Trong gian khó tỏ lòng người

Thứ Hai, 06/04/2020, 09:40
Nhân loại đang đứng trước hiểm họa mang tên COVID-19. Trong nguy khó, người Việt Nam thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí vững vàng và sự cộng hưởng, hiệp đồng, lòng nhân ái để cùng nhau vượt qua thử thách. Nhưng cũng từ thực tiễn đó, lộ ra những lớp người thờ ơ, bàng quan với xã hội; những cá nhân gây nhiễu, làm rối ren tình hình, lợi dụng dịch bệnh để miệt thị người khác, đả phá Nhà nước, chế độ.

Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, vợ chồng bà Cath và ông David Butler (người Anh) đã gửi thư cảm ơn trong thời gian sống tại khu cách ly ở Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. Bức thư này đã được chị N.T.H.L., một người ở cùng khu cách ly với ông bà Butler đưa lên tài khoản Facebook và nhanh chóng được lan truyền, chia sẻ trên mạng xã hội.

Thư viết: 

Cath và David Butler

Chúng tôi là một cặp vợ chồng người Anh đi du lịch đến Việt Nam ngày 1-3 trên chuyến bay VN54. Sau 5 ngày tuyệt vời ở Hà Nội, chúng tôi đã được đưa đến Bệnh viện Đống Đa để kiểm tra có nhiễm COVID-19 không vì có 1 cô gái người Việt Nam đã được xét nghiệm dương tính, về Việt Nam trên cùng chuyến bay với chúng tôi. Chúng tôi được thông báo là sẽ phải cách ly 14 ngày nhưng cũng cảm thấy đỡ lo lắng khi kết quả xét nghiệm của chúng tôi đều âm tính, chưa bị nhiễm virus đó.

Trang thiết bị của bệnh viện ở đây rất khác với ở Anh, tuy nhiên chúng tôi đã có tất cả những gì mình cần. Chúng tôi đã phải khá vất vả vì vấn đề ngôn ngữ cho đến khi tìm được 1 bác sĩ nói được tiếng Anh, người đã giúp chúng tôi rất nhiều và cung cấp đầy đủ thông tin. Hướng dẫn viên từ Công ty ICS, Nam, cũng đã hỗ trợ và cho một số vật dụng mà những người đi du lịch như chúng tôi không mang theo.

Chúng tôi rất hiểu thực tế này, đây là điều cần làm trong hoàn cảnh hiện nay và chúng tôi rất biết ơn bệnh viện cũng như tất cả cán bộ ở đây đã chăm sóc rất tốt.

Ông/Bà Butler”.

Đó là cảm nhận của một cặp vợ chồng trong số hàng nghìn người đang sống ở các khu cách ly tập trung, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Những ngày qua, hàng vạn người trên các chuyên cơ lần lượt hạ cánh xuống các sân bay, tiến tới các khu cách ly đã được Nhà nước chuẩn bị sẵn. Kể từ ngày Đổi mới, chưa bao giờ chúng ta ở vào thực cảnh này.

“Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô cấp cấp do chủng mới virus Corona, sáng 18-3.

Công an Hà Nội kiểm soát người ra vào khu cách ly tại phường Trúc Bạch.

“Nghĩa đồng bào”, 3 chữ đó đã khái luận thực cảnh hiện nay, khi Nhà nước và người dân bằng mọi biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, lấy nghĩa đồng bào, sức khỏe, tính mạng của đồng bào là trên hết. 

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới rất phức tạp, nhanh hơn nhiều dự kiến của các chuyên gia thế giới, Phó Thủ tướng khẳng định những nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia từ đầu tới nay là rất đúng đắn. Chúng ta tiếp tục kiên định, kiên quyết thực hiện nhưng bây giờ nguồn lực, phân công, tốc độ thực hiện vô cùng quan trọng để làm tốt hơn.

Lượng người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước tăng đột biến, trong khi trong nước hiện vẫn còn hàng trăm nghìn người nước ngoài đã nhập cảnh chưa quá thời hạn 14 ngày, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch. Tất cả các đơn vị, lực lượng phải tiếp tục hiệp đồng từ con người, cơ chế, công nghệ để phát hiện nhanh nhất người bệnh, những người tiếp xúc gần.

“Chúng ta phải kiểm soát được người nhập cảnh bằng chính sách quản lý thị thực như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, đồng thời tiếp cận, cách ly được tất cả những người có nguy cơ lây nhiễm đã nhập cảnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Chung một nhịp đập, chung một hơi thở, chung một mục tiêu, đó là hiện thực sinh động của con người Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu. Thế nhưng, trong sự cộng hưởng của đồng bào, thật trái khoáy khi lộ ra những lớp người đã không có đóng góp gì cho đất nước, cho xã hội những lúc gian khó này lại còn lợi dụng làm điều phi pháp, phi đạo đức, gây hại cho người khác và Tổ quốc, Nhân dân. Chúng ta lấy làm buồn khi chứng kiến những clip ghi lại một vài cá nhân từ nước ngoài về đã lớn tiếng nhục mạ tại sân bay, không chịu hợp tác với chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ cách ly, những cá nhân cố tình lội ngược dòng, coi đồng tiền là trên hết.

