Tổng thống Moldova, Vladimir Voronin: Không để đục nước béo cò

Thứ Ba, 14/04/2009, 14:57
Nước Cộng hòa Moldova (còn gọi là Moldovia, Tây giáp Romania; Bắc, Đông và Nam giáp Ucraina), vốn chỉ là một quốc gia nhỏ bé với gần 3,6 triệu dân, trong những ngày đầu tháng 4/2009 đã buộc dư luận quốc tế phải chú ý tới một cách căng thẳng vì những hỗn loạn trật tự chính trị bùng phát ở đây.

Bắt đầu từ ngày 6/4/2009, hàng nghìn người dân, chủ yếu là giới trẻ, đã tràn ra đường phố gây náo loạn, bao vây các tòa nhà công sở, đập phá mọi thứ họ thấy trên đường… Chỉ bằng những hành động kiên quyết của các lực lượng duy trì luật pháp dưới bàn tay chèo lái kiên quyết nhưng không quá đà của Tổng thống Vladimir Voronin mà cuối cùng, tới ngày 9/4, tình hình ở Moldova đã trở lại tương đối bình thường. Những kẻ chủ mưu gây bạo loạn đã và đang bị truy nã và bị buộc tội âm mưu đảo chính với mức án tù có thể lên tới 25 năm.

Kiên trì một lối

Ông Vladimir Voronin sinh ngày 25/5/1941 tại làng Korzhakov gần Kishinhov. Ông đã từng trải qua nhiều ngành học khác nhau. Năm 1961, ông tốt nghiệp Trường Hợp tác kỹ thuật Kishinhov và sau đó, năm 1971, tốt nghiệp Trường đại học hàm thụ toàn liên bang về công nghiệp thực phẩm. Tới năm 1983, ông Voronin đã tốt nghiệp Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AON) ở Moskva và năm 1989 - tốt nghiệp Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô…

Thời trai trẻ, ông Voronin đã trưởng thành chủ yếu trong ngành công nghiệp nhẹ của Liên Xô. Tới năm 1971, ông bắt đầu chuyển sang làm công tác chính quyền với chức vụ đầu tiên là Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Dubossar. Năm 1983, ông Voronin được vào làm việc trong bộ máy của BCHTW Đảng Cộng sản Moldova (KPM), thoạt tiên là kiểm tra viên rồi Phó chủ nhiệm  Ủy ban Tổ chức. Năm 1985, ông trở thành Bí thư thứ nhất của Thành ủy Bender. Năm  1989, ông Voronin trở thành Bộ trưởng Nội vụ Moldova và được nhận quân hàm Thiếu tướng Cảnh sát. Đồng thời ông cũng là đại biểu Xôviết Tối cao Moldova trong giai đoạn từ năm 1985 tới năm 1991. Cuối năm 1991, ông rời khỏi chức Bộ trưởng Nội vụ Moldova và cho tới năm 1993 chỉ đứng trong đội ngũ dự nhiệm của Bộ Nội vụ.

Tới năm 1993, ông Voronin được bầu làm đồng Chủ tịch Ủy ban Thành lập Đảng của những người cộng sản nước Cộng hòa Moldova (PKRM). Tháng 2/1994, ông trở thành người đứng đầu PKRM.

Tháng 11/1996, ông Voronin tham gia vào cuộc vận động tranh cử Tổng thống Moldova và nhận được 10,26 % số phiếu bầu nên phải về thứ ba, sau ứng cử viên Petr Luchinsky và ứng vử viên Mircha Snegur, người đã giữ ghế Tổng thống Moldova từ năm 1992 tới năm 1996.

Tháng 3/1998, ông Voronin được bầu làm Nghị sĩ đại diện cho PKRM, chính đảng đã nhận được 30,68% số phiếu bầu. Ông đã đứng đầu nhóm Nghị sĩ PKRM và có chân trong Ủy ban Thường trực Nghị viện Moldova.

Xuân hè năm 2000, ông Voronin đã khởi xướng ra cuộc vận động sửa đổi Hiến pháp dẫn tới việc ngày 27/7 điều khoản về việc áp dụng chính sách điều hành quốc gia theo con đường nghị viện đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, Tổng thống được bầu tại Nghị viện chứ không phải theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Và ngày 12/1/2001, Nghị viện đương nhiệm đã được giải tán và tới ngày 25/2/2001, đã diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện mới.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Voronin hứa rằng nếu những người cộng sản giành được thắng lợi thì Moldova sẽ gia nhập liên minh giữa Belarus và Nga và tiếng Nga sẽ trở thành ngôn ngữ nhà nước thứ hai ở Moldova.

