Thuyền trưởng Narendra Modi cùng “con tàu” Ấn Độ vượt sóng lớn
- Tái khẳng định vị thế New Delhi trong chính sách của Mỹ
- Vì một Ấn Độ đổi thay
- Ấn Độ và thời đại Narendra Modi
- Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: Luồng sinh khí mới của kỷ nguyên thay đổi
Với mục tiêu biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế mở nhất thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chính phủ nước này vừa công bố chính sách mới về FDI, theo đó cho phép 100% vốn FDI được đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Chưa hết, Ấn Độ đang “nhích gần hơn” tới vị trí là thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG).
Ông Modi tham vọng Ấn Độ không chỉ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển chương trình hạt nhân mà còn gia tăng đáng kể vị thế quốc tế và vai trò chính trị. Tuy nhiên, mục đích sau cùng của nhà lãnh đạo người Ấn là nâng tầm ảnh hưởng của quốc gia, giúp Ấn Độ ngày càng lớn mạnh để tương xứng hơn với “người bạn” lâu năm là Mỹ, tiếp tục thúc đẩy hơn nữa “mối quan hệ định hình thế kỷ XXI” giữa hai nước.
Tình bang giao thế kỷ
Ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Narendra Modi luôn là xây dựng quan hệ tốt đẹp và bền vững với Washington, trong bối cảnh chính trị thế giới có nhiều biến động và New Delhi đang phát triển mạnh mẽ, hướng tới trở thành một trong những “đầu tàu” quan trọng của châu Á.
Việc ông Modi được mời phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong chuyến công du tới Washington vào đầu tháng 6 phản ánh tầm quan trọng của mối quan hệ “nồng ấm” giữa hai nước. Vị thủ tướng đã nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực song phương, quốc tế và khu vực cùng quan tâm qua cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama.
Trong “Tuyên bố chung Mỹ - ẤËn: Đối tác bền vững thế kỷ XXI”, Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Ấn Độ dựa trên các giá trị chung về tự do, dân chủ, quyền con người, bình đẳng và pháp trị.
Tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi là thiết lập "tình bang giao định hình thế kỷ" với Mỹ. |
Hai bên cam kết tìm kiếm các cơ hội mới để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu, nâng cao năng lực quản lý dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ và Mỹ cần củng cố, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ an ninh. Ông nhấn mạnh, cuộc chiến chống khủng bố phải được triển khai trên nhiều cấp độ, và nếu chỉ dựa vào những phương thức truyền thống của quân đội, hoạt động tình báo hay ngoại giao sẽ không thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến này.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cam kết phối hợp ngăn chặn nguy cơ các phần tử khủng bố có thể tiếp cận và sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân cũng như các vật liệu phóng xạ khác. Do đó, ông kêu gọi Ấn Độ và Mỹ cần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác an ninh.
Liên quan đến tình hình các vùng biển ở châu Á, Thủ tướng Modi khẳng định một mối quan hệ đối tác Mỹ - Ấn mạnh mẽ có thể giúp bảo đảm an ninh đường biển và tự do hàng hải, qua đó thúc đẩy nền hòa bình và an ninh trong khu vực.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng cam kết, New Delhi trong việc hỗ trợ việc tái thiết ở Afghanistan, dù vẫn bày tỏ lo ngại hoạt động khủng bố là mối đe dọa lớn nhất tại quốc gia này cũng như toàn khu vực Nam Á.
Sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2014, nhiều câu hỏi đặt ra cho chính sách ngoại giao của Thủ tướng Narendra Modi đối với Mỹ, bởi mối quan hệ song phương này từ trước vẫn chưa thực sự sâu sắc và tương xứng với tiềm năng của mỗi nước. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, sự phát triển quan hệ song phương Mỹ - Ấn thời gian qua đã trở thành một trong những thành công nổi bật trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi.
Theo thống kê, thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ đã tăng vọt từ 60 tỷ USD năm 2009 lên 107 tỷ USD vào năm 2015, trong đó doanh số bán thiết bị quân sự của Mỹ sang Ấn Độ lên tới 14 tỷ USD, gấp 50 lần so với cách đây một thập kỷ.
New Delhi và Washington đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, quân sự, năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đáng chú ý có thỏa thuận Mỹ tham gia xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ.
Đây chính là những thành công bước đầu giúp Ấn Độ trở nên tự tin và kiên cường hơn trước sự lớn mạnh của nhiều cường quốc khác trên thế giới, cũng như dần hiện thực hóa tham vọng của ông Modi là thiết lập “tình bang giao định hình thế kỷ” với Mỹ.
Tham vọng FDI và NSG
Narendra Modi là một cá nhân cầu toàn, và chính vì thế, tạo dựng quan hệ lợi ích cả về kinh tế và chính trị với nước ngoài vẫn chưa đủ sức vực dậy Ấn Độ nếu tình hình trong nước không được “chăm chút”. Đầu tháng 7, chính quyền Modi bất ngờ tạo nên một bước đột phá trong thay đổi chính sách thu hút FDI.
