Thương làng biển, thương mẹ tôi

Thứ Ba, 26/07/2016, 07:51
Nhà tôi cách biển chỉ chưa đầy cây số. Vì thế, quê biển mà cứ đến mùa gì là chúng tôi cũng có thứ sản vật biển ấy. Người đánh được cá to ngon thì chở xe máy lên phố huyện bán đi muôn phương.

Những người khác thì quang gánh lên chỗ xóm tôi rao bán dọc đường. Tiếng rao của người bán cá, tiếng chó sủa và tiếng người dân chòm xóm kêu nhau í ới để mua làm náo động cả một con đường thôn…

1. Tôi nhớ cứ mỗi độ gió nồm (gió nam, tháng 7) thổi về, ấy cũng là khi rộ mùa cá nục. Mẹ thường hay mua vài chục cân cá nục tươi để về phơi khô ăn dần vào mùa đông. Thứ cá nục tươi, con tròn lẳn to hơn ngón tay cái, mẹ đem hấp chín rồi bỏ vào mẹt đem phơi. 

Để cá khô giòn, mẹ phải phơi 3 đến 4 nắng. Lúc ấy, dưới cái nắng của vùng gió Lào cát trắng (Vĩnh Linh, Quảng Trị), những con cá này khô bung lớp vẩy, lộ ra thớ thịt thẫm màu… Để làm thức ăn dự trữ mùa đông, mẹ đùm bọc vào nhiều lớp giấy báo, cuộn nhiều lớp nilon rồi bỏ trên gác bếp chờ cái lạnh để đem ra dùng. “Cái gió Lào khô hanh làm cho những con cá này thơm hơn những vùng khác, ngon hơn vùng khác”, mẹ tôi nói thế.

Những ngày gió mùa đông bắc đến, không khí lạnh buốt nên chỉ mong kết thúc buổi học sớm để đạp xe về nhà. Quãng đường hơn 10 cây số đi bằng xe đạp từ phố huyện về nhà khiến những đứa học sinh như tôi đều cồn cào vì đói. 

Vứt chiếc xe đạp ở góc nhà, cặp sách giữa giường rồi chui xuống bếp mái tranh lụp xụp. Đôi tay lạnh nhăn nheo như con mèo ướt chui vào bếp ấm tìm thức ăn. Ấy thế mà món cá nục khô kho rim đường rắc tiêu ớt cay quả thực rất ngon. Lúc ấy, tôi đã ăn tới 5 bát cơm…

Nhà tôi thời ấy nấu nồi gang bên bếp củi, thế nên lớp cơm cháy thường là thứ ngon nhất khi ăn với món cá nục kho rim này. Cầm một mảng cơm cháy vàng, chấm vào thứ nước sền sệt mặn mặn, cay cay đưa vào miệng quả thực là… thứ tuyệt nhất trên đời.

Hầu như quê tôi nhà nào cũng có vài chiếc chum vại để làm nước mắm cá. Thứ nước mắm ngon “ngọt” thường được dân lặn biển “tợp” vài ngụm để giữ ấm trong người khi xuống đáy biển là thứ nước mắm cá cơm này. 

Mọi năm, cứ vào tháng 4, tháng 5 là quê tôi rộ mùa cá cơm. Những con thuyền nan chở từ biển vào cả vài tạ thứ cá cơm trắng tươi với đường vẩy xanh nuốt, mắt trong vắt. Thứ cá ấy ở quê tôi thời xưa rẻ lắm, chủ yếu được dùng để làm nhiều thức ăn dự trữ cho suốt mùa đông. Thứ cá nhỏ xương, thịt nhiều này được chế biến thành hai thứ chủ yếu như phơi khô và làm nước mắm. Loại nước mắm cá cơm này có lẽ là thứ đặc sản tuyệt vời của quê tôi.

Cá cơm rửa sạch để ráo nước rồi cho vào chum sành to cỡ hai người lớn khiêng. Cứ mỗi lớp cá cơm mẹ lại cho vào một lớp muối hạt. Để món nước mắm đặc biệt hơn mẹ tôi còn cho một ít tiêu giã mịn.

Thứ tiêu Vĩnh Linh hạt nhỏ cay nồng, thơm nức này mẹ tôi cho vào để sau này thành “đặc sản” của gia đình. Một lớp phên tre đè cá xuống, một cục đá được đè lên để giữ sau đó được úp lại kỹ càng. Những chiếc chum được để ở góc sân, chỗ ít bóng cây. Chum được đặt ngay ngắn dưới cái nắng của vùng cát trắng gió Lào. 

