Trên những triền cát cháy

Thứ Năm, 03/10/2019, 09:12
Mỹ - Iran và một bầu không khí sặc mùi thuốc súng, cả thế giới đang chú mục vào họ. Song, có lẽ sẽ là đơn giản hóa vấn đề nếu chỉ tiếp cận “điểm nóng” ấy như một xung đột song phương giữa hai quốc gia đơn lẻ.

Bởi, suốt chiều dài lịch sử cho đến bây giờ, nhất là từ khi dầu mỏ được tìm thấy ở đây, Trung Đông đã luôn là một bàn cờ địa chính trị đậm đặc tính chất quốc tế hóa, với những mối quan hệ lợi ích đan xen chằng chịt.

Bên miệng hố chiến tranh

Nước Mỹ đã sẵn sàng triển khai thêm binh sĩ đến Trung Đông. Ngày 20-9, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper xác nhận điều đó. Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, “để ngăn chặn tình trạng gia tăng căng thẳng, Saudi Arabia cũng như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E) đã đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của họ và đáp lại, Tổng thống Mỹ đã thông qua việc triển khai các lực lượng quân sự Mỹ, chủ yếu tập trung vào không quân cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa”.

Cùng ngày, tướng Joe Danford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - hé lộ rằng việc triển khai lính Mỹ tới Trung Đông trong thời gian tới sẽ được “điều chỉnh phù hợp”, dù có thể chỉ nằm trong khoảng “vài nghìn binh sĩ”.

Mỹ và đồng minh sẽ làm tất cả để vô hiệu hóa ưu thế quân sự của Iran trên eo biển Hormuz.

Những động thái cứng rắn, quyết đoán và gấp rút này xuất hiện, bất chấp việc Iran kiên quyết bác bỏ những cáo buộc rằng họ đứng sau lưng vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia (tại Khurais và Abquaia), bất chấp việc lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm, bất chấp cả việc một phái đoàn của Liên Hiệp Quốc đã lên đường đến Trung Đông để điều tra về sự vụ này, đồng thời Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cũng đã phải đăng đàn cảnh báo: “Bất kỳ một sự đối đầu lớn nào tại Vùng Vịnh cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, không chỉ trong khu vực mà cả toàn cầu".

Bất chấp tất cả, Iran bị “chỉ định” là “kẻ có tội”. Ngày 20-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: Washington luôn sẵn sàng và một cuộc tấn công quân sự vào Iran là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, đầu tiên, Ngân hàng Trung ương Iran bị áp đặt những biện pháp trừng phạt “ở cấp độ cao nhất”.

Và cũng trong ngày 20-9, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng: “Phần lớn những gì Mỹ thực hiện ở Trung Đông dường như không còn là chính trị nữa mà là sự sụp đổ hoàn toàn trên mọi phương diện”. Điều đáng chú ý là nhận xét này của phía Nga lại hướng đến một khía cạnh cụ thể: Mạng lưới phòng không của Mỹ hiện đã có ở đó không đủ khả năng ngăn chặn một vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở lọc dầu của một đồng minh thân cận, như Saudi Arabia.

Trong khi đó, tối 19-9, truyền thông Syria đưa tin rằng hệ thống phòng không của họ (với những khí tài quân sự Nga) đã tiêu diệt một máy bay không người lái ở ngoại vi thủ đô Damascus. Ở một khía cạnh nào đó, điều này giống như một sự thách thức mang cả ý vị chế giễu.

Một mớ bòng bong

Sẽ không thể nói đến Iran mà không nhắc đến những đồng minh - đối tác truyền thống của họ như Nga, Syria hay Trung Quốc. Cũng tương tự như vậy, ở Trung Đông, nhắc đến Mỹ là nhắc đến cả Saudi Arabia cùng khối Liên đoàn Arab (AL). Nhưng, ván cờ thế lực Trung Đông hiện còn cả những người chơi khác cũng đang sẵn sàng giành giật lợi ích.

Đó là một Thổ Nhĩ Kỳ đang vươn lên mạnh mẽ (và khéo léo) giữa các trung tâm quyền lực, để hướng đến vị thế cường quốc hàng đầu khu vực. Đó là một Israel đã, đang và sẽ vẫn luôn tồn tại như một ốc đảo trong thế giới Hồi giáo. Đó là Houthi, lực lượng đối lập ở Yemen, bị phương Tây xem là có mối quan hệ mật thiết với Tehran.

Đó còn là các lực lượng chiến binh người Kurd, với giấc mơ thành lập nước Kurdistan mãi mãi không bao giờ tắt (dù có thể không bao giờ trở thành hiện thực). Họ, âm ỉ những mối hiềm khích nghìn năm xuất phát từ khác biệt về chủng tộc hay tôn giáo, luôn tác động đan xen đến nhau để khiến cục diện khu vực luôn luôn phức tạp.

