Tìm mình giữa vùng đất thấp

Thứ Tư, 02/04/2008, 15:45
Ngô Hồng Quang, chàng trai chơi đàn nhị trên nền nhạc điện tử, chủ nhân của CD "Quang" đang được coi là dòng chảy ngầm của làng nhạc Hà Nội cũng vừa rời Hà Lan sau một tháng đi biểu diễn. Quang say sưa kể lại chuyến đi này và cũng không ngần ngại bộc lộ tham vọng sẽ tới Hà Lan để học sáng tác nhạc.

Vùng đất thấp nhất thế giới này đang có tới hơn 18 ngàn người Việt cư trú. Hơn 18 ngàn người đã sống cùng hoa tuylíp, dầm mình trong những xưởng cá hay trong những nhà máy may công nghiệp, trong những khu chợ hay trên những giảng đường. Đã có không ít người Việt chọn Hà Lan như một nơi để bắt đầu cho tương lai, bởi đất nước này đang được coi là môi trường giáo dục cởi mở và lý tưởng nhất châu Âu.

Tôi đã đọc đâu đó câu chuyện về ngôi làng mang tên Hùng Vương dành cho những người già Việt Nam neo đơn tại Hoorn, Hà Lan. Ngôi làng này là ý tưởng của một kiến trúc sư tên Phan Viết Nam và sẽ gồm 29 căn hộ 80m2 để cho người già tới có cảm giác họ được sống trong căn nhà của riêng mình. Cũng nơi này, người Việt lớn tuổi sẽ tìm lại  được nguồn cội mình từ những trang sách báo Việt ngữ được mang từ Việt Nam sang.

Có lẽ đó là một ý tưởng đặc biệt cho những người Việt ở một đất nước hoàn toàn khác biệt so với nơi họ sinh ra. Và tôi chợt nhớ rằng, hình như người Việt mình đi đâu cũng vậy, dù có vất vả mấy cũng muốn sống quần tụ, như cái thâm tình làng xóm ở quê nhà. Và khi được sống trong những ngôi nhà ấm cúng này, hẳn những người già cũng vợi đi rất nhiều nỗi cô quạnh trong hành trình dài dằng dặc của một kiếp tha hương xa xứ.

Cách đây 16 năm, một quan chức trong ngành cảnh sát Amsterdam có phát biểu trên tờ nhật báo lớn nhất Hà Lan, đại ý rằng, nếu chính phủ Hà Lan có gửi thêm 5 ngàn người Việt đến thành phố này cũng không có trở ngại gì vì đây là những người hiền lành và chăm chỉ. Hà Lan, từ những năm 70 của thế kỷ XX đã được coi là đất nước của những điều hưng thịnh.

Người Việt đến đất nước này trước hết được hưởng trợ cấp xã hội và hoàn toàn có thể sống từ những phúc lợi ấy cho đến suốt đời. Nhưng có rất ít người bằng lòng với cuộc đời tầm gửi. Và rồi, họ bắt đầu vào làm việc tại những nơi vất vả nhất. Dù đó là những cánh đồng tuylíp bạt ngàn của miền Nam, nơi họ tới sau mùa cắt hoa đem xuất khẩu, những cánh đồng trơ gốc chờ cày xới. Họ, như những người nông dân cần mẫn trên thửa ruộng của mình, theo sau những chiếc máy cày để nhặt những củ hoa tuylíp, rồi chui vào trong nhà kho để lựa những củ tuylíp khô đều chờ gieo giống mùa sau.

Và cũng là họ, như những người công nhân lành nghề nhất, vào xưởng cá, những căn phòng lạnh hơn tuyết, quanh năm ở dưới độ âm, để làm cá phi lê... Người Việt ở đâu cũng là một tập hợp người biết nhẫn nhịn và làm việc vượt năng suất. Dường như không có cơ sở sản xuất nào mà người Việt lại bị đánh giá thấp. Sinh viên người Việt đi làm thêm cũng được các ông chủ Hà Lan coi trọng và mức lương của họ hoàn toàn có thể đủ chi phí cho cuộc sống tại đây.

