Chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương:

Trò chơi mới mà cũ

Thứ Ba, 12/05/2015, 09:40
Trong các nghiên cứu gần đây, nhiều chuyên gia nhận định châu Á đang bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi, bao gồm những điều đã biết hoặc chưa biết, tiềm ẩn nhiều thách thức và cả sự bất trắc. Những thay đổi chiến lược đáng chú ý trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, cùng tác động qua lại giữa Mỹ, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ, sẽ định hình tương lai địa chính trị châu Á.

Sự mất cân bằng quyền lực giữa các cường quốc sẽ dẫn đến việc mỗi bên muốn thiết lập các quan hệ đối tác mang tính linh hoạt và thức thời với những bên khác khi các lợi ích của họ có điểm chung. Đây là chiến thuật nhằm tận dụng sự ủng hộ của một bên để chống lại bên kia khi có xung đột quyền lợi, hay ngăn chặn hai bên khác hình thành liên minh chống lại mình. Hòa bình và ổn định sẽ được duy trì nếu các cường quốc hướng tới xây dựng một châu Á đa cực với các tổ chức đa phương toàn diện, cùng cơ chế giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, sự ganh đua, cạnh tranh và thậm chí là xung đột có thể dẫn đến trật tự lưỡng cực, hoặc khả năng tìm cách thiết lập lại trật tự đơn cực của một quốc gia.

Cuộc so găng giữa các cường quốc

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã chuyển từ chính sách giấu mình chờ thời sang nắm bắt cơ hội, vươn lên dẫn đầu và phô trương sức mạnh nhằm định hình lựa chọn của các nước theo hướng có lợi cho mình. Trật tự quốc tế trong thời hậu chiến phụ thuộc vào ba yếu tố: các liên minh của Mỹ, vị thế thống trị trên biển của Mỹ mà chưa có nước nào địch nổi và cán cân quyền lực tương đối ổn định. Tất cả những yếu tố trên giờ đây đang bị thách thức bởi mục tiêu và sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Trung Quốc coi các liên minh của Mỹ là tàn dư của chiến tranh lạnh, cần loại bỏ để khôi phục cái mà nước này gọi là sự cân bằng quyền lực tự nhiên trong khu vực, tức là một trật tự thứ bậc mà trong đó Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm của châu Á như thời cận đại. Chiến lược của Trung Quốc ở châu Á nhằm làm xói mòn uy tín của Mỹ trong vai trò là người bảo lãnh an ninh khu vực. Các tuyên bố ngoại giao của Bắc Kinh, quan hệ cường quốc kiểu mới giữa Trung Quốc và Mỹ thực chất nhằm tìm kiếm sự công nhận của Washington đối với quyền bá chủ của Bắc Kinh ở châu Á, và hạn chế vai trò và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực; đồng thời gạt các đồng minh truyền thống của Mỹ ra bên lề. Nỗ lực này của Bắc Kinh sẽ còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới.

Đáng chú ý là sự trỗi dậy của Trung Quốc không diễn ra đơn độc. Nhật Bản cũng đang thay đổi, với việc chính quyền Shinzo Abe bãi bỏ các quy định hạn chế trong quyền tự vệ tập thể và các thỏa thuận mua bán vũ khí. Ấn Độ đang tái cân bằng cả về kinh tế và chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương bằng chính sách hướng Đông trong gần hai thập kỷ qua. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ được dự đoán là sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này. Trong khi Trung Quốc không thể từ chối hợp tác kinh tế với Ấn Độ, sự hồi sinh của Ấn Độ sẽ giúp hình thành mỏ neo cân bằng quyền lực ở Nam Á và cản trở các nỗ lực của Trung Quốc trong việc thiết lập uy quyền.