Khi đủ cái nắng, cái mưa lên những chum cá cơm của mẹ cũng là khi gió mùa đông bắc đến. Mẹ tôi bắt đầu dỡ nắp đậy để chắt lọc thành những giọt nước mắm. Mẹ thường tận dụng những chiếc màn tuyn cũ gấp lại để thành lớp lọc thứ nước mắm thô ấy. 

Những giọt óng vàng trong veo cứ thế chảy xuống chiếc nồi gang tí tách cả đêm, mùi sực lên thơm lựng cả gian bếp. Thứ ngọt lành của biển ấy mẹ tôi đóng vào chai thủy tinh rồi đem đặt bên bếp lửa ngày này sang tháng khác để dành ăn đến mùa cá năm sau.

Mới hôm đây, chị tôi sống ở Vũng Tàu có đăng trên Facebook khoe mớ cá nục vừa phơi khô để làm quà gửi về nhà ngoại ở Vĩnh Linh. Chị kể: mấy hôm rồi bà ngoại ngoài quê điện thoại về nói hai tháng nay cả nhà không dám ăn cá biển vì nghe cá bị nhiễm độc. 

Biển khơi thì rộng lớn, cái chất độc ấy không biết đến khi nào mới được xử lý nên tốt nhất hạn chế và ăn cá đồng cho nó lành. Bà bảo, cái miệng cứ thèm thứ cá trích, cá nục con bằng ngón tay đem hấp rồi cuộn với rau sống chấm nước mắm cay sè thì ngon hết sảy...

Đồ biển tươi nhưng khi gửi về đến Quảng Trị thì hết tươi mất rồi. Chị cũng nói với bà ngoại là làm cá nục phơi một nắng để gửi về nhà. Nghe lời bà ngoại, chị mua hơn chục cân cá nục, đem xẻ ra, ướp gia vị như dặn dò rồi đem phơi trên mái tôn. Không biết cái nắng ở Vũng Tàu có ngon như vị ở quê mình không nhưng hi vọng ông bà ngoại và các anh chị ở quê bớt thèm.

Những dòng tâm sự của chị, những ký ức của người dân quê biển cứ như thứ gì đó đè nặng tâm trí tôi. Tôi là người làm báo, được đi đây đó nhiều nơi, được có điều kiện để lắng nghe những tâm tư tình cảm của nhiều người. 

Và thế, mỗi vùng quê tôi đến đều có những thứ dân dã bình thường nhưng không thể thiếu trong đời thường. Cũng như món cá biển quê tôi đó, dù chỉ là tạm thời nhưng thói quen ẩm thực ngấm vào trong tâm thức của mỗi người. Bỏ đi một thói quen là một sự hụt hẫng không thể nào tả được... Nhưng tôi biết phải làm sao đây?

Những con thuyền không ra khơi, người dân thôn Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị) dùng những cây dứa dại ven bờ đặt lên khoang thuyền để chống nắng và tránh bị nghịch phá.

2. Sau tháng 4 năm nay, làng biển quê tôi trở nên u ám bởi những nỗi buồn dồn nén. Buồn vì ngư dân đánh cá gần bờ không có cá biển để đánh. Buồn vì thứ nước độc hại ở Formosa kia đã khiến mẹ hiền biển cả chẳng còn thơm thảo cho dân chài quê tôi những con cá tươi ngon lành. 

Cuộc sống của dân biển nghèo mà vui chẳng còn xôm tụ như xưa. Ngư dân giờ đây bỏ thuyền để bôn ba xuôi ngược vào Sài Gòn, lên Tây Nguyên, sang Lào làm thợ hồ, thợ mộc… Có lẽ họ vẫn chờ một ngày nào đó, thủy triều lên và những con thuyền lại ra khơi giăng lưới…

Hùng, cậu bạn thân thời phổ thông, không được may mắn như tôi được đi học và được đi đây đó. Học hết phổ thông, nó theo cha từng ngày ra biển đánh cá. Nó lấy vợ nhỏ hơn vài tuổi và sinh hai đứa con trai. 

Cả hai đứa da đều đen sạm, tóc hoe vàng như Hùng. Hùng và một số người dân góp vốn làm một con thuyền đánh bắt nhỏ ở bãi ngang gần bờ. Cuộc sống lam lũ là thế, song không đổi được từ nghèo sang khá giả.

