Trọng lượng tiếng nói

Thứ Năm, 10/03/2016, 19:35
Khi Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), có ý kiến nói kiểu "phán" rằng, phận nước nhỏ ngồi vào "ghế lớn" là quá sức và chỉ "cho đủ mâm".  Thực tiễn hơn hai năm là thành viên của tổ chức này đã phủ định quan điểm trên, Việt Nam cho thấy trách nhiệm và vị trí, trọng lượng tiếng nói của mình.

Tròn 10 năm đánh dấu sự ra đời của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (3/2006 - 3/2016) - một tổ chức đóng vai trò "đầu não" vấn đề nhân quyền thế giới. Tổ chức này được ra đời ngày 15-3-2006 sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới thay thế Ủy ban Nhân quyền. 

Là cơ quan có tiếng nói quan trọng nhất trong hệ thống các thể chế của Liên Hiệp Quốc về quyền con người, Hội đồng Nhân quyền góp phần thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ trên phạm vi toàn cầu các quyền con người và tự do cơ bản một cách công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Tới nay cũng đánh dấu hơn 2 năm Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2014-2016.

Thực tế, ngay khi vận động ứng cử, chúng ta đã gặp khá nhiều rào cản đến từ các hành vi tuyên truyền và hoạt động chống phá của những tổ chức, cá nhân không ưa mô hình, con đường mà Việt Nam đang đi. Đến khi Việt Nam trúng cử với số phiếu rất cao và trở thành thành viên, sự chống phá đó không giảm khi tiếp tục xuất hiện những lá đơn hay "thư kiến nghị" gửi đến Hội đồng Nhân quyền và tung lên Internet, đòi Liên Hiệp Quốc phế truất thành viên với lý do "vi phạm nhân quyền" và "không đủ tư cách thành viên".

Có thể thấy, song hành những gì Việt Nam nỗ lực ứng cử và hoạt động với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền thì ở phía ngược lại, những hành động chống phá cũng diễn ra rất quyết liệt, mục đích hạ thấp vai trò, vị trí của Việt Nam và gây khó khăn cho ta trong công tác đối ngoại, gây sức ép để quốc tế can thiệp vấn đề nhân quyền, dân chủ, phục vụ mưu đồ chính trị.

Tới nay, gần 2/3 chặng đường làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, những gì Việt Nam đã thể hiện được kiểm chứng và đánh giá khách quan của Hội đồng và những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm. Việt Nam đã thực sự chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, cùng các nước thành viên khác xử lý các thách thức chung của nhân loại trong lĩnh vực quyền con người.

Chúng ta đã tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, tham vấn về các chủ đề khác nhau liên quan đến việc bảo vệ quyền con người, từ các nội dung về kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển, quyền giáo dục, y tế đến những vấn đề như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việt Nam đã có những đóng góp thực chất vào quá trình xây dựng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền theo hướng ủng hộ cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, đáp ứng được sự quan tâm, lợi ích của nhiều bên, hướng tới đồng thuận.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta không để bị rơi vào thế bị động trước các diễn biến tại Hội đồng Nhân quyền. Trên cơ sở lập trường, lợi ích của Việt Nam, chúng ta luôn có phản ứng kịp thời trước các sự kiện nóng về nhân quyền trên phạm vi toàn cầu, tham gia vào các phiên họp khẩn cấp, các cuộc thảo luận về các tình hình khủng hoảng, vấn đề Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, chủ nghĩa cực đoan, khủng hoảng di cư…

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Tại Hội nghị Cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra từ 29-2 đến 3-3, đoàn Việt Nam tham gia phát biểu không chỉ ở các phiên thảo luận chung mà còn ở nhiều phiên thảo luận chuyên đề về các vấn đề thuộc ưu tiên của chúng ta như việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền…

Hình ảnh tích cực của Việt Nam còn được thể hiện thông qua sự nghiêm túc trong thực hiện cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền. Liên Hiệp Quốc đánh giá cao Việt Nam không chỉ ở quá trình rà soát, báo cáo, đối thoại với các nước về tình hình nhân quyền Việt Nam mà còn ở sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện các cam kết mà chúng ta chấp nhận.

Trong đó, phải kể đến việc Thủ tướng Chính phủ thông qua Kế hoạch tổng thể về thực hiện 182/227 khuyến nghị UPR (chúng ta đã chấp nhận) nhằm bảo đảm sự phối hợp thông suốt, đồng bộ giữa các bộ, ngành trong quá trình thực hiện các cam kết.

Với sự tín nhiệm của các nước trong Nhóm châu Á-Thái Bình Dương, từ năm 2016, Việt Nam trở thành đại diện của khu vực trong nhóm làm việc về tình hình, nơi xem xét các kháng thư về nhân quyền do nhóm làm việc cấp dưới đệ trình. Việt Nam cũng thường xuyên đối thoại xây dựng và thẳng thắn với Cao ủy Nhân quyền, các báo cáo viên, chuyên gia đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền. Chúng ta cũng sẽ sớm đón Báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực vào thăm Việt Nam. Đây là lần thứ 7 ta đón các chuyên gia, báo cáo viên đặc biệt từ năm 2010 đến nay.

