Trung trinh tiết tháo

Thứ Ba, 16/08/2011, 15:18
Không hiểu sao cả chính sử lẫn dã sử xứ mình ít hoặc chưa đề cập đến một sự kiện có thể nói là hi hữu (mà gọi là độc nhất vô nhị cũng chẳng phải là ngoa) trong nền ngoại giao Đại Việt? Ấy là sự kiện sứ thần Lê Quang Bí. Lê Quang Bí sinh năm Bính Dần (1506), hiệu là Hối Trai, không rõ mất năm nào.

Ông là con của Trạng nguyên Lê Nại, cháu bốn đời Lê Cảnh Tuân, đỗ tiến sĩ năm thứ 5, niên hiệu Tống Nguyên đời Lê Cung Hoàng (1526) một năm trước khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê. Nguyên quán ở Thuận Hựu (Hậu Lộc)  xứ Thanh nhưng ông là người thuộc xã Mỗ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mỗ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Năm 27 tuổi, cha của Lê Quang Bí đã đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ - đệ nhất danh Trạng nguyên trong khoa thi lấy đỗ 55 tiến sĩ ở khoa thi Ất Sửu (1505) đời Lê Uy Mục. Đặc biệt là cha ông thi cả năm trường đều đỗ thủ khoa, làm đến chức Hữu thị lang Bộ Hộ. Khi cha ông mất còn được truy tặng tước Đạo Trạch Bá.

Cũng như cha, Lê Quang Bí là người rất thông minh và học giỏi. Mặc dù các sử thần Đại Việt từng gọi triều Mạc là ngụy triều nhưng việc học hành thi cử có nhiều thành tựu.  Đến năm 20 tuổi, Lê Quang Bí dự khoa thi Đình năm Bính Tuất (1526).  Đề bài thi Đình là một bài văn sách hỏi về các bậc thánh nhân trị thiên hạ. Khoa thi này lấy đỗ 20 người. Lê Quang Bí đã đỗ Hoàng giáp, đứng thứ tư.

Năm Mậu Thân (1548), Mạc Phúc Nguyên là con cả của Mạc Phúc Hải, cử Lê Tiến Quy làm Chánh sứ và Lê Quang Bí làm Phó sứ, sang sứ nhà Minh lo việc triều cống hàng năm. Đi sứ nhà Minh là việc bình thường.

Nhưng sự bình lặng của việc giao hảo đã thành sự cố với thói cư xử trịch thượng bất bình đẳng của nước lớn cộng với sự nhiễu thông tin nhà Mạc tiếm ngôi vua Lê. Sự cố đầu tiên là Lê Quang Bí cùng đoàn sứ thần bị ách lại ở Nam Ninh. Người nhà Minh ngờ là giả mạo bắt phải chờ để tra xét thực hư.

Đằng đẵng 15 năm trời liên tằng những tra với xét, đoàn sứ bộ của Lê Quang Bí vẫn phải kiên nhẫn chờ và chờ... Tra mãi xét mãi nhưng Lê Quang Bí cứ bình thản chịu đựng... Tuân mệnh vua, quyết không làm nhục quốc thể nên nhục đấy khổ đấy cũng chẳng thể tùy tiện cáu bẳn nổi đóa!

Với lại có tự tiện bỏ về cũng chả được nào vì thân phận giam lỏng. Cái đích là Yên Kinh chứ không phải dịch quán Nam Ninh. Ròng rã năm này qua năm khác, có thể nhà Minh hạch tội Mạc Phúc Nguyên mấy năm bỏ bẵng việc tiến cống nên hành đoàn sứ bộ?

Có thể qua thông tin có được từ quân do thám tâu rằng nhân tình hình nước Nam nội bộ rối ren nên mở ngay một cuộc chinh phạt nhưng vua Minh dùng dằng chưa quyết?  Mãi đến năm Quý Mùi (1563) viên quan trị nhậm Lưỡng Quảng vừa thương tình và cảm phục mới sai người đưa 25 lạng bạc và cho đoàn sứ bộ tiếp tục về Kim Lăng (Yên Kinh, Bắc Kinh).

 Gối đất nằm sương ngày đi đêm nghỉ dằng dặc qua hàng trăm dịch quán, tưởng đến Bắc Kinh là suôn sẻ xong việc, nhưng oái oăm, đoàn sứ bộ của Lê Quang Bí lại bị ách tiếp ở quán dịch để chờ tra xét (?!) Những tờ sớ tâu bẩm của đoàn sứ bộ cứ lần lượt rơi vào quên lãng...