Ngày ấy tôi là một thằng sinh viên, mỗi lần về quê lại ghé nó. Nhiều đêm nằm với nó ở bãi cát nói chuyện giữa âm thanh rì rào của sóng. Nó cũng có ước mơ được đi nhiều như tôi, được ăn mặc đẹp, cà phê ở một góc quán vỉa hè phố thị nào đó. Thế nhưng cái nghiệp làm ngư dân cứ quấn lấy nó.

Nước biển ngấm vào áo vài ngày sau là mục rách. Nhiều lúc tôi còn đùa nó là nhìn mày bẩn bẩn, bần bần sao ấy. Nó đấm vào vai tôi rồi hai đứa ngửa mặt lên trời cười khằng khặc quên đi những âu lo giữa đời.

Sau đợt cá chết, nó gọi điện cho tôi nói trong buồn bã. Mày biết ở đâu có công ăn việc làm không? Chứ thuyền nhà tao chỉ đi được tối đa 7 lý (hải lý), cá ở bãi ngang giờ chả còn mấy con. 

Ra biển chỉ được vài con nho nhỏ vào bờ bán thì người ta chê này chê nọ. Bán không đủ tiền dầu. Mà bây giờ không ra biển thì chỉ có ở nhà, chả biết làm gì cả. Hết mùa cá năm nay con tao vào lớp 1, bây giờ chả biết đường nào mà lần nữa mày ơi. Mày biết chỗ nào cần người làm không? Chỉ tao làm kiếm ít tiền nuôi vợ con…

Tôi nhận lời và gửi gắm nó làm việc ở một công ty chế biến cà phê ở Gia Lai. Nghe đâu, lương tháng cũng được vài ba triệu đồng. Tôi và Hùng, cả hai đứa đều xa quê. Tôi khác nó là chưa có gia đình nên vẫn còn thong dong. Còn nó, những đứa con ở nhà vẫn nheo nhóc đợi chờ. 

Những ngày lên Tây Nguyên nó hay tâm sự với tôi về nỗi buồn của nó. Trong đó có tiếng những đứa con nhỏ giọng nặng trịch miền biển, bóng dáng những phụ nữ lận ống quần quá đầu gối chờ nó sau một chuyến ra khơi. Và nó nhớ những tiếng sóng đánh mạn thuyền, những lúc thủy triều lên xuống.

Tháng 7, mùa cao điểm của nắng miền Trung. Mùa mà đáng lẽ thu nhập lớn nhất của dân nghề biển trong năm thì ngư dân bãi ngang quê tôi không còn đánh cá được nữa. Người dân biển ra khơi khi không còn cá, nên nhìn trời đẹp mà mông lung. Mùa cá cơm của mẹ tôi cũng chẳng còn. Và thế, những chiếc chum của mẹ tôi được lật úp nằm lặng lẽ ở góc vườn mặc cho nắng gió… 

Mẹ tôi giờ cũng chỉ biết mua nước mắm ở chợ về dùng. Chẳng vừa vị quen, mẹ tôi chê hoài. Mẹ tôi không còn trẻ nữa, bà ước gì biển đừng bị ô nhiễm để có thứ nước mắm cá cơm ngon ngọt…

Và chưa bao giờ người dân quê tôi buồn đến thế. Nhìn những đứa trẻ nghỉ hè chạy nhảy, chơi trò trốn tìm bên những con thuyền lật úp trên bãi, những ngư phủ lưng trần đen bóng buồn bã dựa vào gốc phi lao trầm ngâm nhìn thủy triều lên xuống nén tiếng thở dài. Những con thuyền nan vẫn âm thầm nằm đó, chờ một ngày biển lại đầy cá tôm...

Khi viết những dòng này, tôi nhớ quê da diết. Nhớ những con thuyền cập bến rộn ràng tiếng mặc cả, những đôi vai trần đen bóng của ngư phủ cùng tiếng cười vui khi thuyền đầy ắp cá cập bến. Nhớ những con cá nục kho rim nhai trẹo hàm, nhớ những giọt nước mắm mặn mòi của mẹ, và nhớ cả tiếng chó sủa, tiếng người rao cá trên đường làng. Tôi thấy xót cho quê tôi quá… Nhớ và ngẫm, tôi thấy xót cho quê hương nhiều hơn...

Tạ Vĩnh Yên
.
.