“Thương nhau nghĩa cả chuyền vai gánh” (*)

Thứ Tư, 03/02/2016, 23:05
Hà Nội những ngày cuối năm, vừa gặp tôi, bà Đỗ Hồng Chỉnh - phu nhân của Luật sư Phan Anh đã bày tỏ niềm vui khi vừa bàn giao việc quản lý nhà thờ họ Phan tại làng Tùng Ảnh, xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cho thế hệ con cháu. Ở tuổi 82, bà vẫn thực hiện chức phận dâu con chu đáo, vẹn toàn. 


63 năm đã trôi qua kể từ khi người vợ trước của ông Phan Anh và cũng là cô ruột của bà là Đỗ Thị Thao mất vì bạo bệnh, để lại lời trăng trối chồng mình nên tục huyền với người cháu trong gia đình. 60 năm kể từ khi bà nhận lời làm vợ ông và cũng đã 25 năm ông mãi đi xa, bà vẫn luôn tâm niệm một điều là hãy sống sao cho xứng đáng với ông và gia đình họ tộc để mỗi ngày với bà là một ngày vui.

“Sợ làm con nuôi, thì làm con dâu”

Bà bắt đầu câu chuyện với tôi không phải về bản thân, mà về tình yêu đẹp giữa người cô ruột của bà là Đỗ Thị Thao và Luật sư Phan Anh. Hồng Chỉnh từ bé rất quý “cô Thao”, thường thích được ở gần cô và ngủ với cô. Ngay từ nhỏ Hồng Chỉnh đã được chứng kiến tình yêu đầy hạnh phúc của cô chú mình, luôn hâm mộ mối quan hệ dân chủ, bình đẳng và sự cố gắng chung sức của cô chú trong công việc và cuộc sống. 

Năm 1937, cô Đỗ Thị Thao và chú Phan Anh quen nhau khi cùng đi trên một chuyến tàu từ Việt Nam sang Pháp du học. Cô Đỗ Thị Thao học dược, còn chú Phan Anh học luật. Những tháng ngày cùng học tập trên đất Pháp, hai người dành cho nhau nhiều tình cảm tốt đẹp và họ đã hẹn ước khi về nước sẽ tổ chức đám cưới. Năm 1940, hai người cùng trở về Việt Nam. 

Ngày thầy đồ Phan Điện - thân phụ của Luật sư Phan Anh đến thăm gia đình cô Đỗ Thị Thao ở phủ Lạng Thương, Bắc Giang để hỏi vợ cho con trai, cô bé Hồng Chỉnh mới lên 7 tuổi đang chơi cùng anh chị trong vườn nhà. Thấy có khách đến, mấy anh chị em vội dừng chơi để chào khách. Cụ Phan Điện bỗng quay ngược ba toong (đây là món quà cụ rất thích của con trai Phan Anh khi đi du học Pháp đã gửi về kính tặng cụ) như để trêu đùa mấy đứa trẻ. Trong khi các anh chị chạy dạt ra để tránh thì cô bé Hồng Chỉnh vẫn đứng yên nép mình chào khách. Thấy vậy, cụ Phan Điện lên tiếng: “Con bé này, cháu không sợ ta ư?”. Cô bé Chỉnh liền đáp rằng: “Cháu không làm gì thất lễ”. 

Lúc đó cụ Phan Điện ngạc nhiên quay sang bảo với bà Tôn Nữ Thị Huấn - mẹ của Hồng Chỉnh: “Con bé này khá, xin bà cho tôi mang nó về làm con nuôi”. Cô bé Hồng Chỉnh lúc ấy đã rất lo lắng vì tưởng sắp phải xa gia đình. Kỉ niệm ấu thơ đó đã trở thành một dấu ấn khó quên đối với gia đình Hồng Chỉnh.

Lễ cưới của cô Đỗ Thị Thao và chú Phan Anh diễn ra vui vẻ và đầm ấm. Cô bé Hồng Chỉnh được ngồi trên xe tay theo người lớn đi chia lễ ăn hỏi, có bánh chưng buộc lạt đỏ, chè và cau tươi. Sau này, Luật sư Phan Anh thường đùa rằng bà sợ làm con nuôi thì sau này cũng sẽ là con dâu của cụ Phan Điện mà thôi.

Ở tuổi 82, bà Đỗ Hồng Chỉnh vẫn đều đặn viết hồi ký hàng ngày.

Bà Hồng Chỉnh còn nhớ sau khi về nước, với tư cách là dược sĩ hạng Nhất của Trường Đại học Paris, “cô Thao” tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Y Dược Hà Nội, sau đó mở hiệu thuốc Viễn Đông ở 74 Hàng Bạc. Những năm 1942-1943, cô bé Hồng Chỉnh cùng cậu em trai là Đỗ Như Cương thường được mẹ cho đến hiệu thuốc Viễn Đông chơi với cô Thao. 

