Trong đại dịch, đọc Masanobu Fukuoka

Chủ Nhật, 15/11/2020, 08:20
Đại dịch toàn cầu COVID-19 xảy ra vào cuối năm 2019, đến nay đã gần một năm trôi qua và người ta vẫn chưa thể chắc chắn khi nào nó dừng lại. Nhưng, con người sống trong những ngày này thì biết rất rõ những gì COVID-19 đã mang tới cho thế giới này: Sự đe dọa có tính thường trực đến sức khỏe và sinh mạng của các cộng đồng người, sự đình trệ các hoạt động sống, sự đổ vỡ theo hệ thống của các nền kinh tế mà sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi được v.v...


Mặt khác, ít nhất, cứ theo những gì mà người ta đã nói, viết, chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội trong những ngày thực hiện giãn cách, thì đại dịch COVID-19 cũng cho con người nhiều trải nghiệm về cái gọi là “sống chậm”, nhìn nhận lại những giá trị của đời sống gia đình vốn đã ít nhiều bị nhợt nhạt, biết trân trọng và hòa mình vào “tình quân dân, nghĩa đồng bào” rộng lớn v.v...

Nhưng, còn mối quan hệ giữa con người với tự nhiên thì sao? Có gì liên quan đến đại dịch toàn cầu này và khiến chúng ta phải suy nghĩ hay không?

Chắc chắn có. Con người, khởi thủy và tự trong bản chất loài của nó, là một phần của tự nhiên, thuộc về tự nhiên. Như thế cũng có nghĩa rằng, xét từ cái nhìn của Thượng đế toàn năng - “Thượng đế là thiên nhiên và thiên nhiên là Thượng đế”, như khẳng định của lão nông minh triết người Nhật Bản Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, XanhShop dịch, Hoàng Hải Vân hiệu đính, tái bản lần 5, 2018) - thì con người và tất cả các loài khác, từ điểu thú cho đến thảo mộc, côn trùng và các vi sinh vật, là ngang bằng nhau về giá trị tồn sinh trong tự nhiên.

Một số loài này khắc chế một số loài kia nhưng lại chịu sự khắc chế của một số loài khác nữa, để rốt cuộc, tạo nên một tổng thể tồn tại tương đối hài hòa và cân bằng giữa vạn vật. Nhưng, cái tổng thể tạm gọi là lý tưởng này bị phá vỡ khi con người, với trí năng ưu việt của mình cùng sự cổ vũ trợ lực của đủ thứ lý thuyết mang nhãn mác “nhân văn” và “khoa học”, đã ngày càng bứt ra, thoát ra khỏi tự nhiên, đối lập với tự nhiên, thống trị và ra sức bóc lột tự nhiên để thỏa mãn lòng tham vô đáy của mình, nhân danh “sự phát triển”, “nền văn minh”, “tính hiện đại”.

Không ai có thể chỉ ra chính xác thời điểm lịch sử của việc con người bắt đầu phá vỡ trật tự tự nhiên nhưng để nói về sự phá vỡ đến mức tận diệt tự nhiên của con người thì chính là lúc này đây, bây giờ, khi trên bề mặt địa cầu rừng đã trụi, sông suối đã cạn hoặc nhiễm độc, nước biển đã dâng, nhiệt độ trái đất đã tăng, hoang mạc hóa đã nhiều lên gấp bội, các nguồn năng lượng đã kiệt. Và virus gây chết người.

Chỉ trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI thôi, nhiều chủng loài virus mới xuất hiện tạo thành những trận dịch lớn, cướp đi hàng trăm nghìn, hàng triệu sinh mạng trên thế giới. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu ta nghĩ rằng điều đó bắt nguồn từ, và nó tỉ lệ thuận với tốc độ cướp bóc, tàn phá tự nhiên của con người. Trật tự và sự cân bằng trong một tổng thể tồn tại tương đối đã mất thì cái còn lại chỉ là sự hỗn loạn, bất khả kiểm soát.

Các chủng loài virus gây chết người nói chung và Corona virus - COVID-19 nói riêng - chính là những hung thần ác quỷ đã sổng ra từ chiếc hộp Pandora của tự nhiên, chứ không phải từ các động vật hoang dã hay từ những phòng thí nghiệm xấu xa nào hết. Chúng xuất hiện để trừng phạt lòng tham, tính ích kỷ, sự độc ác, thói tráo trở với cuống rốn tự nhiên của con người.

