Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2020)

Trong lòng dân

Thứ Hai, 17/08/2020, 10:38
“Làm Công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm Công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân” - lời dạy của Bác năm xưa luôn vẹn nguyên giá trị, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thấm nhuần lời Bác dạy, 75 năm qua, lực lượng CAND gắn bó mật thiết với nhân dân, được dân tin yêu, che chở...

Hồi tháng 4-2020, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi Thư khen nhóm người đã mưu trí, tích cực giúp lực lượng Công an bắt giữ đối tượng giết người tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định. 4 người được Bộ trưởng gửi Thư khen là các anh Nguyễn Văn Anh, Phạm Hùng Cường, Nguyễn Huy Cường và Nguyễn Hữu Tài.

Thư khen nêu rõ: “Việc làm của các quần chúng thể hiện tinh thần hiệp đồng, mưu trí, dũng cảm, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm; tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về những tấm gương tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần cùng lực lượng CAND điều tra làm rõ những vụ án đặc biệt nghiêm trọng; củng cố niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương, khen ngợi 4 công dân nói trên và mong rằng, các anh tiếp tục làm nhiều việc tốt hơn nữa để giúp đỡ lực lượng Công an trong công cuộc bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cùng Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn tặng nhà cho hộ dân nghèo ở Mường Nhé.

Trước đó, chiều ngày 2-2-2020, tại thôn Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) xảy ra vụ giết người do mâu thuẫn tình ái, đối tượng Trần Ngọc Hoàng (sinh năm 1980, trú ở xã Bình Nghi) đã dùng dao đâm chị T.T.T (sinh năm 1972, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) làm chị chết ngay tại chỗ. Sau khi gây án, Hoàng bỏ trốn và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định ra quyết định truy nã đặc biệt.

Qua rà soát, công an phát hiện đối tượng đang lẩn trốn ở khu vực rừng thuộc xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn và vùng rừng xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Công an huyện Tây Sơn và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh đã tổ chức lực lượng vây bắt trong gần 2 tháng liền nhưng do đặc điểm rừng rậm, hiểm trở, nhiều dốc cao, suối sâu nên việc truy bắt đối tượng gặp nhiều khó khăn. Ngày 6-4, các anh Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Hữu Tài, Phạm Hùng Cường và Nguyễn Huy Cường cùng nhau lên rừng tìm mật ong.

Đến 8h sáng, các anh đi đến đỉnh núi có tên dốc Lăn Lóc (thuộc xã Canh Liên, huyện Vân Canh) thì bất ngờ phát hiện một người đàn ông gầy gò, khoảng 40 tuổi, quan sát có bề ngoài giống đối tượng gây ra vụ giết người ở xã Bình Nghi mà công an đang ra lệnh truy nã đặc biệt. Bí mật quan sát, trao đổi và khi xác định người đàn ông này chính là đối tượng truy nã, các anh đã nhanh trí tiếp cận, bắt chuyện và tiếp tế thức ăn, nước uống... với mục đích giữ chân đối tượng. Cùng lúc, một người tìm cách liên hệ với công an và đối tượng đã bị bắt gọn sau đó.

Vụ việc trên một lần nữa chứng minh vai trò to lớn của quần chúng nhân dân. Trong vụ án này, lợi dụng đồi núi hiểm trở, đối tượng đã lẩn trốn khiến lực lượng Công an sau 2 tháng truy tìm chưa đem lại kết quả. Trong khi đó, sự cảnh giác, mưu trí của người dân đã phát huy hiệu quả, không để kẻ phạm tội lợi dụng địa hình rừng núi chạy thoát. Hay mới đây, trong việc truy bắt phạm nhân Triệu Quân Sự trốn khỏi trại giam, người dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thông tin cho Cơ quan Công an, giúp lực lượng Công an truy bắt đối tượng...

