Tổng biên tập The New York Times nhận sai vì quá coi thường báo mạng

Chủ Nhật, 15/03/2015, 05:12
Dean Baquet, Tổng biên tập của The New York Times trong cuộc phỏng vấn mới nhất với tờ Der Spiegel thừa nhận tòa soạn của ông đã “rất đau” vì coi thường các đối thủ mới, là các trang báo mạng.

- Các đồng nghiệp của ông có nói rằng, The New York Times cần những bài gây chú ý hơn nữa trên mạng. Ông có nghĩ như vậy không?

- Với những tờ báo như The New York Times và Der Spiegel, sẽ luôn có tranh cãi giữa chuyện báo chí rất nghiêm túc với những chuyện báo chí nhẹ nhàng, vui vẻ. Tôi không phủ nhận là đôi khi chúng tôi quá nghiêm túc. Nhưng chúng tôi cũng đã viết rất nhiều chuyện nhẹ nhàng về văn hoá - nhiều hơn trước nhiều. Mục “Style” của The New York Times có đủ góc nhẹ nhàng, vui vẻ. Đôi khi là quá nhiều.

- Các đối thủ trên mạng như BuzzFeed và The Huffington Post có sự kết hợp rất phong phú đủ loại bài và trên mạng họ mạnh hơn trang web The New York Times rất nhiều.

- Vì họ miễn phí. Bạn sẽ luôn có nhiều traffic hơn nếu trang web của bạn miễn phí. Và chúng tôi luôn thừa nhận chúng tôi đứng sau (về mặt traffic) so với các trang web sẵn sàng để bài viết của họ miễn phí trên mạng.

BuzzFeed và The Huffington Post mạnh hơn chúng tôi nhiều về mảng đó. Nhưng tôi nghĩ mấu chốt với The New York Times vẫn là tuân thủ với bản sắc của chúng tôi. Điều đó không có nghĩa là: Không thay đổi. Nhưng The New York Times thì không muốn trở thành BuzzFeed. Nếu chạy theo họ, chắc chắn chúng tôi sẽ thua.

- Hồi tháng 5, báo cáo nội bộ của The New York Times bị lộ ra ngoài trong đó có kết luận rất nặng rằng lợi thế báo chí hay nói cách khác là thương hiệu của tờ báo này đang giảm dần. Có phải các ông từng đánh giá thấp các đối thủ trên mạng?

- Tôi nghĩ là từng có chuyện đó. Chúng tôi đánh giá nhầm rằng các đối thủ mới, là BuzzFeed hay là bất cứ tờ nào, họ làm tốt là vì họ phớt lờ các tiêu chí báo chí mà chúng tôi theo đuổi. Nói thẳng thắn thì chúng tôi quá ngạo mạn. Chúng tôi coi thường những đối thủ mới. Nhưng giờ thì chúng tôi đã nhận ra rằng mình sai lầm. Họ nhận ra trước chúng tôi về cách đưa câu chuyện đến cho bạn đọc, những người quan tâm đến câu chuyện đó. Chúng tôi chậm trễ trong việc đó.

- Báo cáo đó làm nhiều lãnh đạo các báo hoang mang vì nó chỉ ra rằng The New York Times thiếu chiến lược về mạng và toà soạn hoàn toàn chưa phát triển được văn hoá ưu tiên báo mạng trên hết.

- Báo cáo chỉ nêu ra những lĩnh vực mà chúng tôi còn yếu. Một nửa của báo cáo là phê phán, nêu ra vấn đề, một nửa còn lại là các ý tưởng về cách giải quyết vấn đề. Rất nhiều việc đã được tiến hành rồi.

- Những gì đã thay đổi?

- Ví dụ, chúng tôi đã thành lập được bộ phận phát triển bạn đọc chuyên về tương tác với bạn đọc thông qua mạng xã hội. Bộ phận này đã hoạt động được ba tháng rồi và giờ traffic chúng tôi đã tăng tới 20%.

- Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới công việc của các phóng viên trong tòa soạn?

- Trước kia, nếu anh là phóng viên, anh viết một bài xong thì anh sẽ đi viết bài khác. Chúng ta quen với chuyện người ta tìm đến chúng ta. Chúng ta đợi cho họ vào trang web hay mua báo giấy của chúng ta và coi xem chúng ta đã viết gì. Giờ chúng tôi hiểu rằng phải gia công làm động tác đưa những bài viết/ câu chuyện đó đến cho bạn đọc. Rất nhiều bạn đọc giờ lấy tin tức từ Facebook và Twitter. Và chúng tôi phải đảm bảo rằng trên các mạng xã hội đó, họ cũng thấy những bài hay nhất của chúng tôi. Chúng tôi giờ làm việc quảng bá này quyết liệt hơn trước.

- Cá nhân ông đến giờ mới chỉ viết có duy nhất hai tweets, cả hai đều viết tháng 6 năm ngoái…

- (Cười) Tôi biết ngay là tôi sẽ dính “chưởng” vụ này. Nhưng tôi nói luôn: Nếu cho rằng tôi phải liên tục viết tweet là rất ngớ ngẩn. Có rất nhiều nhà báo ở The New York Times đã tweet rồi. Tôi không phải làm việc đó nữa. Và tôi cũng không đủ thời gian.

- Báo giấy vẫn chiếm tới ¾ doanh thu của tờ The New York Times. Làm thế nào để ông thiết lập văn hoá “báo mạng trên hết” ở toà soạn trong khi doanh thu của ông vẫn là “báo in trên hết”?

- Tiêu chí phải là “bài viết là trên hết”. Ví dụ vụ nổ súng vào tòa báo ở Paris: Chúng tôi đưa tin cả ngày (trên mạng) và chẳng giữ lại bất cứ thứ gì. Thế rồi khi deadline báo giấy đến gần, chúng tôi phải làm hai việc. Một là phải trau chuốt các câu chuyện trên mạng lại vì trên báo giấy, lỗi lầm không dễ được tha thứ. Thứ hai, trong thế giới lý tưởng, chúng tôi sẽ chọn câu chuyện nào tươi mới và hay nhất cho bạn đọc vào buổi sáng khi họ mua báo giấy.  

- Toà soạn của The New York Times tiêu tốn 200 triệu USD/năm để hoạt động. Liệu doanh thu từ bạn đọc đăng ký trên mạng có bao giờ đủ để duy trì?

- Tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi cần một toà soạn với quy mô như hiện tại. Sẽ là sai lầm lớn nếu thu nhỏ toà soạn nữa. Cuối cùng thì không phải tất cả nguồn thu sẽ chỉ là từ bạn đọc trả tiền trên mạng. Chúng tôi có nhiều nguồn thu khác nhau và nguồn thu sẽ tiếp tục được duy trì đa dạng như vậy trong thời gian tới. Điều khiến tôi lo lắng hơn là chúng tôi xây dựng toà soạn này trên nền tảng là lợi nhuận rất cao và mức lợi nhuận này đã giảm rất nhanh trong mấy năm vừa rồi. Tôi lo rằng chúng tôi sẽ không tiếp tục có khoản lời nhiều như vậy để chúng tôi đủ duy trì một toà soạn đủ lớn, đủ năng động.

- The New York Times đã cắt giảm nhân sự vài lần trong mấy năm vừa qua. Ba tháng vừa rồi báo cắt thêm 100 nhân sự. Ông rời tờ Los Angeles Times năm 2006 vì ông không chấp nhận việc cắt giảm nhân sự với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí. Ông có chắc là ở The New York Times ông sẽ tránh được việc đó?

- Tôi chưa bao giờ nói về chuyện sẽ cắt giảm thêm. Mọi tờ báo khác ở Mỹ đã thật sự giảm quy mô rất nhiều trong 20 năm vừa qua. Ở The New York Times, sau vòng cắt nhân sự gần đây nhất, chúng tôi vẫn còn 1.300 người. Đó là lý do tôi vẫn còn niềm tin.

