Trong ái thành Warszawa

Chủ Nhật, 19/06/2016, 22:40
Máy bay của Hãng Hàng không Quốc gia Ba Lan Lot Polish Airlines hạ cánh xuống Warszawa lúc 22h - giờ mà các nhà hát sắp đóng cửa, nhưng âm nhạc ở thành phố này chưa khi nào tắt. Từ trên cao, sân bay quốc tế Frédéric Chopin là cây đàn piano khổng lồ mở giữa đất trời đón du khách vào lòng xứ sở âm nhạc thi ca, bên dòng sông mơ mộng Vistula.

1. Xây dựng từ 1927, hoạt động từ 1934, sân bay Chopin được xây lại năm 1969 sau khi bị phá hủy hầu hết trong Thế chiến II. Hàng loạt công trình giá trị của thủ đô Warszawa mất vì cuộc đại chiến thảm khốc này, song quân phát xít không thể làm tiêu tan sức sống văn hóa Ba Lan, đất nước của nhiều di sản.

Warszawa, Warsaw (tiếng Anh), Varsovie (tiếng Pháp) hay Varsava theo cách gọi của người Việt Nam, đều là tên gọi thủ đô Cộng hòa Ba Lan, quốc gia Trung Âu gần 40 triệu dân. Không gặp tuyết ở Praha (Prague) lẫn Warszawa, hai thành phố gia nhập EU mà đồng Euro không phổ dụng.

Ba Lan vẫn dùng đồng Zloty, giá cả đắt, dân xứ này vẫn chịu chơi, chẳng hổ tiếng "quý tộc Ba Lan" đại bàng trắng bao đời. Ba Lan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh phong phú đủ cho khách du lịch quanh năm. 

Không đến biển Baltic, hồ Masurian mùa đông, không tới Zakopane, núi Carparthian, Tatra trượt tuyết, ở nhà gỗ, dùng cáp treo, xe cáp; chưa kịp đến Krakow, mỏ muối Wieliczka và các thành phố lý thú khác, tôi chỉ muốn dành thời gian cho Warszawa.

Trên ô tô biển ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, tôi vào khu phố cổ. Gặp tàu điện ở Praha rồi tái ngộ ở Warszawa, mong quá ngày Hà Nội khôi phục tàu điện. Tàu vẫn chạy trong ký ức ấu thơ tôi và suốt đường ray hoài niệm của triệu người. Lặng nhìn tàu chạy, hồi hộp lúc cần tàu dần đến bốt điện và... chạm tóe lửa, mong có lại cái "giật mình" lúc nhỏ khi đi tàu điện ở Hà Nội 30 năm trước! Chúng tôi rời xe, bước chậm vào phố cổ, "ngược" lại hơn 300 năm...

2. Khu phố cổ Warszawa được xây từ thế kỷ 17 mở ra bằng những ngôi nhà tương đồng, hiển thị hòa hợp kiến trúc Gotic và Baroc chủ đạo. Tôi đang ngắm thành phố có Liên hoan phim Quốc tế (LHPQT) Warszawa bằng "bộ phim" vô giá. "Bộ phim" với hình ảnh là các công trình cổ kính, tượng và tranh cùng nhân vật là những người nhiều thế kỷ vẫn hiện tồn dấu ấn bằng chính công sức xây dựng và gìn giữ.

Quảng trường thành cổ Warszawa.

Ban đầu là thành lũy bằng đất, trước năm 1339 thì gia cố bằng gạch, phố cổ ban đầu phát triển chung quanh lâu đài của công tước của Mazovia - sau này thành Hoàng cung. Khu phố này được UNESCO công nhận di sản thế giới vào 1980, vì "Đây là hình mẫu nổi bật của công trình gần như được xây lại của giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20".

Quảng trường Chợ (Rynek Starego Miasta) xây cùng thời dọc theo đường chính nối lâu đài với phố Mới về phía bắc, năm 1701 xây lại. 4 cạnh của quảng trường Chợ mang tên 4 người Ba Lan từng sống ở 4 nơi này: Ignacy Zakrzewski (nam), Hugo Kollataj (tây), Jan Dekert (bắc) và Franciszek Barss (đông), từ thế kỷ 19.

