Tiếng vọng rất buồn

Thứ Bảy, 16/11/2019, 21:12
Rạng một ngày cuối tháng Mười năm 2019, nhà chức trách hạt Essex (Anh) phát hiện chiếc xe đầu kéo dừng bất thường tại khu công nghiệp Waterglade, kiểm tra chiếc xe này cảnh sát thật sự bị sốc khi bên trong là 39 thi thể người Châu Á.

Họ là những người nhập cư bất hợp pháp đang cố tìm cách nhập cảnh vào nước Anh bằng cách ngồi trong container di chuyển từ Pháp sang Bỉ rồi điểm đến cuối cùng là Esses (Anh). 

Những người dân sinh sống gần Waterglade nói với báo giới Anh (và được báo giới nước mình chuyển ngữ), họ từng thấy nhiều người nhảy từ thùng container xuống, xé bỏ hộ chiếu và biến mất trước khi thảm kịch này xảy ra. Đó là một cú sốc đối với thế giới chứ không chỉ với nước Anh, và khi những nạn nhân trong vụ việc ấy được xác định là người Việt, nỗi buồn ấy còn nặng nề hơn trong mỗi người dân Việt.

Đồng bào mình thiệt mạng ở xứ người, luôn là câu chuyện rất buồn.

1. Tôi hoàn toàn không có ý định cố gắng phân tích nguyên nhân hay giải pháp nhằm ngăn chặn những thảm kịch tương tự, bởi điều này là quá sức với tôi. Mặc dù tôi vẫn tin rằng, giáo dục chính là yếu tố quan trọng để giúp cá nhân giữ được sự an toàn cho bản thân trước những quyết định tiềm ẩn rủi ro. 

Lấy một ví dụ, sa đà rồi đắm chìm vào các tệ nạn xã hội người có học bao giờ cũng chiếm tỷ lệ ít hơn. Tất nhiên, không phải không học hành đến nơi đến chốn sẽ trở thành người xấu. Thêm nữa, ngã rẽ của cá nhân đôi khi đến từ thực tế hoàn cảnh chứ không đến từ sự chủ động của cá nhân ấy. Vì vậy, trong bài viết này tôi chỉ muốn nói đến những điều tôi đã trao đổi cùng một người quen thông thuộc câu chuyện lao động nhập cư bất hợp pháp vào Đức, vào Anh, vào Úc... như lòng bàn tay. 

Không phải chỉ duy có người Việt mới ngồi thùng container nhập cư bất hợp pháp, nhưng có lẽ là người Việt đông hơn cả - suy luận này không phải từ tôi, mà từ nguồn tin của tôi - P.

P. là một tay chơi, các anh em xã hội đều biết hoặc nghe tiếng P., P. có những mối quan hệ dzích dzắc cả trong và ngoài nước, gã trung niên này gần như không chuyện gì trong giới ngầm lại không am tường. Chớm thanh niên cũng bùng sang Đông Âu, từ Đông Âu lang thang khắp nơi, ngay địa điểm khiến thế giới bàng hoàng vì thảm kịch nhập cư bất hợp pháp cũng không xa lạ với P.

Khi tôi inbox đại ý muốn trao đổi một chút, P. biết ngay chuyện gì. Anh cứ gõ cho em những thắc mắc của anh, em sẽ trả lời anh sau. Tôi soạn những câu hỏi mà mình mong muốn có câu trả lời rồi gửi đi, hơn ngày sau P. trả lời những câu hỏi ấy.

P. nói, những chuyện này có gì lạ đâu anh, mười mấy năm trước đã vậy rồi mà. Chuyện ở Anh chấn động quá nên người ta mới chú ý và hốt hoảng thôi, chứ tin vụn vặt có đi không có về vẫn thường xuyên xảy ra. Ngày Đức còn thoáng hơn với dân nhập cư, người mình tập trung ở biên giới Tiệp - Đức ngồi xe công (container) trốn vào cũng nhiều, có cả xương trắng ở những điểm tập kết người. 

Không phải bây giờ người Việt mình ở Đức đầy ra đó hay sao, có cả băng nhóm anh em xã hội hoạt động, có cạnh tranh, có va chạm, có đồng hương, có kẻ thù, có thống soái, có nhân viên... đủ cả đấy anh.

