Thương như giữa đất và người

Thứ Tư, 23/10/2019, 21:41
Nghĩ rằng, mối quan hệ giữa người và đất không bao giờ tách rời. Đất tạo nên cá tính, tính cách cho người, vì lẽ đó, khi người đặt tên cho đất bao giờ cũng phản ánh tâm tư, tình cảm, suy nghĩ sâu xa của chính họ khi quan sát, ghi nhận, cảm nhận những gì từ đất.

Các địa danh ra đời, tự nó đã là một giá trị, có liên quan đến sự kiện về văn hóa, lịch sử, kinh tế, con người… tại vùng đất đó.

Có thể nói, địa danh không đơn thuần là tên gọi, vì nó không chỉ thuộc về tâm thức, ký ức không thể xóa nhòa mà còn là sức mạnh tinh thần từ quá khứ, thôi thúc cư dân đang trên vùng đó hướng về tương lai như thế nào cho phải đạo, ít ra không phụ lòng với tiền nhân. “Đồng thời còn là những chứng tích về ngôn ngữ và có thể cả về văn tự mà các cộng đồng đã đặt, đã dùng và lưu lại trên địa bàn cư trú và phát triển của mình.

Thời gian quần tụ càng lâu dài, trình độ sinh hoạt càng cao, cảnh quan địa lý càng đa dạng, thành phần chủng tộc càng đông đảo… thì địa danh càng dồi dào và phức tạp về số lượng, càng phong phú và sâu sắc về nội dung” (Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX - NXB Khoa học xã hội - 1981 - Dương Thị The - Phạm Thị Thoa, tr.11).

Nghĩ về địa danh

Lý giải về địa danh, thật khó có thể dẫn ra một kết luận cuối cùng. Không dễ dàng. Đôi khi cha mẹ đặt tên cho con theo một tâm tư thầm kín nào đó, thậm chí… ngẫu hứng, nếu không nói ra ắt người con khó có thể hiểu rõ vì nguyên nhân gì, cơn cớ ra làm sao.

Về sau, con cái suy luận là theo suy nghĩ chủ quan của mình, có thể đúng về lý, về ý nghĩa, hợp logic, nhưng chắc gì đã đúng theo ý nguyện, suy nghĩ của cha mẹ?

Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta bỏ cuộc, đành rằng, nếu tiếp tục biết đâu, lại… ngắc ngứ nốt. Cũng chẳng sao, biết đâu đó là một gợi hứng lành mạnh cho những ai muốn trao đổi, tìm hiểu thêm, chỉ vì yêu dấu nơi mình đã sinh ra.

Tài liệu Géographie Physique, Économique et Historique de la Cochinchin (1903) cho biết, Bến Tre có “nhiều “giồng” phủ tre rải rác trong tỉnh”. Đất tạo nên tính cách con người của cư dân nơi đó. Giồng có đóng vai trò gì ở Bến Tre? Một câu hỏi không kém phần thú vị đấy chứ?

Ta hãy cà kê dê ngỗng, bàn phiếm đôi chút với từ “giồng”, vì người vùng miền khác đến đây nếu không thấu hiểu e cũng khó thấy sức hấp dẫn của một vùng đất. Nhà giáo, nhà nghiên cứu Bùi Thanh Kiên giải thích, đó là “Dải đất cao chạy dài song song với đám ruộng thấp. Nơi đây người ta cất nhà cửa, trồng cây ăn trái và trồng hoa màu phụ. Đất giồng cao ráo, ít nước trong mùa khô, nhưng khi đào giếng thì nước rất ngọt” (2) Phương ngữ Nam bộ - Bùi Thanh Kiên - NXB Hội Nhà văn - 2015, tr.642).

Gật gù thích thú lắm đây, vâng ạ, nhưng nếu được nghe thêm ý kiến khác lại càng hay. Thì đây, học giả Vương Hồng Sển cho biết ở miền Nam đều có giồng: “Và vì mùa hạn luôn luôn thiếu nước cho nên trước cửa nhà đều có một cái lu vàng khè và một cái gáo bằng  nửa miếng sọ dừa tra một cán dài, tha hồ cho khách đến nhà, muốn uống nước giải khát hay rửa cẳng cho mát chơn trước khi bước vô nhà thì cứ tự do thọ gáo vô lu mà múc. Vả chăng ai ai cũng biết nước là vật quý, không nên xa xỉ nhưng phàm lệ khi rửa cẳng dội thêm vài gáo cho thấy được thêm mát mẻ thì cũng không ai nói gì, ấy mới thật là lòng tốt bụng tốt của người miền Nam (Tự vị tiếng Việt miền Nam - NXB Văn hóa-1993, tr. 379).

Nếu có câu ca dao:

Mẹ mong gả thiếp về vườn

Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh

Thì cũng có dị bản, ta chấp nhận như một lẽ tự nhiên:

Mẹ mong gả thiếp về giồng

Ăn bông bí luộc, dưa hồng nấu canh

Cũng như câu dao quen thuộc khác:

Ai về giồng Dứa qua truông

Gió lay bông sậy, bỏ buồn cho em.

