Trung Quốc: Thách thức trước mối đe dọa của khủng bố Hồi giáo

Thứ Bảy, 11/03/2017, 10:04
Đoạn video 30 phút phát ngày 27-2-2017 có thể khiến Bắc Kinh chột dạ. Nhóm chiến binh thuộc lực lượng khủng bố ISIL, một phân nhánh của tổ chức khét tiếng ISIS, dọa sẽ “trở về nhà” và cho Trung Quốc “nhuộm sông bằng máu”. Đoạn video được đưa ra cùng ngày Trung Quốc tổ chức cuộc thị uy với hơn 10.000 cảnh sát - an ninh tại Urumqi (thủ phủ Tân Cương)…

Tân Cương nghẹt thở

Michael Clarke, chuyên gia về Tân Cương thuộc Đại học An ninh quốc gia Australia, nói rằng: “Đây là lần đầu tiên các chiến binh nói tiếng Duy Ngô Nhĩ tuyên bố trả thù Trung Quốc”. Trong thực tế, ISIS từng nhiều lần đe dọa Trung Quốc. Ngày 4-7-2014, lãnh tụ ISIS Abu Bakr al-Baghdadi đã phát một băng hình miêu tả chi tiết mở rộng cuộc thánh chiến tại 20 quốc gia, trong đó Trung Quốc đứng đầu bảng.

“Nhân danh Thượng đế, chúng ta sẽ trả thù. Nếu thậm chí điều đó mất thời gian, chúng ta vẫn sẽ trả thù và chúng ta sẽ phải trả đũa gấp đôi và hơn thế nữa” - al-Baghdadi nói - “Ngày đó sẽ đến khi tín đồ Hồi giáo có mặt khắp nơi như những ông chủ quý phái. Những kẻ dám đứng lên chống lại họ sẽ bị trừng trị và mọi bàn tay chạm đến họ sẽ bị cắt bỏ”.

Trong cuộn băng, al-Baghdadi nhắc đến Trung Quốc và Tân Cương nhiều lần đồng thời chỉ trích chính sách đàn áp người Hồi Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh.

Tình hình Tân Cương xấu nghiêm trọng vài năm gần đây. Từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn (Guo Shengkun) đã đến Tân Cương nhiều lần.

Tháng 5-2014, một nhóm người Duy Ngô Nhĩ tại Nam Tân Cương đã xúm vào đánh một hiệu trưởng bởi tội giúp chính quyền “lùa” các nữ sinh mặc áo trùm che mặt lên phòng giám thị. Phản ứng, cảnh sát nổ súng vào đám đông giận dữ, làm chết ít nhất 4 người. Tháng 6-2014, 4 người Duy Ngô Nhĩ cũng bị bắn chết trong một cuộc đụng độ với viên chức chính quyền khi một phụ nữ bị dỡ áo che mặt trong lúc khám xét.

Làn sóng chống đối bằng bạo lực của người Duy Ngô Nhĩ khiến Bắc Kinh đưa ra chính sách kiểm soát gắt gao, càng làm tình hình thêm phức tạp và đời sống người dân càng nghẹt thở. Chính quyền Tân Cương đã ban lệnh cấm để râu và mặc áo choàng che mặt. Trong tháng chay Ramadan năm 2014, sinh viên và viên chức chính quyền thậm chí bị cấm ăn chay.

Cuối tháng 2-2017, chính quyền ra lệnh cấm tất cả hoạt động Công giáo tại Tây Bắc Tân Cương. Đầu tháng 2-2017, người dân khu vực Bayingol thuộc Tây Tân Cương bị yêu cầu gắn thiết bị định vị GPS vào tất cả xe gắn máy và xe hơi trước ngày 30-6-2017 (xe nào không gắn không được mua xăng).

Tháng 10-2016, chính quyền Tân Cương đưa ra một điều luật trong khuôn khổ “các quy định giáo dục mới”, yêu cầu phụ huynh không được “tổ chức, dụ dỗ hoặc ép buộc con em tham gia các hoạt động tôn giáo”. Luật cũng cấm tất cả hoạt động tôn giáo trong học đường dưới mọi hình thức.

Nếu phụ huynh “không thể dạy bảo con cái tránh xa điều xấu”, con em họ sẽ được đưa vào “trường đặc biệt” để được “cải tạo”. Trường học phải hướng dẫn học sinh tránh xa “tư tưởng ly khai” để tạo ra một môi trường “tôn trọng khoa học, tìm kiếm sự thật, khước từ sự thiếu hiểu biết và chống lại mê tín dị đoan”.