Ném tôi ở biên giới trên bộ của nước mình với nước khác, cho rất nhiều tiền bảo tôi bước chân sang mà chưa đầy đủ giấy tờ công nhận nhất định tôi sẽ không bước. Đơn giản, tôi sợ, sợ rất nhiều thứ. Trong đó, nỗi lơ sợ lớn nhất là đã vi phạm pháp luật vì nhập cư lậu. 

Kế đến là lo lắng về những nguy cơ có thể xảy ra đối với bản thân, bởi khi là một người nhập cư lậu thì tâm thế hẳn nhiên đã không còn nữa, tính chính danh cũng không còn. Một cá nhân mất đi tâm thế lẫn tính chính danh thì rất khó để hy vọng vào phép màu, được người khác tôn trọng.

Báo giới Anh đã từng phản ánh câu chuyện có cậu thanh niên người Việt nhập cư lậu sang Anh bị chủ bóc lột sức lao động đến khánh kiệt. Cùng đường, cậu thanh niên trốn chạy và tìm đến đồn cảnh sát để mong giúp đỡ. Ngay khi cậu thanh niên xuất hiện chưa kịp trình bày, cảnh sát đã quăng cậu ấy vào trung tâm bảo trợ để chờ ngày trục xuất.

Chiếc xe tải có chứa thi thể của những người Việt bên trong.

Không có một ai bảo vệ những cá nhân nhập cư lậu khi có chuyện không may xảy ra.

.P. kể, thật ra nhập cư lậu không quá khó như mọi người mường tượng, chỉ là lắm rủi ro. Một cá nhân muốn bùng ra khỏi quốc gia để nhập cư vào một quốc gia khác một cách bất hợp pháp, họ có thể dễ dàng tìm thấy các đường dây đưa người đi kiểu này.

Điển hình như người Việt nhập cư lậu, sẽ có đường dây ở trong nước kết hợp với các cá nhân người Việt khác ở nước ngoài lâu năm, rành tiếng bản địa và có mối quan hệ với một vài người bản xứ để hình thành nên một quy trình đưa người từ Việt Nam sang Châu Âu thường là đi dưới dạng du lịch hoặc du học. Điểm quá cảnh thuận tiện là Pháp, từ Pháp sẽ có người đưa những cá nhân này sang các nước khác, Anh vẫn là lựa chọn của nhiều người nhất.

Có hai lựa chọn cho người Việt nhập cư lậu vào Anh nếu may mắn trót lọt, số rất ít làm móng tay móng chân (nail), số nhiều hơn làm công nhân trồng cỏ (cần sa) lén. Mà cho dẫu có chọn làm nail thì mức thu nhập của họ chỉ bằng 1/2 của người nhập cư hợp pháp. Dẫu vậy, không phải lúc nào họ cũng được nhận vì chủ tiệm nail sợ rắc rối với cảnh sát hoặc thuế vụ. Mỗi đợt kiểm tra, người nhập cư lậu nháo nhào bỏ trốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hoặc làm nail hoặc trồng cỏ, có những người nhập cư lậu vào Anh xong chịu cảnh thất nghiệp, đói.

Tôi có hỏi P., liệu có một cơ hội nào trở thành công dân chính thức với người Việt nhập cư lậu vào Anh hay không?

Vẫn có cơ hội, nhưng hiếm lắm. Nếu muốn vậy thì hoặc khai dưới tuổi vị thành niên để hy vọng được thừa nhận vì lý do nhân đạo nếu chứng minh được các tay buôn người đã tra tấn, đánh đập hay hành hạ. Còn lại thì có tiền cố gắng kiếm một vị hôn thê theo dạng thuê, yêu đương thiệt hiếm lắm.

Ngày về của họ thì sao, lẽ nào không được không nhận là công dân Anh hoặc nhập cư hợp pháp thì ngày về mờ mịt. Mà giả như được cho về thì mãi mãi không bao giờ có cơ hội trở lại nước Anh.

