Tiêu diệt tổ chức khủng bố IS: Cuộc chiến trong bóng tối

Thứ Bảy, 19/12/2015, 13:41
Mới đây, trong phiên họp bất thường của Quốc hội lưỡng viện tại Versailles, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã khẳng định IS là kẻ thù số một và kêu gọi thành lập một liên minh duy nhất nhằm chống lại kẻ thù chung.

Bằng việc viện dẫn Điều 47-2 của Hiệp ước châu Âu, về việc khi một quốc gia thành viên bị tấn công. Ông Hollande hy vọng đây sẽ là đòn bẩy pháp lý đưa các nước châu Âu ra khỏi trạng thái thụ động của mình. Và liệu đây có thể được coi là hy vọng mới trong cuộc chiến chống lại những kẻ thù vốn không tôn trọng bất kỳ giá trị nào như IS?

Khủng bố và hệ quả chính trị tại châu Âu

Sau cuộc tấn công khủng bố ở Paris, các đảng phái đều cảm thấy nước Pháp đang trong một cuộc chiến. Trọng tâm của nền chính trị đang đặt vào việc nâng cao các biện pháp an ninh như quản thúc các đối tượng tình nghi hoặc đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo bị coi là mối nguy hiểm. Trái ngược với phản ứng trước các vụ tấn công vào tháng 1, những rạn nứt đầu tiên trong tuyên bố về sự đoàn kết quốc gia đã xuất hiện. Phe bảo thủ chỉ trích cách ông Hollande đối với chủ nghĩa khủng bố là quá yếu đuối và cần phải cứng rắn hơn.

Không chỉ riêng nước Pháp, tác động của vụ khủng bố đã ảnh hưởng tới chính sách đối với người tị nạn của châu Âu. Như quan điểm chỉ trích một số người cho rằng, việc mở cửa cho người tị nạn đã đưa cả những phần tử thánh chiến vào nước Đức. 

Ông Henning Riecke, Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức cho rằng, phần lớn người tị nạn chạy trốn khỏi bạo lực, sự hủy diệt. Những người tị nạn cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền của các phần tử cực đoan tại châu Âu. Hơn nữa, việc cho rằng các phần tử khủng bố chọn con đường khó khăn và nguy hiểm vượt Địa Trung Hải hoặc tuyến đường Balkan là không khả thi. 

Thực tế cho thấy thủ phạm của những vụ tấn công trước đây thường là công dân châu Âu và lớn lên tại châu lục này. Việc yêu cầu thắt chặt luật xin tị nạn và đóng cửa biên giới về mặt nào đó là đề xuất nguy hiểm, vô tình nó đá đem lại sự sợ hãi, tác động xấu tới xã hội và có lợi cho bọn khủng bố.

Tổng thống Pháp Francois Hollande tại phiên họp Quốc hội lưỡng viện.

Mặt khác cuộc tấn công tại Paris đã giúp Nga và phương Tây có cái nhìn khách quan hơn trong một số vấn đề như xung đột Ukraine và giải pháp cho cuộc chiến ở Syria đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngay sau đề nghị của Paris, Moskva đã yêu cầu các cơ quan tình báo, hải quân Nga hợp tác chặt chẽ với Pháp như với các đồng minh thân cận của mình. Hàng loạt vụ không kích vào các vị trí của IS tại thủ phủ Raqqa đã khiến một số nhà quan sát cho rằng đây là thay đổi quan trọng của Moskva trong cuộc chiến chống IS. Ưu tiên tấn công IS thay vì các lực lượng chống chế độ Damascus, kể các đơn vị quân đội tự do Syria, được coi là phe nổi dậy ôn hòa.

Nhà sử học quân sự  Michael Goya, Viện Chính trị học Paris cho rằng những nỗ lực quân sự nếu muốn thực sự hiệu quả và mang đến bước ngoặt quyết định thì sẽ không tránh khỏi một cuộc can thiệp trên bộ với sự tham gia của quân đội nước ngoài. Nhưng đây là điều mà cả phương Tây và Nga đều không muốn. Và một chiến dịch trên bộ nhằm tái chiếm các khu vực do IS chiếm giữ sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự thỏa thuận với Saudia Arabia và Iran. Vấn đề ở đây là việc giải quyết được những điểm đã khiến tổ chức IS tồn tại và nở rộ, nếu không thì tình hình sẽ còn rất phức tạp.

Bước ngoặt sau vụ khủng bố ngày 13-11

Loạt khủng bố đẫm máu tại Paris được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Pháp kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Và những diễn biến sau sự việc này cho thấy những quốc gia nằm trong mối nguy bị IS đe dọa và tấn công đang dần vượt qua những đối kháng tưởng như không thể dung hòa. Theo quan sát của các chuyên gia, việc một liên minh quốc tế được thiết lập chống lại kẻ thù chung IS và mối quan hệ Pháp - Nga đột ngột chuyển hướng thuận lợi có thể là bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống khủng bố.

Việc tổ chức IS tiến hành vụ tấn công quy mô lớn thứ ba bên ngoài lãnh địa của mình đã cho thấy có sự thay đổi mang tính chiến lược của tổ chức này. Các cuộc tấn công với mức sát thương lớn nhằm vào dân thường, khác hẳn với cuộc tấn công nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi đầu năm. 

Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine đã đưa ra một số nhận định về sự thay đổi trong cuộc chiến chống IS. Theo ông, đến nay IS mới chỉ bị “ngăn chặn” và việc một số ý kiến cho rằng các cuộc không kích không hiệu quả là không đúng. Việc không kích này đã giúp ngăn chặn IS tới được Baghdad hay Damascus nhưng chỉ “ngăn chặn” chứ chưa “tiêu diệt” được chúng.