Tôi luôn nhất quán rằng, không phải ai ra nước ngoài cũng chỉ vì lý do kinh tế. Và cũng không phải ai lấy người nước ngoài cũng chỉ với mục đích được sống ở nước ngoài. Có trăm ngàn lý do để người ta đến Hà Lan. Để sống, để chơi, để học và để làm việc. Hoặc đơn giản hơn, họ muốn được sống dưới những cây cối xay gió, được chụp hình những cánh đồng hoa tuylíp post lên blog mỗi ngày cho bạn bè thưởng ngoạn. Chẳng ai có quyền nói rằng, đó là những khao khát không chính đáng khi họ bắt đầu hành trình đến với miền đất thấp này.

Phương Mai, người từng được biết đến như một cây bút truyện ngắn cá tính của hội bút Hương Đầu Mùa năm xưa, nay đang là một nghiên cứu sinh về giáo dục tại Hà Lan. Chị, qua những gì chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp và qua những bài viết về việc học và cuộc sống của mình, có cảm giác như chị đang rất hài lòng với cuộc sống ở bên đó. Chị có một tình yêu. Việc học không dễ dàng nên tình yêu lại là một nơi nương tựa vững chắc cho cuộc sống xa nhà và có phần đơn độc ấy. Phương Mai tỏ ra yêu mến cuộc sống của mình tại một nơi mà rất nhiều người Việt còn tỏ ra mơ hồ.

Một người nữ viết văn khác cũng từng đến vùng đất thấp theo tiếng gọi của hạnh phúc, đó là Phạm Hải Anh. 26 tuổi, với đề tài tiến sỹ về thơ Lý Bạch, Phạm Hải Anh gây sửng sốt với giới học thuật Hà Nội. Rồi, cô tiến sỹ từng chuẩn bị đứng trên bục giảng Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội bỗng rời bỏ tất cả, để theo chồng, một người Hà Lan đến xứ sở cối xay gió. Nhưng rồi, sang đó, chị vẫn viết về Việt Nam, về Hồ Tây, về những ký ức Hà Nội. Đọc truyện ngắn chị viết cho ngày chị sinh 14/2 mang tên Nguyên Xuân, có thể cảm thấy được cả hồn vía của người phụ nữ Hà Nội, nhiều xáo trộn, lắm day dứt, nhưng không thoát bỏ được chính niềm kiêu hãnh của mình: "Xuân ra sân bay vào buổi chiều cuối năm rét ngọt. Xe băng ngang sông Hồng. Dưới chân cầu những xoáy nước đỏ quạch phù sa như vết thương hun hút. Một lá ngô già ngập ngừng nơi mé nước rồi thong thả xuôi dòng. Xuân ngoái ngược trở lại phía những cụm nhà lố nhố ven đô, cố tìm cái mái củ tỏi màu hồng, sao bây giờ ngó thân thương hơn mọi thứ khác. Gió lùa cay mắt. Ngước lên trời cao, chợt thấy mình không phải là người đàn bà cứng cỏi, mạnh mẽ như bạn bè vẫn bảo, chỉ là con bé Nhịn tay bị giữ chặt, buồn nhìn chữ "Nhẫn" bộ "Đao "đè lên bộ "Tâm" nghiệt ngã. Lưỡi dao vô hình cắt gọt con tim nông nổi, gọt bao nhiêu cho tròn một kiếp người? Xuân ngồi nhìn căn buồng mới thuê trống trải, trang trí duy nhất là cành hoa sữa đã rụng tiệt hoa sau chuyến bay gần trọn một ngày. Tay Xuân luồn trong túi áo mân mê cái chìa khoá ngôi nhà cũ. Nó không quá xa, nửa tiếng chạy xe, Xuân sẽ về lại đấy. Lò sưởi bập bùng, salon bọc da êm ái, và một người đàn ông quen thuộc. Anh ta sẽ đón Xuân vào, đại lượng như đón người đàn bà dại dột, vài năm một lần đem đời mình ra đập vỡ chơi rồi loay hoay hàn gắn lại. Sẽ không đả động gì đến chuyện Xuân đã bỏ việc, đã dọn đi..., những cơn đồng bóng đàn bà. Sẽ bình thản cùng ngồi xem tivi như năm ngoái, năm kia, như mười năm trước. Bình thản cho đến khi anh ta lột chiếc áo ngủ, ấn dúi Xuân xuống nệm. Vùi sâu, xoáy lút những nhát đâm ngoáy vào vết thương chưa bao giờ khép miệng giữa hai người... Xuân rùng mình, rút hẳn chìa khóa ra khỏi túi, tìm một phong bì. Nắn nót viết lên địa chỉ căn nhà cũ. Bỏ chìa khóa vào. Dán kín. Khi Xuân từ bưu điện trở về thì pháo lác đác rộ lên. Sắp giao thừa. Xuân mở gói quà mang theo từ Hà Nội. Một bức thư pháp. Mực tàu đen đằm trên nền giấy dó, nét bút tinh anh, phóng khoáng. Chữ "Tâm". Không có bộ "Đao" ở trên, chỉ một chữ "Tâm " thật đậm, cái đường móc hất lên, nửa như khát khao, nửa như thách thức. Xuân treo bức thư pháp lên khoảng tường trống gần cửa. Gió lùa qua khe chữ lay nhè nhẹ. Văng vẳng tiếng chuông nhà thờ. Xuân mở tung cửa sổ. Úp mặt vào làn không khí giá băng tinh khiết, nồng nàn hương pháo. Nền trời đen thẫm bùng lên muôn vạn chùm hoa lửa. Nước mắt ấm trên môi, Xuân nhận món quà sinh nhật bố mẹ đã dành cho từ lúc chào đời. Một năm mới phong kín như chưa từng mất mát. Nguyên Xuân"... Phạm Hải Anh đã ra đi, đã mất mát và rồi lại trở về Việt Nam để tiếp tục viết, sống và yêu. Chưa bao giờ tôi dám hỏi chị rằng chị có nhớ tiếc những năm tháng ở Amsterdam, nơi mà chị có gian bếp nấu được cả bữa cơm Tây và cơm Việt đãi khách, nơi mà cuộc sống của chị tưởng như rất yên lành. Và tôi cũng không dám hỏi vì sao chị lại trở về Việt Nam. Nhưng tôi không tin chị sẽ lãng quên những tháng ngày ấy nhanh chóng. Ký ức chị, dẫu có thế nào, buồn chán hay hạnh phúc, héo úa lẫn tốt tươi, sẽ vẫn có những trang về miền đất này...

