Trong sát-na hạnh phúc

Thứ Ba, 25/08/2020, 07:20
Người phụ nữ ấy là nhà thơ người Mỹ Sylvia Plath (1932-1963), và bà đã viết những dòng này trong một bài báo đăng tạp chí cách đây nhiều năm. Những suy nghĩ gợi nhớ đến bản chất phù du của sự sống, và nỗi đau thầm kín của việc hưởng thụ. Dường như những niềm vui có phần trống rỗng và thoáng qua mỗi ngày đều có thể gây ra đau khổ, một ý tưởng mà không ít triết gia đã đồng ý, với lập luận rằng cuộc sống không thể đơn giản đến như vậy, và bản chất nhất thời của khoái lạc kiểu đó làm giảm giá trị của đời sống...

Vào một buổi tối mùa Hè đẹp trời, ban nhạc đang chơi rất hay, mọi người nhảy múa và tận hưởng. Có một người phụ nữ ở đó, lặng lẽ ngắm nhìn mọi người và tự nhủ với lòng mình:

"Ở khắp nơi, không được để ý đến với cách này hay cách khác, mọi thứ đang trôi qua, đang kết thúc, đang dịch chuyển. Và sẽ có những mùa hè khác, những buổi hòa nhạc khác, nhưng không bao giờ là lần này, không bao giờ lặp lại nữa, không bao giờ như lúc này. Năm tới tôi sẽ không phải là chính mình của năm nay. Và đó là lý do tôi mỉm cười thoảng qua, một cách phù du; cười, trong khi nắm lấy, giữ một cách dịu dàng, như là trò chơi của một kẻ ngốc, kính vỡ, nước chảy qua kẽ ngón tay".

Khoái lạc ngắn ngủi

Người phụ nữ ấy là nhà thơ người Mỹ Sylvia Plath (1932-1963), và bà đã viết những dòng này trong một bài báo đăng tạp chí cách đây nhiều năm. Những suy nghĩ gợi nhớ đến bản chất phù du của sự sống, và nỗi đau thầm kín của việc hưởng thụ. Dường như những niềm vui có phần trống rỗng và thoáng qua mỗi ngày đều có thể gây ra đau khổ, một ý tưởng mà không ít triết gia đã đồng ý, với lập luận rằng cuộc sống không thể đơn giản đến như vậy, và bản chất nhất thời của khoái lạc kiểu đó làm giảm giá trị của đời sống.

Ý tưởng hạ thấp vai trò của những khoái lạc nhất thời kiểu thế đã trở thành dòng chủ lưu trong đời sống đạo đức của chúng ta: một đội tuyển bóng đá mới giành chiến thắng, mang lại niềm vui cho công chúng và được thưởng, dư luận sẽ đặt câu hỏi rằng tiền đó sao không để làm từ thiện; những cuộc nhậu, một trong những thú vui phổ biến của đàn ông, có thể bị xem như một biểu hiện rất gần với trụy lạc; hay thậm chí sex, một khoái lạc ngắn ngủi phổ biến bậc nhất, trong một thời gian dài đã trở thành chủ đề cấm kỵ và hầu như không được phép "lang thang" đến lãnh địa của luân lý.

Triết gia người Đức Arthur Schopenhauer thậm chí còn đi xa hơn: ông cho rằng những niềm vui nhất thời chính là điều dẫn đến nỗi đau. Đối với ông, khoảnh khắc hiện tại luôn là trôi-tuột-vĩnh-viễn (ever-fleeting), và mọi thứ đều chỉ "liên tục tiếp diễn mà không bao giờ hoàn thành; trong ham muốn liên tiếp mà không bao giờ thỏa mãn; trong sự thất vọng không ngừng khi phấn đấu góp phần tạo nên cuộc sống".

Mọi nỗ lực nắm bắt hiện tại của chúng ta dường như đều vô nghĩa, bởi vì nó luôn tuột qua kẽ tay chúng ta, và "thứ mà trong khoảnh khắc nó ngừng tồn tại, nó cũng biến mất như một giấc mơ, thì thứ đó không thể xứng đáng với một nỗ lực nghiêm túc nào" - Schopenhauer tàn nhẫn kết luận.

Nhưng bất chấp sự ghẻ lạnh của triết học hàn lâm nói chung, có không ít người đã đứng ra bảo vệ cho sự hưởng thụ nhất thời. Aristippus thành Cyrene, một học trò của Socrates, được nhớ đến như người sáng lập trường phái triết học Cy-níc cổ đại, tập trung vào khám phá khoái lạc, và cho rằng hưởng thụ (enjoy) là điều tốt.

Theo ông, chúng ta nên sống hết mình với những thú vui ngay lúc này, và sự ngắn ngủi của khoái lạc không làm giảm giá trị của chúng. Đối với những người Cy-níc, những thú vui trống rỗng, làm thỏa mãn thể xác trước mắt là điều giá trị nhất, hơn bất kỳ thứ gì khác, kể cả những thứ mà theo Aristotle sẽ tạo thành hạnh phúc đích thực và lâu dài. Aristippus mạnh dạn tuyên bố: "Nghệ thuật của cuộc sống nghĩa là tận hưởng những thú vui khi chúng đã đi qua rồi".