Trong khi đó, nhiều kẻ lợi dụng sự lo lắng của người dân để phao tin đồn nhảm, gây nhiễu loạn, hoang mang trong công chúng. Họ đưa ra những bài viết, video clip với tiêu đề giật gân, gây sốc, liên quan đến những người, số lượng người nhiễm bệnh hoặc tử vong tại các địa phương. Tạo ra những thông tin thất thiệt, đánh vào tâm lý lo lắng của người dân.

Đặt so sánh với số người nhiễm và tử vong rất lớn ở Trung Quốc, họ cho rằng Việt Nam có chung đường biên giới với nước bạn rất dài, từ đó ám chỉ chính quyền che giấu thông tin, bưng bít về số người bị nhiễm và tử vong. Một số ca tử vong chưa rõ nguyên nhân, sau khi cơ quan y tế công bố âm tính với COVID-19 thì họ tìm cách chọc ngoáy, cho rằng đó là ca bệnh tử vong vì dịch COVID-19 nhưng “bị bưng bít”!

Nhiều người còn tạo ra những tin úp mở kiểu như “nghe nguồn tin cậy của người trong ngành Y tế” hay “xem được báo cáo mật”, từ đó gây hoang tin. Kiểu tạo ra lý do rò rỉ thông tin hay “nguồn riêng” như vậy dễ đánh vào tâm lý tò mò, hóng tin của người dân, khi tung lên Facebook, các diễn đàn mạng thì ngay lập tức nhận được chia sẻ của hàng loạt cá nhân. Tốc độ lan truyền rất nhanh và qua mỗi người lại được thêm thắt hoặc cắt xén, tạo ra sự hỗn độn khó kiểm soát.

Cũng với chiêu tung tin hư thực lẫn lộn này, có đối tượng còn tự bịa tin của người trong cuộc, của cơ quan chức trách để “cảnh báo” người dân song thực chất là nhằm gây lo lắng, hoảng sợ trong công chúng.

Cùng với việc những cá nhân tung tin thất thiệt ở trong nước thì số phản động lưu vong như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, VOICE... và các đối tượng chống đối tăng cường tạo, phát tán thông tin có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Các đối tượng và tổ chức này sẵn sàng chi hàng nghìn USD để thực hiện các quảng cáo chính trị trên Facebook nhằm tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.

Khi yêu cầu đóng cửa biên giới Việt - Trung không được đáp ứng, họ quay sang phê phán, nói rằng việc không đóng cửa biên giới là bằng chứng cho thấy “sự lệ thuộc” của Việt Nam. Từ đó, viết bài bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong những ngày qua, khi các ca bệnh dương tính với COVID-19 gia tăng, nhất là liên quan cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo trở về từ nước ngoài trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam, các thế lực xấu đã lợi dụng để công kích, chống phá chế độ. Bằng việc liệt kê khai báo y tế của cá nhân người bệnh sau khi trở về từ chuyến bay nói trên, họ chỉ trích lối sống xa hoa, lãng phí, tiêu tiền ngân sách, đồng thời gây hệ lụy đến xã hội.

Lá thư của bà Cath và ông David Butler.

Nguy hại nhất là từ việc chỉ trích lối sống của cá nhân mà họ tìm cách quy chụp, cho rằng đó là “bức tranh chung” của cán bộ, đảng viên có chức quyền hiện nay. Từ đó, họ quy kết những thói hư, tật xấu là do Đảng, chế độ...

Theo thống kê của Cơ quan công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, trên không gian mạng đã có hàng trăm nghìn tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; khoảng 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Nhiều bài viết nhắm vào chỉ trích chính quyền, miệt thị chế độ.

Nắm bắt tình hình thông tin trên mạng diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng điều tra, xác minh, làm rõ các trường hợp đăng tải thông tin sai lệch trên mạng, đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng đồng thời yêu cầu gỡ bỏ hoặc đính chính những thông tin sai trái nói trên. Bên cạnh đó, lực lượng cũng phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để gỡ bỏ thông tin sai sự thật.

Đến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã phối hợp với Công an các địa phương tổ chức xác minh, đấu tranh với hơn 600 trường hợp thông tin sai sự thật trên không gian mạng và đã xử phạt hành chính trên 140 đối tượng, trong đó có một số nghệ sĩ và những người có ảnh hưởng đối với xã hội.

Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, toàn cầu đang đối mặt thách thức cực lớn. Trong gian khó, người Việt Nam càng chứng tỏ giá trị nhân nghĩa, nhân văn, vì quốc gia, đồng bào, vì tính mệnh và sức khỏe con người. Chúng ta hãy cùng hướng đến giá trị cao cả đó, đồng thời cảnh giác ngăn ngừa trước thứ virus độc hại, lợi dụng tình cảnh nguy khó để chống phá, chà đạp lên giá trị sống và các phạm trù đạo đức, pháp lý.

An Nhi
.
.