Có ý kiến cho rằng, “giồng” tức một cách phát âm “vồng” hàm nghĩa: “Luống đất đắp thành dẫy dài giữa cao khum lên: Đánh vồng khoai” (Việt Nam tự vị, 1931). Trong khi đó, trong Nam lại dùng “vồng” để chỉ đến vật gì đó: “Rơi xuống rồi lại tưng lên; gồ ghề làm cho xe chạy không êm (Bùi Thanh Kiên, tr. 1520). Khi về chơi Bến Tre, có lần y được nghe câu hát:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,

Về bưng ăn ốc, về giồng ăn dưa.

Với từ “rẫy”, thú thiệt phân vân quá, sực nhớ câu hát trong nhạc Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Ngọc Anh: “Buổi sáng em làm rẫy/ Thấy bóng cây kơ nia”. Muốn có rẫy, có đất trồng tỉa thì người ta phải phát, đốt rừng thường là ở vùng rừng núi, vì thế mới có các từ đất rẫy, phát rẫy, đốt rẫy, làm rẫy… Thế thì, nơi ấy làm gì có còng? Ai cũng thừa biết còng vốn động vật nhỏ, hình dáng như cua thường sống ngoài đồng, ngoài ruộng kia mà? Thiệt vô lý.

Vô lý đùng đùng.

Đã ngắc ngứ chưa?

May quá, lúc đó đang lai rai tại đám giỗ nhà người bạn ở Chợ Lách, bèn hỏi, có người nâng ly rượu Phú Lễ ngửa cổ nốc cạn, cười khà một tiếng mà rằng: “Cha chả bạn mình ơi, rẫy là những ruộng nước mặn và lợ. Còng làm hang trên đất rẫy, có còng lửa, còng gió, muốn bắt người ta chờ nước ròng cho rẫy cạn nước, dễ ợt, lấy mũi chân ấn sâu phần dưới hang, lập tức còng chui lên, nó di chuyển nhanh nhưng lỏng khỏng, vì thế khi các cô cậu học trò viết láu chữ nguệch ngoạc, chữ ngả chữ nghiêng, chữ xiên chữ xẹo, thầy cô chê “chữ viết như còng quều”, khác với ngoài Bắc ngoài Trung gọi “chữ viết như gà bưới”. Lần sau về đây, chơi vào lúc nước ròng, đãi bạn mình một bữa còng ăn kèm muối tiêu chanh, lá quế, lá chùm ruột là hết sẩy con bà Bảy. Hứa nhá?”.

Ừ, thì hứa. Đến một vùng đất hiếu khách, chân tình, ai lại không khoái quay lại lần nữa. Và cứ đôi lần như vậy, có lúc tự hỏi: “Tại Bến Tre có bao nhiêu giồng gắn liền với địa danh?”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Bền đã liệt kê: giồng Tre, giồng Lá, giồng Thơm, giồng Chuối, giồng Giăng, giồng Sao, giồng Củ Chi, giồng Bần, giồng Đủng Đỉnh, giồng Quýt, giồng Sậy, giồng Cà, giồng Keo, giồng Bông, giồng Xoài, giồng Quéo, giồng Trôm, giồng Chanh, giồng Nứa, giồng Ớt, giồng Ổi, giồng Dâu, giồng Duối, giồng Bàng… (Văn hóa Bến Tre - NXB Khoa học Xã hội - 2015, tr.184). Còn có thể bổ sung thêm như giồng Chuối, giồng Chàm, giồng Cây Me, Bồn Bồn… Qua đó, ta có thể biết được thực vật ở Bến Tre đa dạng biết chừng nào.

Báo Đồng Khởi ngày 9-1-2012, nhà báo Trần Quốc có tường thuật Hội thảo đề tài khoa học “Sự hình thành và phát triển nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Cái Mơn” cho biết một điều thú vị: “Đất Cái Mơn đã có sự hiện diện của 54 loại trái cây, đặc biệt là các loại trái cây đặc sản của các nước Đông Nam Á. Cái Mơn giống như bản đồ trái cây thu nhỏ của các nước Đông Nam Á”. Suy ra các giống cây trồng này, dần dà trở thành địa danh là lẽ tất nhiên, chẳng hạn với “giồng” vừa nêu trên.

Mà với người từ nơi xa, nếu kể đến giồng có gắn địa danh, y tin rằng hầu hết đều nhắc đến Giồng Trôm. Tại sao nó lại nổi tiếng đến thế? Đơn giản chỉ vì đã được xuất hiện trong ca dao, âm điệu du dương dễ nhớ, truyền từ đời này qua đời nọ và lan tỏa ra khỏi phạm vi của một tỉnh, tỷ như:

Bến Tre giàu mía Mỏ Cày

Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn

Bình Đại biển cá, sông tôm

Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng.