Những ngày toàn quốc kháng chiến, cô Thao theo chồng lên Tuyên Quang. Ông Đỗ Ngọc - bố của Hồng Chỉnh và là anh trai cô Thao cũng đưa các con lên Thái Nguyên. Khi ấy Luật sư Phan Anh với dáng người thấp đậm nhưng nhanh nhẹn thỉnh thoảng vẫn cưỡi ngựa đến thăm gia đình và mang thuốc phòng bệnh cho mọi người, nhất là bà nội (mẹ của cô Thao) đã cao tuổi. Hồng Chỉnh là người phụ trách thuốc men nên thường xuyên được “chú Phan Anh” hướng dẫn, dặn dò cách dùng thuốc.

Nhưng những ngày tháng hạnh phúc của gia đình Luật sư Phan Anh không kéo dài được bao lâu. Cuối năm 1949, sau khi sinh người con trai thứ ba, bà Thao mắc bệnh hiểm nghèo và được đưa sang nước ngoài chữa trị nhưng cũng chỉ kéo dài thêm được một thời gian. Ông Phan Anh lúc này đang giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Kinh tế tuy bận việc nhưng luôn động viên, chăm sóc vợ tận tình chu đáo. Tháng 9/1952, bà Thao qua đời, để lại di nguyện mong muốn chồng mình nên tục huyền với một trong những người con của anh Đỗ Ngọc - anh trai bà…

Cuộc đời đẹp hơn cả ước mơ

Giai đoạn 1949-1953, Hồng Chỉnh thi đỗ và học Trường Sư phạm Trung ương, sau đó sang Trung Quốc học tại Khu học xá Nam Ninh. Năm 1953 khi về nước, Hồng Chỉnh đã là cô thiếu nữ “mắt lóng lánh, mặt dịu dàng, tươi mới, thông minh, linh hoạt” gặp lại “chú Phan Anh”. Họ thường trao đổi, bàn luận về cuộc sống, về thời đại cách mạng, vì vậy càng hiểu và đồng cảm với nhau.

Bà Hồng Chỉnh nhớ lại: “Đúng dịp Tết năm Giáp Ngọ 1954, tôi tổ chức làm báo liếp lấy tên là báo Hạnh phúc. Tôi không nghĩ rằng đây chính là bước ngoặt của cuộc đời tôi. Vì từ ngày đó, anh Phan Anh không gọi tôi là H.C (viết tắt tên Hồng Chỉnh - PV) nữa mà gọi là H.P (viết tắt từ hạnh phúc)”. Sau đó, Luật sư Phan Anh đưa cho Hồng Chỉnh đọc quyển nhật ký của mình, trong đó có bài thơ ghi cảm nhận của ông khi nhận được thư chia buồn của Hồng Chỉnh về việc bà Thao mất. 

Bài thơ như thay lời muốn nói: Một bức thư trao, một tấm lòng/ Tấm lòng thống thiết mối thương chung/ Thương tình cốt nhục, người côi cút/ Thương cảnh phân ly, kẻ não nùng/ Thương yến bơ vơ, cành lẻ bóng/ Thương tằm dang dở, kén chưa xong/ Thương nhau nghĩa cả chuyền vai gánh/ Cho vẹn trăm năm một chữ Đồng. Hồng Chỉnh hiểu rằng mình chính là người mà Luật sư Phan Anh đã chọn khi ông bày tỏ: “Sở dĩ tôi đường đột đặt vấn đề, là vì tha thiết thực hiện ý nguyện của cô Th. (cô Thao - PV) đối với tôi và của tôi đối với cô Th. Nhưng cái đó hoàn toàn ở H.C định đoạt. Nay, H.C không đồng ý, tôi cũng không ân hận. Việc không thành, tôi vẫn quý trọng H.C như trước”. Và sau này bà đã thuật lại tâm trạng của mình lúc ấy trong Hồi ký Những chặng đường anh đi: “Cách đặt vấn đề của anh, đối với tôi là đột ngột. Do đó, đã làm tôi sợ. Nhưng vì kính trọng anh, nên tôi phải tự trấn tĩnh: không được xúc phạm đến anh. Hơn nữa, phải làm sao để anh được khuây khỏa, không những không cảm thấy một phiền phức nào, mà còn hăng hái tiến lên, vui với cuộc đời”.

Luật sư Phan Anh và phu nhân Đỗ Hồng Chinh (ảnh chụp năm 1955).

Ngày 27/3/1955, bà đã quyết định về làm vợ ông, thay “cô Thao” gắn bó, chia sẻ cùng ông mọi niềm vui nỗi buồn. Bà bảo rằng thời điểm ấy có ý kiến ra vào về cuộc hôn nhân này. Riêng cha Đỗ Ngọc là người rất quý trọng Luật sư Phan Anh và động viên con gái nhiều nhất khi nói rằng: “Con không lấy ông ấy (Luật sư Phan Anh - PV) thì cha biết nói chuyện với ai”. 