- Tờ báo của ông có 875 ngàn bạn đọc trả tiền trên mạng. Đó đã phải là trần của tờ báo chưa?

- Tôi không nghĩ là vậy. Chúng tôi vẫn chưa nghĩ ra cách để tăng bạn đọc quốc tế của mình. Chúng tôi đã làm một trang web ở Trung Quốc - chính quyền ở đây chặn trang này nhưng chúng tôi vẫn có lượng bạn đọc lớn. Tờ The Guardian chẳng hạn, thì đã tăng trưởng rất mạnh nhờ phát triển trang web ở Mỹ. Chúng tôi phải tìm cách phát triển bạn đọc ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

- Tờ The Washington Post đang mở rộng nhanh dưới sự điều hành của ông chủ mới, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Lợi nhuận không còn là mục tiêu lớn nhất ở đó nữa. Điều này có khiến ông lo ngại không?

- Một nửa thì tôi thật sự lo ngại. The Washington Post trong quá khứ và hiện tại luôn là đối thủ lớn nhất của chúng tôi. Một nửa còn lại, phần không vị kỉ của tôi, thì rất mừng. Tôi muốn các tờ báo phát triển. Lấy ví dụ như tờ The Guardian, giờ họ là đối thủ của chúng tôi trong kỉ nguyên mạng (trước kia chỉ có báo giấy thì không phải). Điều đó khiến tôi lo lắng khi họ cạnh tranh và thực tế là với câu chuyện Snowden họ thắng chúng tôi. Cái phần cạnh tranh của nhà báo muốn chiến đấu trong tôi thì nói: Cứ tiếp tục đi. Như vậy thì sẽ vui hơn.

- Việc Edward Snowden không đưa câu chuyện tới The New York Times đau đớn như thế nào, với tư cách là tờ báo hàng đầu?

- Đó là việc tôi rất đau. Điều đó cho thấy hai điều: Về mặt đạo lý, tờ The New York Times không còn là nơi đáng để họ mang câu chuyện lớn của mình tới. Điều đó đau vô cùng. Đồng thời, đây sẽ là câu chuyện về an ninh quốc gia quan trọng nhất trong nhiều năm nữa và chúng tôi đã thất bại. Rồi không chỉ thua tờ The Guardian, vì Snowden đến với tờ báo này, chúng tôi thua cả tờ The Washington Post vì sau đó Snowden có đến với một phóng viên của tờ báo này. Chúng tôi cố gắng chạy theo và có một số bài rất tốt mà tôi thấy tự hào. Nhưng nghĩ lại thì vẫn rất đau đớn.

- Một trong những lý do mà Snowden không đến với tờ The New York Times là vì tờ báo từng từ chối không in các thông tin ban đầu về hoạt động của NSA từ năm 2004. Câu chuyện đó phải mất một năm sau mới được đăng. Liệu đó có phải là sai lầm khi giữ lại bài viết đó?

- Khi đó thì tôi chưa ở tờ The New York Times nên tôi không biết các tranh luận như thế nào. Giờ thì sẽ rất dễ nhìn lại để chỉ trích: “Tại sao tờ The New York Times không đăng bài”.  Nhưng tôi sẽ không đánh giá, Ông Bill Keller, cựu tổng biên tập trước kia, thì nói bài viết khi đó chưa đủ tốt như bài họ đăng sau này.

- Có những bài viết mà tờ The New York Times cân nhắc rất nhiều cho Chính phủ Mỹ (bị coi là mất điểm với báo chí). Năm 2011 chẳng hạn, các ông không đăng bài viết về các căn cứ máy báy không người lái ở Saudi Arabia. Ông có thể nói qua xem tiêu chí của The New York Times như thế nào khi không đăng những bài báo ấy?