Masanobu Fukuoka. Ảnh: L.G

Đối mặt hiểm họa ấy, con người phải làm gì để, trước hết là bảo vệ sinh mạng của mỗi cá nhân và cả cộng đồng rộng lớn? Như đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta thực hiện mọi biện pháp có thể: Giãn cách/cách ly xã hội, đeo khẩu trang khi phải đến nơi công cộng, thường xuyên rửa tay diệt khuẩn, thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học để tìm ra thuốc chữa và vaccine phòng bệnh v.v…

Nói chung, chúng ta đang dựa vào kinh nghiệm cũng như mong chờ vào sức mạnh của nền y học hiện đại. Nhưng, thật ra thì đó chỉ là giải quyết vấn đề - nếu vấn đề có thể giải quyết được - một cách tạm thời và ở phần ngọn mà thôi.

“Bác sĩ và thuốc men trở nên cần thiết khi người ta tạo ra môi trường sống bệnh hoạn”, ông Masanobu Fukuoka đã phát biểu thoáng qua như vậy trong “Cuộc cách mạng môt-cọng-rơm”. Thoáng qua, vì cuốn sách của ông tập trung vào nghề nông, vào mối quan hệ giữa nông gia với đất đai, giống má, rơm rạ, cách trồng trọt, cấy hái, các sản phẩm nông nghiệp v.v... chứ không bàn về nghề y và việc chữa bệnh.

Tuy nhiên, cũng chẳng khác nhau là mấy, vì nông học, y học và tất cả những hệ thống tích hợp sự hiểu biết về tự nhiên mà con người có được từ cái gọi là “nghiên cứu khoa học”, với lão nông Nhật Bản đều chỉ để sửa sai.

Nhưng sửa được cái sai này thì những cái sai khác lập tức xuất hiện và cứ thế “khoa học” vận hành trong hoang mang càng ngày càng lớn. Rốt cuộc, với tác giả cuốn “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm”, “khoa học” của con người không hơn một sự lầm lạc. Bởi vì cái sai đã xuất hiện ngay từ gốc, từ cách con người quan niệm và ứng xử với tự nhiên.

Thay vì vui chơi vô tư lự như đứa trẻ trong tự nhiên, lấy tự nhiên làm mô hình chuẩn để tổ chức cuộc sống của mình (pháp tự nhiên), thì con người lại áp đặt những mô hình quái quỷ trong đầu anh ta lên tự nhiên, cưỡng bách tự nhiên theo cuồng vọng của mình. Thay vì tác động vào tự nhiên một cách tế nhị, khéo léo, “làm mà như không làm” (vô vi), thì con người, để khẳng định vị trí chúa tể vũ trụ, thỏa mãn lòng tham và ham muốn “phát triển” đến điên rồ, lại ra sức đào xới, móc vét, hút rút, san lấp, di dời, ngăn chống, làm biến dạng tự nhiên đến méo mó thảm hại. Và trong rất nhiều trường hợp, khoa học được con người đẻ ra để không phải sửa sai mà phụng vụ lòng tham và ham muốn “phát triển” đến điên rồ ấy.

Ông Masanobu Fukuoka có thâm niên ngót bốn mươi năm làm nông liên tục, bắt đầu từ những năm cuối Chiến tranh thế giới II. Đương nhiên phải xem ông là một nông dân thực thụ, một người gắn bó với đất đai xứ sở, một người có tình yêu sâu thẳm với cuộc đời làm nông giản dị và chan hòa với thiên nhiên bao la.

Nhưng, nói thế chưa đủ: Làm nông với ông còn hơn cả một nghề. Nó là một cách sống, một cách để ông thực hành và chiêm nghiệm những tư tưởng của Thiền gia - chính xác hơn là những tư tưởng của Đạo gia - về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Trên những thửa ruộng của mình, ông kiên trì thực hành phương thức làm nông “không-làm-gì-cả”: Không cày cuốc, không bón phân, không ủ phân vi sinh, không làm cỏ, không thuốc diệt côn trùng và toàn bộ rơm được trả về ruộng để tái sinh năng lượng cho đất.

