Trong khu vườn cuối ngày đông

Thứ Tư, 05/02/2020, 08:33
Vào một ngày cuối năm, được trở về khu vườn ở làng Chùa với tôi là một diễm phúc. Suốt từ tuổi ấu thơ tới lúc trở thành một ông già, tôi mang cảm giác khu vườn lúc nào cũng đợi tôi trở về. Thường vào những ngày cuối đông, cây cỏ trong vườn như trầm mặc trong màu lá thẫm tối của những buổi chiều.

Tôi thường đi lặng lẽ trong vườn hoặc ngồi xuống dưới những tán cây im lặng. Hồi mẹ tôi còn sống, những ngày cuối đông thường rực rỡ một cách lạ kỳ bởi những luống hoa cải vàng. Hàng năm mẹ tôi trồng cải lấy rau ăn. Nhưng lúc nào mẹ cũng để lại đôi luống cải để ra hoa. Và khi cải ra hoa mẹ lại nhắn tôi về. Mẹ biết tôi thích màu vàng của hoa cải.

Thường vào cuối đông hay có nắng hanh hừng lên. Cả khu vườn bỗng trở nên mộng mị bởi màu cải vàng vừa mong manh, vừa mơ hồ lại vừa thẫm lại. Suốt bao năm lang thang xứ người, tôi vẫn thường hỏi: ''Có bà mẹ nào trên thế gian này hàng năm trồng cải để cải ra hoa và gọi con trai mình về ngắm không?''.

Có những chiều xa xứ, tôi nhìn chân trời hoàng hôn màu vàng ngỡ như những luống cải trong vườn của mẹ. Giờ mẹ tôi đã rời bỏ khu vườn, rời bỏ thế gian này đã nhiều năm. Hoa cải vàng đã tắt trong những ngày cuối đông và khu vườn trở nên xa xôi và tĩnh lặng đến tột cùng.

Vào một ngày thu hơn mười năm trước, một đêm trăng thu tôi ngồi trong vườn bên mẹ. Đêm ấy, mẹ đã nói với tôi: ''Sau này mẹ mất đi, có còn ai yêu con như mẹ nữa không?''.

Đấy là đêm trăng kỳ lạ nhất trong đời tôi. Đấy là đêm trăng lần đầu tiên tôi giật mình kinh hãi khi biết rằng đến một ngày mẹ sẽ đi xa mãi mãi. Bây giờ trở lại khu vườn, chỉ còn một mình tôi trong khu vườn ấy. Tôi nhớ một tuần trước khi cha tôi rời bỏ cuộc sống này, cha tôi muốn tôi dìu cha ra vườn và ngồi xuống bộ bàn ghế do họa sỹ Lê Thiết Cương tặng đặt dưới những vòm cây mận.

Đó là vào một chiều mùa hạ sau cơn mưa. Khu vườn ánh lên màu của nước hòa màu diệp lục đẹp đến nao lòng và đầy thương nhớ. Nhưng có lẽ vẻ đẹp ấy được hiện lên trong mắt của đứa con trai biết rằng cha mình sẽ chẳng còn ở lại thế gian này bao lâu nữa.

Chiều ấy, tôi ngồi nhìn cha tôi thở. Một tuần sau cha tôi qua đời. Cho đến bây giờ, hơn mười năm đã trôi qua kể từ ngày cha tôi đi xa, thi thoảng về quê ra vườn, tôi bỗng thấy trong chớp mắt cha tôi đang ngồi dưới vòm lá của những cây mận.

Nhiều lúc tôi nghĩ đó không phải là tưởng tượng, không phải là một giấc mộng ngắn mà tin rằng cha tôi vẫn còn ngồi đó. Cũng như có những hoàng hôn tôi thấy bóng mẹ tôi trong vườn. Mẹ thường tưới rau muộn. Rồi từ vườn mẹ tôi trở vào bếp nhóm lửa nấu cơn cho anh em chúng tôi.

Làng tôi trước kia hầu như nhà nào cũng có một khu vườn dù to nhỏ khác nhau. Nhưng dần dần những khu vườn biến mất. Người thì mỗi ngày một đông thêm còn đất đai thì vẫn thế. Một gia đình có hai hoặc ba người con trai thì phải cho con ở riêng và xây nhà dựng cửa.

Vì thế mà vườn chẳng còn nữa. Nhưng gia đình tôi may mắn vẫn giữ nguyên khu vườn xưa. Bởi thế mà tôi vẫn còn một nơi chốn chứa đựng đầy đủ nhất ký ức của tôi. Và tôi nhận ra rằng: tôi thật sự là một người may mắn.