Cùng một mục tiêu chung với các nước phương Tây trước nguy cơ khủng bố từ IS, Nga khi can thiệp vào Syria một phần vì tại đây có tới hàng nghìn người gốc Kavkaz, những người này có thể trở về Nga để tiến hành các vụ khủng bố. Mục tiêu của Moskva là chống lại các tổ chức muốn lật đổ chế độ Damascus. 

Tác động của vụ khủng bố đã ảnh hưởng tới chính sách đối với người tị nạn của châu Âu.

Các cuộc không kích của Nga không chỉ nhằm vào các mục tiêu là IS, mà còn cả các tổ chức khủng bố khác, như Mặt trận al-Nusra xuất thân từ Al-Qaeda vốn được Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Điểm bất đồng là về giải pháp chính trị cho Syria liên quan đến cá nhân ông Assad. Quan điểm của Mỹ và phương Tây coi sự ra đi của ông Assad là điều kiện tiên quyết. Điều này sẽ dẫn tới việc liên minh quân sự chính trị phải có một lộ trình đàm phán về các vấn đề ở Syria, các bảo đảm dành cho những cộng đồng ở đây.

Có lẽ vụ tấn công vào nước Pháp đã tạo nên một cú sốc, buộc các nước vốn có nhiều bất đồng xích lại gần nhau và khiến nhiều nước châu Âu thay đổi thái độ thụ động của mình. Có thể thấy rõ điều này khi Paris đưa ra đề nghị muốn Liên minh châu Âu giúp đỡ trong cuộc chiến chống IS căn cứ theo Hiệp định Lisbon được nhất loạt hưởng ứng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1948, một quốc gia châu Âu yêu cầu các nước trong liên minh hỗ trợ về quốc phòng và an ninh để tự vệ.

Tiêu diệt IS - cần một liên minh thực sự

Ngày 14-11, số phận của ông Assad đã trở nên không còn quan trọng. Một thỏa thuận giữa Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu, các quốc gia Arập, Iran về lịch trình chuyển đổi chính trị để lập ra một chính phủ chuyển tiếp trong 6 tháng tới, và tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng. Những bất đồng về số phận của ông Assad và mục tiêu của các cuộc không kích là những trở ngại quan trọng mà liên minh chống khủng bố phải vượt qua. 

Lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Francois Hollande về việc thành lập một liên minh thực sự nhằm chống lại IS, vì cho đến nay chỉ có tổ chức IS và Mặt trận al-Nusra là có tên trong danh sách các nhóm khủng bố của Liên Hiệp Quốc. Đa số các bên tham gia vào cuộc chiến ở Syria có các ưu tiên khác hơn là tiêu diệt IS.

Sau vụ khủng bố tại Paris, không quân Pháp đã tăng gấp ba năng lực oanh kích bằng việc điều tàu sân bay Charles De Gaulle đến khu vực phía đông Địa Trung Hải. 

Theo các chuyên gia, kể từ khi bắt đầu chiến dịch Chammal chống lại IS, không quân Pháp đã không kích 288 vụ, có 8 vụ trên lãnh thổ Syria và chiếm 3,5% trong toàn liên minh. Các hoạt động tình báo được tất cả các bên tham chiến đặt lên ưu tiên hàng đầu để đối phó với cuộc chiến không cân xứng giữa một nhà nước và một tổ chức không lãnh thổ và quân đội cụ thể. Cần phải có sự phối hợp giữa các nước đang bị bọn khủng bố nhắm đến, kể cả các nước như Thổ Nhĩ Kỳ vì đường biên giới tiếp giáp với Syria thường bị lợi dụng để quân thánh chiến xâm nhập.

Với nguồn tài chính dồi dào, IS tỏ ra vượt trội hơn Al-Qaeda do việc chiếm một lãnh thổ rộng tới 250.000 km² trải dài từ Syria đến Iraq. Theo các nhà nghiên cứu, chỉ riêng trong năm 2014, IS đã có nguồn thu lên tới 2,4 tỷ euro. Trong số này có tới 55% là tiền bán dầu khí,… Có tới 15 mỏ dầu tại Iraq bị IS chiếm giữ và cả hệ thống xuất khẩu do Saddam Hussein thiết lập thời kỳ cấm vận do các công ty tư nhân điều hành. Các máy bay của liên quân đã tấn công các xe bồn chở dầu và đưa ra giải pháp triệt để hơn với việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa không cho các xe bồn chở dầu đi qua nước này.

Trước thực trạng có tới hàng nghìn thanh niên châu Âu đi Syria tham gia thánh chiến do bị đầu độc bởi chủ thuyết cực đoan, hoặc bị ảnh hưởng từ các giáo sĩ, các chuyên gia về thánh chiến cho rằng nước Pháp còn thiếu kinh nghiệm so với các nước khác trong cộng đồng châu Âu. Nước Pháp lâu nay vẫn do dự trước việc can thiệp vào lĩnh vực tín ngưỡng, hay tài trợ cho các nhà thuyết giáo. 

Chính điều này đã khiến cho việc cảnh báo trước về mối nguy của thánh chiến tại các khu vực công cộng bị xem nhẹ, dẫn tới sự việc khủng bố tại Paris vừa qua. Nước Pháp đã hiểu rằng, họ đang tham gia vào một cuộc chiến trong bóng tối. Và họ sẽ phải tiến hành mọi biện pháp để đối phó với những kẻ thù vốn không tôn trọng bất kỳ giá trị nào như IS.

Đình Nguyễn
.
.