Ở đây phải hiểu làm nông “không-làm-gì-cả” theo cách của ông Masanobu Fukuoka không có nghĩa là... không làm gì cả. Mà là làm, nhưng tựa như không làm. Nghĩa là không can thiệp thô bạo vào những quá trình của tự nhiên mà chỉ “âm thầm tác động vào thượng lưu của quá trình”, theo cách triết gia Pháp Francois Jullien diễn giải chữ “vô vi” trong “Đạo Đức kinh” của Lão Tử.

Một sự tôn trọng trật tự tự nhiên rất cao. Và kết quả là, như ông kể trong cuốn “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm”, sản lượng thu hoạch hằng năm trên những thửa ruộng của ông luôn bằng hoặc cao hơn những thửa ruộng xung quanh, mà đất ruộng thì mỗi năm một thêm màu mỡ. Nhưng, đến đây thì xảy ra một “trục trặc”: Kết quả của phương thức làm nông ấy luôn chỉ đủ hoặc nhiều hơn một ít cho nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người nông dân và gia đình anh ta, còn xa nó mới thỏa mãn được ý chí xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp “phát triển”, có năng lực thương mại cao, có thể xuất khẩu như một mũi nhọn của nền kinh tế.

Nghĩa là ở đây con người đứng trước 2 khả năng để lựa chọn. Một: Làm nông “không-làm-gì-cả”, cứ để cho tự nhiên dẫn dắt và rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp nếu người ta biết ghìm những ham muốn quá mức và đỏng đảnh của mình lại. Hai: Làm nông với sự trợ lực đến tận độ của đủ loại khoa học để có một nền kinh tế nông nghiệp rất “phát triển” nhưng kèm theo sẽ là vô số nhiễu nhương phải giải quyết, về sức khỏe của nhân loại cũng như về sức khỏe của môi trường tự nhiên.

Ông Masanobu Fukuoka đương nhiên có sự lựa chọn của mình, thể hiện bằng một loạt câu hỏi tu từ: “Tại sao anh phải phát triển cơ chứ? Nếu tăng trưởng kinh tế nhảy từ 5% lên 10%, liệu mức độ hạnh phúc có tăng gấp đôi không? Mà tốc độ tăng trưởng 0% thì có gì sai?

Đúng ra, đấy chẳng phải là một kiểu nền kinh tế ổn định sao? Còn có bất cứ điều gì tốt đẹp hơn việc sống giản đơn và xem nhẹ mọi sự nữa?”. Đây là một quan điểm về phát triển rất đặc trưng đối với những người theo đuổi nghiền ngẫm tư tưởng của Lão Tử. Nhưng là quan điểm rất khó chấp nhận đối với tuyệt đại đa số chúng ta, những con người như là sản phẩm của nền văn minh tiêu thụ.

Đặc biệt, với các nhà kinh doanh sản xuất và các chính phủ ngày nay thì sự lựa chọn của họ chắc chắn là gạt ngay cách của ông Masanobu Fukuoka sang một bên. Và điều đó không chỉ diễn ra trong nông nghiệp mà nó diễn ra ở mọi ngành công nghiệp - kể cả “công nghiệp không khói” là du lịch, lẫn công nghiệp văn hóa - giải trí và mọi ngành thương nghiệp, dịch vụ khác.

Chưa bao giờ, nhân danh sự “phát triển”, con người lại khủng bố tự nhiên trắng trợn như bây giờ, bất chấp việc các khoa học về sinh thái tự nhiên đã nở rộ, ít ra phải ngang như nấm sau mưa. Người ta đang hy vọng sẽ chiến thắng Corona virus trong thời gian sớm nhất.

Thiết nghĩ, người ta nên hy vọng sẽ chiến thắng đủ loại hậu bối của Corona virus - những hung thần chắc chắn xuất hiện trong tương lai, với tần suất dày hơn, lây lan nhanh hơn, độc lực mạnh hơn, biến hóa khôn lường hơn - chừng nào mà tham vọng “phát triển” vẫn thôi thúc loài người, từ các cá nhân đến các chính phủ, tiếp tục tàn phá tự nhiên.

Nhưng, vẫn phải hy vọng thôi. Vì khi chẳng còn gì để hy vọng chiến thắng các virus gây chết người thì cũng là lúc thế giới này nấc tiếng cáo chung. “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!”.

Hoài Nam
.
.