Tôi còn nhớ trong vườn nhà tôi có một cây hồng trứng. Trải qua một thời gian dài, nhiều cây cối trong vườn được thay thế, nhưng cha tôi vẫn giữ lại cây hồng cho đến khi nó chết. Tôi còn nhớ hình ảnh cuối cùng khi tôi đưa các con tôi về quê đón rằm Trung thu năm đó trùng với ngày nghỉ. Cây hồng đứng im lìm trong vườn. Cả cây chỉ có một quả hồng duy nhất đỏ như một ngọn đèn lồng bé xíu. Tôi cùng các con tôi đã hái quả hồng đó bày vào mâm cỗ Trung thu nhưng không ai nói đến chuyện ăn quả hồng đó.

Những năm trước đó khi cây hồng còn sai trĩu quả, cách rằm Trung thu mươi ngày, bà tôi bắt đầu hái hồng để dấm. Nếu để hồng chín trên cây sẽ bị bọn chuột hoặc lũ dơi ăn hết hồng chín. Bà tôi lót trấu vào một cái thúng nhỏ rồi nhẹ nhàng xếp từng quả hồng vào đó như xếp trứng. Sau đó phủ một lớp trấu lên và đậy cái thúng dấm hồng bằng những lớp lá chuối khô.

Khi bà đi vắng, chúng tôi lại mở trộm thúng xem hồng đã chín chưa. Và mỗi lần mở ra, màu đỏ của những quả hồng mỗi lần như rực sáng hơn, chúng tôi đưa những ngón tay chạm vào những quả hồng mịn màng căng mọng và tự nhiên nước miếng ứa ra.

Một cảm giác ngọt dịu, thanh mát lan tỏa. Có lần bắt được chúng tôi mở thúng hồng dấm, bà tôi bảo khi những quả hồng đang được dấm là chúng đang ngủ để chín, nếu chúng tôi mở ra sẽ đánh thức chúng dậy và như thế chúng sẽ không chín được.

Không hiểu bằng cách nào mà bà tôi dấm hồng chín đúng ngày rằm Trung thu. Đến buổi chiều ngày rằm, bà tôi bắt đầu mở thúng hồng. Anh em tôi xúm quanh háo hức xem. Khi những tấm lá chuối khô được bỏ ra và lớp trấu được bới hết thì những quả hồng chín đỏ hiện ra.

Bà tôi nâng từng quả hồng ra khỏi chiếc thúng và lau từng quả hết sức cẩn thận rồi đặt chúng lên chiếc mâm đồng. Những quả hồng sau khi được lau sạch bỗng rực sáng lên như những viên ngọc. Cái màu đỏ ấy là màu đỏ lạ lùng. Nó theo tôi đến tận bây giờ như một nỗi ám ảnh huyền ảo.

Những cây hồng ở quê giờ gần như không còn nữa giống những người thân ra đi mãi mãi. Trong ánh sáng của buổi chiều chiếu qua ô cửa sổ, màu đỏ chín của những quả hồng tỏa sáng như những viên ngọc quí.

Và trong tâm tưởng, tôi chầm chậm nhận vào mình ký ức lộng lẫy của những năm tháng ấu thơ đã trôi qua. Và lúc nào cũng vậy, trong tôi lại hiện lên hình ảnh cuối cùng cây hồng trong vườn nhà tôi với vụ quả cuối cùng và với một trái hồng duy nhất chín đỏ như một ngọn đèn không bao giờ tắt trong tâm hồn mình.

Có nhiều thay đổi, nhưng thay đổi làm tôi buồn nhất chính là sự biến mất của những bờ xưa bằng cây duối, râm bụt hoặc khúc tần. Nhưng bờ tường bao quanh mọi ngôi nhà cắm đầy mảnh chai sắc. Hình ảnh của những hàng rào trước kia và bây giờ như một hồ sơ về sự đổi thay của con người. Nhưng ngay cả khi đứng trước bức tường gạch vây kín khu vườn, tôi vẫn thấy đâu đây những câu chuyện xưa hiện về nguyên vẹn. Thời Pháp thuộc, làng tôi nằm trong vùng tạm chiếm.

Dưới ban thờ nhà tôi có một cái hầm bí mật nuôi giấu cán bộ Việt minh. Một đêm, người du kích trẻ tên là Quảng đang canh gác cho các cán bộ Việt minh họp thì bị lính Pháp đi tuần phát hiện. Ông đã chạy xuyên qua hàng rào dâm bụt nhà tôi để tìm đến căn hầm bí mật.

Cả toán lính Pháp đã xả súng theo ông và ông đã gục xuống vì trúng đạn trên sân ngay trước cửa nhà tôi. Nhiều năm sau này, gia đình ông Quảng đã tìm đến gặp cha tôi nhờ cha tôi chứng nhận ông Quảng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ để xin truy tặng danh hiệu liệt sỹ.

