiên triều với chư hầu vì thế được mô tả là “thảo phạt”, chống lại kẻ vô đạo, lập lại trật tự trong thiên hạ chứ không phải vì đất đai hay ảnh hưởng. Đó là hành động của thiên tử tuân theo lẽ trời để thực thi thiên mệnh chứ không phải vì lòng tham. Chính vì thế, trong giai đoạn thiên triều từ thế kỷ X-XIX, Đông Á về cơ bản vận hành dựa trên trục quyền lực xoay quanh đế chế Trung Hoa. Triều cống được coi là chiến thuật giúp cho việc duy trì hòa bình và sự yên ổn giữa chư hầu với thiên triều.

Ngoại trừ một số cuộc xâm lược ở giai đoạn xác lập quyền lực vào thời điểm chuyển giao triều đại hay các sức ép quân sự khiến Trung Quốc dấy quân, về cơ bản, triều cống là bệ đỡ của quan hệ quốc tế truyền thống ở Đông Á. Nếu đem so tỉ lệ các cuộc chiến tranh giữa các nước ở châu Âu cùng giai đoạn thì khung cảnh quan hệ quốc tế Đông Á là tương đối yên bình.

Nói điều đó không có nghĩa triều cống là một phương thức quan hệ quốc tế tốt. Bản thân hệ thống quan hệ giữa các chư hầu với thiên triều không được bảo đảm bằng pháp lí hay nguyên tắc quan hệ quốc tế bình đẳng mà phụ thuộc vào ý chí của thiên tử vì Trung Hoa tạo ra một quyền lực bất đối xứng ở trung tâm. Chúng ta cũng không quên các cuộc chiến tranh, xâm lược và đô hộ tàn bạo gây ra bởi các vị thiên tử này, dù là Đại Hãn Mông Cổ hay hoàng đế nhà Minh.

Từ giữa thế kỷ XIX, thế giới thiên triều Đông Á bước vào thời kỳ hỗn loạn. Bắt đầu từ Chiến tranh nha phiến (1839-40), cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây và sự áp dụng các ý niệm chính trị và hành chính phương Tây, trong đó nổi bật nhất là sự ra đời của các quốc gia dân tộc. Với sự ra đời của  nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa (1949), một cấu trúc quyền lực mới ở thế giới Á Đông bắt đầu xuất hiện.

Trung Quốc đã tiến từ đế chế sang quốc gia dân tộc.

Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là một phương thức quan hệ quốc tế mới đang được (tái) xác lập. Trong thế giới này, các quốc gia dân tộc là chủ thể của quan hệ quốc tế. Lãnh thổ, quốc gia, chủ quyền và bình đẳng giữa các quốc gia trở thành trụ cột của hệ thống quan hệ quốc tế mới dựa trên luật quốc tế. Tuy nhiên, ý chí bá quyền của đế chế Trung Quốc thì không thay đổi, nó chỉ chuyển từ tham vọng thiên hạ thành tham vọng của chủ nghĩa dân tộc.

Tham vọng của chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa  sẽ phụ thuộc vào sự gia tăng của tiềm lực kinh tế-quân sự cũng như cách thức giới lãnh đạo Bắc Kinh tìm cách đẩy các vấn đề nội tại ra bên ngoài thông qua xung đột biên giới, lãnh thổ. Đó là lí do vì sao trong thế kỷ XX, Trung Quốc có chiến tranh với hầu hết các nước bao quanh.

Việc Trung Quốc gây chiến với bên ngoài không phải là một hiện tượng mới, tuy nhiên tình trạng tranh chấp lãnh thổ với gần như ở tất cả các đường biên thì cần được giải thích theo một hệ quy chiếu quan hệ quốc tế mới. Bắc Kinh giờ đây không phải là một “thiên triều” mà là một “quốc gia dân tộc” có tham vọng quyền lực thế giới. Thiên triều yêu cầu thần phục, triều cống nhưng quốc gia dân tộc thì có tham vọng lãnh thổ.

