Tổng thông tân cử Donald Trump: Chiến lược châu Á đang được viết lại như thế nào?

Chủ Nhật, 11/12/2016, 15:03
Hai tuần sau cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình (14-11-2016), Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã gây sốc cho Bắc Kinh bằng cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (2-12-2016).

Ngày 4-12-2016, ông Trump tiếp tục khiến Bắc Kinh khó chịu khi nói: “Trung Quốc có bao giờ hỏi xem chúng ta có đồng ý về việc họ phá giá tiền tệ không…, việc họ đánh thuế nặng vào hàng hóa chúng ta không…, việc xây một khu phức hợp khổng lồ giữa biển Đông không…?”.

“Đánh” Trung Quốc bằng “lá bài Đài Loan”

Cần nhắc lại, trước khi đắc cử tổng thống, Donald Trump đã khiến châu Á lo ngại. Trên The Diplomat (11-9-2015), Van Jackson viết: Chính sách châu Á của Donald Trump sẽ là một thảm họa.

Trên Barrons (2-2-2016), William Pesek viết Cơn ác mộng Tổng thống Trump của châu Á. Những phát biểu trong thời gian tranh cử khiến người ta có cảm giác ông Trump gần như không biết gì về đối ngoại hoặc ông không thật sự quan tâm đến châu Á. Donald Trump tin rằng các đồng minh chỉ lợi dụng Mỹ. Vấn đề hợp tác quốc phòng với Nhật Bản nhất thiết phải bàn lại và ông ta cho rằng Nhật muốn Mỹ bảo vệ họ nhưng Nhật sẽ không bảo vệ Mỹ.

Với Hàn Quốc, ông Trump đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ Hàn Quốc khỏi sự đe dọa của Bắc Triều Tiên mà không được trả một xu cho đến bao giờ nữa đây?... Khi cậu thanh niên trẻ ở Bắc Triều Tiên (ám chỉ Kim Jong-un) bắt đầu lên gân, chúng ta lập tức đưa tàu đến. Chúng ta đưa hàng không mẫu hạm đến. Và chúng ta chẳng nhận được gì cả”…

Tuy nhiên, rất nhanh sau khi đắc cử, Donald Trump đã cho thấy phần nào chiến lược châu Á giai đoạn hậu Obama. Nó không giống những gì ông ta nói trong thời gian tranh cử. Nguyên thủ thế giới đầu tiên mà ông Trump gặp là Thủ tướng Nhật. Một trong những nguyên thủ châu Á đầu tiên mà ông Trump điện đàm là Tổng thống Hàn Quốc.

Hành động cụ thể nhất, mang lại nhiều tín hiệu nhất, là cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan. Đây không là động thái ngẫu hứng. Để có cuộc nói chuyện 10 phút, ông Trump và nhóm cố vấn đối ngoại đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Bằng việc đánh “lá bài Đài Loan”, ông không úp mở bày lên bàn một chính sách đối ngoại vỗ mặt Bắc Kinh. Nó phù hợp với đường lối ngoại giao cứng rắn của nhóm cố vấn trong đó có Reince Priebus, người được Donald Trump bổ nhiệm ghế chánh văn phòng.

Như được Washington Post thuật, ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống ngày 8-11-2016, nhóm cố vấn đã soạn một danh sách các nhà lãnh đạo thế giới cần điện đàm. “Từ rất sớm, Đài Loan đã nằm trong danh sách ấy” – theo Stephen Yates, viên chức an ninh quốc gia thời George W. Bush và là chuyên gia về Trung Quốc-Đài Loan.

Reince Priebus, trong thực tế, đã đến Đài Loan với một phái đoàn Cộng hòa vào năm 2011 và tháng 10-2015, gặp Thái Anh Văn trước khi bà đắc cử. Sự có mặt của Priebus tại Đài Bắc được giới chính trị Đài Loan diễn dịch là tín hiệu tích cực cho quan hệ Washington - Đài Bắc. Ngoại trưởng Đài Loan David Lee gọi Priebus là “một người bạn của Đài Loan” và rằng việc Priebus được bổ nhiệm chánh văn phòng Nhà Trắng là “một tin tốt” cho Đài Loan.

