Tiến trình đàm phán Trung Đông: Syria là quan trọng, không phải Assad

Thứ Hai, 07/12/2015, 16:14
Trung tuần tháng 11-2015, một hội nghị quan trọng được tổ chức ở Vienna, Áo nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho xung đột Syria với sự tham gia của khoảng 20 quốc gia và tổ chức quốc tế. 


Hành trình tìm kiếm hòa bình luôn là sự khó khăn, nhưng chính vụ khủng bố đẫm máu đêm ngày 13-11 tại Paris đã gây sức ép không nhỏ lên bàn thương lượng của hội nghị lần này. Cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người Syria phải di tản và làm cho châu Âu đối mặt với những khó khăn chưa từng có.

Không thể có ổn định cho đến khi khủng bố bị đánh bại

Mới đây trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Italy, ông Assad đã chia sẻ sự cảm thông với những mất mát mà người dân Pháp phải gánh chịu sau vụ khủng bố đêm 13-11. Ông cũng nói tới những sự việc tương tự ở Lebanon, Nga… đồng thời cũng chia sẻ về việc người dân Syria đã phải chịu đựng thảm kịch này từ gần 5 năm nay. Được hỏi về sự hiện diện của các phần tử khủng bố trên đất Syria, ông Assad quy trách nhiệm cho Mỹ và phương Tây dẫn đến sự nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.

Cũng ông Assad nói rằng, thừa nhận của bà Hillary Cliton về nguồn gốc các nhóm khủng bố đến từ việc hiện diện của Mỹ ở Iraq minh họa rõ nét cho chính sách sai lầm của Mỹ và phương Tây. IS là một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, được hình thành ở Iraq vào năm 2006, và một trong những chỉ huy của tổ chức này là Abu Bakr al-Baghdadi đã từng bị Mỹ giam giữ tại New York.

Chìa khóa để đánh bại các nhóm cực đoan là một chính phủ sẵn sàng và có khả năng làm như vậy, chế độ của ông Assad do đó không phải là một lựa chọn. Những chuyên gia về Syria cho rằng, ông Assad đã tránh đụng độ ở thế đối đầu với IS, mà chủ yếu dành sự nỗ lực của quân đội cho các nhóm đối lập. Có thể nói, các nỗ lực để đánh bại IS không thể thành công cho tới khi có một thỏa thuận chính trị được đặt ra ở Syria. Và dù lạc quan tới bao nhiêu, ông Assad vẫn phải thừa nhận rằng, tiến trình chính trị đó không thể có được khi mà chủ nghĩa khủng bố chưa bị đánh bại.

Cho đến nay, sự đồng thuận về số phận của ông Assad vẫn thật sự nan giải. Đối với các nước như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Sunni khác ủng hộ phe đối lập, thì việc ông Assad phải ra đi là điều kiện tiên quyết để đàm phán chấm dứt xung đột. Trong khi đó, Nga và Iran không đồng ý với điều này. Câu hỏi đặt ra là Nga và Iran tới lúc nào sẽ chấp nhận một sự thỏa hiệp? Trên thực tế, việc duy trì chế độ Syria sẽ là một gánh nặng và kích động chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại khu vực và đe dọa lợi ích lâu dài của chính hai nước này. Sự lựa chọn sẽ có thể là “trì hoãn và không lật đổ Assad” trong khi Syria vẫn đang cháy bỏng và cuộc xung đột vẫn đang lan rộng.

                         Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thành công và những rủi ro phải gánh chịu

Về mặt chính trị, sự can thiệp của Nga vào Syria có khả năng tái diễn lại một bi kịch Afghanistan. Chính cục diện hỗn loạn của Syria đã khiến cái giá phải trả cho sự can thiệp quân sự của Moskva trở nên quá cao. Nếu hành động chống khủng bố này không thể có hiệu quả trong thời gian ngắn thì Moskva sẽ phải đối mặt với rủi ro sa vào vũng lầy. Hơn ai hết, ông Bashar al-Assad hiểu rõ sự ủng hộ một cách kiên định từ Moskva và nếu chính thể này sụp đổ, Nga sẽ mất đi một căn cứ quân sự và mối liên hệ kinh tế đã có từ lâu đời.

Sự can thiệp của Nga đã phá hỏng toan tính của phương Tây và biến cuộc nội chiến Syria thành cuộc chiến giữa 5 đạo quân: Phe đối lập Syria, Chính quyền của ông Bashar al-Assad, IS, Nga và NATO. Điều có thể nhìn thấy là sự can thiệp này là có hiệu quả bất chấp việc Moskva sẽ ở vào thế đối kháng với liên minh do Mỹ đứng đầu và mối đe dọa bị tấn công bởi các tổ chức khủng bố. 

Lực lượng đối lập Hồi giáo không chỉ đe dọa chính quyền của ông Assad mà còn là nguy cơ tiềm ẩn đối với Moskva. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu những mục tiêu oanh tạc của không quân Nga ngoài IS còn là các tổ chức phiến quân khác được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.

Với Ukraine, đại bộ phận công chúng Nga luôn dành sự ủng hộ việc sáp nhập Crimea và quy kết cuộc nội chiến Ukraine là do nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm làm Nga suy yếu. Ông Putin với hy vọng người Nga sẽ lấy cách thức nhìn nhận vấn đề Ukraine để ủng hộ hơn cuộc phiêu lưu của điện Kremlin ở Syria.