Chính điều này đã tạo cho bà động lực để vững tin hơn vào quyết định của mình. Ngày 22/5/1955, lễ cưới diễn ra trang trọng ở 14 Tông Đản, Hà Nội. Cho đến giờ bà vẫn nói, đó là một quyết định không dễ, nhưng hoàn toàn đúng đắn.

36 năm bên nhau, cuộc sống của ông bà luôn tràn ngập tình yêu thương, sự sẻ chia, động viên an ủi lẫn nhau. Bà từ một cô giáo dạy cấp I, cấp II, rồi về công tác tại Vụ Đào tạo bồi dưỡng giáo viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà cũng luôn lo toan, quán xuyến việc nhà, dạy dỗ các con, tạo một nếp sống gia đình thanh bạch và liêm khiết để ông vững tâm công tác, trải qua các vị trí Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. 

Nhiều người bảo bà đã làm cho ông trẻ lại, cả về ngoại hình lẫn tâm hồn. Có lẽ điều đó không sai. Bởi bà không chỉ trẻ tuổi, mà ở bà luôn thường trực một tâm hồn sôi nổi, phong thái cởi mở và nhiệt tình. Cả hai ông bà đều say mê công tác nhưng cũng luôn dành cho nhau những phút giây đầm ấm đời thường. 

Đến tận cuối đời ông vẫn nói: “Anh may mắn có em”. Tình yêu ông dành cho bà được nhen nhóm và lớn dần lên không chỉ bởi bà là ruột thịt với “cô Thao”, mà còn như lời ông nói: “em xinh, em tươi, em trong sáng, em thùy mị, em cương quyết, em đã giúp anh rất nhiều trong công tác, trong tư tưởng”. Còn bà, lòng quý yêu và ngưỡng mộ ông đã hình thành ngay từ khi bà còn là cô bé, bà luôn thấy ông là người có ý chí và đầy trách nhiệm với gia đình, với xã hội. 

Ngày nhận lời làm vợ ông, ghé vai đảm trách chức phận của cô mình chuyền lại, bà thấy bà cần thiết cho cuộc sống của ông và ở bên ông bà sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Bà bảo được ông chọn, bà thật tốt số. Ở bên ông, bà sớm hiểu về những nguyên lý giáo dục tiên tiến của thời đại, được nghe ông giảng giải mọi điều lớn nhỏ, nghe ông kể chuyện thời sự trong nước và quốc tế… Là một cô giáo yêu nghề, có nhiều đóng góp trong giảng dạy và nghiên cứu giáo dục mới, nhưng bà Hồng Chỉnh chỉ nhận mình là một cô học trò nhỏ trước người thầy lớn Phan Anh.

Năm 1982, bà nghỉ hưu và chuyên tâm vào việc phục vụ trực tiếp công tác của chồng đồng thời sưu tầm, biên soạn tất cả những tài liệu về ông. Những tháng ngày ông phải nằm điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, bà ở luôn trong viện để chăm ông và vẫn tranh thủ ghi chép những điều ông nói. Ngay cả đến bây giờ, bà vẫn làm công việc viết hồi ký, sắp đặt tài liệu một cách cần mẫn.

Ở tuổi 82, giọng nói vẫn rành mạch và ấm áp, nét cười tươi tắn và dịu dàng, gương mặt hồng hào và phúc hậu, bà bảo với tôi: “Cô ạ, bao nhiêu năm nay tôi vẫn sống y như lúc nhà tôi còn sống bên tôi”. Có thể cảm nhận được điều bà nói khi ngắm nhìn phòng khách được bài trí trang trọng và ấm cúng với rất nhiều hình ảnh của ông Phan Anh trong các sự kiện chính trị trong nước và quốc tế. Bà chỉ tay về phía tủ sách và nói: “Ảnh cô Thao - vợ đầu của nhà tôi đấy”.

Bà vẫn thường nhớ về bà Thao như nhớ về một người cô, một người đi trước, một người trao chuyền lại cho bà bổn phận và trách nhiệm làm dâu gia đình họ Phan. Bà bảo 6 người con trai của ông Phan Anh (ba người con của cô Thao và ba người con của bà) đều có những nét giống bố về ngoại hình, đều là những người có văn hóa, điều đó khiến bà vui.

“Tình yêu như dòng sông cuộn chảy, không có chỗ cho kẻ ngược dòng”, bà tâm đắc với câu nói này của thi sĩ Tây Ban Nha R.D. Campoamor. Tiễn tôi ra cửa, gương mặt bà rạng rỡ giữa buổi chiều đông. Tôi nhớ mãi lời bà, chỉ cần có tình yêu và lòng hăng say làm việc thì cuộc đời sẽ đẹp hơn cả ước mơ.

(*) Câu thơ của Luật sư Phan Anh.

Huyền Châm
.
.