Vì thế, ngay lập tức tất cả các di sản phức tạp của quá khứ về vùng ảnh hưởng, vùng kiểm soát, thần phục, triều cống, và những yếu tố được gọi là bằng chứng lịch sử (?) đã được mang trở lại và biến thành các yêu sách đất đai, chủ quyền, lãnh thổ... Chính những yêu sách và hành động đòi lãnh thổ này đang gây ra bất ổn ở châu Á.

Các nước xung quanh, giờ đây cũng đã trở thành các quốc gia dân tộc, không bao giờ chấp nhận để mất chủ quyền và lãnh thổ của mình. Thế giới đã thay đổi. Mô hình quan hệ quốc tế đã thay đổi. Vì thế, quan hệ giữa các quốc gia Đông Á với Trung Quốc cũng đã thay đổi. Tình hình an ninh, chính trị và vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các nước châu Á với Trung Quốc vì thế phụ thuộc vào 3 yếu tố sau đây.

Thứ nhất, sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Một trong các nỗ lực thúc đẩy làn sóng chủ nghĩa dân tộc mới nhất là việc tạo ra diễn ngôn về thế kỷ bị sỉ nhục của người Trung Quốc (từ Chiến tranh nha phiến tới năm 1949), ở đó, họ mô tả người Trung Quốc bị phương Tây, Nhật Bản làm nhục. Và bây giờ là lúc cho “sự trỗi dậy của Trung Hoa”, cho “Giấc mộng Trung Hoa”...

Thứ hai, sự vươn lên về kinh tế và quân sự của Trung Quốc sẽ quyết định quy mô và cách thức họ tiến hành giải quyết các tranh chấp lãnh thổ này. Sự thay đổi này đặc biệt mạnh mẽ ở 1/4 cuối cùng của thế kỷ XX. Từ năm 1978 đến năm 2003, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bình quân 9.7% (so với 1,2% của Nhật Bản). Ngân hàng Thế giới cho biết có 402 triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo trong giai đoạn 1978-2005.

Cũng năm 2005, GDP theo sức mua của Trung Quốc là 8.85 nghìn tỉ USD so với 4.01 của Nhật Bản. Sức mạnh đó từng bước đưa Trung Quốc thành siêu cường thứ hai thế giới. Dĩ nhiên là đường còn dài, tuy nhiên nó cũng đã tạo ra sự tự tin đáng kể của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy các hành động quân sự tại một số khu vực.

Thứ ba, cam kết của các cường quốc khác đối với vấn đề an ninh ở châu Á. Nga, Mỹ, Nhật và Ấn Độ sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc kiềm chế Trung Quốc tại khu vực này. Việc nước Nga từ bỏ ảnh hưởng truyền thống của họ ở châu Á - Thái Bình Dương chẳng hạn, đã gây ra nhiều phiền toái cho tình hình an ninh của các quốc gia từng là đồng minh cũ của Liên Xô và Nga.

Cuối cùng, các học giả phương Tây coi quá khứ xung đột của châu Âu là tương lai của châu Á. TS. Henry Kissinger, trong Hội nghị An ninh Munich, coi châu Á của thế kỷ XXI sẽ giống như châu Âu thế kỷ XIX. Tuy nhiên, việc tìm hiểu trật tự quan hệ quốc tế Đông Á và việc soi chiếu sự chuyển biến của cường quốc lớn nhất khu vực từ đế chế sang quốc gia dân tộc cũng góp phần hiểu rõ nguồn gốc và tính chất của các thách thức an ninh này. Dĩ nhiên không phải tất cả biến động ở Đông Á đều do sự chuyển đổi của Trung Quốc gây ra nhưng sẽ là hữu ích cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, khi xem xét sự trỗi dậy của Trung Quốc trong một diễn trình lịch sử.

Vũ Đức Liêm
.
.