- Tôi quyết định không đăng chuyện đó - và đó là sai lầm của tôi. Tình huống khi đó là giáo sĩ cực đoan gốc Mỹ Anwar al-Awlaki vừa bị máy bay không người lái sát hại. Chúng tôi đang viết bài sát deadline. Một quan chức cao cấp của CIA khi đó gọi tôi và đề nghị là không nêu địa điểm vị trí căn cứ máy bay không người lái đó. Đó là ở Saudi Arabia và tôi đã đồng ý.

Tôi đã sai. Tôi đưa ra quyết định khi sát deadline và ngay ngày hôm sau thì tôi hối hận. Chúng tôi sau đó có đưa thông tin này lên. Vụ đó dạy tôi một bài học. Nhưng cũng có những tình huống mà tôi nghĩ là bạn sẽ cần phải giữ thông tin lại và tôi biết có những tình huống mà tôi không hề hối hận với quyết định đó.

- Ông cũng quyết định không đăng các hình biếm hoạ nhà tiên tri Muhammad từ Charlie Hebdo. Tại sao vậy?

- Đó là quyết định rất khó. Phản ứng ban đầu của tôi với tư cách nhà báo là phải thể hiện tinh thần đoàn kết với những nhà báo bị sát hại. Nên sáng hôm đó, tôi đã quyết định là sẽ đăng hình biếm hoạ, nhưng rồi thì tôi tự ngưng và suy nghĩ lại rất kỹ. Và cuối cùng, tôi tự đặt mọi thứ ra khỏi bi kịch đó để chỉ nhìn những tranh biếm hoạ mà thôi. Kiểu châm biếm như vậy không đáp ứng các tiêu chí mà chúng tôi đưa ra đối với tờ The New York Times.

- Khẩu hiệu trên toàn cầu là “Je suis Charlie”, “I am Charlie”. Ông có thể dùng các khẩu hiệu này thay vì đăng các tranh biếm hoạ?

- Nhiệm vụ của tôi là phải đưa tin hay nhất về câu chuyện. Rất quyết liệt. Chuyện toà báo có dũng cảm hay không thể hiện ở chỗ anh đưa phóng viên nào tới để đăng câu chuyện gì.

Hãy đảm bảo là anh có người đưa tin về IS. Đảm bảo là anh có người có mặt ở Baghdad. Đảm bảo là anh có cách để đưa tin về chiến tranh ở Afghanistan. Với tư cách một nhà báo, tôi hoàn toàn ủng hộ Charlie Hebdo, nhưng với tư cách là Tổng biên tập của The New York Times, công việc của tôi là phải giải thích được chuyện gì đã xảy ra và làm thế nào để đưa tin được hay nhất. Và điều đó quan trọng hơn là chuyện vài tấm hình biểu tượng vẽ trên trang bìa.  

- Một trong những phóng viên của ông, James Risen đã nói trong một bài diễn thuyết rằng, báo chí chính thống “đã thất bại sau sự kiện 11-9”. Ông có đồng ý không?

- Hoàn toàn là vậy. Báo chí chính thống đã không còn đủ quyết liệt nữa sau vụ 11-9. Không đủ quyết liệt để chất vấn quyết định tham chiến tại Iraq, không đủ quyết liệt để hỏi những câu hỏi khó về cuộc chiến chống khủng bố. Tôi lãnh trách nhiệm đó cho cả tờ Los Angeles Times và tờ The New York Times.

- Cho chúng tôi một lý do để Edward Snowden tiếp theo nên đến với tờ The New York Times?

- Chúng tôi sẽ thể hiện với Snowden tiếp theo rằng chúng tôi sẵn sàng hơn bất cứ tờ báo nào để đăng bài viết. Chúng tôi có con người, có bộ óc, và cả sự can đảm để đăng bài báo.

- Ông Baquet, chúng tôi xin cảm ơn ông.

Nguyễn Thanh Tuấn (lược dịch)
.
.