Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte: Gây sốc, văng mạng và... hơn thế nữa

Thứ Năm, 15/09/2016, 16:03
Tân Tổng thống Rodrigo Duterte – người được mệnh danh là “Donald Trump” của Philippines - đang gây sốc dư luận bởi những phát ngôn bạt mạng không kém phiên bản gốc ở Mỹ.

Chính khách 71 tuổi này từng khơi dậy nhiều tranh cãi bằng các bình luận gây sốc trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. Nhưng chính nhờ các quan điểm cứng rắn của bản thân đã khiến ông Duterte giành chiến thắng chung cuộc. 

Tiếng tăm của ông Duterte trong việc mạnh tay đàn áp tội phạm khi còn là thị trưởng thị trấn Davao ở miền Nam Philippines đã khiến dư luận đặt cho ông biệt danh “kẻ trừng phạt”, và điều đó được các cử tri coi trọng. Giờ đây, ông Rodrigo Duterte đang sử dụng quyền Tổng thống để nói về các vấn đề từ tham nhũng đến mối quan hệ đồng minh với Mỹ theo phong cách “đau tai”.

Gây bão phát ngôn

Tân Tổng thống Rodrigo Duterte là một luật sư và chính trị gia có tiếng ở Philippines. Ông từng giữ chức thị trưởng của thành phố Davao - một thành phố có gần 1,5 triệu người trên đảo Mindanao của Philippines và là một trong những thị trưởng lâu năm nhất ở đất nước này với 22 năm công tác.

Không chỉ được biết đến như là một chính trị gia nổi tiếng, ông Rodrigo Duterte còn được ví như “Donald Trump” của Philippines với những phát ngôn gây bão, thậm chí tục tĩu, trước đông đảo giới truyền thông và dân chúng Philippines. Vị này còn được tán dương là người có tính thẳng thắn và thường “có gì nói nấy”.

Khi phát biểu về quyết định tranh cử vào chức Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte tự cho mình là “đấng cứu thế”. Ông đã không ngần ngại ca tụng hành động tranh cử giống như một vị cứu tinh của đất nước, nói rằng ông sinh ra để được lèo lái con thuyền Philippines, hy sinh bản thân cứu đất nước này khỏi sự sụp đổ. 

Tổng thống Rodrigo Duterte từng có những phát biểu “không phải phép” với người đồng cấp Barack Obama, kèm tuyên bố sẽ không phụ thuộc vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

Chưa hết, khi được biết đến như một niềm tự hào sau 22 năm nắm quyền tại thành phố Davao – một trong những khu vực có tỷ lệ tội phạm giảm nhanh nhất kể từ khi ông Rodrigo Duterte làm thị trưởng với nhiều chính sách trấn áp tội phạm - ông tự tin tuyên bố: “Tôi là sát thủ. Đó là sự thật không thể chối cãi”.

Trong buổi họp công bố nội các, Tổng thống Duterte nhấn mạnh những nhà báo có hành vi tham nhũng, nếu có bị ám sát, cũng là chuyện hợp lý. Quan điểm này nằm trong chiến dịch quét sạch tội phạm trên toàn lãnh thổ Philippines của tân chính phủ trong vòng 3 đến 6 tháng. 

Tuy nhiên, tờ New York Times (Mỹ) dẫn cáo buộc của các nhóm hoạt động nhân quyền cho biết, trong thời kỳ làm thị trưởng ở Davao, ông Duterte đã điều hành các đội an ninh “thẳng tay” giết hàng trăm người bị tình nghi là tội phạm không thông qua xét xử.

Rodrigo Duterte, được mệnh danh là “kẻ trừng phạt”, đã không hề biện hộ cho hành động để cảnh sát giết người sử dụng và buôn bán ma túy, mà còn phản ứng mạnh trước những lời chỉ trích từ Liên Hiệp Quốc và các nước khác. Điều này càng làm gia tăng bầu không khí lo sợ đang lan khắp Philippines lúc này với những tuyên bố “giết sạch, giết tất” của ông trong tư cách là tổng thống. 

Người dân không dám hình dung khi vị tân Tổng thống này huy động cảnh sát, quân đội quốc gia vào cuộc để “tắm máu” hàng ngàn người. Nếu điều đó xảy ra sẽ là một thảm họa diệt chủng trên diện rộng.

Trong các vấn đề đối ngoại, tân Tổng thống Philippines được cho là người có nhiều phát biểu cứng rắn nhiều khi tới mức ngông cuồng khi tuyên bố sẵn sàng giáp mặt với Trung Quốc trên biển Đông. Khi những phát ngôn “giết tội phạm” chưa lắng thì ông Rodrigo Duterte bất ngờ tuyên bố sẽ không phụ thuộc vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ mà sẽ có phương cách giải quyết độc lập những vấn đề mâu thuẫn với Trung Quốc, trong đó có tranh chấp trên biển Đông. 

Tân Tổng thống nhấn mạnh Philippines có quan hệ với phương Tây, nhưng Manila có cách giải quyết của riêng mình. Philippines sẽ không phụ thuộc vào Mỹ và thể hiện thái độ không có ý định làm vừa lòng bất kì ai khác ngoài lợi ích của người dân Philippines.

Giữa tháng 8, ông Rodrigo Duterte đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi với Mỹ sau khi xúc phạm gọi Đại sứ Mỹ tại Philippines là “tên khốn” hay “gã đồng tính luyến ái”. Ngay lập tức, Washington đã phải triệu tập phái viên của Manila tại Mỹ tới phàn nàn. 

