Trước ngày bầu cử nhiệm kỳ Tổng thống mới ở Afghanistan: Trăm mối tơ vò

Thứ Năm, 16/08/2018, 14:24
Đó là điều chắc chắn sẽ phải đến, một cuộc bầu cử chính thức để tìm ra người lãnh đạo mới, đánh dấu một kỷ nguyên mới cho Afghanistan. 


Song, điều đó nên diễn ra vào thời điểm nào, sẽ diễn ra như thế nào, với hệ quả ra sao thì vẫn còn là những câu hỏi mịt mờ, cũng là cả một chặng đường bất định, tiềm ẩn rất nhiều cả cạm bẫy lẫn tang tóc cho đất nước vốn đã tan hoang ấy.

Máu vẫn rơi. Bom vẫn nổ

Ngay sau khi Ủy ban Bầu cử độc lập của Afghanistan (IEC) thông báo rằng họ đã ấn định được thời gian tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sắp tới (ngày 20-4-2019), 6 tháng sau khi kiện toàn các thể chế cơ sở bằng các cuộc bầu cử quốc hội và chính quyền địa phương (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10-2018), những làn sóng bạo lực lại nối nhau ập tới.

Trong ngày 31-7, ngày IEC tuyên bố kế hoạch ấy, 8 người thiệt mạng và 40 người bị thương bởi một vụ đánh bom xe khách ở tỉnh Farah, miền Tây Afghanistan. Cũng trong ngày đó, thành phố Jalalabad rung chuyển với hàng loạt vụ nổ và sau đó là một vụ tấn công kéo dài tới hàng giờ đồng hồ vào một cơ quan công quyền của chính phủ.

3 ngày sau, tại một thánh đường Hồi giáo (thuộc thị trấn Gardez, tỉnh Paktia, miền Nam Afghanistan) trong một lễ cầu nguyện, 2 vụ nổ liên tiếp làm ít nhất 15 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương.

Ngày 3-8, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ra tuyên bố kịch liệt lên án những vụ tấn công khủng bố tàn bạo xảy ra tại Afghanistan. Một mệnh đề cũ lại tiếp tục được khẳng định: Khủng bố, dưới mọi hình thức, là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Triệt thoái quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, một kế hoạch bất khả thi trong hiện tại.

Những kẻ thực hiện và cả những kẻ tổ chức các âm mưu khủng bố cần phải bị buộc chịu trách nhiệm cũng như đưa ra xét xử, theo luật pháp quốc tế và theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Vấn đề là, những tuyên bố hay nghị quyết mang thông điệp như thế cũng không xa lạ gì, cũng hầu như chẳng tác động được gì đến hiện thực, đối với quá khứ gần của Afghanistan. 

Mới tháng trước thôi, đoàn xe hộ tống Phó Tổng thống Abdul Rashid Dostum cũng trở thành nạn nhân của một vụ tấn công liều chết gần sân bay Kabul do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện, khiến 23 người (cả dân thường và quân nhân) thiệt mạng, cùng 107 người bị thương.

Và xa hơn thế, lật lại dòng sự kiện kể từ khi những khoảng trống quyền lực xuất hiện khắp nơi trên đất nước này, bạo lực và bất ổn chưa bao giờ dừng lại.

Vậy thì, một cuộc bầu cử hay một vị nguyên thủ mới liệu có phải là điều chắc chắn sẽ thay đổi được hiện trạng này, theo hướng tích cực, để đắp móng xây nền cho hòa bình và ổn định không?

Năm bè bảy mối

Câu trả lời có lẽ là “Không!”. Afghanistan, trước khi tìm kiếm một chính quyền mới mạnh mẽ và hoạt động hữu hiệu, cần được bảo đảm những nền tảng để chính quyền ấy có thể tự thân tồn tại trước rất nhiều hiểm họa, mà đầu tiên là về khả năng kiểm soát tình hình. 

Vấn đề này liên quan mật thiết đến những phương án hàn gắn quốc gia thông qua việc xóa nhòa những mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nhóm, các lực lượng, các phe phái chính trị cát cứ. Và hơn thế, là về năng lực tự bảo vệ sự tôn nghiêm của mình.

Kể từ những trận đánh năm 2001, khi Taliban bị đánh bật khỏi quyền lực, Afghanistan vẫn luôn là một quốc gia bị chia cắt. 

Thủ đô Kabul, sau thời gian tạm thời được đặt dưới sự điều hành của các lực lượng quốc tế, đã ra đời Chính phủ Afghanistan được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn (năm 2004), sau điều được gọi là “cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên”. Nhưng, quyền lực của chính phủ trung ương ấy không vươn được quá rộng ra bên ngoài Kabul.

Taliban, kể cả khi bắt buộc phải triệt thoái, vẫn duy trì được những căn cứ địa sát các biên giới, để vẫn luôn là một mối đe dọa thường trực. Al-Qaeda, trước và sau cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden, vẫn có thể tiếp tục chiêu mộ chiến binh để tiếp tục những hành động đẫm máu khoác danh “thánh chiến” (jihad), nhằm tận dụng và phát huy tối đa tinh thần tôn giáo cũng như tâm lý bài Mỹ cực đoan.

Rồi gần đây, sau khi gần như bị quét sạch khỏi mọi thành trì ở Iraq cũng như Syria, IS (cùng không ít nhóm khủng bố nhỏ lẻ khác) chọn những vùng biên cương hoang vắng của Afghanistan làm nơi ẩn náu, tập trung lực lượng và tiến hành lên các kế hoạch tấn công mới.