Ngoài Giồng Trôm, còn phải kể đến Ba Tri. Có người giải thích Ba Tri là tên gọi của một loại “lụa đen gợn sóng”, vì “ba” là sóng, “tri” là sắc lụa đen. Nghe đâu, bộ Lễ triều Nguyễn gọi lụa này là lụa Ba Tri nhằm phân biệt với lụa Tân Châu, lụa Hà Đông… Cách giải thích này, hợp lý không? Không rõ nhưng rõ ràng lụa Ba Tri khét tiếng đẹp, bền, láng và đã hiên ngang đi vào ca dao huê tình từ bao đời nay:

Ai về xứ lụa Ba Tri,

Ngắm cô thôn nữ đương thì sắc hương.

Ngắm người đẹp, cứ ngắm nhưng vẫn không quên liếc qua sách, nào dám quên. Theo học giả Vương Hồng Sển ngày xưa có câu hát:

Ba Si rồi lại Ba Se

Cầu kê Bưng Bót Cơ Me cổ thời

Và cụ khẳng định, Ba Si, Ba Se là “tên cũ của Ba Tri, cũng gọi Ba Tri cá, vì ở đây xưa có nhiều cá”.

Nghĩ cho cùng, sẽ chẳng bao giờ có thể truy nguyên gốc, tìm hiểu chính xác vì sao có tên gọi ấy. Cứ cảm nhận theo suy nghĩ của riêng mình, cũng chẳng ai bắt bẻ gì. Mà nào đã hết đâu ngay cả tên gọi cũng không dễ dàng hiểu hết, ông Nguyễn Chí Bền cũng đã liệt kê ở Bến Tre có những địa danh bắt đầu từ “cái”: Cầu Cái Gối, Cầu Cái Gà, Cái Súc, Cái Mơn, Cái Quao, Cái Nhum, Cái Cấm, Cái Trầu, Cái Da, Cái Bè Cạn, Cái Bè Sâu, Cái Trăm, Cái Trê, Cái Đôi, Cái Chốt, Cái Nứa, Cái Mít, Cái Tắc, Cái Bông, Cái Chắc, Cái Bần, Cái Nứt, Cái Sơn, Cái Cá, Cái Trăng, Cái Cau, Cái Cấm, Cái Váng, Cái Tôm, Cái Cát, Cái Bãi Sâu, Cái Lác, Cái Cai, Cái Dọc, Cái Ngang, Cái Hào, ấp Cái Tắc, Cái Đuối… Tất nhiên không chỉ có thế.

Vậy, “cái” là gì?

Dù không phải nhà ngôn ngữ học, nhưng do có nhiều sách, chịu khó tra cứu nên về địa danh ở miền Nam, học giả Vương Hồng Sển đã đưa ra nhiều thông tin mới mẻ. Với từ “cái” liên quan đến Cái Răng, cụ tâm tình: “Một địa danh duy nhứt bắt đầu bằng chữ “cái” mà tôi chắc chắn biết điển tích”: “Truy nguyên ra, trong sách Pháp le Cisbassa chẳng hạn và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: “Krêk Karan: Rạch Cái Răng”, nay cứ lấy điển này làm chắc, một dạng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa không biết từ đời nào nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xã Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và karan chất đầy mui theo Sông Cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chày ngay người mình phát âm karan biến ra Cái Răng rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn” (Sđd, tr.98).

Đọc kỹ lại đoạn này lần nữa, ta thấy sở dĩ gọi karan (nồi nắn bằng đất của người Cơ Me) do bán trên Sông Cái nên karan mới kết hợp với Cái (trong Sông Cái) để thành Cái Răng. Thế thì xin hỏi, tại sao ở Bến Tre, Cái lại gắn với cây như Mít/ Cái Mít, Trầu/ Cái Trầu; gắn với tên con vật như Đuối/ Cái Đuối… Vậy, “cái” có phải là “cái” đa nghĩa, nhiều nghĩa trong tiếng Việt đã có từ hàng ngàn năm; hay “cái” ở đây là từ vây mượn từ tiếng Khmer? Gợi ý này, biết đâu sau này sẽ có người vì quá yêu quê mình mà sẽ nhọc công “giải mã” chăng?

Mà này, đã hỏi thì hỏi luôn thể. Hiểu ra làm sao với những định danh như hóc, hói, kênh, rạch, xẻo, bàu, vàm, cồn, gò, bến, cù lao… Đâu là từ vây mượn, vây mượn từ đâu? Chẳng hạn, ở Bến Tre có vàm Lách, vàm Mơn, vàm Ba Vông…; cứ cho “vàm” vây mượn từ tiếng Khmer nhưng nơi này ghi pênam, nơi kia ghi pinam? Đâu đúng đâu sai?

Nghe hỏi, chắc ai đó nghe xong cũng thấy ngắc ngứ chứ gì?

Lê Minh Quốc
.
.