Chưa hết, ngay đầu tháng 9, Tổng thống Philippines đã dùng từ ngữ tục tĩu để gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama, thề rằng sẽ không để cho nhà lãnh đạo Mỹ khiển trách về vấn đề nhân quyền bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra vào ngày 6-9 tại Lào, kèm yêu cầu ông Obama phải tôn trọng và hỏi những câu “có nghĩa”. Ông Duterte đã nhảy dựng lên khi được cảnh báo là bị Tổng thống Mỹ chất vấn về cuộc chiến chống ma túy tại Philippines, đã làm hơn 2.400 người chết chỉ trong vòng hai tháng qua.

Khi được báo chí hỏi liệu ông có sẵn lòng thảo luận về nhân quyền với Tổng thống Barack Obama, ông Duterte bóng gió rằng phía Washington “phải hiểu vấn đề trước khi thảo luận về nhân quyền” với một đại diện quyền lực tới từ Manila. Vốn nổi tiếng là người có những phát ngôn rất “bạo miệng”, Tổng thống Rodrigo Duterte đã gây sốc khi nói Tổng thống Mỹ Obama phải nghe ông về chuyện nhân quyền. 

Vì những phát biểu thiếu suy nghĩ như vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte sau khi ông này dọa sẽ văng tục với ông chủ Nhà Trắng nếu cuộc nói chuyện không suôn sẻ. Những bình luận thô tục của Duterte phần nào khiến quan hệ Mỹ - Philippines xấu đi từ khi ông nhậm chức ngày 30-6.

Tạo luồng sinh khí mới

Dù có nhiều phát ngôn gây sốc và có phần tục tĩu trước công chúng nhưng tân Tổng thống Rodrigo Duterte lại nhận được sự tin tưởng của rất nhiều cử tri cũng như người dân Philippines bởi cá tính mạnh mẽ và những quyết định cứng rắn, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. 

Thậm chí, rất nhiều ngư dân Philippines đã tuyên bố rằng họ đặt niềm tin cao độ vào một chính sách mạnh mẽ đối phó với khả năng Trung Quốc bành trướng trên biển và các biện pháp nâng cao chất lượng đời sống của ngư dân.

Tổng thống Duterte phải đối mặt với yêu cầu vực dậy một quốc gia vẫn bị ám ảnh bởi nghèo đói, có cơ sở hạ tầng yếu kém và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tại buổi chia sẻ kế hoạch về chính sách đối ngoại, Tổng thống Duterte khẳng định “hy sinh đến cùng” để khẳng định chủ quyền của Philippines trên biển Đông. “Tôi sẽ đem quốc kỳ đến cắm ở biển Đông và nói với Trung Quốc rằng họ muốn đấm hay muốn bắn”.

Ông Duterte còn cho biết sẽ không chấp nhận yêu cầu vô lý nào từ phía Trung Quốc với các khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Chính vì vậy, việc ông Rodrigo Duterte giành được tín nhiệm cao trong kỳ bầu cử này cũng được cho là ảnh hưởng sau những phát ngôn gây bão của ông trước công chúng.

Một nhân tố khác giúp chiến dịch tranh cử của Rodrigo Duterte thành công là cam kết đập tan tham nhũng, xóa bỏ nghèo đói và sự bất bình đẳng đang ngày càng lan rộng bất chấp đà tăng trưởng kinh tế nhanh của Philippines dưới thời kỳ mà Tổng thống Benigno Aquino nắm quyền lực. 

Những con số thống kê mới đây nhất về Philippines cũng không mấy sáng sủa. 25% dân số nước này đang sống dưới mức nghèo khó - một thực tế gần như không mấy thay đổi trong suốt hai thập kỷ qua. Bởi vậy, không có gì là bất ngờ khi người dân Philippines lựa chọn một ứng viên sẵn sàng thẳng tay trừng phạt tội phạm, mạnh miệng và là con người của hành động.

Sau khi tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines, ông Duterte công bố kế hoạch cải tổ hệ thống chính phủ của Philippines, nhằm phân cấp quyền lực từ “đế chế Manila” tới các địa phương. 

Vị tân Tổng thống đang tìm kiếm một sự đồng thuận quốc gia về sửa đổi hiến pháp, chuyển từ hình thức chính phủ đơn nhất thành mô hình quốc hội và liên bang. Đề xuất phân cấp quyền lực từ Manila phù hợp với những thách thức mà ông Duterte phải đối mặt khi lãnh đạo đất nước với phương châm loại bỏ tư lợi và tham nhũng. Tuy nhiên, giới tinh hoa quyền lực ở Manila - những người sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi - chắc chắn sẽ phản đối đề xuất này.

Với những phát ngôn gây sốc và thậm chí có phần văng mạng, Tổng thống Rodrigo Duterte đã đem lại luồng sinh khí mới cho Philippines. Tuy nhiên trước mắt, ông Duterte sẽ phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ khó khăn. Đó là yêu cầu vực dậy một quốc gia vẫn bị ám ảnh bởi nghèo đói, có cơ sở hạ tầng yếu kém và duy trì tăng trưởng kinh tế. 

Kế tiếp là xử lý vấn đề gây bức xúc trong xã hội Philippines như tình trạng tội phạm, ma túy, hay bất bình đẳng và cuộc sống của người nghèo. Vấn đề thứ ba là thiết lập chính sách quan hệ ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc, cũng như biện pháp giải quyết tranh chấp trên biển Đông. 

Dù vẫn còn sớm để biết chính xác ông Rodrigo Duterte sẽ làm được gì, song người dân Philippines đang kỳ vọng tân Tổng thống sẽ thực hiện những cam kết của ông trong chiến dịch vận động tranh cử…

Anh Doãn
.
.