Nhật Bản trên bàn cờ cục diện Châu Á - Thái Bình Dương

Tiếp tục những tham vọng

Thứ Hai, 29/06/2015, 23:59
Trong bàn cờ cục diện châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đang tích cực xây dựng để chuẩn bị cho sự xoay trục trong tương lai, quốc gia được coi là ẩn số lớn nhất chính là Nhật Bản. 

Việc thành lập một hệ thống các quốc gia trong khu vực tạo thành vành đai vây quanh Trung Quốc chỉ có giá trị về mặt chiến lược và danh nghĩa, cần thiết cho những cuộc hội nghị hay đàm phán quốc tế để có thể gây sức ép với Trung Quốc. Còn để nó thực sự hoạt động hiệu quả, thì Mỹ cần một số ít những đồng minh có thể phản ứng nhanh với bất cứ động thái bất ngờ nào của Trung Quốc trong khu vực. Và rõ ràng, Wahshington biết rõ ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí ấy chỉ có thể là Tokyo.

Tái vũ trang trở lại

Một thực tế mà phần lớn dư luận quốc tế bỏ qua khi nhìn nhận việc ông Shinzo Abe tái đắc cử chức Thủ tướng vào cuối năm 2012, đó là mục đích thực sự của nhà lãnh đạo kỳ cựu này khi quay trở lại vị trí lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản. Vừa mới đắc cử, ông Abe đã lập tức triển khai một kế hoạch cải cách nền kinh tế một cách quy mô, nhằm đưa kinh tế Nhật Bản ra khỏi tình trạng giảm phát kéo dài. Trong suốt hơn hai năm qua, phần lớn nỗ lực và các chính sách của nội các Abe nhằm mục tiêu mang tính kinh tế này.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng mục tiêu lớn nhất của ông Abe chỉ đơn thuần là chấn hưng kinh tế Nhật Bản. Mục đích cao nhất của vị Thủ tướng đến từ đảng LDP là chấn hưng nước Nhật, trong đó kinh tế Nhật làm nền tảng cho sự chấn hưng về chính trị và quân sự. Xen kẽ với các chính sách kinh tế, ông Abe cũng đẩy mạnh các chính sách liên quan đến các vấn đề như tái vũ trang quân đội Nhật. Với việc các chính sách của Thủ tướng Abe được đông đảo người dân Nhật ủng hộ, có thể xem đây là phản ứng thích đáng của nước Nhật trước áp lực ngày càng gia tăng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.

Chỉ có điều, điểm hạn chế và ngăn cản mục tiêu quay trở lại vị thế cường quốc của Nhật Bản ở thời điểm hiện tại là những ám ảnh đến từ quá khứ. Phần lớn các nước ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, vẫn chưa quên quá khứ bị người Nhật xâm lược trong Thế chiến thứ hai. Các nước này vẫn rất dè chừng với việc một Nhật Bản tái vũ trang trở lại.

Bên cạnh đó, dù Nhật và Mỹ đã là đồng minh, và trong chiến lược của Mỹ thì Nhật là một tiền đồn ở châu Á - Thái Bình Dương, việc Nhật muốn tái vũ trang trở lại khá phức tạp và có thể gây ra những xáo trộn lớn trên thế giới. Dù Mỹ có chấp thuận cho Nhật tái vũ trang trở lại, thì điều này cũng vấp phải sự phản ứng lớn từ phía cộng đồng thế giới.

Điều mà Nhật cần, và Mỹ cũng cần, là một cái cớ cần thiết đủ cho phép Nhật làm điều đó mà không vấp phải phản ứng từ thế giới. Và cái cớ ấy không ai khác ngoài Trung Quốc. Sự tăng cường chi tiêu quân sự, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội và liên tục gây ra những vụ tranh chấp và xung đột căng thẳng với các nước láng giềng đang khiến Trung Quốc trở thành “một kẻ gây rối” trong khu vực. Về điểm này ông Shinzo Abe cũng tính toán chính xác. Ông nhận định rằng, sự liên tục gây hấn với các nước láng giềng trong một thời gian dài và trên một phạm vi rộng của Trung Quốc đang khiến cho nước này nổi lên như một mối đe dọa mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hơn là những vụ tranh chấp lãnh thổ đơn thuần như người Trung Quốc thường bao biện.

Việc từng bước tái vũ trang của Nhật nhằm đảm bảo hòa bình, trật tự ở khu vực và gây dựng lại ảnh hưởng theo tinh thần chiến lược Đại Đông Á.

Cách đây hơn một tháng, Thủ tướng Shinzo Abe đã có chuyến công du lịch sử tới Mỹ, trong đó ông Abe phát biểu trước Quốc hội Mỹ và thảo luận về những vấn đề mới trong thỏa thuận liên minh giữa Nhật và Mỹ với Tổng thống Barack Obama. Đây được xem là sự kiện mang tính bước ngoặt, trong đó Mỹ chính thức chấp nhận việc Nhật quay trở lại vị thế một cường quốc chính trị và quân sự, và nắm giữ một vai trò lớn hơn ở Châu Á - Thái Bình Dương. Sau hơn hai năm cầm quyền, nỗ lực của ông Abe đưa Nhật trở lại vị thế cường quốc chính trị quân sự đã đơm hoa kết trái. Và điều này đang báo hiệu rằng cục diện ở châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai sẽ rất khác khi Nhật Bản đã trở lại.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc từng bước tái vũ trang của Nhật vì thế là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi Mỹ muốn có một đối trọng đủ mạnh với Trung Quốc trong vành đai các nước vây quanh Trung Quốc mà Mỹ đang thiết lập. Bắc Kinh đã tận dụng đáng kể việc Mỹ bị hút vào vấn đề ở Ukraine và Iran để có những động thái hung hăng hơn so với thường lệ ở Biển Đông, với việc đưa dàn khoan và mở rộng các đảo san hô. Nhưng tất cả những động thái gây lo ngại này lại đang cung cấp những lý do tuyệt hảo để Nhật tái vũ trang trở lại dưới danh nghĩa đảm bảo hòa bình và trật tự ở khu vực, với động thái bật đèn xanh từ phía Mỹ.