Một số quốc gia như Australia, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Philippines và Việt Nam cũng đang có những bước dịch chuyển nhằm tái cân bằng quyền lực. Điển hình là việc thời gian qua một số nước đã tăng cường chi ngân sách để củng cố sức mạnh cho lực lượng hải quân, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

Bên cạnh đó, các lực lượng hải quân của Ấn Độ và Trung Quốc đang hiện diện ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với tần suất ngày càng nhiều hơn. Quan ngại về vị thế ở châu Á, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tăng cường gắn kết quan hệ song phương, dưới sự lãnh đạo của hai nhà lãnh đạo Shinzo Abe và Narendra Modi. Điều này sẽ làm tăng thêm những cạnh tranh chiến lược giữa Bắc Kinh với Tokyo và New Delhi.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự trỗi dậy và lớn mạnh của cường quốc mới, kéo theo sự cân bằng chiến lược mới và dịch chuyển liên minh giữa các nước.

Đối với các nước láng giềng nhỏ và “yếu thế” hơn Trung Quốc, đây sẽ là thập kỷ của sự chung sống đầy mạo hiểm. Các quan hệ kinh tế ngày càng phát triển với Trung Quốc khiến các nước láng giềng châu Á trở nên bị lệ thuộc. Trong khi không thể phủ nhận quyền lực và sự lớn mạnh của Trung Quốc, các nước láng giềng này cũng không chấp nhận việc bị mất dần quyền tự quyết trong hoạch định chính sách ngoại giao.

Hầu hết các nước châu Á, kể cả Triều Tiên, tỏ ra không mặn mà với việc chung sống trong một châu Á do Trung Quốc dẫn dắt và chi phối. Thay vào đó, các nước đang tìm cách duy trì các liên kết an ninh hiện có và theo đuổi chiến lược ngoại giao khôn khéo, cùng các biện pháp phòng ngừa rủi ro nhằm giúp họ tự chủ hơn, trong khi không làm ảnh hưởng tới những lợi ích có được từ việc duy trì quan hệ với Bắc Kinh. Điển hình là Mỹ đang thực hiện chiến lược tái cân bằng, Ấn Độ đang hướng Đông, ASEAN đang hướng Tây, Australia với các chính sách hướng Bắc, còn Nhật Bản không ngừng đẩy mạnh hợp tác quân sự với Australia, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ.

Sự toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cốt lõi của mọi quốc gia, bất kể lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu. Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có Ấn Độ và Nhật Bản về các tranh chấp chủ quyền trên đất liền và trên biển đều có ý nghĩa địa chính trị. Sự hung hăng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải đã thôi thúc các nước láng giềng xích lại gần nhau hơn và thiết lập những liên minh chưa từng tồn tại trước đó. Kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc và chấn chỉnh hành vi của nước này là thách thức ngoại giao lớn nhất đối với khu vực và thế giới trong những năm tới.

Những đột phá công nghệ trong tương lai sẽ quyết định “kẻ cầm cương” trong cuộc chơi quyền lực thời hiện đại.

Yếu tố quyết định thành hay bại

Trong cuộc chơi quyền lực thời hiện đại, một nền kinh tế phát triển đầy triển vọng sẽ tạo ra những lợi ích ở hải ngoại, thúc đẩy những tham vọng lớn về địa chính trị và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng cường quân sự. Các quốc gia châu Á đang tích cực tìm kiếm nguồn tài nguyên phục vụ mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, xâm nhập các thị trường mới để tiêu thụ hàng hóa và lập ra các căn cứ quân sự để bảo vệ các nguồn tài nguyên và thị trường mới này. Đây là một cuộc cạnh tranh không có hồi kết, về cơ bản là tìm kiếm các thể chế ôn hòa và thân cận, để làm nguồn cung tài nguyên và khả năng tiếp cận các hải cảng. Trò chơi kiểu này không thay đổi nhiều, mà chỉ có người chơi là thay đổi.

Những cạnh tranh diễn ra quyết liệt cả trên biển và đất liền. Chính các trung tâm kinh tế, các thể chế mới, hành lang giao thông, đường sắt cao tốc, đường cao tốc và hệ thống các đường ống đang vẽ lại bản đồ địa chính trị của lục địa châu Á. Các hành lang huyết mạch này sẽ vận chuyển nguyên liệu thô và nguồn năng lượng, đồng thời xuất khẩu hàng hóa tới mọi nơi, tạo nên mạng lưới liên kết đa quốc gia rộng khắp. 

