Tổng thống Pháp Francois Hollande: Những ngày gian nan…

Thứ Hai, 10/11/2014, 16:32

Có lẽ Tổng thống Pháp Francois Hollande đang trải qua những ngày thăng trầm nhất trong sự nghiệp khi phải đối mặt với hàng loạt rắc rối hạ uy tín của ông xuống mức thấp nhất trong lịch sử các đời tổng thống của đất nước hình lục lăng trong tháng 10/2014. Tuy nhiên, cú sốc nặng nề nhất đối với ông chủ điện Elysee là sự ra đời bất ngờ của cuốn sách có tựa “Cảm ơn khoảnh khắc ấy” mà tác giả chính là người tình cũ của ông - bà Valerie Trierwieller.

Với độ dài 320 trang, cựu đệ nhất phu nhân không hôn thú đã công kích người đứng đầu nước Pháp rất nhiều vấn đề trong mối quan hệ cá nhân. Trong đó, lời cáo buộc ông Hollande chế nhạo người nghèo đã trở thành một đề tài gây tranh luận của giới truyền thông và dư luận Pháp. Nó phá vỡ hình ảnh một nhà lãnh đạo thấu hiểu nỗi khổ của người dân nghèo mà vị “Tổng thống bình dân” nỗ lực xây dựng thời gian qua. Báo chí Pháp gọi đây là “sự trả thù” của bà Trierwieller sau khi có tin Tổng thống Hollande “đi lại” với nữ tài tử điện ảnh Julie Gayet.

Cảm ơn khoảnh khắc ấy…

Phải nói rằng, cuốn sách đang mang đến thành công vang dội cho bà Valerie Trierwieller khi có tới 145.000 cuốn được bán hết trong 4 ngày đầu tiên và số lượng đặt mua thêm đã lên tới 270.000 bản. Ngược lại, nhà lãnh đạo một thời mặn nồng với bà đang phải chật vật chống chọi với cơn thịnh nộ từ dư luận. Thực ra, không phải quyển hồi ký của bà Valerie Trierwieller làm cho ông mất uy tín. Tác dụng của quyển hồi ký chỉ như “một phát ân huệ”. Bà phơi bày bản tính của ông Hollande và lên tiếng phê phán về con người của ông lúc đảng Xã hội (PS) chọn người giới thiệu ra tranh cử tổng thống năm 2012 .

Bà nhớ lại ngay từ đầu cuộc vận động bầu cử năm 2012, ông Hollande luôn luôn đặt bà trong tình trạng bất an thường xuyên bởi ông có ba cuộc sống khác nhau tồn tại song song làm cho bà phải đối phó liên tục. Bà Trierweiler cho rằng ông Hollande là vua của trò chơi 2 mặt, của mâu thuẫn và của dối trá thường xuyên. Trong mắt bà, ông Hollande là người “tôn thờ chính mình”, say mê sự hào nhoáng hơn là sự giản dị. Ông quan tâm nhiều tới hình ảnh của mình trên báo chí hơn là đời sống hạnh phúc thật, chỉ biết có tấm gương - một tấm gương đẹp để thấy bóng của mình đẹp bên trong nó!

Hơn ba trăm trang chủ yếu nhằm vào ông Hollande để tấn công, chỉ có mấy chữ có giá trị, đã làm dấy lên dư luận mạnh đối với vị Tổng thống Pháp. Ông Hollande được mô tả là thường tuyên bố ghét nhà giàu nhưng thật ra ông không thương người nghèo và gọi họ (ngụ ý khinh miệt) là những “người không răng”. Ý là người nghèo không có răng vì thiếu dinh dưỡng triền miên và khi răng rụng lại không có tiền làm lại răng. Chính lời tố cáo này của bà Valerie Trierwieller đã làm cho ông Hollande “thấm đòn” hơn hết. Tổng thống Pháp đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc của “người cũ”, phủ nhận việc ông khinh miệt người nghèo, đồng thời khẳng định vấn đề an sinh của “những người bình thường nhất, yếu đuối nhất và nghèo khổ nhất là lý do ông tồn tại”. Ông tuyên bố quyết liệt: “Tôi không bao giờ chấp nhận điều suốt đời tôi dấn thân là chỉ để nhằm phục vụ người nghèo lại bị phê phán. Đó chính là ý nghĩa của sự nghiệp chính trị tôi đang theo đuổi” .