Hội đồng Nhân quyền cũng chính là nơi diễn ra các cuộc thảo luận căng thẳng giữa các nước, nhóm nước liên quan đến hàng loạt các vấn đề nhức nhối, đó là việc bảo đảm quyền con người trước sự gia tăng của các cuộc xung đột, chủ nghĩa cực đoan, khủng hoảng di cư, dịch bệnh Ebola, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Rõ ràng, dù Hội đồng Nhân quyền đang phát huy khá tốt hiệu quả trong xử lý các vấn đề này nhưng thực tế vẫn nổi lên xu hướng chính trị hóa, gây sức ép trong quá trình thảo luận. Nhiều nước quá tập trung vào các nội dung dân sự, chính trị, coi nhẹ nội dung kinh tế, phát triển, do đó ảnh hưởng đến tính toàn diện của chương trình nghị sự… Với bối cảnh như vậy, các thành viên Hội đồng không chỉ có nỗ lực, trách nhiệm mà phải giữ được bản lĩnh, quan điểm, lập trường của mình, không bị "lung lay" trước các sức ép đến từ nhiều phía.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền với quan điểm đề cao đối thoại và hợp tác, cùng phấn đấu vì mục tiêu thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên cơ sở trao đổi, tôn trọng lẫn nhau. Hai năm qua, chúng ta đã vận dụng nhuần nhuyễn các cơ chế khác nhau của Hội đồng Nhân quyền để khẳng định quan điểm này.

"Đoàn Việt Nam thường xuyên kêu gọi tinh thần đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên trong quá trình xử lý công việc tại Hội đồng Nhân quyền. Chúng ta nhấn mạnh bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có sự đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để đảm bảo tính khả thi của các nghị quyết, kịp thời giải đáp những đòi hỏi về bảo đảm quyền con người trên thế giới. Chúng ta luôn kiên trì thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa các nước thành viên, và trong một số trường hợp cũng giúp thu được kết quả" - ông Ngọc nói.

Đương nhiên, trong nhiều trường hợp, tiếng nói của nước lớn, thành viên "ghế lớn" thường có trọng lượng, sức nặng bởi trong tính chất hoạt động của tổ chức cấp Liên Hiệp Quốc không tránh khỏi yếu tố lớn - bé, mới - cũ có tính tiền lệ này. Do đó, tham gia tổ chức của Liên Hiệp Quốc, vấn đề quan trọng là chúng ta nói gì, nói như thế nào để được người khác, nước khác nghe và tán thành, chấp nhận.

Có nghĩa, thay cho sự áp đặt kiểu mạnh thắng yếu, to dọa nhỏ, cũ dọa mới, sự đòi hỏi đặt ra ở trách nhiệm và tính thuyết phục, ở lý lẽ, sáng kiến, giải pháp vì lợi ích chung. Việc tham gia trách nhiệm, nghiêm túc và tích cực với tinh thần đề cao đối thoại và hợp tác đã củng cố hình ảnh một Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của các nước.

Hai năm qua, chúng ta tạo dựng được quan hệ hợp tác hữu nghị, trao đổi chặt chẽ với tất cả 46 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền và nhiều nước quan sát viên ở cả 5 khu vực. 

Trên nhiều vấn đề, Việt Nam được xem là một trong những cầu nối, là "tác nhân xúc tác" cho việc thu hẹp bất đồng và nỗ lực tìm kiếm giải pháp cân bằng tại Hội đồng Nhân quyền. Đây là vấn đề rất quan trọng bởi như chúng ta biết, quan điểm, ý kiến của các thành viên trong Hội đồng xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau mà sự khác biệt vẫn còn lớn, trong đó có những vấn đề diễn ra gay gắt, căng thẳng. Trong bối cảnh đó, việc có những thành viên giữ vai trò cầu nối làm thu hẹp bất đồng, căng thẳng là rất quan trọng và Việt Nam đã thể hiện được vai trò đó.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhìn nhận khách quan rằng, vấn đề nhân quyền còn mang tính lâu dài, phức tạp bởi trên phạm vi thế giới, mỗi thời kỳ, giai đoạn có rất nhiều yếu tố tác động, việc thay đổi quan điểm, định kiến cũng không phải đơn giản. 

Vai trò Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc dù nỗ lực thì cũng giới hạn trong phạm vi của một tổ chức có tính liên hiệp, không thể vươn mình giải quyết mọi bất trắc liên quan nhân quyền trên toàn thế giới. Mỗi quốc gia thành viên có thể tham gia làm thành viên Hội đồng trong thời hạn đã định và sự nỗ lực nhằm góp tiếng nói, sức mạnh pháp lý để giải quyết những vấn đề đặt ra chứ không tham vọng giải mã được mọi khúc mắc.

Do đó, trên mọi phương diện, hãy nhìn nhận những đóng góp của Hội đồng và các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam một cách tích cực vì mục tiêu, nguyện vọng chung mà tổ chức này hướng tới, thay vì tìm các "góc chìm" để săm soi, chỉ trích như một số quan điểm.

An Nhi
.
.