Cần nói thêm, Edward J. Feulner, người từng ngồi ghế chủ tịch Tổ chức Heritage trong thời gian dài và có những mối quan hệ nhiều thập niên với Đài Loan, cũng là cố vấn trong nhóm hoạch định chính sách của Trump. 

Tại Đại hội đảng Cộng hòa vào tháng 7-2016, nhóm cố vấn chính trị của Donald Trump đã bổ sung một câu vào nghị trình đối ngoại tái khẳng định sự ủng hộ Đài Loan từng được nói rõ bởi Tổng thống Ronald Reagan năm 1982, rằng: “Chúng ta đón chào nhân dân Đài Loan, những người mà chúng ta chia sẻ các giá trị dân chủ, nhân quyền, thị trường tự do và thượng tôn pháp luật”.

Câu bổ sung được thêm vào: “Lối hành xử Trung Quốc đã phủ nhận ngôn ngữ lạc quan đối với nền tảng quan hệ của chúng ta dành cho Đài Loan, xét về các mối quan hệ tương lai của chúng ta với Trung Quốc”. Stephen Yates (người có mặt tại Đài Bắc vào thời điểm ông Trump điện đàm với bà Thái Anh Văn) chính là người bổ sung câu này.

Từ khi bang giao Washington - Bắc Kinh được thiết lập năm 1979, chưa từng có tổng thống tân cử hoặc tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ điện đàm trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan. Bill Clinton chỉ để Lý Đăng Huy nói chuyện tại Đại học Cornell năm 1995; George W. Bush chỉ cho phép Trần Thủy Biển đến Mỹ từ các điểm quá cảnh Mỹ Latinh.

Quan hệ Washington - Đài Bắc được giới hạn trong khuôn khổ “Đạo luật quan hệ Đài Loan 1979” trong đó Mỹ nhìn nhận chính sách “một quốc gia” của Trung Quốc. Thời Barack Obama, quan hệ Washington - Đài Bắc vẫn giữ kẽ và thậm chí có lúc được một số người yêu cầu cắt đứt.

Nếu thật sự Donald Trump nắn gân Bắc Kinh bằng “lá bài Đài Loan”, như là một cách đánh chiến lược đối với Trung Quốc, thì điều này đã được đề cập từ đầu năm nay, bởi cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton (một trong những cố vấn đối ngoại uy tín nhất của Donald Trump và là gương mặt diều hâu nổi tiếng thời George W. Bush).

Trên Wall Street Journal (17-1-2016), John Bolton nhấn mạnh rằng để “trị” Trung Quốc tại biển Đông, lá bài Đài Loan là một trong những giải pháp tốt nhất.

Bolton viết: “Một giải pháp thay thế bây giờ là chơi “lá bài Đài Loan” chống lại Trung Quốc. Mỹ nên khẳng định rằng Trung Quốc phải hủy bỏ việc chiếm hữu lãnh thổ trong đó có việc từ bỏ các căn cứ ở biển Đông, cũng như hủy bỏ việc làm tổn hại môi trường sinh thái mà họ gây ra từ việc xây dựng căn cứ. Trung Quốc được quyền tự do tuyên bố chủ quyền lãnh thổ về mặt ngoại giao, nhưng cho đến khi các cuộc tranh chấp lãnh thổ được giải quyết trong hòa bình với các nước láng giềng thì các nước này cũng như Mỹ cũng có quyền tự do phớt lờ hoàn toàn những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.

Và đặc biệt: “Nếu Trung Quốc không sẵn lòng lùi lại, Mỹ có một chiếc thang ngoại giao được bắc lên để buộc Bắc Kinh phải chú ý. Nội các mới của Mỹ có thể bắt đầu bằng việc tiếp các phái đoàn ngoại giao Đài Loan tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ; nâng cấp đại diện Mỹ tại Đài Bắc từ một “viện nghiên cứu” tư lên đại biện ngoại giao chính thức; mời lãnh đạo Đài Loan chính thức đến Mỹ; cho phép các viên chức cấp cao nhất của Mỹ đến Đài Loan để trao đổi thương mại; và cuối cùng tái lập hoàn toàn quan hệ ngoại giao”.

