Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2015)

Tổ quốc gọi tên mình

Thứ Hai, 23/03/2015, 13:03
Ai đã từng biết đến Thép đã tôi thế đấy của văn học Nga hẳn không thể quên câu nói chân thành của chàng trai Paven: “Tôi muốn cống hiến cho cách mạng đến tế bào sống của đời mình”. Đó là một quan niệm cao đẹp về cuộc sống: Sống là phải biết hi sinh và cống hiến. Với thanh niên Việt Nam, lẽ sống ấy càng là định hướng quan trọng…

Trong cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, ngay những trang đầu ghi lại câu nói nổi tiếng của văn hào Nga Nikolai Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Câu nói này được Thùy Trâm viết cẩn thận trong nhật ký tại chiến trường Đức Phổ năm 1968 và đó là tư tưởng xuyên suốt toàn bộ cuốn nhật ký, xuyên suốt chính cuộc đời, nghĩ suy, khát vọng và hành động của Đặng Thùy Trâm.

Giờ đã tròn 10 năm kể từ ngày hai cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm ra mắt bạn đọc, một sự kiện đi vào lịch sử ngành xuất bản khi số lượng xuất bản lên tới hàng chục vạn bản. Nhật ký và những bức thư thời chiến, nơi những người lính giãi bày tâm tư, nghĩ suy sâu kín, chân thực nhất, khác với những văn bản mang tính luận thuyết thường khô khan và cổ vũ theo chủ ý của người viết. 

Sự sâu kín, chân thực từ hơi thở nhật ký mang giá trị lịch sử vô cùng thiêng liêng, trở thành biểu trưng ý chí, sức mạnh hiến thân cho Tổ quốc mà tuổi trẻ một thời như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc đã xông pha ra chiến trường, sống, chiến đấu vì lý tưởng và nằm lại đất mẹ mãi mãi tuổi hai mươi. 

Tình bạn, tình cảm đồng chí, đồng đội trong thời chiến của tuổi trẻ được thể hiện thế nào? Đây là đoạn nhật ký Thùy Trâm viết ngày 18/8/1968, khi người bạn thân thiết là Khiêm hy sinh:

“Mình quen Khiêm trong những ngày ác liệt của mùa khô 1967 khi mình về công tác tại Phổ Khánh. Người giáo viên trẻ ấy đã đến với mình bằng cả tình thương mến và cảm phục chân thành. Tâm hồn những đứa đã qua thời học sinh có những nét dễ cảm thông nhau. Những ngày nằm dưới công sự mình kể cho Khiêm nghe về Paven, về những bài thơ mà mình yêu thích:

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi: em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Khiêm cũng rất thích bài Núi Đôi, Quê hương…

…Từ buổi xa Khiêm đến nay gần một năm rồi nhưng mình vẫn cảm thấy có một đôi mắt đen buồn, long lanh nước mắt đang nhìn mình trong buổi chia tay. Ai có ngờ lần chia tay đó lại là vĩnh biệt. Khiêm chết rồi… Khiêm đã hy sinh rồi. Nghe tin mình bàng hoàng không tin là sự thực. Khi đã chắc Khiêm chết, mình không khóc, có phần bình thản. Mình đã dùng nghị lực chống chế nỗi xúc động. Nhưng mỗi giây phút qua đi, nỗi đau thương mới lớn dần và giờ đây nước mắt mình giàn giụa. Mình khóc một mình bên ngọn đèn khuya, những giọt nước mắt mằn mặn chảy dài trên mặt rồi rơi xuống lăn trên vạt áo mình. Khiêm ơi, có cách nào nghe được lời Thùy nói một lần nữa hay không? Hãy nghe đây lời hứa trả thù cho Khiêm. Hứa bằng đau thương xé ruột, bằng căm thù bầm gan…”. 

Nhiều người bạn, những người đồng chí của Thùy Trâm lần lượt ngã xuống, và chính người con gái, bác sĩ Hà thành đã dự cảm điều đó sẽ đến với mình, một ranh giới mỏng manh giữa sống và chết: “Đèn từ khu căn cứ rực sáng, mình đi giữa cánh đồng Phổ Thuận, ba bên là ba nguồn sáng rực rỡ, núi chớp, núi xương rồng và những ngọn pháo treo lơ lửng phía trước mắt… Bây giờ mình cũng là một diễn viên trên sân khấu của cuộc đời, mình đang thủ vai một cô gái vùng giải phóng với bộ quần áo đen, đêm đêm theo du kích đi hoạt động giữa vùng ta và gần sát với địch. Có thể mình sẽ gặp địch và cũng có thể mình sẽ ngã xuống, trong tay xách thuốc còn nắm chặt và người ta cũng sẽ thương tiếc người con gái đã hy sinh vì cách mạng giữa tuổi đời còn xanh ngát ước mơ”… Không ngờ, cái kết của cuộc đời nữ bác sĩ tuổi thanh xuân lại đúng như dự cảm ở chiến trường Đức Phổ.