Tiếp tục cạnh tranh ảnh hưởng

Khi các quốc gia châu Á bắt đầu trỗi dậy trong những năm 80, với Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và hai gã “to xác” là Trung Quốc và Ấn Độ, thì sự quan tâm của người Nhật tới châu Á mới bắt đầu thay đổi. Khi châu Á - Thái Bình Dương chính thức trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới cũng như trung tâm chính trị đáng chú ý nhất toàn cầu thì Nhật Bản bắt đầu phải tính đến việc thay đổi chiến lược của mình. Gần như chắc chắn Nhật Bản sẽ bị cuốn vào cơn bão đi tìm chỗ đứng ở khu vực này, và Tokyo cần có sự chuẩn bị.

Mối uy hiếp lớn nhất với Nhật Bản là Trung Quốc, và để đối phó với Trung Quốc thì những sự chuẩn bị về quốc phòng an ninh thôi là chưa đủ. Nhật Bản cần cạnh tranh ảnh hưởng về kinh tế - chính trị với Trung Quốc ngay tại châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược đầy tham vọng Đại Đông Á vì thế bắt đầu được nhắc lại. 

Chiến lược này xuất phát từ Thế chiến thứ hai khi Nhật Bản muốn thống lĩnh toàn bộ Đại Đông Á (bao gồm các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương) dưới quyền lãnh đạo để chống lại chủ nghĩa thực dân phương Tây và giành lại độc lập cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên giờ đây, mục tiêu đặt ra là Nhật Bản cần đóng vai trò quan trọng nhất trong khu vực rộng lớn và đa dạng này.

Để làm được điều này, Nhật Bản cần một đối tác chủ chốt, và đối tượng được Tokyo nhắm tới là Australia, cường quốc và cũng là đồng minh khác của Mỹ trong khu vực. Những cuộc hội đàm về một liên minh ba bên Nhật - Mỹ - Australia đã được bắt đầu từ năm 2006, Australia cũng bắt đầu thương thảo một hợp đồng mua tàu ngầm quân sự của Nhật Bản và một thỏa thuận cho phép hai nước tập trận chung có thể sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Một thỏa thuận tự do thương mại giữa hai nước cũng chính thức có hiệu lực bắt đầu từ năm nay.

Nhật Bản không hề giấu giếm việc tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng kinh tế cũng như chính trị quốc phòng với Australia - nơi Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng về kinh tế của mình. Trong chiến lược Đại Đông Á, Nhật Bản và Australia là hai cường quốc lớn nhất ở hai đầu Nam Bắc. Một khi hai đầu này nối kết lại với nhau, các quốc gia Đông Nam Á sẽ dần bị hút vào tuyến đường kết nối kinh tế giữa hai cường quốc này.

Chiến lược Đại Đông Á của Nhật Bản, vì thế, đang là cái gai trong mắt Trung Quốc. Trong chiến lược trỗi dậy của mình, Trung Quốc cũng coi khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nền tảng quan trọng nhất. Để vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới, Trung Quốc cần đặt một nền tảng vững chắc ảnh hưởng của mình ở khu vực này. Nếu như bị Nhật Bản tranh giành ảnh hưởng kinh tế và chính trị, Trung Quốc sẽ mãi chỉ là “một con ngáo ộp” ngay trên sân nhà. Và khi bị bẻ gãy ảnh hưởng kinh tế ở các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ giống như một con cua mất một nửa số càng.

Trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng sống còn ở châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản đang có lợi thế hơn. Tầm nhìn vĩ mô của người Nhật chỉ tập trung vào khu vực Đại Đông Á này, trong khi tầm nhìn và tham vọng của Trung Quốc lại dàn trải ra ở toàn thế giới khi Bắc Kinh luôn đặt mục tiêu trở thành siêu cường tầm cỡ toàn cầu. Sự dàn trải nguồn lực này sẽ khiến Trung Quốc gặp bất lợi trong việc cạnh tranh các mục tiêu có quy mô nhỏ hơn với Nhật Bản - quốc gia vốn có mức độ tập trung nguồn lực lớn hơn.

Hơn nữa, thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật để đưa Nhật trở thành một tiền đồn và đồng minh đầy sức mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương được tạo ra từ những năm 50, giờ đây mới có đủ điều kiện để lên đến mức cao nhất. Về bề ngoài, những động thái vừa qua của Mỹ được xem như tạo sự gắn kết cho các đồng minh của mình ở khu vực, nhưng thực chất có vẻ như Mỹ đang tạo điều kiện tốt nhất để Nhật Bản có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nước đồng minh khác của Mỹ trong khu vực, như Hàn Quốc hay Philippines.

Đây được xem là sự cụ thể hóa cho mục đích đảm bảo hòa bình và trật tự trong khu vực mà Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố. Và khi nó nhận được sự ủng hộ từ phía các nước trong khu vực thì tự nó đã chứng tỏ sự thừa nhận từ phía quốc tế. Nói cách khác, Nhật Bản chính thức trở lại vị thế cường quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và trở thành đối trọng lớn nhất của Trung Quốc bắt đầu từ thời điểm này…

Nguyễn Lê Mi
.
.