Ông Donald Trump (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại New York (tháng 11-2016).

“Một chiến lược hòa bình thông qua sức mạnh”

Dựa vào các phát biểu và động thái của ông Donald Trump sau khi đắc cử để xác định chính sách đối ngoại thì còn quá sớm và võ đoán. Tuy nhiên, có thể thấy một điều: ông Trump không bỏ châu Á cho Trung Quốc và chính sách đối ngoại của Donald Trump là một phiên bản tái cân bằng như của Obama nhưng được thực hiện quyết liệt hơn rất nhiều lần.

Một ngày trước khi có kết quả bầu cử, trên Foreign Policy (7-11-2016), Alexander Gray và Peter Navarro (hai cố vấn thân tín của ông Trump) đã “nói thay” cho ông ta về chính sách của Mỹ đối với châu Á giai đoạn mới.

Họ viết: “Cách tiếp cận của Donald Trump theo hai hướng. Thứ nhất, ông ta sẽ không bao giờ hy sinh kinh tế Mỹ trên bàn chính sách đối ngoại bằng việc thực hiện các cuộc đàm phán mậu dịch tệ hại chẳng hạn Hiệp ước mậu dịch tự do Bắc Mỹ, cho phép Trung Quốc vào Tổ chức thương mại thế giới và thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Những đàm phán này chỉ làm suy yếu nền tảng công nghiệp sản xuất của chúng ta cũng như khả năng bảo vệ chúng ta lẫn các đồng minh. Thứ hai, ông Trump sẽ nhanh chóng theo đuổi một chiến lược hòa bình thông qua sức mạnh, một “định lý” của Ronald Reagan đã bị Barack Obama từ bỏ”.

“Chiến lược hòa bình thông qua sức mạnh” là gì: Tái đầu tư sức mạnh quân sự. Trong buổi nói chuyện về chính sách an ninh quốc gia tại Philadelphia vào tháng 9-2016, (ứng cử viên) Donald Trump nói: “Dưới thời Barack Obama và Hillary Clinton, chi tiêu quốc phòng giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Chúng ta hiện có một quân đội nhỏ nhất kể từ năm 1940. Hải quân yếu nhất kể từ năm 1915. Không quân nhỏ nhất kể từ năm 1947. Khi Ronald Reagan rời Nhà trắng, Hải quân có 592 tàu.

Khi Barack Obama nhậm chức, Hải quân có 285 tàu. Bây giờ, còn 276 tàu. Tuổi trung bình của chiến đấu cơ là 27 năm. Chúng ta có oanh tạc cơ B-52 thế hệ thứ hai. Ông cha của các phi công ngày nay đã từng lái loại máy bay đó. Quân đội chúng ta giảm cực kỳ nghiêm trọng, từ 553.000 quân năm 2009 còn 479.000 thời điểm hiện tại. Năm 2009, quân đoàn thủy quân lục chiến có 202.000 lính; giờ còn 182.000…”.

Kế hoạch của ông Trump là tái xây dựng Hải quân, đưa số tàu lên tổng cộng 350 chiếc. Mục đích, như Alexander Gray và Peter Navarro viết trên Foreign Policy, là nhằm “ổn định khu vực” châu Á; “bảo vệ mậu dịch hàng năm trị giá 5 ngàn tỷ USD tại biển Đông” và “đóng vai trò như một sự kiểm soát cân bằng trước tham vọng lớn dần của Trung Quốc”.

Tất cả cho thấy Trump dường như muốn thật sự dồn “đạn” vào châu Á và chĩa “nòng” vào Bắc Kinh, dù đó có thể chỉ là một sự răn đe nhằm tạo áp lực ngoại giao, bên cạnh các thỏa hiệp hoặc trừng phạt kinh tế.

Dù thế nào, cũng đừng quên các cáo buộc về “xung đột lợi ích” ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Donald Trump mà báo chí Mỹ tiết lộ vô số chi tiết gần đây. Ở thời điểm này, quan sát chứ không vội kết luận là điều cần làm, đối với những gì liên quan đến chính sách đối ngoại của Donald Trump, đặc biệt khi ông còn chưa chính thức trở thành tổng thống.

Mạnh Kim
.
.