Nhiều đêm, tôi đứng trên hiên nhà nhìn ra phía vườn thẫm tối hình dung cái đêm ông Quảng xé bờ rào nhà tôi chạy vào sân. Mỗi khi nhớ tới ông Quảng, tôi lại nghe tiếng súng vọng lên chói tai như thể tôi là người chứng kiến sự kiện ấy. Bởi thế mà tôi đã viết một bài thơ về những năm chiến tranh. Bài thơ có những câu câu: ''Mẹ ơi/ Máu đã chảy trong đêm trước cửa nhà ta/ Và máu chảy trong ban mai trên những cánh đồng xứ sở''. Trong trường ca Những người lính của làng tôi viết năm 24 tuổi.

Một trong những không gian thiêng liêng và thương nhớ đối với những chàng trai làng quê là khu vườn. Trong khu vườn ấy là mẹ. Với mảnh vườn nhỏ nhoi, mẹ đã nuôi những đứa con lớn lên trở thành những người lính vì độc lập của dân tộc. Xin hãy cùng tôi trở về khu vườn ấy, trở về ký ức xa xôi và đẹp nao lòng:

Chiều nay mẹ trong vườn cui cúi

Tiếng ve kêu rỗng vỏ cây khô

Lá trầu xanh như một vuông khăn nhỏ

Cho bàn tay mẹ ấm mấy phần đêm

Chợt có tiếng cau già rụng xuống

Mẹ giật mình đứng thở trước lo toan

Cau cuối vụ đỏ mắt người không ngủ

Chim sẻ nâu tha rác suốt mùa hè

Con lớn lên, con mười tám tuổi

Mười tám năm mẹ thức nghe con

Chiều đầy quá mà nhà mình vơi vắng

Thay con hát nghêu ngao là tiếng gió qua vườn

Ôi mảnh vườn nhỏ nhoi của mẹ

Đã nuôi con qua năm tháng cấy trồng

(Trích chương 3 - Trường ca Những người lính của làng, Nxb Quân đội Nhân dân 1995).

Vào đầu xuân là lúc côn trùng bắt đầu sinh nở. Những sáng xuân thức dậy ra vườn, tôi thường nhìn thấy những cánh bướm mỏng bay bay trên những đóa hoa cải, hoa mùi… Có một bí mật giữa tôi với những cánh bướm mong manh ấy. Khi nhìn những cánh bướm tôi lại nhớ tới một cô gái làng tôi. Thực ra cha cô gái đó là người làng tôi còn cô sinh ra ở thành phố. Cha cô là ông Hàn Thịnh.

Vì sao lại gọi là ông Hàn vì ông được vua Bảo Đại phong Hàn lâm viện sỹ vì có công may trang phục cho các gia đình hoàng tộc thời đó. Ông Hàn Thịnh là thợ may danh tiếng đất Hà Thành và đã hai lần giành được huy chương hội chợ Đông Dương. Khi cách mạng về, ông hiến tặng nhà cửa của cải và đưa vợ con về quê sinh sống. Cô con gái ông vô cùng xinh đẹp.

Mỗi khi thấy cô, trái tim của một cậu bé vị thành niên là tôi đập vang tận đỉnh đầu. Tôi đã đem lòng yêu cô gái ấy cho dù cô lớn tuổi hơn tôi. Nhưng cô mất khi mới mười sáu tuổi. Khi còn sống, trên mái tóc dài như suối của cô thường cài một chiếc nơ. Sau khi cô mất, cứ mỗi khi nhìn thấy những cánh bướm chập chờn bay tôi lại tưởng cô đang đâu đó quanh đây. Năm nay, tôi đã ngoài sáu mươi tuổi, nhưng cảm giác ấy vẫn còn và mãi còn.

Cách đây nhiều năm, tôi đã viết một truyện ngắn về một nhà khoa học trẻ mất người yêu in trên báo Nhân dân. Cô gái mất vì tai nạn. Vì quá thương nhớ người yêu, anh đã thực hiện nhân bản vô tính. Một cô gái nhân bản được sinh ra và giống người yêu anh như hai giọt nước.

Nhưng cuối cùng, anh không tìm thấy người yêu của mình vì cô gái ấy không mang bất cứ ký ức nào về anh và mối tình trước đó của anh. Và những năm tháng này, đời sống đã cho tôi nhận ra rằng: chúng ta có thể kiếm được một núi tiền chỉ trong một ngày, nhưng để có một ký ức, chúng ta phải sống có khi đến trọn đời.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
.
.