Trong đó, công nghệ được nhận định là nhân tố then chốt có thể làm thay đổi cuộc chơi. Dù trong thời chiến hay thời bình, công nghệ định hình mối quan hệ giữa các quốc gia, quyết định thứ bậc trong quan hệ quốc tế. Những đột phá công nghệ trong tương lai chắc chắn sẽ quyết định ai là người chiến thắng và bại trận, đồng thời cũng đem lại nhiều cơ hội và thách thức mới.

Trong khi nhiều quốc gia cho rằng Mỹ đang suy yếu, cuộc cách mạng về khai thác đá phiến có thể giúp Mỹ hồi sinh và kéo dài sự thống trị đối với trật tự quốc tế, nhờ công nghệ phân tách bằng thủy lực. Nếu tận dụng triệt để, sự bùng nổ năng lượng tại Mỹ và Canada có thể thay đổi sự chuyển động quyền lực giữa các cường quốc và vực dậy các liên minh của Mỹ. Giống như một Trung Đông già cỗi đang hướng Đông để thúc đẩy quan hệ năng lượng với Trung Quốc và Ấn Độ, một Trung Đông mới (gồm Canada và Mỹ) có thể đang hướng Tây để bán dầu khí trong đá phiến cho Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, và các nước Đông Nam Á.

Dầu khí trong đá phiến sẽ không chỉ tăng cường đòn bẩy ngoại giao của Mỹ, mà còn làm thị trường dầu mỏ thế giới đa dạng, giúp bình ổn giá dầu, đồng thời các nước tiêu thụ sẽ giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào một Trung Đông nhiều biến động, tổ chức OPEC hay Nga.

Tuy nhiên, không một cường quốc đơn lẻ nào có thể thống trị thế giới trong tương lai, bất kể nước đó sở hữu bao nhiêu sức mạnh cứng và quyền lực mềm đi chăng nữa. Việc một nước mạnh tới cỡ nào thì cũng không quan trọng bằng việc nước đó sở hữu sức mạnh gì. Trung Quốc dường như tin rằng, nếu nước này đạt được sức mạnh tổng thể quốc gia thì mọi thứ sẽ đi vào trật tự và các nước khác sẽ tuân theo quỹ đạo của nước này.

Tuy nhiên, việc chỉ có sức mạnh tổng thể quốc gia thôi sẽ không giúp Trung Quốc trở thành một siêu cường toàn cầu. Trong cuộc chơi quyền lực, các cường quốc trở thành những siêu cường là nhờ sự ủng hộ của các nước vừa và nhỏ khác. Xét về số lượng đồng minh và đối tác tiềm năng trên toàn thế giới, Mỹ vẫn là siêu cường không có đối thủ. Sự ủng hộ của các cường quốc vừa và nhỏ chính là sự khác biệt lớn, trở thành yếu tố quyết định liệu tham vọng trở thành siêu cường thành công hay thất bại.

Gần đây, các phương tiện truyền thông rộ lên thông tin về liên minh chiến lược mới giữa Nga - Trung Quốc manh nha thống trị lục địa, báo hiệu cơn ác mộng đối với Washington về một thế cân bằng mới. Sự ủng hộ dành cho Mỹ đang trên đà suy giảm, trong khi các thế lực kình địch bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ.

Một số ý kiến đã tiên đoán rằng, sẽ hình thành nên trục mới gồm Bắc Kinh - Moscow - Tehran, dựa trên các trụ cột năng lượng, giao thương và an ninh. Mặc dù việc Nga đẩy mạnh chiến lược hướng Đông chủ yếu do sự đối đầu căng thẳng với phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine, song việc các nước đang nỗ lực đảo ngược thế cân bằng quyền lực trong khu vực vẫn đặt ra thách thức ngày càng tăng đối với Mỹ…

Nguyễn Lê Mi
.
.