Một cuộc trưng cầu dân ý do Đài phát thanh “Tiếng vọng Moskva” mới đây cho thấy có tới 75% người dân Nga phản đối việc Moskva đưa bộ binh tới Syria. Có lẽ, vào thời điểm cuộc khủng hoảng tiền tệ đang trở nên trầm trọng thì việc chinh chiến ở những lãnh thổ xa xôi đã làm nảy sinh thái độ bất mãn của công chúng Nga. Báo Độc lập của Nga bình luận, chi phí cho hành động quân sự của Nga nằm ở mức thấp hơn nhiều so với Mỹ và phương Tây (khoảng 9,9 triệu USD/ngày).

Điểm sáng cuối con đường hầm của ông Assad chỉ là việc phe đối lập ngày càng trở nên chia rẽ sâu sắc, bị chi phối bởi những kẻ cực đoan và không có khả năng cầm quyền kể cả khi chính quyền của ông sụp đổ. Những mục tiêu khiêm tốn của Mỹ và phương Tây như việc trang bị và huấn luyện cho một lực lượng đối lập nhằm làm suy yếu và tiêu diệt IS ngày càng tỏ ra bất khả thi. Rõ ràng, những lực lượng như thế này chỉ có khả năng biến thành một phần của giải pháp lâu dài cho Syria  chứ không thể trở thành một nhân tố quyết định để giải quyết xung đột.

Syria là quan trọng, không phải Assad

Bất chấp các nỗ lực quân sự của Mokva, một kịch bản về sự sụp đổ chế độ của ông Bashar al-Assad dường như là không tránh khỏi. Thực tế là ông Assad đã không còn được các chuyên gia nói đến từ đầu năm 2015, khi quân chính phủ mất quyền kiểm soát đối với các khu vực quan trọng của đất nước. Trước tháng 9-2015, điện Kremli đã lường trước hai kịch bản, xấu và rất xấu. Xấu nghĩa là tiến hành chiến dịch quân sự tốn kém và khó dự đoán được kết quả với mục đích cứu chế độ Syria khỏi sụp đổ. Kịch bản thứ hai là Moskva sẽ không hành động gì và chế độ của ông Bashar al-Assad sẽ sụp đổ.

Có vẻ số phận của ông Bashar al-Assad vẫn rất bấp bênh khi mà các bên liên quan vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất.

Moskva tin tưởng rằng cần phải dựa trên những tàn dư của cái cũ thì mới có thể tạo ra một Syria mới. Có thể thấy điều này dựa trên kinh nghiệm được rút ra từ Libya và Iraq, nơi mà thể chế mới được xây dựng từ đầu đã không đem lại một hiệu quả thiết thực nào. Sự biến mất của thể chế chính quyền cũ có nghĩa là đánh mất Syria với tư cách là một quốc gia. 

Điều này sẽ chỉ làm khởi đầu cho một cuộc chiến tranh dân sự vô tận và gia tăng sự cực đoan của các nhóm dân quân. Dù muốn hay không, chính quyền của ông Assad cũng phải thừa nhận ở vào thời điểm tháng 9-2015 thì chỉ có IS và một số nhóm cực đoan khác có thể thiết lập một hệ thống hành chính có hiệu quả ở vùng lãnh thổ chúng kiểm soát.

Bản thân ông Assad và quân đội của mình sau một tháng không kích đã chứng minh rằng, sức mạnh của ông và đồng minh Iran chỉ đủ để ổn định mặt trận và giành lại một phần lãnh thổ. Ở giai đoạn một, khi quân chính phủ Syria chỉ cần củng cố vị thế của mình dựa vào những chiến dịch quân sự của Moskva. Nhưng tiếp theo đó, ở giai đoạn hai, ông Assad cần phải lường trước những kịch bản ngoại giao của mình khi các nhóm đối lập bị suy yếu và các nhà tài trợ nước ngoài của những nhóm này phải ngồi vào bàn đàm phán; và cùng xây dựng kế hoạch giải quyết hòa bình và thống nhất lực lượng để chống IS và các nhóm cực đoan khác.

Thỏa thuận Vienna mới đây đã có sự góp mặt của các cường quốc, các bên tham gia khu vực chính và Liên Hợp Quốc. Bất chấp phản ứng dữ dội của phe nổi dậy Syria, Iran được mời tham dự hội nghị lần này để giảm bớt khó khăn cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Nhưng chính sự nổi tiếng về sự không khoan nhượng và thiếu linh hoạt chính trị đã khiến Moskva và Tehran phải đảm nhiệm vai trò thuyết phục ông Assad ngồi vào bàn đàm phán.

Mặt khác, cũng không rõ ràng về bên mà ông Assad sẽ đối thoại. Phe đối lập Syria bị chia rẽ và cộng đồng quốc tế sẽ cần phải có những nỗ lực đáng kể để thành lập một nhóm đại diện làm việc hiệu quả. Có vẻ số phận của ông Bashar al-Assad vẫn rất bấp bênh khi mà các bên vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất. 

Từ ý kiến của Nga là sẽ không đưa ra một thời hạn cụ thể để Tổng thống Syria phải ra đi cho đến ý định của phương Tây muốn giữ ông Assad lại trong một thời gian nhất định, và cả những ý kiến đòi loại bỏ ông này của một số nước trong khu vực. Vẫn chưa có được sự tin tưởng hoàn toàn rằng thỏa thuận Vienna sẽ mang lại một giải pháp hòa bình, nhưng thế giới có quyền hy vọng đây sẽ là bước đi đầu tiên thuận lợi trên con đường dài và khó khăn này.

Phạm Hoàng
.
.