Trong một bữa ăn ở điện Elysee với những cộng sự viên thân cận, ông Hollande tự tin khẳng định rằng: “Trước những khó khăn đối nội và đối ngoại, trước những thách thức trong đời sống cá nhân, tôi có bổn phận, vì nền cộng hòa, phải giữ vững địa vị của mình”. Mọi người nghe qua đều giữ im lặng. Một vị tổng thống, tuy dân bầu hoàn toàn dân chủ, vẫn là một thứ “mãnh thú chính trị”. Họ khác hơn dân chúng là họ có một não trạng mãnh liệt và một sức đề kháng phi thường đủ sức tồn tại, hay phản lại mọi thế lực trên chính trường.

Chưa biết những gì bà Valerie Trierwieller tiết lộ có phải là sự thật hay không, nhưng hình ảnh của nhà lãnh đạo Pháp khó có thể được bảo toàn trong mắt những người lao động. Cuộc điều tra mới nhất cho thấy có tới 85% người Pháp và 65% người ủng hộ đảng Xã hội không muốn thấy ông Hollande là ứng cử viên tổng thống vào năm 2017 (mức tín nhiệm này là thấp nhất trong nền Đệ V Cộng hòa từ năm 1958).

Lần đầu tiên, cuộc điều tra của tờ báo Le Figaro cuối tuần qua dự đoán ông Francois Hollande có thể bị đánh bại bởi Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia cực hữu Marine Le Pen nếu cuộc bầu cử diễn ra vào lúc này. Dù đảng Xã hội luôn tuyên bố cố gắng bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, song theo cuộc điều tra công bố cuối tuần qua, số người nghèo tại Pháp ngày càng gia tăng và những người bị thiệt thòi trong xã hội ngày càng rơi vào cảnh túng bấn. Không dừng lại ở đó, Tổng thống Hollande đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích khi phối hợp với Mỹ tiến hành các đợt ném bom truy quét tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq. Trên khía cạnh đối ngoại, sự đóng góp của Pháp tại mặt trận chống khủng bố đã được nhiều quốc gia hoan nghênh, song lại không nhận được sự phản hồi tích cực của người dân đất nước hình lục lăng. Đã có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ cho rằng, “công dân số 1 nước Pháp” đang cố đánh lạc hướng dư luận để né tránh những khó khăn trong nước.

Bồi thêm vào những ngày ảm đạm của Tổng thống Hollande là việc tân Bộ trưởng Bộ Thương mại Thomas Thevenoud xin từ chức vì có vấn đề trong khai báo thuế. Sự ra đi của một thành viên trong chính phủ mới chỉ sau 9 ngày nhậm chức khiến đảng Xã hội trở thành tâm điểm chỉ trích của phe đối lập. Bên cạnh những cuộc thảo luận căng thẳng về trách nhiệm của chính phủ cũng như vấn đề ngân sách thì việc lập ra một chiến lược nhằm chinh phục lại trái tim các cử tri Pháp cũng là một vấn đề mà Tổng thống Francois Hollande và nội các lãnh đạo phải đau đầu.

85% người Pháp và 65% người ủng hộ đảng Xã hội không muốn thấy ông Hollande là ứng cử viên tổng thống vào năm 2017.

“Bị thương” nhưng chưa quỵ ngã

Trước đây, ông Hollande đã mang lại niềm vui tột đỉnh cho các thành viên của đảng Xã hội và những cử tri ủng hộ họ khi ông giành tới 58% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, đưa đảng Xã hội trở lại lãnh đạo nước Pháp sau gần 20 năm vắng bóng. Nhưng niềm vui đó đã nhanh chóng bị thế chỗ bởi những lo âu và bộn bề lo toan do ông Hollande lên nắm quyền trong tình cảnh “khó người khó ta”.

Dư luận cho rằng nếu ông Hollande ứng cử Tổng thống năm 2017, ông chắc chắn sẽ thất cử thảm hại hơn nữa. Nhưng đương kim Tổng thống giải thích rằng không có cuộc thăm dò dư luận nào có thể chấm dứt nhiệm kỳ của dân đã ủy nhiệm cho một vị Tổng thống cả. Ông đang răn đe 85% dân chúng đòi ông chấm dứt ngay nhiệm kỳ ở đây, theo lý thuyết: Bất kỳ tổng thống nào cũng có khả năng cầm cự với những phản đối, phê phán của dân chúng để giữ vững chiếc ghế.