Trong buổi lễ biểu dương lực lượng cảnh sát - an ninh rầm rộ với hơn 10.000 quân vào cuối tháng 2-2017, Bí thư Tân Cương Trần Toàn Quốc đã kêu gọi “sự nhận thức tình hình nghiêm trọng” đối với an ninh khu vực. “Hãy chôn xác bọn khủng bố và băng nhóm khủng bố trong biển cả mênh mông của cuộc chiến nhân dân”.

Trong cùng ngày, ông Trần phái 1.500 cảnh sát đến các “chiến tuyến” Hotan, Kashgar và Aksu. Đây là những thành phố thường xảy ra bạo động. Lực lượng cảnh sát vũ trang (PAP), trực thăng quân đội, 10 máy bay dân dụng chở lính có thể đưa quân đến bất cứ địa điểm nào để trấn áp bất kỳ cuộc bạo động nào - một bản tin đăng trên trang web Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Vài năm gần đây, lực lượng an ninh Tân Cương đã tăng cường tuần tra bằng máy bay. Truyền thông chính quyền cho biết, ngân sách an ninh Tân Cương tăng 19,3% năm 2016, lên hơn 30 tỷ tệ (4,37 tỷ USD).

Bắc Kinh và Baghdad

Vấn đề ở chỗ việc gây thù với người Hồi giáo Tân Cương đang ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của Trung Quốc tại Iraq. Ngày 8-7-2014, Công sứ Trung Quốc Ngô Tư Khoa (WuSike) đến Baghdad gặp Thủ tướng Nourial-Maliki với lời hứa ủng hộ “cuộc chiến chống khủng bố”.

Cây bút người Mỹ gốc Hoa Trương Gia Đôn (Gordon Chang) viết rằng, nếu có nước nào nên dội bom tấn công ISIS thì nước đó phải là Trung Quốc, vì Trung Quốc đang kiếm ăn bộn trên đất Iraq. Trung Quốc thâm nhập sâu vào Iraq, không chỉ kinh tế và dầu hỏa mà còn cả các thương vụ vũ khí.

10.000 lính Trung Quốc trong buổi biểu dương lực lượng ngày 27-2-2017.

Cần nhắc lại, trong cuộc chiến Iran - Iraq từ 1980-1988, Trung Quốc đã bán vũ khí và kỹ thuật quân sự cho cả hai bên và bỏ túi khoảng 8 tỷ USD. Từ 1982-1989, Trung Quốc hốt được gần 5 tỷ USD tiền vũ khí bán cho Baghdad (chiếm 31,4% doanh số vũ khí Trung Quốc trong thời gian này). Sau cuộc chiến Iran - Iraq, các thương vụ vũ khí Trung Quốc cho Iraq bắt đầu giảm mạnh và họ gần như mất hẳn thị trường này sau cuộc chiến Vùng Vịnh 1991.

Năm 2004, luật cấm vận vũ khí kéo dài 14 năm của LHQ đối với Iraq kết thúc. Trung Quốc lại nhảy vào. Năm 2007, Trung Quốc bán cho Iraq số súng hạng nhẹ trị giá 100 triệu USD. Gần đây, tháng 12-2016, Iraq đã thỏa thuận thương vụ 2,5 tỷ USD mua hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 của Trung Quốc (FD-2000 tương tự phiên bản nội địa HQ-9, được đánh giá tương đương hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ).

Không chỉ ISIS

Không chỉ lực lượng ISIS, một số tổ chức khủng bố Hồi giáo cũng đã đưa Trung Quốc vào tầm ngắm. Trong đoạn ghi âm 8 phút phát ngày 24-11-2013, thủ lĩnh Abdullah Mansour của nhóm Hồi giáo Turkestan Islamic Party (TIP) tự nhận đã gây ra cuộc tấn công tại Thiên An Môn ngày 28-10-2013 và đó chỉ là “đoạn dạo đầu”. Trong đoạn băng, Mansour nói rằng: “Các người đã lừa dối Đông Thổ (East Turkestan) trong 60 năm và bây giờ là lúc họ tỉnh ngộ”.

Trước đó, Trung Quốc cáo buộc nhóm Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM) là thủ phạm, trong khi nhóm này đã bị giải tán cách đây hơn 10 năm sau khi thủ lĩnh của họ bị giết tại Pakistan.Trước đó, ngày 7-10-2009, một thủ lĩnh cấp cao Al-Qaeda, Abu Yahya al-Libi, cũng kêu gọi cuộc thánh chiến toàn cầu chống Trung Quốc.