Ngô Hồng Quang, chàng trai chơi đàn nhị trên nền nhạc điện tử, chủ nhân của CD "Quang" đang được coi là dòng chảy ngầm của làng nhạc Hà Nội cũng vừa rời Hà Lan sau một tháng đi biểu diễn. Quang say sưa kể lại chuyến đi này và cũng không ngần ngại bộc lộ tham vọng sẽ tới Hà Lan để học sáng tác nhạc. Quang nói, anh cũng không ngờ khán giả lại ủng hộ anh đến như vậy.

Những ngày Tết ở Hà Lan, anh cảm giác nhớ nhà và thèm ăn bánh chưng khủng khiếp. Nhưng bù lại, anh đã có được những buổi diễn đầy ắp khán giả. Lại được ở nhờ nhà một người bạn là Việt kiều tại Hà Lan trong vòng một tháng. Điểm ấn tượng nhất đối với anh ở Hà Lan, không gì khác, là những con đường nằm trên những dòng kênh, những cây cầu bắc qua kênh bỗng chốc trở thành những cái mái dựng đứng để tàu thuyền qua lại.

Mọi thứ đều ngăn nắp và có luật lệ rõ ràng. Hà Lan được coi là một nước có nền giáo dục phát triển bậc nhất châu Âu. Và sau chuyến đi này, anh chợt nhận ra rằng, đây sẽ là nơi anh muốn đến để học tập. Quang muốn học sáng tác, để đưa được nhạc dân gian Việt Nam đến với khán giả quốc tế thông qua những cách viết mới lạ, có thể coi đó là sự pha trộn giữa hai dòng âm nhạc phương Đông và phương Tây.

Trong chuyến đi Hà Lan, Ngô Hồng Quang đã được tận mắt chứng kiến những hình ảnh cảm động của người Việt trong ngày đón giao thừa. Người Việt hôm nay không chỉ là những người làm chủ cuộc sống của mình nơi xứ người mà còn là những người biết chia sẻ và tạo nên một cộng đồng lành mạnh và giàu nhân ái.

Hà Lan không phải thiên đường. Nhưng đó sẽ là một trong những mảnh đất lành cho những con tim đậu lại. Và có những trái tim đến để tìm được chính mình, để hiểu mình. Rồi trở về. Không có nơi nào tuyệt đối trên mặt đất này. Và Hà Lan, như một chặng trên con đường của những cánh chim thích thiên di...

Thiên Khải
.
.