Theo kết quả bầu cử, PKRM nhận được 49,93 % số phiếu bầu, tương ứng với 71 trong số 101 ghế nghị sĩ (để bầu Chủ tịch Nghị viên và để thông qua thành phần, Chính phủ cần tối thiểu là  51 ghế nghị sĩ, còn để bầu Tổng thống - cần 61; để thay đổi Hiến pháp - cần 69). Tuy nhiên, ngay sau bầu cử, ông Voronin đã tuyên bố là vấn đề tiếng Nga có trở thành ngôn ngữ nhà nước thứ hai hay không phải được thông qua trưng cầu dân ý và chưa cần tổ chức trưng cầu dân ý sớm. Ông cũng có ý kiến tương tự về việc Moldova gia nhập liên minh giữa Belarus và Nga…

Theo nhận định của giới quan sát, ngay từ khi đó ông Voronin đã muốn điều hành nước Cộng hòa Moldova trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa hai phần Đông và Tây châu Âu, cố gắng không ngả sang bên nào quá đà.

Ngày 3/3/2001, PKRM đưa ông Voronin ra tranh cử Tổng thống và ngày 4/4/2001, ông được bầu làm nguyên thủ quốc gia với 71 số phiếu thuận từ 89 đại biểu tham dự phiên họp. Từ năm 2003, ông Voronin đã không chỉ một lần tuyên bố rằng Moldova chủ trương hợp tác với châu Âu với mục tiêu cuối cùng là gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, khác với một số nước từng thuộc Liên Xô cũ, trong lúc có vẻ như "hướng Tây", nhưng Kishinhov vẫn duy trì những quan hệ tốt với Moskva, bất chấp những góc nhìn có thể còn khác nhau giữa hai bên về nước cộng hòa tự trị Pridnhiestrovie thuộc Moldova (PMR).

Chính phủ của Tổng thống Voronin luôn rất cứng rắn trong các vấn đề liên quan tới toàn vẹn lãnh thổ Moldova và cương quyết không công nhận nền độc lập tự xưng của Pridnhiestrovie, vùng đất có nền công nghiệp phát triển nhất Moldova với những cư dân chủ yếu là người Nga, tuyên bố tách ra khỏi thành phần Moldova sau một cuộc đụng độ vũ trang năm 1991 (PMR hiện nay cũng không được bất cứ một quốc gia hay một tổ chức quốc tế nào công nhận). Hơn thế nữa ông Voronin thỉnh thoảng lại tỏ ý hoài nghi vào khả năng thương lượng với ban lãnh đạo hiện nay của PMR…

Sau thắng lợi của PKRM trong cuộc bầu cử Nghị viện ngày 6/3/2006 với 46,1% số phiếu bầu (tương đương 56 ghế nghị sĩ), ông Voronin ngày 4/4/2006 lại tái đắc cử Tổng thống Moldova với 75 lá phiếu thuận, tức là có cả phiếu của những nghị sĩ không phải đảng viên Cộng sản Moldova.

Gia đình ông Voronin vẫn được coi như một gia đình mẫu mực theo phong cách Xôviết cũ. Vợ ông là người Ucraina. Ông bà có một con gái và một con trai. Con trai là chủ một nhà băng, được lập ra từ trước khi ông Voronin lên làm Tổng thống khá lâu. Con gái ông là bác sĩ nội khoa ở một bệnh viện tại Kishinhov…

Đất bằng dậy sóng

Sau những thử nghiệm "cách mạng màu sắc" tại một số nước cộng hòa trong không gian Xôviết cũ, một số thế lực quốc tế bắt đầu để mắt tới Moldova như vùng đất có thể làm dấy lên những hỗn loạn đường phố để thay đổi chính quyền hợp hiến, tạo dựng lên những bộ máy mới hợp khẩu vị và quyền lợi của chúng hơn. Và thời cơ đã đến cho những thế lực chủ trương "đục nước béo cò" này sau cuộc bầu cử Nghị viện mới đây ở Moldova lại mang về thắng lợi cho PKRM (50% số phiếu bầu) và hiển nhiên là sẽ tiếp tục duy trì vị thế Tổng thống của ông Voronin trong lúc một số lực lượng chính trị đối lập do nhiều nguyên nhân khác nhau ở Moldova lại chủ trương bất hợp tác với PKRM.