Al-Qaeda từng có lúc chủ trương dùng Trung Quốc làm đối trọng chống Mỹ. Trên chuyên san Washington Quarterly, Brian Fishman cho biết, thời Taliban cai trị Afghanistan, các nhóm Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cũng lập trại tại nước này; nhưng họ, trong đó có ETIM, bị Taliban cấm gây rối Trung Quốc.

Năm 1997, sau loạt đánh bom tại Bắc Kinh do Duy Ngô Nhĩ thực hiện, Osama Bin Laden “bán cái” cho CIA khi nói: “Mỹ muốn gây thù giữa Trung Quốc và Hồi giáo. Hồi giáo Tân Cương bị cáo buộc thực hiện các vụ đánh bom tại Bắc Kinh nhưng tôi nghĩ những vụ nổ này được CIA tài trợ. Nếu Afghanistan, Pakistan, Iran và Trung Quốc hợp nhất, Mỹ và Ấn Độ sẽ bị vô hiệu”...

Năm 2000, Trung Quốc là quốc gia không thuộc Hồi giáo đầu tiên có cuộc gặp cấp đại sứ với thủ lĩnh Taliban Mullah Omar. Trong cuộc gặp, Omar khẳng định với Đại sứ Trung Quốc rằng hắn không muốn can thiệp nội bộ Trung Quốc và cũng không cho phép bất kỳ nhóm Hồi giáo nào làm như vậy.

Năm 2003, ETIM tan rã. Đầu năm 2008, TIP tuyên bố họ là nhóm kế tục. Họ bắt đầu tuyên truyền về sự đàn áp Hồi giáo Tân Cương. Họ thậm chí đe dọa khủng bố Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Tháng 7-2008, họ tung ra một video tự nhận trách nhiệm loạt vụ đánh bom xe bus ở Thượng Hải và Vân Nam. 6 tháng sau, chiến dịch tuyên truyền chống Trung Quốc của TIP thậm chí được “đánh” qua Trung tâm thông tin al-Fajr - “cổng thông tin” chuyên phát những hiệu triệu thánh chiến của “Al-Qaeda trung ương”.

Sau vụ trấn áp đổ máu do an ninh Trung Quốc thực hiện tại Tân Cương vào tháng 7-2009, thủ lĩnh TIP, Abd-al-Haqq Turkistani, lại kêu gọi thánh chiến chống Trung Quốc trên toàn cầu. Tháng 7-2010, 3 người Hồi giáo bị bắt tại Na Uy với cáo buộc âm mưu tấn công tòa đại sứ Trung Quốc. Vụ việc cho thấy Hồi giáo toàn cầu đã có những phản ứng nhất định đối với kêu gọi của TIP.

Quan hệ Bắc Kinh - Baghdad vẫn phát triển ở nhiều phương diện. Cuối năm 2016, Iraq đã tăng doanh số bán dầu cho Trung Quốc. Công ty dầu Iraq SOMO tăng xuất lượng dầu thô 3% tại mỏ Basra để bán cho công ty dầu Trung Quốc Unipec, với tổng cộng 40-60 triệu thùng cho mỗi quý trong năm 2017.

Giữa tháng 1-2017, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi thư cho đồng cấp Iraq Haider al-Abadi, tuyên bố gói “viện trợ nhân đạo” 70 triệu tệ (khoảng 10,1 triệu USD). Trong thư, ông Lý nói Trung Quốc và Iraq có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, rằng Chính phủ Trung Quốc đánh giá cao sự phát triển mối quan hệ hai nước. Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Chính phủ Iraq để tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao hơn - ông Lý nói thêm.

Chính phủ Trung Quốc cũng hy vọng Iraq đạt được kết quả sớm trong công cụ củng cố an ninh và ổn định xã hội - ông Lý kết luận. “An ninh và ổn định” ở đây có thể hiểu là Baghdad cần giải quyết “cục nợ đời” ISIS; và bằng cách này hay cách kia, Trung Quốc cũng sẵn sàng giúp Iraq đạt được. Tuy nhiên, vấn đề đã trở nên phức tạp hơn nhiều.

ISIS không chỉ có thể làm tổn hại quyền lợi Trung Quốc tại Iraq. ISIS, với sự tham gia của người Duy Ngô Nhĩ, đang thổi luồng gió đe dọa vào Tân Cương và thậm chí có thể vào bất cứ nơi nào khác trên đất Trung Quốc.

Anh Doãn
.
.