“Tiếng dương cầm trong khung nhà đổ”

Chủ Nhật, 19/04/2020, 21:22
Tôi muốn mượn lời thơ của cố nhà thơ Phan Vũ khi ông nhìn thấy một “Hà Nội phố” bình yên ngay cả trong mưa bom bão đạn chiến tranh những năm 1972 để nói về hôm nay, khi chúng ta đang gồng mình để chống lại đại dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Trong hoàn cảnh nhiều bất định, lo toan với những tổn thất khó lường do đại dịch gây ra, con người cần lắm một thái độ tích cực, gạt bỏ những hằn học riêng tư dể đồng thuận tôn vinh những giá trị đích thực, gắn kết cộng đồng chống lại thảm họa chung.

1. Cuốn Làn sóng thứ ba của Alvin Toffeler, một cuốn sách có tầm tổng hợp quy mô chỉ rõ những biến đổi mang tính cách mạng trong khoa học - kỹ thuật và xã hội hiện đại, đã mô tả biểu tượng của làn sóng thứ ba - văn minh hậu công nghiệp - là chiếc máy tính. Sau làn sóng thứ nhất - văn minh nông nghiệp và làm sóng thứ hai - văn mình công nghiệp là làn sóng thứ ba với sự nở rộ, lên ngôi của tri thức khoa học, thông tin và truyền thông.

Thật vậy, công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cách thức con người giao lưu, trao đổi thông tin cùng nhau. Mạng xã hội chính là một ứng dụng trên Internet cho phép người dùng trao đổi thông tin, kết nối bạn bè, được bắt nguồn từ cuộc cách mạng công nghệ như thế. Nhưng rồi nó đã được tiếp biến, phát triển với yếu tố con người và thực sự trở thành một xã hội - xã hội ảo - tồn tại song song với xã hội truyền thống.

Chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Ukraine trở về. Ảnh: L.G.

Việc tham gia vào quá trình tạo nội dung cho mạng xã hội cũng chính là sự tham gia của công chúng vào các hoạt động và quá trình kiến tạo nên cuộc sống của họ đồng thời cũng là một chỉ báo về sự bình đẳng của người dân trong kiến tạo xã hội. Các làn sóng tranh cãi xung quanh các vấn đề công dân Việt Nam “ở hay về” hoặc thu phí hay không thu phí đối với người bắt buộc cách ly trong những ngày đại dịch COVID-19 là một trong những minh chứng cho quá trình “tham gia, kiến tạo” đó.

Sau sự kiện bệnh nhân (BN) số 17, một cựu du học sinh từng qua hai tâm dịch lớn nhất toàn cầu là Ý và Anh rồi trở về Hà Nội và được phát hiện nhiễm bệnh sau nhiều ngày ở một khách sạn trên phố Trúc Bạch khiến cả khu phố phải cách ly,  xã hội ảo bắt đầu dấy lên câu hỏi “Ở hay về” đối với những người Việt đang học tập, lao động ở nước ngoài. Có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Luồng bảo “Ở” dựa vào các lý lẽ rằng, cứ ào ào về là góp phần gia tăng số lượng bệnh nhân, trở thành gánh nặng cho đất nước. Luồng bảo “Về” bởi là công dân Việt Nam thì có quyền trở về.

Sự khác biệt trong quan điểm về cùng một vấn đề là hiện tượng bình thường của xã hội thực cũng như xã hội ảo. Những ý kiến khác nhau, những góc nhìn khác nhau tạo nên sự đa dạng và thậm chí, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, mới đây khi trả lời phỏng vấn Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng còn cho rằng, “một xã hội mà mọi người dễ dàng đồng ý với nhau không phải là một xã hội lành mạnh”.

Nhưng, sẽ không là bình thường nếu đích đến của tất cả các cuộc tranh luận ấy không phải là đi tìm sự đồng thuận mà bị biến thành cái cớ để người ta mạt sát nhau chỉ vì không cùng quan điểm.

Cuộc tranh luận “Về hay ở” cũng vậy. Đáng tiếc là nó gần như ngay lập tức trở thành làn sóng chỉ trích chứ không còn là tranh luận trên xã hội ảo. Làn sóng chỉ trích này thậm chí dâng cao cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều những ca bệnh dương tính là những công dân Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có những nước là tâm dịch của toàn cầu, trở về. Xã hội ảo đã có những chia rẽ sâu sắc, không phải vì  những ý kiến, quan điểm không giống nhau từ các nhóm cá nhân mà từ thái độ thể hiện sự khác nhau đó với những lời lẽ miệt thị.

Cuộc trở về, trong mắt các cư dân mạng phe phản đối được gọi bằng đủ các từ ngữ tiêu cực xem như là cuộc đào thoát, trốn chạy của những kẻ phản bội, thậm chí mạt sát rằng đó là bọn nhập khẩu virus. Chọi lại, phe đối lập cũng chả kém cạnh khi tự đặt câu hỏi, các du học sinh đi học bằng tiền của cha mẹ thì họ lấy đi cơ hội của ai và tự trả lời, rằng, thậm chí họ còn trao cơ hội cho những học sinh ở lại thêm suất vào đại học (!). Lời qua, tiếng lại, cứ thế tung ra bằng bàn phím, như gươm đao trên cõi mạng.

Cán bộ chiến sĩ công an phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trước cổng Bệnh viện Bạch Mai.