Mặc dù dằng dặc thời gian đợi chờ nhưng Lê Quang Bí vẫn chịu đựng kiên nhẫn kính cẩn giữ mệnh chúa không tỏ ra bực tức, thần thái lúc nào cũng ung dung tự tại. Ba năm ở Yên Kinh, có những viên quan nhà Minh luôn tới dịch quán, tiếng là thù tạc giao thiệp nhưng thực chất là coi xét thái độ cùng nắm động cơ của đoàn sứ bộ.

Nhưng trực tiếp chứng kiến việc làm cùng thái độ của sứ thần của Lê Quang Bí, có một viên quan nhà Minh tên là Lý Xuân Phương chức Đại học sĩ đã tỏ ra kính phục trước tiết tháo của vị sứ thần nước Nam. Lý Xuân Phương đã tâu lên vua Minh. Sau đó đoàn sứ bộ đã được gặp vua Minh cùng nộp lễ phẩm và chuẩn cho về nước.

Vậy là kỷ lục 18 năm đi sứ của Lê Quang Bí chưa có ai và thời nào ở nước ta phá nổi! Lúc ra đi tóc mây xanh mướt, khi trở về râu tuyết bạc phơ. Người nhà Minh đã ví ông như Tô Vũ xưa đi sứ sang Hung Nô vậy.

Tô Vũ năm 100 trước CN, vâng mệnh Hán Vũ Đế đi sứ Hung Nô bị quý quốc láng giềng đày đọa bắt chăn dê đằng đẵng 19 năm ở ven hồ Bai Can quanh năm không một bóng người, phải đào hang bắt chuột, bới rễ cây để ăn với lời đe của Thiền Vu Hung Nô: “Bao giờ dê đực đẻ con thì nhà ngươi mới được về Hán!”.

Vậy mà Tô Vũ vẫn chẳng hề lung lay tiết tháo, quyết không làm nhục mệnh vua, trung trinh với cố quốc. 19 năm của Tô Vũ và 18 năm của Lê Quang Bí, phỏng các sứ thần thời nay có được mấy người? Nhờ có quốc sỉ mà Lê Quang Bí lẫn Tô Vũ tránh được nỗi quốc nhục.

Năm Bính Dần, mùa xuân niên hiệu Sùng Khang thứ nhất (1566) đời Mạc Hậu Hợp, Lê Quang Bí về nước. Đón Lê Quang Bí tại ải Nam Quan có hai ông thượng thư đầu triều trong đó có Lại Bộ thượng thư kiêm Đông Các đại học sĩ Giáp Hải, thời ấy người ta vẫn quen gọi là ông Trạng Kế.

Trong Đại Nam quốc sử diễn ca có những câu: “Thuần Phúc sai Thượng thư Giáp Hải/ Đi lên miền biên giới Lạng Sơn/ Đón Lê Quang Bí sứ thần/ Phải đi mười tám năm tròn tới nay”.

Chẳng hay trong cuộc đón, ông Thượng thư Giáp Hải và ông Tiến sĩ kiêm sứ thần Lê Quang Bí có vồn vã ôm siết lấy nhau nhưng tấm gương trung trinh tiết tháo của Lê Quang Bí dường như đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm cho vị Thượng thư triều Mạc? Năm 1573, ông được cử giữ chức Tuyên Phủ đồng tri, lên ải Nam Quan cùng quan lại nhà Minh thương nghị giám sát biên giới.

Với những lý lẽ sắc bén, giải pháp thông minh, khiến người Minh phải nể phục, kính trọng, thường chỉ gọi ông là Giáp Tuyên phủ chứ không gọi tên. Ông là người giỏi bang giao từ mệnh đã năm lần được triều đình giao cho trọng trách đi sứ, ba lần nắm ấn quan to. Ngoài việc bang giao, mỗi lần tiếp sứ hay mỗi lần đi sứ ông thường có thói quen làm thơ ghi lại.

 Bây giờ xin trở lại với những vần thơ của sứ thần tiết tháo Lê Quang Bí. Về đến Tổ quốc, Lê Quang Bí được Mạc Hậu Hợp phong cho chức Thượng thư, lại phong  tước Tô Xuyên hầu, ví ông với vị trung thần nhà Hán là Tô Vũ.