"Anh về thế nào được mà về, anh làm lao động nhập cư lậu, cha mẹ anh em của anh không may mất ở Việt Nam thì đành chịu, chứ về xem như mất hết mọi thứ mà anh cố gắng để sang đây. Mà ai sang đây không phải vay nợ, không vay nợ cũng cầm cố nhà cửa đất đai ruộng vườn, về khi chưa kiếm đủ tiền thì chỉ còn cách treo cổ chứ trả nợ thế nào được hết.

Còn anh kiếm đủ tiền rồi mà gia đình có việc không hoãn được, anh khai báo xin giấy thông hành mất khoảng một tuần sẽ được về. Về hệt có án tích di trú, đừng nghĩ đến chuyện đi nữa", P. nói.

"Có điều này anh cũng nên viết trên báo, ngoài công dân Việt Nam mình phải nhập cư lậu thì công dân các nước khác nhảy công (container) rất ít. Bởi họ làm đơn xin du lịch (rồi tranh thủ làm thêm) hoặc xin lao động hợp pháp dễ dàng hơn", P. khẩn khoản.

"Đừng sang Anh nếu nhập cư lậu, đương nhiên là nếu họ có nhu cầu thì biết làm sao nhưng nếu được đừng bao giờ nhập cư lậu vào bất cứ quốc gia nào", P. bảo vậy.

"Anh không được hưởng bất cứ chính sách an sinh xã hội nào từ các quốc gia anh nhập cư lậu cả, anh sống một đời sống không phải dành cho con người đâu.

Chẳng may anh bị tai nạn giao thông, bị tai nạn lao động hay đơn giản hơn là bị bệnh, bị tấn công băng nhóm... anh sẽ không dám đến bệnh viện. Anh buộc phải tìm đến các phòng khám bên ngoài với chi phí rất đắt vì họ thừa hiểu anh là người bất hợp pháp. Khi không còn lựa chọn buộc phải đến bệnh viện, anh sẽ bị trục xuất ngay khi vừa lành bệnh".

"Anh đừng tin vào bất cứ lời hứa nào mà người đưa anh đi đã hứa với anh ở Việt Nam, đừng tin bất cứ lời hứa nào cả. Vì ở Việt Nam khác, ở bên này khác. Ai cũng lo phận cho mình tốt nhất, không có thời gian để giữ lời hứa mà lo cho anh đâu. Đồng ý là cũng có người tốt lo cho anh, nhưng kiểu như đi giữa sa mạc may mắn gặp ốc đảo vậy. Anh không làm được việc, họ tống cổ anh ra đường ngay. Thậm chí, họ còn khinh anh, anh sống chết gì kệ anh không liên quan nữa".

"Anh phải chuẩn bị sẵn tâm lý bị bóc lột, bị quấy rối tình dục, bị đánh đập. Chủ tốt hiếm lắm. Cơ bản là họ biết anh luôn sợ hãi, nên ép gì được thì họ ép. Họ có hành hạ anh thì anh cũng đâu dám báo cảnh sát, bởi báo cảnh sát thì đồng nghĩa anh bị tống khứ ra phi trường để hồi hương ngay".

"Còn không may anh chết, tất nhiên anh sẽ được mang đi chôn. Chôn ở đâu, chôn ở những nghĩa địa dành cho người vô gia cư chứ ở đâu nữa".

Một nhóm nhỏ người dân tổ chức một buổi cầu nguyện ở Westminster, London.

Những trích dẫn trong ngoặc kép là lời của P. khi trao đổi cùng tôi.

3.Thú thật tôi vẫn biết sẽ chẳng thay đổi gì được cả, nhưng tôi nghĩ mình nên viết một điều gì đó với hy vọng những cá nhân đang âm thầm gom tiền chuẩn bị nhảy “công” suy nghĩ lại, đời sống bất trắc, không phải lúc nào may mắn cũng chọn đến mình và xui rủi là phần người khác.

Nghề báo cho tôi nhiều mối quan hệ với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, nhưng khi phải tiếp xúc với những câu chuyện hay sự vụ như thế này, tôi thật buồn bã và chán nản với cái nghề của mình.

Rất buồn và chán nản! 

Ngô Kinh Luân
.
.