Với Aristippus, sự ngắn ngủi của những niềm vui thoảng qua ẩn chứa lý tưởng về tự kiểm soát với cảm giác hài lòng về hiện tại: cuộc sống tốt đẹp dựa trên sự tự chủ. Bạn tận hưởng niềm vui, nhưng luôn tự chủ: bạn không cho phép mình gắn bó với khoái lạc cụ thể nào, vì những khoảnh khắc rồi sẽ qua và tất cả đều có thể thay đổi. Aristippus cho rằng không cần phải kiêng khem những lạc thú, nhưng cần phải kiểm soát chúng, chứ không phải bị chúng điều khiển.

Một người Cy-níc cổ điển khác là triết gia Hy Lạp Hegesias thì cho rằng khoái lạc nhất thời là tốt, vì niềm vui thực sự không kéo dài. Theo ông, thì hạnh phúc là hiếm khi đạt được và luôn rời bỏ chúng ta, trong khi nỗi đau thì thường trực, chiếm ưu thế trong đời sống. Và bởi vì một cuộc sống toàn niềm vui là không thể đạt được, nên khoái lạc thoáng qua thực sự quan trọng.

Niềm vui thật sự

Khi còn là một đứa trẻ, niềm vui đối với tôi rất đơn giản: tôi có thể ngồi chơi điện tử hay đọc truyện tranh hàng giờ, và vui thích đến nỗi nghĩ rằng những điều này sẽ kéo dài vĩnh viễn. Một đứa trẻ luôn hạnh phúc, vì niềm vui đối với nó luôn đơn giản và mang theo trong đó cảm giác vĩnh cửu. Cha mẹ sẽ luôn trẻ đẹp như vậy. Xung quanh bạn bè ai cũng tràn trề năng lượng. Thế giới dường như đóng băng trong một hóa thạch hạnh phúc.

Nhưng đấy là một ảo tưởng, thậm chí là ảo tưởng mạnh mẽ nhất từng có của con người, rằng bản thân sẽ luôn ổn định và mạnh mẽ. Khi trưởng thành, ta nhận ra rằng mọi thứ đều sẽ lụi tàn, luôn luôn thay đổi, và sự tồn tại là phù du.

Đến lúc này, truyện tranh hay trò chơi điện tử không làm tôi vui nữa. Những khoảnh khắc đáng nhớ và vui vẻ nhất lại thường ngắn ngủi: chờ xem mặt trời ló rạng lúc bình minh, và lặn vào hoàng hôn; cầu vồng kép xuất hiện sau cơn mưa; hương thơm của tách cà phê mới pha trước khi uống; một bàn thắng gỡ hòa vào phút bù giờ của đội bóng tôi yêu; hay một khoảnh khắc xuất thần của nghệ sĩ chơi nhạc, giống như trải nghiệm của nhà thơ Plath ở đầu bài viết này.

Thật vậy, sự thích thú của chúng ta với một thứ có thể được tăng cường bởi sự tồn tại ngắn ngủi của nó. Những điều vô thường có thể khơi dậy niềm vui và tạo ra cảm giác có ý nghĩa: khoái lạc không đòi hỏi sự sở hữu vĩnh viễn và an toàn. Trái lại, ảo tưởng về sự bền bỉ và đáng tin cậy làm méo mó khả năng hưởng thụ của chúng ta. Và một khi chúng ta chấp nhận ý tưởng này, sự ngắn ngủi của niềm vui có thể được coi là như một tài nguyên quan trọng trong sự phát triển không ngừng của bản thân con người.

Nhưng không dễ để nhận ra niềm vui nào đáng để tận hưởng. Trong xã hội hiện đại, chúng ta trải nghiệm một nền giải trí bịa đặt - một loại tạo hưng phấn thần kinh để giết thời gian đã được lên kế hoạch, giữa đa số thời gian làm việc bận rộn và đầy stress.

Chúng ta bị dội bom bởi những quảng cáo đầy hứa hẹn rằng sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời nếu mua được điện thoại đời mới nhất hoặc trải nghiệm trò chơi nóng hổi nhất. Nền văn hóa của chúng ta bị bọc đường và ngộp thở trong lớp vỏ tiêu dùng, và thực chất đã từ bỏ niềm vui hưởng thụ từ lâu.

