Trung Quốc và giấc mơ du học

Chủ Nhật, 08/01/2017, 17:08
Du học, với nhiều người Trung Quốc, là một tấm vé "vượt biên", để thoát khỏi đất nước ngập ngụa với môi trường bẩn và sống ác như trong địa ngục.

Số viện đại học Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2000 (lên 2.529 trường). Năm 2015, số sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc là khoảng 7,5 triệu, gần gấp 8 so với năm 2000. Cùng lúc, cơn sốt du học cũng tăng nhanh. Chỉ riêng tại Mỹ, du học sinh Trung Quốc hiện chiếm nhiều nhất (1/3 số du học sinh nước ngoài, tức khoảng hơn 330.000 người).

Tại sao phải đi du học?

Trong báo cáo của tổ chức Nesta (Anh) vào năm 2013, người ta từng dự báo Trung Quốc qua mặt Mỹ về ngân sách đầu tư R&D trong 10 năm nữa. Chỉ số trích dẫn khoa học từ giới nghiên cứu Trung Quốc trên các chuyên san quốc tế đã tăng 9,5% vào năm 2011. 

Năm 2012, Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey dự báo, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm đến 30% tổng nhân công có trình độ đại học trên thế giới so với vỏn vẹn 5% của Mỹ. 

Năm 2008, Mỹ có 14% sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, cơ khí và toán; trong khi Trung Quốc là 42%... Tất cả cho thấy chính sách giáo dục của Trung Quốc dường như đúng hướng. Thành quả mà nó đạt được xứng đáng với ngân sách khổng lồ 7,79 ngàn tỉ tệ (1,26 ngàn tỉ USD) trong 5 năm tính đến thời điểm 2013, như loan bố của Chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục Trung Quốc rõ ràng không thể đánh giá một cách tổng quát và xác đáng dựa vào những dự báo hay thống kê từ vài cuộc thi trung học cấp quốc tế. 

Trong bài viết trên South China Morning Post, Giáo sư Tào Thông (Đại học Nottingham) đã dẫn lời giáo sư Trịnh Dã Phu, nhà xã hội học Đại học Thanh Hoa, rằng "cho dù bạn học ở đâu, Harvard, Yale, Oxford hay Cambridge, bạn cũng không có cơ hội giành Nobel khoa học nếu bạn đã trải qua 12 năm đầu đời tại một trường Trung Quốc. Cá tính, óc tò mò, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của bạn đơn giản sẽ bị phá hủy bởi hệ thống giáo dục Trung Quốc".

Đó là một hệ thống "trồng người" với truyền thống Khổng giáo được hiện đại hóa bằng mô hình mang đậm màu sắc chính trị, nơi học sinh không được phép tranh luận với thầy, hay nói cách khác, nơi mà tinh thần phản biện không được đề cao. 

Cũng trong bài viết trên, giáo sư Tào đã nhắc đến nhận xét của giáo sư Dương Chấn Trữ rằng ông hẳn không thể đoạt Nobel nếu trở về Trung Quốc vào thập niên 1950. 

Việc đoạt được Nobel khoa học, một giải chỉ dành cho những nghiên cứu có kết quả thực tế được kiểm chứng qua thời gian, rõ ràng khác xa với việc giành được điểm cao trong các cuộc thi khoa học hay Olympic toán dành cho học sinh trung học, nơi chỉ nhấn mạnh đến lý thuyết và "kỹ năng" thuộc bài.

Năm 2013, khi tường trình trước Ủy ban xem xét an ninh-kinh tế Mỹ-Trung tại Hạ viện Mỹ, giáo sư Denis Simon thuộc Đại học công Arizona kể lại: thập niên 1980, khi giới chuyên gia khoa học Trung Quốc được yêu cầu phải giải thích tại sao Trung Quốc tụt hậu so với Nhật và phương Tây, hầu hết ý kiến trả lời đều tập trung vào ba vấn đề: 1/ Thiếu tiền; 2/ Thiếu nhân tài; và 3/ Thiếu trang thiết bị. Bây giờ, tiền dư, nhân tài thừa và cơ sở vật chất cũng tốt nhưng tại sao khoa học Trung Quốc vẫn còn kém xa phương Tây? 

Hai tháng sau đó, trong cuộc hội thảo về khoa học tổ chức tại Bắc Kinh, bà ủy viên Bộ chính trị Lưu Diên Đông (hiện ngồi ghế phó thủ tướng) đã lập lại gần như từng từ trong báo cáo của Denis Simon. Vấn đề rõ ràng nằm sâu xa ở cái gốc của giáo dục, ở định hướng giáo dục, ở phương pháp giáo dục, chứ không phải ở những con số chỉ tiêu dành để đánh bóng các bản báo cáo.

Giấc mơ Harvard

Đó là những lý do giải thích tại sao Trung Quốc đổ dồn vào việc du học. Hãy bắt đầu từ câu chuyện Harvard. Với người Trung Quốc, Harvard là hình ảnh không chỉ là biểu tượng của giáo dục. 

Trên Harvard Magazine (20-7-2015), tác giả Zara Zhang (một sinh viên Harvard người Trung Quốc) viết: "Bất cứ khi nào thấy đám đông du khách Trung Quốc tranh nhau chụp ảnh tượng John Harvard, tôi cũng liên tưởng đến những ngôi chùa tại Trung Quốc mà tôi thỉnh thoảng viếng hồi nhỏ. 

Chạm vào đầu chiếc giày bóng láng của John Harvard cũng gần giống như quỳ trước một tượng Phật bằng vàng. Trong cả hai trường hợp, tín đồ đang bày tỏ sự tôn kính với hy vọng việc mình làm sẽ mang lại may mắn. 