2. Và, chính vào thời điểm xã hội ảo gươm đao ngang dọc mà mãi không trả lời được câu hỏi “Về hay ở” thì trên các chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đưa người Việt từ nước ngoài về trong những ngày dịch bệnh diễn biến căng thẳng khi hạ cánh, thay vì lời tạm biệt như thường thấy, phi hành đoàn đã bày tỏ sự xúc động: “Chúng tôi hân hạnh được cùng bạn về Nhà”. Bởi xưa nay con người trong những cơn nguy cấp nhất chưa bao giờ thôi mong muốn được trở về Nhà, được ở cạnh những người thân yêu trong không gian thân thuộc.

Như FB-er Giang Hà kể trên trang cá nhân của chị rằng, ngay những người bạn Úc của chị tại Hà Nội cũng đã trở về Úc khi dịch bệnh ở nước này còn căng thẳng hơn ở Hà Nội. “Tôi hỏi họ qua mạng tại sao quay về trong lúc mọi thứ đều hỗn loạn, họ nói với tôi, cho dù họ sẽ rất nhớ Hà Nội nhưng họ thấy thôi thúc muốn quay lại nơi mà họ cảm thấy là Nhà của họ, nơi bọn trẻ con có ông bà, họ hàng, cô dì chú bác, nơi mà nhỡ có chuyện gì xảy ra, họ ở bên cạnh bố mẹ họ”.

Câu chuyện riêng của FB-er Giang Hà với những người bạn Úc của chị cũng chính là câu chuyện di cư chung của toàn cầu khi mà di cư luôn là một phần của cuộc sống với lượng người di cư năm 2019 theo con số của Liên Hợp quốc là hơn 272 triệu người, chiếm khoảng 3,5% dân số toàn thế giới. Trong điều kiện dịch bệnh trở nên nguy hiểm ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, chính phủ các nước đều sẵn sàng đón công dân trở về.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Cho đến những ngày cuối cùng của tháng 3, khi dịch bệnh đã được cảnh báo ở mức nguy hiểm đối với Hà Nội thì chuyến bay đặc biệt đưa công dân Việt Nam từ Ukraine trở về vẫn tiếp tục hạ cánh ở Vân Đồn.

Các động thái bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài vẫn được các cơ quan ngoại giao tiến hành tích cực. Các lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch như quân đội, công an, y, bác sỹ vẫn nỗ lực từng ngày, từng giờ. Một du học sinh Mỹ chê nơi cách ly bẩn hay một vài người nào đó có ý đòi hỏi cuộc sống vật chất quá cao trong khu cách ly cũng chỉ là chuyện nhỏ trong bức tranh chung đẹp đẽ, giàu tính nhân văn được tạo nên bởi sự nỗ lực của biết bao con người trong trận chiến “chống dịch như chống giặc” hiện nay.

3. Nói vậy để thấy rằng, vào thời điểm cuộc chống dịch bước vào giai đoạn căng thẳng nhất thì trên xã hội ảo, trong không gian online, sự tham gia của công chúng - cũng chính là những người tạo nội dung - cần mang đầy đủ ý nghĩa là quá trình kiến tạo cuộc sống. Những chỉ trích cá nhân, sự đào bới, khoét sâu vào những vấn đề còn chưa hoàn thiện, thậm chí khiếm khuyết của một vài cá nhân bằng góc nhìn tiêu cực phỏng có ích gì, nếu không muốn nói là chỉ gây thêm rối loạn và chia rẽ. Trong khi mục đích của truyền thông là liên kết.

Quá trình trao đổi, tương tác thông tin, tư tưởng tình cảm của một người/một nhóm người sang một người/một nhóm người khác với mục tiêu cao nhất là nhằm gia tăng sự tương đồng, giảm dần sự khác biệt trong nhận thức. Vì thế, xét đến cùng, về bản chất, truyền thông đó là quá trình xã hội hóa con người, làm cho con người xã hội hơn, văn minh hơn. Trên xã hội online cũng như xã hội thực, các thông điệp truyền thông không có quyền làm tổn thương bất kỳ ai và gây hại cho bất kỳ tổ chức/cá nhân nào.

Với văn hóa tham gia, một trong những đặc trưng của mạng xã hội, mỗi người có quyền tham gia tạo nội dung và đó là chỉ báo của sự bình đẳng. Tuy nhiên, tự do tham gia và tự do lựa chọn cách thức tham gia không đồng nghĩa với tự do nói năng văng mạng và sử dụng ngôn ngữ gây tổn thương bởi ngôn ngữ có đẳng cấp của nó.

Kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và mạng xã hội (VPIS) được công bố tại Việt Nam năm 2018 cho thấy, trên mạng xã hội, tỷ lệ thông tin nói xấu, phỉ báng tới 61,7%. Tại Hà Nội, từ cách đây mấy năm, Sở Thông tin và Truyền thông cũng từng biên soạn và gửi tới các công dân Thủ đô tài liệu Hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử khi tham gia môi trường mạng.

Và giờ đây, khi dịch bệnh đã và đang trở thành hiểm họa toàn cầu, trên xã hội ảo cũng như trong đời thực, lúc này hơn lúc nào hết cần phải sát cánh cùng nhau, tôn vinh và hướng tới những giá trị cao đẹp với góc nhìn tích cực để cùng nhau vượt qua những ngày nguy hiểm.

Đặng Huyền
.
.