Các đảng như đảng Tự do (12,75% số phiếu bầu); đảng Dân chủ Tự do (12,26%) và liên minh "Moldova của chúng ta" (ANM, 9,82%) đã được tham gia Nghị viện khoá mới, còn  đảng Thiên chúa giáo Dân chủ Nhân dân (CDNP), trước đây từng có chân trong Nghị viện, nay phải ở ngoài rìa.

Chính những lực lượng chính trị đã không thu được nhiều phiếu như mong muốn đó đã lu loa lên rằng: kết quả bầu cử đã bị giả mạo và kích động dân chúng, đặc biệt là tầng lớp trẻ, vốn hay bất mãn với thực tại một cách cực đoan, tràn ra đường phố thoạt tiên là biểu tình la hét rồi mặc sức đập phá gây rối. Trong khi đó ngay cả những quan sát viên phương Tây có mặt ở Moldova trong thời gian diễn ra bầu cử cũng công nhận rằng, những người cộng sản Moldova đã giành được chiến thắng một cách trung thực….

Bị kích động, những người biểu tình ở Kishinhov, chủ yếu là giới trẻ, đã vây chặt trụ sở Nghị viện và Văn phòng Tổng thống và làm đủ trò bạo lực… Cách hành xử này thực ra không mới, cách đây không lâu đã diễn ra ở Hy Lạp rồi ở London trong thời gian tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 của lãnh đạo các  nền công nghiệp mạnh trên thế giới…

Tổng thống Voronin ngay từ đầu đã tỏ ra rất tỉnh táo và cương quyết. Vốn từng là Bộ trưởng Nội vụ, ông có những cách giải quyết cứng rắn và kín kẽ trong những vấn đề tương tự, quyết không để cho những thế lực bên ngoài tranh thủ đục nước béo cò, nhưng cũng không hữu khuynh để diễn tiến mọi việc theo hướng quá mù ra mưa. Tổng thống Voronin đã quyết định không cho sử dụng vũ lực trước những đám đông có trẻ vị thành niên. Ông đề nghị lực lượng an ninh, cảnh sát sử dụng những "biện pháp mềm" để vãn hồi trật tự và chỉ khi cực chẳng đã mới phải xuống tay một cách có mức độ.  Những đụng độ giữa những nhóm làm loạn đường phố với các lực lượng  an ninh, cảnh sát đã làm hơn 270 người bị thương, trong đó có 100 người là dân, còn lại là cảnh sát (qua đây cũng có thể thấy chính quyền đã tự kiềm chế thế nào trước các phần tử quá khích)…

Theo đánh giá của các nhà quan sát, trong tương lai, tình hình Moldova vẫn sẽ không đơn giản vì những mâu thuẫn nội tại và cả những nhân tố kích động từ bên ngoài vẫn còn tồn tại. Theo nhận xét của cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, rất nguy hiểm nếu các thế lực bên ngoài kích động được một bộ phận xã hội bất mãn bên trong tràn ra đường phố làm loạn. Đó đã là phương thức quen thuộc được áp dụng ở không chỉ một nước và rất đáng lo ngại là có ai đó ở những trung tâm quyền lực quốc tế lại thích hành xử như vậy đối với những nơi mà họ muốn thay đổi chế độ hợp hiến.

Khu vực lịch sử Bessarabya là phần lớn lãnh thổ của nước Cộng hòa Moldova hiện đại. Ở thế kỷ XVI, mảnh đất này đã bị người Thổ Nhĩ Kỳ thôn tính; tới thế kỷ XIX  lọt vào tay đế chế Nga. Năm 1918, vùng lãnh thổ này đã nằm dưới sự cai quản của Romania. Năm 1949, Bucaest đã nhượng lại Bessarabya cho Moskva. Với vài sự thay đổi nhỏ về biên giới, khu vực này được xây dựng thành nước Cộng hòa Xôviết Moldovia. Ngày 27/8/1991, trong đà tan rã Liên bang Xôviết, Moldovia tuyên bố độc lập và từ đó, được biết tới nhiều hơn với cái tên Moldova.

Thành phần dân số: Người Moldova (75,8%); người Ucraina (8,4%); người Nga (5,9%),; người Gagauz (4,4%): người Romania (2,2%); người Bulgaria (1,9%)...

Moldova là một trong những nước cộng hòa nghèo nhất châu Âu với GDP tính theo đầu người là 2,5 nghìn USD một năm. 20% số người trong độ tuổi lao động của Moldova hiện đang tha phương cầu thực ở nước ngoài. Số tiền mà họ gửi về chiếm tới 30% GDP của cả nước.

Nguyễn Trung Tín
.
.