Nếu bạn mua một chiếc xe đắt tiền vì nghĩ rằng tình trạng của bạn đòi hỏi phải sở hữu nó, đó không giống như việc tận hưởng nó. Cái tôi bị ý tưởng này cai trị thực chất không vui thích vì sở hữu chiếc xe. Anh ta chỉ nghĩ rằng mình phải có và trưng bày nó. Chúng ta đang sống trong một thế giới làm mất đi sự hứng thú trong khi lại sùng bái và phục vụ hàng hóa quá mức. Thay vì để việc hưởng thụ đóng vai trò trung tâm của đời sống, văn hóa của chúng ta đã tạo ra một sự khổ hạnh kỳ lạ dựa trên phô trương niềm vui không có thật. Tôi là những gì tôi ham muốn. Tôi là những gì tôi tiêu thụ. Chúng ta mải mê chạy đua như những đối tượng ham muốn và tiêu dùng tầm thường, sống như thể biến bản thân thành hàng hóa và không còn gì khác.

Trong một lần gần đây, khi ngẫu nhiên ngồi chơi điện tử với cháu trai của tôi, tôi nhận ra rằng sự thích thú đã trở lại với mình bất ngờ như thế nào. Tôi phấn khích khi hạ được một kẻ địch trên màn hình, với sự phối hợp cùng nhân vật do đứa cháu điều khiển. Đấy hẳn là một niềm vui có ý nghĩa, dù khoảnh khắc chúng tôi chơi cùng nhau chỉ kéo dài khoảng nửa giờ. Trong 30 phút đó, tôi quên đi thời gian, và sau một khoảng thời gian, tôi vẫn mỉm cười khi nhớ lại điều đó, trước khi chia sẻ nó cho bạn đọc.

Và tôi phát hiện ra rằng niềm vui, dù chứa đựng trong đó sự chủ quan và kinh nghiệm của mỗi cá nhân, cũng thường xuất hiện khi chia sẻ và lan truyền. Hạnh phúc lớn nhất là sự sảng khoái tương hỗ, không chỉ đơn thuần cho bản thân, cũng không chỉ cho một cá nhân cụ thể nào khác.

Chỉ là chúng ta có thể tận hưởng cùng nhau, xem người khác cũng là một nguồn hưởng thụ, và thực sự tận hưởng cả sự thích thú của họ. Tôi vui vì cháu tôi cũng khoái trá đến thế nào khi tiêu diệt một kẻ địch trong game khi cùng chơi với tôi. Tôi vui khi nó nhận điểm tốt, được khen ngợi, và vui khi nhìn thấy nó, hay là bất kỳ ai khác tôi yêu quý, mỉm cười.

Niềm vui của người khác lay động chúng ta, không chỉ là nỗi đau của họ. Chúng ta có thể đang sống trong một thời đại mà hưởng thụ riêng mình, được coi như đặc quyền (ở nhà to, đi xe đẹp, mặc đồ hiệu, ăn nhà hàng sang trọng), chiếm ưu thế và thậm chí được coi như những tiêu chuẩn thành đạt. Nhưng chúng ta vẫn có cơ hội quan tâm đến niềm vui của người khác, và tận hưởng cả điều đó mỗi ngày.

Trong thế giới hiện đại, việc tiếp cận với niềm vui là không bình đẳng, và nhận ra điều này là bước đầu tiên để biết đến niềm vui như một nỗi niềm phổ quát. Ai có đủ thời gian, địa vị, và thậm chí đặc quyền để hưởng thụ? Việc hưởng thụ của ai được cho phép, công nhận, định giá, thậm chí tài trợ; và của ai sẽ bị coi thường, gạt sang bên lề hoặc thậm chí trở thành tội lỗi?

Quan tâm đến niềm vui của người khác đồng thời cũng là nhận ra tầm quan trọng của việc mở rộng phổ tiếp cận nó: ta nhận ra rằng niềm vui của người này có đến từ sự trả giá của người khác. Từ việc kêu gọi chấm dứt nạn quấy rối tình dục cho đến đấu tranh vì quyền của động vật, nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc thách thức những thú vui mang tính áp bức hoặc khiến các sinh vật sống khác phải trả giá.

Trong một lần trở về nhà sau ngày làm việc mệt mỏi, tắm nước nóng, vùi mình trong chăn ấm nệm êm với một trận bóng đêm thú vị đang chờ đợi, tôi xem chúng với niềm vui trống rỗng, nhưng đầy ý nghĩa của một hạnh phúc ngắn ngủi mà rồi sẽ sớm phải quên đi. Nhưng ở một vài thời điểm nào đó, khi niềm vui lên đến đỉnh điểm, cũng là lúc tôi nghĩ về những gì mình đang hưởng thụ cũng có thể xem như một đặc quyền, đối với rất nhiều người không may mắn khác.

Tôi không thể dừng xem trận bóng, nhưng cảm thấy biết ơn hơn với khoảnh khắc này, khi trong một sát-na đẹp đẽ của số phận, tôi có thể cảm nhận niềm vui này không chỉ với tư cách một chủ thể riêng biệt, mà là liên chủ thể, với tất cả những ai có thể kết nối, yêu thương và hy vọng vào nhau. Có lẽ đó là hạnh phúc.

Ban Cầm
.
.