Năm 1429, Tòa Thị chính được xây dựng và bị phá bỏ năm 1817, rồi thành nơi sinh sống của tầng lớp nghèo. Sau Thế chiến II, khu này mới xây lại tỉ mỉ. Warszawa có nhiều công trình như thế. 

Chợ Sân vận động, khách sạn cấp tập thi công đã kịp đón Giải Vô địch bóng đá châu Âu 8/6 - 2/7/2012. Cao thứ 6 ở châu Âu, 42 tầng (237m), nơi diễn ra Vòng chung kết Hoa hậu thế giới 2006 và LHPQT Warszawa hằng năm: Cung Văn hóa và Khoa học - tòa nhà do Liên Xô thiết kế và xây dựng thời còn Liên bang Xôviết.

Tôi tin, mỗi công trình, tác phẩm nghệ thuật đều ẩn chứa mật mã của nhà kiến trúc, người sáng tạo. Trong cung điện Warszawa (Palais royal de Varsovie), đều có nhà thờ. Người Ba Lan mộ đạo, 95% theo Công giáo. Con người đầy tham vọng và yếu đuối, cần đức tin, cần được che chở bởi đấng siêu nhiên và người đã khuất. 

Công trình kỳ vĩ (còn gọi Cung điện Mùa đông Zamek Krolewski) này bị phát xít Đức tàn phá 2 lần: tháng 9/1939 (đánh bom), tháng 11/1944 (phá hủy) và được xây dựng lại năm 1970 - 1980. Hoàng cung là di sản quan trọng bậc nhất của Warszawa, chốn thiêng của người chuộng tín ngưỡng.

Góc nhà thờ trong cung điện khiến tôi liên tưởng bức họa của E. Delacroix (1798 - 1863) trong nhà thờ Saint Sulpice (quận 6, Paris) - Chapelle des Angers (Nhà thờ của các thiên thần). 

Chưa ở đâu, tôi gặp cây thông Noel lạ thế, cây thông màu tím mọc giữa quảng trường gần thành cổ, cây thông lung linh kỳ lạ đang rung muôn lá kim ánh sáng. Thành xây bằng gạch đỏ, hào nước bao quanh. Qua cầu, vòm cổng thành, thanh niên Ba Lan tụ tập nhảy múa rất phấn khích. Noel ở Paris và Warszawa là lễ Giáng sinh đẹp nhất mà tôi thấy trong đời.

Đường đá đen dẫn tiếp vào thành, hay có hội chợ Noel. Pháo đài trên cao còn vương tiếng kèn hiệu triệu, hồi tù và gọi quân. Hết thảy lắng dịu trong Warszawa thanh bình. Cây mùa đông lá trụi lại mọc cành ánh sáng trên dây đèn kết tỉ mẩn từng cành, từng cây dọc phố tới thành cổ. Sao có thể quên khung cảnh lộng lẫy bàng hoàng của con đường ánh sáng Krakowskie Przedmiescie. Đường đẹp đến mức sững sờ, cảm động và như bay lên bởi tưởng đang ở thiên đường.

Sát vỉa hè, hai con sư tử đá ở cổng Phủ Tổng thống biểu hiện uy quyền, song mọi người đều thấy gần gũi, vì có thể phóng mắt qua ranh giới chỉ ngăn bằng đường dây xích. Trong giá lạnh, hai lính canh đứng giữa sân làm nhiệm vụ bảo vệ; suốt đêm ngày, họ thay phiên đứng gác.

3. "Trời không mây/ Nhìn qua cốc rượu mạnh/ Trời thật sâu". Không cần cốc rượu mạnh kiểu T. Santoka, nhà thơ Haiku Nhật, chúng mình đắm đuối nhau mà thấu sâu bầu trời, mà xuyên vô tận rồi.

Ban mai, âm nhạc giục ta tìm Chopin. Tôi đã thăm mộ Chopin ở Paris, nơi ông tỏa sáng sự nghiệp cùng mối tình với nữ văn sĩ George Sand, đến những quán café, nhà hàng ông lui tới. Warszawa còn nhiều công viên, cung điện, lâu đài, tượng đài Chopin. Chúng tôi cùng đến thăm nhà Chopin từng sống, trên quê hương của thiên tài âm nhạc.