Trong đời sống thường ngày, có muôn vàn việc làm thể hiện tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân, chủ động cung cấp thông tin, phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an phá án, bắt giữ kẻ phạm tội, hỗ trợ trong các mặt công tác. Nhiều quần chúng dũng cảm, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều chỉ bảo, huấn thị với lực lượng CAND, nhất là mối quan hệ gắn bó giữa Công an với Nhân dân. Nói chuyện với học viên lớp Trung cấp khóa 2, Trường Công an Trung cấp, năm 1951, Người căn dặn: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân.

Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao để có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Người chỉ rõ: “Làm Công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm Công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa”...

Để người dân giúp đỡ Công an khi họ có lòng tin. Lòng tin đó có thể bằng những công việc có ý nghĩa lớn lao, những chuyên án quan trọng song cũng có thể bằng việc làm bình dị thường ngày, những việc làm mang ý nghĩa, nhân văn, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ công an. Lâu nay, công an các đơn vị, địa phương tăng cường chủ trương “3 cùng, 4 cùng”, đưa cán bộ, chiến sĩ về cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhân dân, qua đó tạo sự gắn kết mật thiết. Nhiều phong trào, chương trình hành động mang đậm tính nhân văn, vì nhân dân phục vụ như phong trào “hiến máu tình nguyện”.

Trong phong trào đó, xuất hiện nhiều tấm gương xúc động. Chị Thào Thị Dy (SN 1994, trú tại bản Hua Ngáy, xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La trong tình trạng mất máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng, cần truyền gấp 4 đơn vị máu thuộc nhóm máu hiếm. Trong khi đó dự trữ máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đang thiếu, gia đình chị Dy không có ai cùng nhóm máu với chị. Khi cả gia đình đang tuyệt vọng, không biết nhờ ai để hiến máu thì Thiếu úy Vàng Ly Công đã nhanh chóng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La để hiến máu, kịp thời cứu chị Dy vượt qua cơn nguy hiểm đối với tính mạng.

Tại Đắk Lắk, Thượng úy Nguyễn Thành Công đã hơn 30 lần hiến máu tình nguyện, trong đó nhiều lần đến bệnh viện hiến máu để kịp thời cứu sống người bệnh đang cấp cứu cần truyền máu hiếm. Những hành động của Thiếu úy Vàng Ly Công, Thượng úy Nguyễn Thành Công thể hiện bản chất cao đẹp của người chiến sĩ CAND, vì nhân dân phục vụ, mang tính nhân văn cao cả.

Không chỉ đảm bảo an ninh, trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, lực lượng CAND còn tích cực trong thực hiện các chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội. Nổi bật là chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn. Nói về chủ trương mang đậm tính nhân văn này, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ, lực lượng Công an trong quá trình triển khai công tác của mình luôn luôn nhận được sự thương yêu giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, mang lại kết quả rất tích cực trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự.

Thời gian qua, nhằm phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách” của dân tộc và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên thực hiện chủ trương hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ dân nghèo tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ...

Cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều tỉnh thành, nhiều ban ngành, sự nỗ lực của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tới nay đã đóng góp và bước đầu xây dựng tại Mường Nhé gần 1.300 căn nhà, gồm sửa chữa và làm mới để đảm bảo những người nghèo, những người chưa có nhà tại đây có nhà ở, từng bước ổn định cuộc sống, không phải di cư tự do. Qua đó, để bà con yêu quê hương mình, làng xóm mình, bản mình, góp phần vào công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương.

“Vùng đồng bào dân tộc cần nhất là nhà ở cố định, có một bể nước, một đôi trâu, đôi bò thì có thể đã xóa được đói nghèo. Trên cơ sở làm tốt ở Mường Nhé, chúng tôi tiếp tục triển khai ở các huyện nghèo khác. Toàn quốc hiện nay có 61 huyện nghèo, chúng ta sẽ có những cách làm cụ thể để xóa dần khoảng cách giàu nghèo và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới để góp phần củng cố an ninh, trật tự ở những địa bàn này” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Một điểm nhất quán và hết sức quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng một nhà nước công bộc của dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Thấm nhuần tư tưởng đó, lực lượng CAND đã và đang bằng nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chung sức hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gắn bó mật thiết, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

An Nhi
.
.