17 năm qua, “chiến tranh Afghanistan” thực ra chưa từng kết thúc. Nó vẫn được xem là cuộc chiến tranh dài thứ hai trong lịch sử can dự của nước Mỹ, chỉ sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Người tiền nhiệm của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump - cựu Tổng thống Barack Obama, trong nhiệm kỳ của mình, đã cố gắng tạo nên một bước ngoặt khi mở đường đưa binh sĩ Mỹ rút chân khỏi “vũng lầy” ấy, từng bước một. Song, đó vẫn còn là một kế hoạch dang dở.

Có 2 lý do chính để Washington không thể mạo hiểm triệt thoái toàn bộ lực lượng tham chiến của mình khỏi Afghanistan (mà thậm chí, đã có những thời điểm, quân số lính Mỹ tại đây còn gia tăng).

Thứ nhất, các lực lượng vũ trang - an ninh (nghĩa là những công cụ trấn áp các mối đe dọa) của chính quyền Kabul vẫn còn quá non yếu. Trong khi đó, như thực tế chứng minh qua sự trỗi dậy của những bóng cờ đen IS, sức tấn công của chủ nghĩa khủng bố quốc tế đặt cơ sở trên tinh thần Hồi giáo quá khích là vô cùng đáng sợ.

Chính quyền Bagdad của Iraq, trong một thân phận mang tính “tầm gửi” cũng tương tự như chính quyền Kabul của Afghanistan, đã để mất hơn một nửa lãnh thổ vào tay IS một cách quá dễ dàng, trước khi làn sóng kinh khủng ấy bị chặn đứng nhờ sự nhập cuộc của quân đội các cường quốc.

Thứ hai, cho đến lúc này, vẫn chưa có một tiến trình hòa giải dân tộc đúng nghĩa nào đủ khả năng kết nối toàn bộ các phe nhóm, lực lượng ở Afghanistan thành một khối thống nhất, cùng hướng về mục tiêu hòa bình, ổn định để tái thiết đất nước.

Những dấu hiệu hòa giải đã bắt đầu được hé mở, khi Kabul tiếp xúc với Taliban qua những kênh trung gian cần thiết. Song, thực tế thì tiến trình thiết lập các mối dây liên hệ vẫn đang ở chặng khởi đầu. 

Bao trùm và chi phối bối cảnh ấy, dĩ nhiên, còn là nhu cầu bảo vệ và củng cố tầm ảnh hưởng của nước Mỹ ở một khu vực địa chính trị then chốt. 

Afghanistan là cánh cửa mở vào Trung Á, là địa bàn thiết yếu nằm ngay ở không gian ngoại vi của những cường quốc có thể cạnh tranh quyền lực với Mỹ trong chuỗi vận động tái sắp xếp trật tự thế giới đang diễn ra: Nga và Trung Quốc, cũng là vùng tranh chấp ảnh hưởng truyền thống mang tính biểu tượng từ thời Chiến tranh Lạnh.

Lợi ích cốt lõi của nước Mỹ ở đó, liệu có (hay đúng hơn, liệu đã bao giờ) trùng khớp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân Afghanistan? 

IS đã chọn Afghanistan làm căn cứ tập trung lực lượng sau khi bị đánh bật khỏi Iraq và Syria.

Mấu chốt là niềm tin

Quay trở lại với hiện tại, bất kể có thêm bao nhiêu lời hăm dọa được thể hiện bằng những vụ đánh bom liều chết hay tấn công khủng bố, có thể tin rằng lịch trình bầu cử Afghanistan vẫn sẽ diễn ra đúng như kế hoạch. 

Nhận được những thông điệp mang tính hăm dọa, điều Kabul bắt buộc phải làm vẫn là tỏ ra mạnh mẽ và kiên định. Không thể có lựa chọn nào khác cho sự tôn nghiêm của chính thể.

Tuy nhiên, song song với việc đẩy nhanh tiến độ kiện toàn cỗ máy quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội và cảnh sát, chính quyền Kabul cũng sẽ phải vô cùng khéo léo trong các hoạt động “đối nhân xử thế”, nhằm xây dựng thứ giá trị cơ bản của hòa bình: Lòng tin.

Sẽ là vô cùng nguy hiểm nếu để IS (cũng như Al Qaeda trước kia) có cơ hội bắt tay song hành với Taliban. Cần phải làm mọi cách để ngăn chặn nguy cơ đó. 

Việc mời lực lượng chính trị đối lập (đến mức độ thù địch) như Taliban tham gia các cuộc trao đổi trực tiếp nhằm dần tháo gỡ các rào cản là một bước đột phá đích thực. Tuy nhiên, những ý tưởng hòa giải lại cần được bảo đảm về thiện chí thực thụ bằng những hành động thực tế - những điều nói thì dễ, mà làm thì bao giờ cũng khó.

Ví dụ, câu chuyện có lẽ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều, nếu đúng như Taliban muốn, hiện hữu một tiến trình triệt thoái toàn bộ quân đội nước ngoài trên đất Afghanistan. Song, như đã nói, đó là điều rất khó có thể xảy ra, ít nhất là vào lúc này. Mà kể cả trong tương lai, kế hoạch ấy cũng sẽ phải được đánh đổi bằng một thứ lợi ích nào đó thật sự tương xứng.

Không chỉ vậy, Taliban còn có nhu cầu đàm phán trực tiếp với Washington, qua đó xác lập cho mình một vị thế chính thức tại các cuộc hòa đàm về sau. Nhưng, bây giờ thì họ mới chỉ có thể “nói chuyện trực tiếp” với Kabul.

Nghĩa là, không phải trên những lá phiếu, hòa bình và ổn định cho Afghanistan phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của nước Mỹ. Nếu muốn, cũng như trong mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump luôn có thể dễ dàng tạo nên đột phá. Còn nếu không...

Đông Phong
.
.