Theo quy định mới, các nhà đầu tư nước ngoài là các quỹ đầu tư hay công ty đầu tư tài chính có thể nắm giữ 100% cổ phần ở các hãng hàng không thương mại hay các công ty quốc phòng địa phương của Ấn Độ, so với mức cho phép sở hữu tối đa 49% trước đây. Các lĩnh vực khác mà vốn FDI có thể được nâng lên mức 100% còn bao gồm dược phẩm, thương mại điện tử và thực phẩm.
New Delhi đang muốn đẩy nhanh tiến trình gia nhập tổ chức NSG thông qua những nỗ lực đàm phán. |
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ sẽ đạt mức doanh thu 45 tỷ USD vào năm 2020, có quy mô lớn thứ sáu trên thế giới. Thị trường dược phẩm của Ấn Độ cũng đã trải qua một sự bùng nổ tương tự, từ 6 tỷ USD năm 2005 lên 18 tỷ USD trong năm 2012.
Không thể phủ nhận rằng, Ấn Độ đã tạo ra kỷ lục về thu hút vốn FDI, đạt mức 55,46 tỷ USD trong năm tài chính 2015 - 2016 (tính đến cuối tháng 3), so với 36 tỷ USD hai năm trước.
Với những cải cách FDI trên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, quyết định mở rộng FDI sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy lao động, tạo việc làm cho người dân cũng như phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo mức tăng trưởng cao.
Một chính sách mạnh tay khác của ông Modi có liên quan tới vấn đề nhập khẩu công nghệ hạt nhân dân sự và nhiên liệu từ thị trường quốc tế. Nhà lãnh đạo cho rằng, ông đang tìm mọi biện pháp an toàn để hoạt động này diễn ra thuận lợi hơn, đồng thời tiết kiệm vật liệu hạt nhân nội địa của quốc gia cho mục đích quân sự.
Vì vậy, New Delhi đang muốn đẩy nhanh tiến trình gia nhập NSG (tổ chức được thành lập để kiểm soát việc buôn bán, cung ứng chất liệu phóng xạ cũng như chuyển giao công nghệ hạt nhân) thông qua những nỗ lực đàm phán.
Theo đó, New Delhi chính thức nộp đơn xin gia nhập NSG và nguyện vọng của Ấn Độ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước thành viên NSG.
Ông Modi chia sẻ đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo 23 quốc gia để vận động sự ủng hộ đối với Ấn Độ, và đang nỗ lực để bảo đảm rằng Ấn Độ sẽ trở thành thành viên chính thức của NSG vào cuối năm nay.
Cùng với mối quan hệ ngày càng “thân thiết” giữa Mỹ và Ấn Độ, Tổng thống Barack Obama từng nhiều lần khẳng định rằng New Delhi có đủ tiêu chuẩn và đã sẵn sàng tham gia NSG. Chính phủ Mỹ đã tích cực hỗ trợ các nỗ lực của Ấn Độ để gia nhập NSG từ năm 2000.
Thái độ ủng hộ Ấn Độ của Mỹ đã và đang chắc chắn sẽ có tác động vào một số quốc gia khác. Đối với những nước cũng muốn “chạm tay vào chiếc bánh thị trường Ấn Độ”, nhiều người trong số đó bắt đầu ủng hộ tư cách thành viên NSG của Ấn Độ, hoặc ít nhất là không phản đối.
Dù đưa ra nhiều chính sách tiềm năng nhưng Thủ tướng Narendra Modi cũng phải hứng chịu nhiều hoài nghi. Về quyết định “FDI 100%”, dư luận lo ngại làn sóng thôn tính các công ty dược phẩm Ấn Độ trong giai đoạn từ 2008 - 2010 từng gây chia rẽ nội các chính phủ - sẽ trỗi dậy khi các công ty nước ngoài hiện nay có thể mua đến 74% cổ phần của một hãng dược phẩm Ấn Độ mà không cần chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, nhiều quan điểm lo ngại rằng lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ sẽ được đặt vào tay các nhà sản xuất quốc phòng NATO - Mỹ.
Chính sách FDI mới của chính phủ cũng sẽ làm tổn thương đến lợi ích của người Ấn. Thay vì thúc đẩy việc làm, các “nới rộng” của chính sách mới có thể đẩy nhanh xu hướng thất nghiệp và bất bình đẳng đang gia tăng khi với 100% vốn nước ngoài, lợi nhuận từ đầu tư sẽ dễ dàng chảy ra khỏi Ấn Độ.
Đây chính là những thách thức đòi hỏi Thủ tướng Narendra Modi phải khéo léo xử lý nếu ông muốn chứng minh khả năng cầm lái “con tàu” Ấn Độ và thay đổi cuộc sống của người dân như đã hứa hẹn lúc tranh cử…