Một số tờ báo lớn của Pháp trong những ngày qua đã không ngừng mổ xẻ để đánh giá liệu chính quyền của Tổng thống Hollande có đủ năng lực và bản lĩnh đưa nước Pháp thoát khỏi khủng hoảng hay không, và họ liệt kê những gì ông đã hứa để chỉ ra những gì mà họ cho là ông thất hứa. Chẳng hạn như ông từng cam kết sẽ đảo ngược đà tăng tỷ lệ thất nghiệp, nhưng thất nghiệp không những không giảm mà còn xấp xỉ con số kỷ lục của tháng 1-1997. Hay ông hứa không tăng thuế VAT để tránh làm ảnh hưởng tới các hộ có thu nhập thấp thì Chính phủ lại tăng thuế này đối với hai bậc (từ 7% lên 10% và từ 19,6% lên 20%).

Vậy là có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan cho thực trạng nước Pháp hiện nay. Lý giải về tính nghiêm trọng của tình hình và sự bất lợi của Tổng thống đương nhiệm, nhật báo Les Echos trong một bài viết đã trích đăng phát biểu của ông Hollande thừa nhận rằng ông nhậm chức trong một thời kỳ đặc biệt khó khăn, phải đảm nhận một sứ mệnh hết sức gian nan cả trên lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị. 

Trong khi đó, giới phân tích lại có chung nhận định rằng chính quyền Hollande chưa đưa ra được một giải pháp tổng thể để hài hòa các mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm, vừa giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Để phản bác luận điểm này, mới đây Tổng thống Pháp Francois Hollande đã công bố chương trình hành động trong những năm cuối của nhiệm kỳ trên cương vị tổng thống, thu hút mối quan tâm của người dân Pháp trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội.

Mục tiêu mà ông Francois Hollande đề ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống là tạo ra việc làm cho 100.000 thanh niên trong lĩnh vực hoạt động dân sự và 500.000 người được học nghề từ nay đến năm 2017. Một điểm mới trong tuyên bố lần này của Tổng thống là việc giảm thuế đối với tầng lớp trung lưu. Cụ thể sẽ có hàng trăm nghìn người được giảm thuế trong năm 2015. Lộ trình giảm thuế sẽ được thực thi thông qua đạo luật về tăng trưởng và sức mua sẽ triển khai trong tháng 10.

Cũng trong dịp này, Tổng thống Francois Hollande công bố sẽ triển khai những chương trình cải cách lớn trong thời gian tới. Cụ thể, trong năm 2015, chính phủ của ông Hollande sẽ tập trung vào các chương trình cải cách cơ chế đối với giáo dục và sức khỏe, y tế. Năm 2016 sẽ là năm tiếp tục triển khai việc cải cách cơ cấu tổ chức của các tổ chức xã hội và thể chế vốn đã bị gián đoạn trong thời gian qua do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nợ công chồng chất.

Tất nhiên, thời gian vừa qua mới chỉ là chặng đầu tiên trong cả quãng đường dài 5 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Hollande. Nhiệm vụ của ông lúc này là phải luôn vững vàng và nhìn xa trông rộng, phán đoán được những “cơn bão” có thể xảy đến bất kỳ lúc nào để ứng phó kịp thời. Với những phương hướng và cách lý giải với cử tri Pháp, Tổng thống đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng ông sẽ triển khai quyết liệt và đi đến tận cùng những chương trình hành động đã hứa với cử tri trong chiến dịch tranh cử.

Dẫu sao, sự tín nhiệm của người dân ở mức quá khiêm tốn như hiện nay cũng là một lời cảnh tỉnh đối với ông trong sứ mệnh vực dậy nền kinh tế và lấy lại hình ảnh một nước Pháp vững mạnh trong Liên minh châu Âu. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để những chương trình nghị sự được lên kế hoạch và nghiên cứu công phu trở thành hiện thực đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri khi quỹ thời gian cho ông ngày một cạn dần. Tuy rằng “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng làm thế nào để “cái khó ló cái khôn” thì Tổng thống Francois Hollande cùng nội các của ông cần sớm có câu trả lời…

Việt Dũng – Lê Nam – Anh Doãn
.
.