So sánh tư tưởng, lối sống của thế hệ thanh niên ngày nay với những thanh niên của bốn, năm mươi năm trước như Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc quả có những điều khiên cưỡng. Song, tôi mượn ý của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn khi viết lời tựa cho cuốn sách này để giải thích điểm này: Ngay sau khi biết rằng đây là một cuốn nhật ký viết trong chiến tranh, có thể bạn đọc, nhất là bạn trẻ sẽ hỏi: “Lại cho chúng tôi một tấm gương để bảo chúng tôi học theo chứ gì”?

Không đâu bạn ạ, ở đây bạn sẽ không tìm thấy những lời khuyên nhủ mà chỉ bắt gặp một con người với một cuộc sống cụ thể của thời chiến. So với lớp thanh niên ngày nay, người thanh niên của bốn chục năm trước có một cách sống khác, một cách sống không lắm chiều cạnh, không tự do nhiều vẻ, nhưng lại trong sáng thánh thiện đến kỳ lạ.

Sự tận tụy làm người của Thùy Trâm là nhân tố khiến cho những người lính Mỹ khác hẳn về lý tưởng cũng phải kính trọng… Trong sự muôn màu, muôn vẻ của thực tại, con người vẫn là mẫu số chung làm nên những giá trị vĩnh cửu. Nhật ký Đặng Thùy Trâm chứa nhân tố nhân văn đầy bí mật đó. 

Rõ ràng, dù ở bất kỳ thời kỳ lịch sử nào, chiến tranh hay hòa bình, lúc kham khó hay khi cơm no áo ấm, lòng yêu nước gắn với nhiệt huyết tuổi trẻ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là mạch ngầm làm nên cốt cách con người Việt. Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn dành cho thanh, thiếu nhi tình thương yêu đặc biệt. Có lần Bác nói: “Là người theo dõi tổ chức thanh niên từ bước đầu hiếm hoi chỉ có tám cháu, ngày nay trông thấy có hàng triệu đoàn viên thanh niên, hàng triệu cháu bé nhi đồng, phát triển mơn mởn như hoa nở mùa xuân... Bác rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”. 

Trong lịch sử dân tộc ta đã từng có nhiều lãnh tụ thiên tài, anh hùng lỗi lạc, lập nhiều chiến công xuất sắc lúc đang còn ở tuổi thanh niên. Tiêu biểu như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... Năm 1930, Đảng ta ra đời và thành lập từ tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Điều đó có nghĩa là đã có một giai đoạn trong đó thanh niên nắm vai trò là những người châm ngòi lửa đầu tiên cho phong trào cách mạng ở nước ta.

Đồng chí Trần Phú giữ chức Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta khi mới tròn 26 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng giữ chức Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi, các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ... và nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc khác của Đảng ta cũng là những đồng chí còn đang tuổi thanh niên. Rồi Cách mạng Tháng Tám, những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, bất cứ ở đâu, lĩnh vực nào, thanh niên cũng là những người lính xung kích cách mạng vô cùng anh dũng, thông minh và sáng tạo, lập nên những chiến tích anh hùng, những chiến thắng vẻ vang.

Thế hệ thanh niên ngày nay được kế thừa tinh hoa truyền thống của dân tộc và những thành quả của cách mạng, mở rộng giao lưu quốc tế, họ có mặt mạnh cơ bản là trình độ học vấn cao hơn trước, nhạy cảm với thời cuộc, có khát vọng đưa đất nước vượt qua nghèo nàn, lạc hậu. Thanh niên tiếp tục cống hiến sức trẻ trên các lĩnh vực đời sống, trong dựng xây và bảo vệ đất nước. Song cũng chính bởi điều kiện sống đã tốt hơn trước, nhiều thanh niên rẽ sang lối sống hưởng thụ với những quan niệm sống lệch lạc, thực dụng.

Ai đã từng biết đến Thép đã tôi thế đấy của văn học Nga hẳn không thể quên câu nói chân thành của chàng trai Paven: “Tôi muốn cống hiến cho cách mạng đến tế bào sống của đời mình”. Đó là một quan niệm cao đẹp về cuộc sống: Sống là phải biết hi sinh và cống hiến. Với thanh niên Việt Nam, lẽ sống ấy càng là định hướng quan trọng…

Đây là đoạn trích được một bạn trẻ viết trong bài văn nghị luận về lý tưởng sống của thanh niên ngày nay: “Mục tiêu của phần lớn các bạn trẻ ngày nay là phải thật thành công trong cuộc sống, khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, kiếm thật nhiều tiền để có thể thỏa mãn nhu cầu cuộc sống của riêng mình. Trong khi rất nhiều người đang cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn thì không ít người tỏ ra rất hờ hững với những gì đang diễn ra cho đất nước mình… Các bạn luôn mong muốn mình sẽ là người tài giỏi nhưng lại không có được lý tưởng cho riêng mình thì cuộc đời bạn sẽ trôi về đâu?”.

Thiết tưởng, đó không phải là sự giáo điều nếu như thanh niên biết xác định lẽ sống đúng đắn cho mình.

Mai Nhi
.
.