Con đường hơn 50 km từ Warszawa về phía tây tới Zelazowa Wola - quê F.Chopin (1810 - 1849), làng thuộc đồng bằng Mazovia qua nhiều làng mạc yên bình. Những thửa ruộng vỡ đất xong chờ xuân sang trồng trọt. Cây khô cây úa bên đường, nhà thưa thớt mà khung cảnh làng vẫn đầm ấm nhờ khói tỏa từ bếp bữa sáng, vì dáng các bà các mẹ ẩn hiện hiền hòa.

Cây thông Noel màu tím trước thành cổ Warszawa cổ kính.

Gia nhập EU tháng 5-2004, Ba Lan được hưởng chế độ ưu đãi riêng về bảo tồn đất đai trong 12 năm, nổi bật là được đặc quyền giữ đất cho công dân Ba Lan mà không chịu tác động của luật cho phép mua bán, sở hữu đất của công dân EU. Chính phủ Ba Lan đã ra luật mới để bảo tồn quyền này, áp dụng từ tháng 6-2016. Ba Lan có đảng Nông dân và không chỉ có luật bảo vệ nông dân mà quốc gia này luôn đề cao tính thuần khiết của chủng tộc và tôn giáo, quyết liệt chống nhập cư từ cộng đồng đạo Hồi.

...Bản Nocturne cung mi trưởng Op.9 lan khắp khu vườn mênh mông. Và lắng đọng bản Etude Tristesse (Nỗi buồn) như giữ từng giây của những buồn thương được cất lên lộng lẫy. Nghe những tuyệt tác, tôi hay nao lòng, có khi ứa lệ.

Đối diện khu nhà Chopin - khách sạn 4 sao mang tên ông và hai quầy hàng lưu niệm. Gửi ô tô vào bãi kế bên, khách tham quan mua vé tản bộ. Bảo tàng Chopin là tòa nhà trước cổng, lợp kính, kiến trúc hiện đại. Khi tôi đến, đang có triển lãm chân dung và tranh vẽ hoa, vườn Chopin. Gian hàng lưu niệm phản ánh sức sống của Chopin trong đời sống hiện đại.

Những cuốn sách bìa cứng, đĩa nhạc in hình Chopin: mũi thẳng mắt sâu, vầng trán cao, mái tóc bồng bềnh. Khuôn mặt, bản nhạc, chữ ký Chopin ấn bản áo, tách, cốc, huy hiệu, móc khóa, lọ hoa, sổ, post cart... Đâu thể sa đà mua sắm nữa, nhạc Chopin đang giục tôi vào "Dome Urodzenia Fryderyka Chopina", ngôi nhà thơ ấu nơi Chopin sinh ra, lớn lên. Rộng 7 hecta, vườn nhiều cây sồi vạm vỡ.

Những chiếc loa xanh nằm ẩn trong cỏ mịn đưa âm nhạc lan khắp vườn. Sự yên tĩnh tưởng như tuyệt đối. Im lặng là đỉnh cao của âm thanh. Lúc mọi ngôn ngữ bất lực, âm nhạc lên tiếng. Ngôn ngữ muốn bất lực, đành bất lực, khi suối dương cầm tràn ngập bí ẩn và bừng rộ khiến mọi sự vật muốn trỗi dậy du ca. Tựa thân sồi cổ thụ chia đôi nhánh, ngôi nhà trắng hiện ra. Vườn hoa trước nhà, ghế gỗ bằng dài, tượng thạch cao của Chopin bên phải gần lối ra vườn sau, ý đợi danh cầm.

Căn nhà 4 gian lợp ngói này hiện không còn đồ đạc, tất cả đã chuyển tới Bảo tàng Chopin ở nội đô Warszawa. Chỉ có ảnh Chopin từ nhỏ tới lớn, chân dung người thân của ông; chữ ký các nhân vật trứ danh từng thưởng thức Chopin đàn, vở chép nhạc bút tích Chopin, tất cả bày sau lớp kính dày.

