Trên cao phải sáng

Thứ Năm, 25/10/2018, 11:21
“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là 9 chữ cơ bản, gói gọn tư tưởng, học thuyết của Nho giáo, một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. 

Có điểm chung trong tư tưởng này, đó là dù ở phạm vi nào, gia đình (tề gia) hay quốc gia (trị quốc) thì cá nhân người đầu tàu phải thể hiện được tư chất, uy tín.

Một gia đình để thuận hòa, yên ấm thì ông bà, bố mẹ phải là những tấm gương cho con cháu. Một quốc gia muốn thịnh trị thì những người “cầm trịch” phải hội đủ tài đức. Và, dù “tề gia” hay “trị quốc”, trước hết đều phải “tu thân”, phải tự mình tu dưỡng, luyện rèn.

Quy định về trách nhiệm nêu gương mà Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII bàn luận xuất phát từ yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay và có cơ sở từ truyền thống, đạo lý văn hóa lâu đời.

Nhiều người cho rằng, việc nêu gương là văn hóa Á Đông: thầy cô gương mẫu với học trò; cha mẹ, ông bà gương mẫu với con cháu, anh chị gương mẫu với em; thủ trưởng gương mẫu với nhân viên; đảng viên gương mẫu với quần chúng... 

Tuy nhiên, suy cho cùng, sự gương mẫu, hay nói theo góc độ luật pháp là chấp hành đúng quy định, phép tắc, đó là vai trò đầu tàu, tiên phong của bất cứ gia đình, tổ chức, xã hội, quốc gia nào, ở bất cứ thời đại nào.

Chẳng kể cứ phương Đông hay phương Tây, phương Bắc hay phương Nam, thời nay hay thời cổ xưa, một quốc gia sẽ thịnh trị, bền vững nếu những người trị quốc gương mẫu, tuân chỉ chấp hành đúng phép tắc nhà nước, giữ vẹn chữ đức trong lòng dân chúng.

Ngược lại, vua quan chơi bời trác táng, bất chấp đạo lý, ức hiếp nhân dân, bỏ mặc xã tắc thì sự bấn loạn, đổ nát là lẽ hiển nhiên. Một gia đình con cái làm sao phát triển nên người nếu ông bà, bố mẹ đều “nát”!

Theo dự thảo quy định, việc nêu gương trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng.

Với Đảng ta, quá trình hình thành, phát triển, Đảng luôn coi trọng vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chấp hành quy định pháp luật, gương mẫu trong tác phong, lối sống, trong công việc... là một nội dung của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người thường xuyên căn dặn, chỉ dẫn cho toàn Đảng bằng cả lý luận và thực tiễn, bằng cả cuộc sống và sự nghiệp cách mạng của mình. Những lời căn dặn và những việc làm của Người đã trở thành bài học lớn xuyên suốt mà mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập và noi theo.

Cũng từ ý nghĩa lớn lao của việc nêu gương theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Đề cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên...”.

Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XI “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng nêu rõ: “Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục.

Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống”.

Như vậy, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, tổ chức... là vấn đề đã được đặt ra từ lâu, thể hiện trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, trong đó có việc nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương.

Lần này, việc Trung ương thảo luận để thống nhất ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là nhằm cụ thể hóa những vấn đề đã được đề cập trước đây một cách đầy đủ, rõ ràng hơn. 

Qua thảo luận, Trung ương cho rằng, trong những năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương cho nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, những kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trung ương nhấn mạnh, nếu gần 200 Ủy viên Trung ương Khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Bác Hồ đã dạy: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chính việc nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương có ý nghĩa rất lớn trong toàn Đảng, toàn xã hội.

Vấn đề đặt ra lần này là việc nêu gương phải đi vào thực chất, phải tạo chuyển biến rõ nét chứ không để quy định thiếu thực tế. Gần đây, kết luận phiên họp Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại nhiều tổ chức, cá nhân đứng đầu đã khui lộ những mảng tối vốn lâu nay bị che đậy bởi các lớp vỏ bọc, trong đó vi phạm khá phổ biến là nguyên tắc tập trung dân chủ, việc quản trị, điều hành ở đơn vị, tổ chức mang tính độc đoán, chuyên quyền, áp đặt; bản thân người lãnh đạo tham ô, tham nhũng, để vợ con, người thân lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi hoặc bằng các cách khác nhau “gài người nhà” vào các vị trí thuộc quyền.

Đáng chú ý, trong số những cá nhân vi phạm đó, một số người từng là Ủy viên Bộ Chính trị (ông Đinh La Thăng), từng là Ủy viên Trung ương (như ông Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Nguyễn Xuân Anh...). 

Những người lẽ ra hơn ai hết phải nêu gương cả về tư cách đạo đức lẫn trách nhiệm trong công việc, chấp hành quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì lại có các vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thậm chí phạm tội.

Người dân, mà trước hết là cán bộ, đảng viên tại nơi những người đó công tác hiểu rõ những thủ trưởng, những người được giao giữ vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Lối sống, tư cách, tác phong, việc chấp hành luật pháp của những người lãnh đạo được thể hiện chính trong cuộc sống và công việc thường ngày.

Tới đây, khi quy định về trách nhiệm nêu gương được ban hành, người dân cũng chờ đợi sự giám sát và kiểm tra để gương thực sự đúng nghĩa của nó. 

Ngược lại, cái gì không trong sáng, không đàng hoàng, không nghiêm túc mà bị che đậy bởi các danh mác khác nhau thì phải được khui lộ, xử lý. Đặt trên mình tấm áo sáng bóng, đặt trên mình danh nghĩa nêu gương mà kỳ thực trong đó lại chứa ung nhọt, thậm chí chứa đựng các sự thật đáng khinh bỉ thì sự giám sát, kiểm tra phải được thực thi để buộc sự thật lộ diện.

“Lừa đội lốt sư tử” có thể đánh lừa được chỗ này, chỗ kia, có thể làm cái da sư tử hào nhoáng khiến ai đó phải nể sợ nhưng một khi cái bản chất là lừa mị thì không thể lấp liếm mãi.

Những trường hợp cá nhân cán bộ, lãnh đạo bị dư luận lên tiếng về các khuất tất, khác thường như: nhà đất, dinh thự, biệt phủ, dự án; “địu” hàng loạt người nhà vào các vị trí dưới quyền; lối sống trai gái biến thái; điều hành, chỉ huy áp đặt, tùy tiện, mất dân chủ, chỉ mưu lợi cá nhân... thì sẽ kiểm tra, xử lý như thế nào?

Cơ quan chức trách cần vào cuộc, trả lời dư luận có hay không, nếu có thì nội dung ra sao và công bố kết luận sai phạm, việc xử lý. Ngược lại, nếu những vị thuộc diện nêu gương, thuộc diện “trên cao phải sáng” mà khi có dư luận, tố cáo về những khuất tất nhà đất, tài sản, mưu lợi, tư cách đạo đức... mà cơ quan chức trách vẫn chọn cách im lặng, coi đó là chuyện của dư luận, của tin đồn, không xác minh, trả lời thì những câu hỏi lớn vẫn móc vào lòng dân.

An Nhi
.
.