Đó có lẽ không hẳn đã là điều gây “phiền toái” cho các cường quốc.

Khi Saudi Arabia cảm thấy bị đe dọa bởi tiềm lực quân sự của Iran, điều hiển nhiên là quốc gia giàu có ấy sẽ có nhu cầu tự trang bị khả năng phòng vệ. Những hợp đồng mua bán khí tài quân sự hiện đại (dĩ nhiên, đặt hàng từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ) trị giá hàng chục tỷ USD hoàn toàn có thể được thông qua và xét duyệt dễ dàng hơn.

Hiện trường vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia.

Ngay cả chuyện binh sĩ Mỹ đổ quân đến trú phòng nhằm bảo vệ đồng minh cũng sẽ đòi hỏi các chi phí xứng đáng, bởi vì ông chủ Nhà Trắng hiện tại đã từng không ngần ngại đòi các đồng minh thân thiết ở châu Âu trả thêm tiền cho chính điều đó.

Tương tự, khi Israel mâu thuẫn với cả Iran lẫn khối Arab Hồi giáo, rồi khi Thổ Nhĩ Kỳ có hiềm khích với cả Iran lẫn Israel, sẽ có những vận động ngược chiều nhau đầy “sinh động”.

Trong quá khứ, từ sau Đệ nhất Thế chiến đến tận khi Mỹ dẫn đầu liên quân tiến vào Iraq đánh bại chính phủ của cựu Tổng thống Saddam Hussein, các mảnh vỡ của đế quốc Ottoman đã luôn là một thứ hỗn hợp rất dễ bùng nổ như vậy.

Một mũi tên, vài mục đích

Suy cho cùng, lợi ích vẫn luôn là điểm mấu chốt của mọi mối quan hệ quốc tế.

Vì lợi ích (nghĩa là vì “chuyện làm ăn”) của chính mình, khi các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công, khiến sản lượng dầu của nước này sụt giảm 5,7 triệu thùng/ngày (tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô trên thế giới), nước Mỹ cần có những hành động quyết liệt, nước Pháp lên tiếng mạnh mẽ rằng họ không tin lực lượng Houthi là thủ phạm, còn Nga và Trung Quốc cũng ủng hộ việc Liên Hiệp Quốc tiến hành điều tra. Không ai được lợi lộc gì trong câu chuyện này.

Song, khi nước Mỹ nhanh chóng tuyên bố cả việc triển khai binh sĩ lẫn củng cố hệ thống phòng không - lá chắn tên lửa cho các đồng minh Trung Đông, lập tức giới quan sát quốc tế nghĩ ngay đến viễn cảnh u tối của một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực - phiên bản mini thử nghiệm cho một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu, điều mà hầu hết các nhà phân tích đều đã nhắc tới sau khi Mỹ từ bỏ Hiệp định tên lửa tầm trung (INF).

Đòn trừng phạt tiếp tục giáng xuống Ngân hàng Trung ương Iran.

Trung Đông, từ Dải Gaza qua Cao nguyên Golan đến vịnh Ba Tư, vẫn sẽ là một bãi thử nghiệm, cũng là một khu triển lãm vũ khí khổng lồ. Nước Mỹ, bên cạnh việc bảo vệ đồng minh, sẽ cố gắng bằng mọi giá chứng minh với các bạn hàng cũng như với toàn thế giới rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc chuyện mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga thay vì các tên lửa Patriot của họ là sai lầm. Cũng đồng thời, một công đôi việc, sức ép nhằm buộc Iran quỳ gối và quay trở lại bàn đàm phán gia tăng thêm gấp bội.

Và không chỉ vậy, từ một góc nhìn khác: Tàu chiến Mỹ đã áp sát eo biển huyết mạch Hormuz mà Iran khống chế từ tháng trước, với cả một liên minh hàng hải được Mỹ triệu tập. Bây giờ, không quân và tên lửa Mỹ sẽ được bổ sung cấp tập trên bán đảo Arab đối diện bờ biển Iran, sẵn sàng tạo thành một gọng kìm liên hợp hoàn hảo. Vị thế Mỹ - một “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump - đang được củng cố theo cách đó.

Còn Iran có thể làm gì? Trung Đông, với những triền cát đã nghìn năm rực lửa, có thể làm gì? Liên Hiệp Quốc có thể làm gì, khi căng thẳng và nguy cơ xung đột mỗi lúc một lấn át những triển vọng đối thoại hòa bình, dưới cái bóng khổng lồ của thần Chiến Tranh?

Đông Phong
.
.