Nhìn lần lượt qua lỗ tròn trên giá gỗ, qua khung kính, thấy quang cảnh chốn thơ ấu của thiên tài. Còn dương cầm gỗ không đánh vecni đặt tại gian phòng chính, cây đàn Chopin gắn bó. Phòng bên kê đàn piano Steinway & son cho nghệ sĩ hiện đại, thỉnh thoảng ở đây tổ chức hòa nhạc. Tôi đã viết vào sổ lưu niệm dòng chữ dành cho Chopin, niềm kiêu hãnh Ba Lan. Rồi sáng nay, chúng ta lại cùng hôn Chopin - bức tượng đồng.

Tượng đồng Chopin chống cằm cúi xuống đặt trên bục cao giữa khu vườn sau. Tôi ngước ngắm ông, thầm thì cùng ông. Tôi chạm vào ông thành kính, trìu mến. Biết bao nhạc sĩ, nghệ sĩ đến đây, ngước lên ông bằng niềm ngưỡng mộ và cộng cảm.

Lạ thay, cây đào trong vườn trụi cành mà quả lại bằng đầu ngón tay út, cây cối bên mương kia thì xanh um, hoa nở tỏa hương kín đáo. Cầu gỗ cong nối hai bờ vườn rộng, tranh bày dọc lối. Lũ trẻ tóc vàng bụ bẫm chạy lăng xăng cầm hộp đàn piano bé xíu vừa nhảy múa theo nhạc ngập khắp chốn này. Tượng đồng Chopin còn ở công viên Hoàng gia Lazienki hơn 300 năm tuổi đẹp nhất của Warszawa. Mỗi Chủ nhật, vào mùa hè, các nghệ sĩ dương cầm lại trình tấu nhạc của thiên tài tại đây.

4. Âm nhạc Chopin cho Warszawa cất cánh hay mỗi du khách đến Warszawa đều tắm đẫm giai điệu mê hồn của chuỗi kiệt tác viết cho piano gồm: Polonaise, Scherzo, Mazurka, Nocturnes, Walttz, Pleude, Etude, Ballade. Ai muốn nghe Chopin thật đơn giản: ấn nút gắn trên 14 "ghế âm nhạc" dọc đường. Tôi đã thấy trái tim Chopin được cất giữ trong bình pha lê trên tường đại thánh đường Thánh giá (Holi Cross).

Thể xác ông an táng ở Paris, còn trái tim ông đặt ở cố hương - sự trở về theo di nguyện. Tôi đã đứng bên mộ ông ở nghĩa trang Père La Chaise, quận 20 Paris, mùa thu năm 2007. Nỗi xúc động dâng lên trong nghĩa trang cổ kính đẹp nhất kinh đô ánh sáng, nơi nhiều tài năng lớn của nhân loại an nghỉ.

Những bản nhạc của Chopin nối tiếp nhau ngân từ lúc ấy đến khi tôi đứng trong khu vườn nhà ông ở Ba Lan. Âm nhạc không biên giới nâng sức tưởng tượng. Biên độ tưởng tượng về thiên đường cũng chỉ đến độ đẹp sững sờ như vườn Chopin và con đường ánh sáng ở Warszawa.

Sự trác tuyệt, diệu kỳ ấy thanh tẩy và phục sinh chúng ta. Thân thể chẳng sợ buốt giá, hồng hào và đẹp lên giữa vẻ thánh thần lay động từng tế bào của vũ trụ nghệ thuật. Cái đẹp âm nhạc Chopin tràn ngập khu vườn hôm ấy làm tôi bật khóc. Ôi Chopin! 

Nơi nào có nhau, đều là chốn tình yêu, ai đó nói mà đâu dễ thế, chỉ tâm hồn đồng điệu, biết cảm thụ, nâng niu nghệ thuật và giá trị văn hóa, mới đủ để nhận thấy và tôn vinh thành phố ta sống, ta qua, là Ái thành. Cùng Hà Nội, Paris, chúng tôi có thêm Warszawa, là một Ái thành, với Chopin - người chứng kiến.

Vi Thùy Linh
.
.