Với người Trung Quốc, Harvard tương tự như Mecca của giáo dục đại học… Họ muốn hít thở bầu không khí bởi những sinh viên giỏi nhất thế giới… Mỗi centimet của mảnh đất thần thánh này phải được bước lên với sự kinh ngạc thú vị và mỗi tòa nhà phải được chụp lại…".

Không phải tự nhiên mà Trung Quốc phiên âm Harvard là "Ha Fu" - "Cáp Phật". Harvard, với người Trung Quốc, gần như là một thiên đường. Nó được nhìn ngắm bằng một ẩn ức thèm khát, đặc biệt khi nó phản chiếu một hình ảnh mà không ngôi trường đại học nào ở Trung Quốc có được: sự tự do. 

Harvard không chỉ bảo chứng cho tương lai. Nó cũng là một "American dream" cho những khát khao thay đổi mà Trung Quốc không thỏa mãn được cho chính thế hệ trẻ nước mình.

Năm 2000, "Harvard Girl Liu Yiting: A Character Training Record", được một cặp vợ chồng Trung Quốc viết sau khi con gái họ vào Harvard, đã trở thành quyển sách bán chạy như tôm tươi. 

"Harvard Girl" làm bùng nổ loạt sách khác viết về Harvard, trong đó có "Harvard 4:30am- Harvard Universitys Gift to Young People" (2012) của tác giả Wei Xiuying mà ngay khi nó ra mắt đã có một số bài viết cho thấy đó là sách bịa (chẳng hạn bài "Lies and legends fuel China's Ivy League dream" trên Asia Sentinel 6-8-2012). 

Điều đó, dù sao, cũng giúp người Trung Quốc thỏa mãn phần nào cơn khát. Nó gián tiếp trở thành động lực khiến họ trở nên quyết liệt hơn trong việc tìm cách chạy trốn khỏi nền giáo dục nước nhà. Một trường hợp điển hình thuyết phục: con gái của "chủ tịch Tập" - Tập Minh Trạch - đã từng học ở Harvard!

Du học sinh Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về số lượng tại Mỹ (gần 330.000 - theo Quartz 30-11-2016), tăng gấp năm trong một thập niên qua. Hầu hết đều xuất thân từ gia đình giàu có và thành phần "cán bộ cao cấp". Con đường du học cũng lắm gian truân. 

Phóng sự điều tra của Reuters (2-12-2016) cho biết, có không ít đường dây bất hợp pháp giúp đưa du học sinh sang Mỹ. Với giá 1.450-7.300 USD, New Oriental Education & Technology Group có thể đưa một học sinh Trung Quốc vào Mỹ. Đó là tiền phí bao gồm "gà bài thi", tìm trường và viết hộ đơn xin nhập học. 

New Oriental hiện "phục vụ" hơn 2 triệu học sinh Trung Quốc mỗi năm và kiếm được khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Chi tiết này cho thấy người Trung Quốc đang bằng mọi giá đưa con cái họ đi du học nước ngoài như thế nào.

Năm 2013, Yue Zou quyết định rời Hạc Cương (Hắc Long Giang) để sang Mỹ học. Bạn trai của cô, đang học tại Đại học Pittsburgh, sẵn lòng giúp, bằng cách giới thiệu với một công ty Trung Quốc chuyên "luyện thi" SAT, GRE và TOEFL. Yue Zou phải trả cho người "môi giới luyện thi" 6.000 USD cho bài thi TOEFL và 2.000 USD cho bài thi SAT. 

Trong thực tế, người môi giới sắp xếp tìm người thi hộ cho Yue Zou tại Pennsylvania. Mọi việc trót lọt. Yue Zou được nhận vào trường Virginia Tech. Tuy nhiên, đầu năm 2015, cậu bạn trai của Yue Zou cùng 13 sinh viên khác tại một số đại học Mỹ bị bắt. Hầu hết đều bị trục xuất khỏi Mỹ.

Việc ngụy tạo điểm cho hồ sơ nhập học thật ra chỉ mở được cánh cửa vào đại học Mỹ nhưng để có thể học và tốt nghiệp lại là chuyện khác. Trong niên khóa 2013-2014, khoảng 8.000 sinh viên Trung Quốc đã bị đuổi khỏi các đại học Mỹ, chủ yếu do năng lực kém hoặc gian lận thi cử. 

Báo cáo "White Paper on Dismissal Issues of Chinese Students in the US" (Báo cáo về các trường hợp bị đuổi học của sinh viên Trung Quốc tại Mỹ) năm 2015 cho biết, có 58% sinh viên Trung Quốc được khảo sát đã bị đuổi khỏi trường vì điểm trung bình (grade point average-GPA) quá thấp (gian lận thi cử chiếm 23% và thời gian đến lớp ít chiếm gần 10%). Chỉ riêng năm 2015, có đến 15% sinh viên Trung Quốc tại Mỹ thi hỏng tốt nghiệp.

Dù thế nào, cơn sốt du học vẫn bùng nổ. Những gia đình có điều kiện tài chính đều tìm cách đưa con cái họ sang Mỹ bằng mọi giá. Họ sẽ không trở về. 92% sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp vẫn tiếp tục ở Mỹ 5 năm sau khi lấy bằng tiến sĩ, so với 41% sinh viên Hàn Quốc (New Yorker 6-4-2015). 

Du học, với nhiều người Trung Quốc, là một tấm vé "vượt biên", để thoát khỏi đất nước ngập ngụa với môi trường bẩn và sống ác như trong địa ngục. "Giấc mơ Trung Hoa", với họ, còn dối trá hơn cả những quyển sách bịp viết về Harvard. Họ muốn một giấc mơ thật. Một cuộc sống thật. Một tương lai thật.

Mạnh Kim
.
.