Trong thời gian đày đọa ở đất khách quê người hết Nam Ninh, rồi Yên Kinh, Lê Quang Bí với sự thông tuệ vốn có lại cẩn trọng siêng năng có lẽ đã lưu lại nhiều trước tác? Nhưng tiếc thay chỉ còn ít bài trong tập thơ mà ông gom lại khi về nước. Đó là tập Tô Công Phụng sứ mà đáng kể có hai bài. Xin được biên ra đây để bạn đọc thưởng lãm. Bài thứ nhất ông vịnh Tô Vũ:

Cờ sứ vững cầm một cán không/ Mười thu nghìn dặm tiết cô trung/ Đất Hồ sương tuyết gầy mình hạc/ Đền Hán ngày đêm nhớ  mặt rồng/ Bể Bắc ngày chầy dê chửa đẻ/ Trời Nam nẻo viễn nhạn khôn không/ Khăng khăng chẳng chuyển lời vàng đá/ Bia tạc muôn đời tượng tướng công.

Và một bài vịnh... chính mình!

Khôn lấy mồi thơm dỗ tiết ngay/ Cho nên lưu lạc nước non này/ Bốn mùa đắp đổi kho trăng gió. Một áng thừa lưa lộc tháng ngày. Chẳng những lòng vàng trên bể Bắc/ Đã nguyên đầu bạc dưới đền Tây/ Tấc niềm bộc bạch hàng thơ lụa/ Phó mặc bên trời chiếc nhạn bay. 

Bây giờ có dịp đi ngang qua trụ sở mới của Bộ Ngoại giao đang được khẩn trương xây cất ở đường Lê Đức Thọ mạn Mỹ Đình, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, bên cạnh các tiền nhân sáng lập và có lắm công sức với ngành ngoại giao nước Việt  như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tường Tam, Ung Văn Khiêm, Hoàng Minh Giám, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Bình, Võ Đông Giang, Nguyễn Cơ Thạch... có lẽ nơi vị trí trang trọng nên trưng thêm mấy chân dung. Cụ Lê Quang Bí chẳng hạn? Hoặc giả chân dung của người mà con phố nơi trụ sở Bộ Ngoại giao đóng suốt từ năm 1954 đến nay: Tôn Thất Đàm!

Cũng lạ là bây giờ nhiều người vẫn còn lầm tên hai người con trai của cụ Tôn Thất Thuyết thành Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm.  Tôn Thất Đàm (1864-1888) là con trai trưởng của Tôn Thất Thuyết, từng đảm nhận chức vụ Khâm sai chưởng lý quân vụ đại thần. Cùng em trai Tôn Thất Tiệp, ông là một trong những chỉ huy của phong trào Cần Vương.

Ngày 4/7/1885, Tôn Thất Thuyết cho quân đánh úp vào trại lính và Tòa Khâm sứ Pháp nhưng thất bại. Vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết chạy ra  Sơn Phòng (Tân Sở, Quảng Trị) rồi sau đó về vùng Tuyên Hóa (Quảng Bình). Tại Tân Sở vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương.

Tôn Thất  Đàm thay cha điều hành triều đình Hàm Nghi và cùng Tôn Thất Tiệp được cha giao cho nhiệm vụ bảo vệ vua Hàm Nghi trong khoảng thời gian từ tháng 2/1886 đến tháng 10/1888. Cuối năm 1888,  vua Hàm Nghi bị một thuộc hạ là Trương Quang Ngọc làm phản đem quân tới bắt. Ông em Tôn Thất Tiệp bảo vệ vua và bị giết chết.

Ông anh Tôn Thất Đàm khi đó đang đóng quân ở Hà Tĩnh nghe tin vua bị bắt đã viết cho Hàm Nghi một bức thư tạ tội. Bức thư thứ hai viết cho viên Thiếu tá Dubat đóng ở đồn Thuận Bài xin cho minh quân được tha về quê làm ăn. Liền sau đó Tôn Thất Đàm đã thắt cổ tự sát! Đó là sáng sớm ngày 15/11/1888. Lại một tấm gương tiết tháo mà lịch sử hẳn còn thưa vắng giấy mực đề bàn định?

Lại nữa, chợt nhớ ra Trụ sở Bộ Ngoại giao mới đóng ở đường Lê Đức Thọ. Có lẽ lịch sử ngoại giao nước Nam ta hẳn còn chi dùng nhiều thêm bút mực nữa về một ông cố vấn từng khiến cự phách ngoại giao Hoa Kỳ là Kissinger đau đầu? Và giải Nobel Hòa bình mà ông Lê Đức Thọ từ chối bởi đánh đồng kẻ xâm lược và người bị xâm lược vẫn là một thứ nghĩa cử lẫn tiết tháo vô tiền khoáng hậu?

Ghi lại những trung trinh tiết tháo ấy để mà thầm mong, để thêm tin lớp hậu sinh sẽ tiếp tục làm rạng danh lẫn không hổ danh với những tiền nhân ngoại giao Đại Việt vậy!

Xuân Ba
.
.