Thùng thuốc súng Syria: Ai tháo ngòi nổ phút cuối cùng?

Thứ Ba, 25/09/2018, 17:36
Một tuần trước, Idlib trở thành tâm điểm chú ý của giới quan sát toàn cầu, trong hình hài của một thùng thuốc súng đã sẵn sàng bén lửa. 


Một tuần sau, bất kể đã có thêm những diễn biến vô cùng gay cấn và phức tạp, hơn 7.000 thường dân (bao gồm rất đông người già, phụ nữ và trẻ em) vẫn hân hoan trở về mái nhà của mình, sau khi một thỏa thuận thiết lập khu phi quân sự ở Idlib được công bố, từ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 17-9), trong sự hoan nghênh của Chính phủ Syria.

Sự điềm tĩnh bất ngờ

Nhưng, cần phải nhấn mạnh rằng cũng trong ngày 17/9 ấy, khi Moskva và Ankara vừa tìm được tiếng nói chung về vấn đề Idlib, thì bóng ma chiến tranh cũng đã kịp trùm phủ lên toàn lãnh thổ Syria.

Chiếc máy bay quân sự IL-20 của Nga bị bắn rơi, toàn bộ phi hành đoàn 15 người tử nạn. Nghi vấn đầu tiên dấy lên trên các phương tiện truyền thông quốc tế là một cuộc tấn công bất ngờ từ phía quân đội các nước đồng minh phương Tây - vốn đang hậu thuẫn cho các lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria. 

Những đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Syria.

Thậm chí, ban đầu đã xuất hiện có nguồn tin rằng tên lửa đã được kích hoạt từ một chiến hạm Pháp ngoài khơi Địa Trung Hải, cho tới khi phía Nga xác nhận rằng chiếc máy bay quân sự ấy đã trúng đạn từ hệ thống phòng không S-200 do Nga cung cấp cho Syria - đồng minh của mình.

Tuy nhiên, theo phân tích sơ bộ, tình huống đó xảy ra khi chiếc máy bay trinh sát của Nga bị một phi đội máy bay tiêm kích F-16 của Israel áp sát và dùng làm “lá chắn” (do IL-20 có bề mặt phản xạ radar lớn hơn nhiều so với F-16), trong lúc thực hiện một phi vụ tấn công vào khu vực Latakia. 

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định: Hoạt động của các máy bay F-16 Israel chỉ được thông báo cho phía Nga 1 phút trước cuộc tấn công và đó là những hành động vô trách nhiệm, mang tính chất khiêu khích khi cố tình tạo nên một tình huống vô cùng nguy hiểm.

Đồng vọng với họ, Chính phủ Damascus của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng quy kết mọi trách nhiệm cho phía Israel - đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông. Ngược lại, Tel Aviv, trong lần đầu tiên lên tiếng về sự việc này, khẳng định rằng quân đội chính phủ al-Assad cũng như Iran và tổ chức Hezbollah mới là những người phải chịu trách nhiệm.

Căng thẳng đã gia tăng chóng mặt trong những ngày ấy và sẵn sàng bùng nổ thành xung đột. Song, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kịp tạm thời “hạ nhiệt” bầu không khí bằng cách đưa ra đánh giá: Việc chiếc máy bay quân sự Nga bị bắn hạ là kết quả của một chuỗi những tình huống “bi kịch và bất ngờ”. 

Sau nhận định điềm tĩnh và mềm mỏng đáng ngạc nhiên ấy của ông, cho dù vẫn tiếp diễn, câu chuyện không còn ở trong một tình trạng quá “chênh vênh” nữa. Một quỹ đạo an toàn đã được xác lập, ít nhất là cho tới khi có những diễn biến mới.

Và nhờ vậy, tiến trình triển khai phi quân sự hóa Idlib vẫn có thể diễn ra yên ổn theo dự tính, trong khi các ngón đòn ngoại giao vẫn được triển khai song song, nhằm phục vụ các toan tính mới của mọi thế lực tham gia cuộc chiến đã mang đậm màu sắc quốc tế hóa ở Syria.

Vụ chiếc máy bay IL-20 của Nga bị bắn hạ lẽ ra đã có thể trở thành nấc thang căng thẳng mới.

Hình thái cũ của Idlib

Cho đến ngày 12-9, dưới góc nhìn của các chuyên gia phân tích quốc tế, Idlib vẫn sẽ có thể trở thành trận quyết chiến cuối cùng phân định tầm ảnh hưởng của các cường quốc trên lãnh thổ Syria.

Idlib, nằm ở Tây Bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đã trở thành đại bản doanh của phe đối lập ở Syria cùng các phần tử Hồi giáo cực đoan và nhiều nhóm khủng bố quốc tế từ năm 2015. 

Theo báo cáo tại một phiên họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 7-9, còn khoảng 40-45 lực lượng vũ trang đang hoạt động ở tỉnh Idlib. 

Trong đó bao gồm cả Lực lượng bảo vệ dân quân người Kurd (YPG) do Mỹ hậu thuẫn, cả Quân đội Syria Tự do (FSA) mà Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, cả nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS)... 

Đó cũng là một trong bốn “vùng giảm leo thang xung đột” ở Syria mà Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã thỏa thuận xác nhận và kiểm tra cùng nhau từ tháng 5-2017. 

Tổng thống Syria al-Assad từng xác định Idlib sẽ là chiến dịch mang tính then chốt đối với cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm qua trên đất nước của mình. 

Và Bộ Ngoại giao Nga cũng từng nhấn mạnh: “Không giải quyết được vấn đề Idlib, sẽ không thể thực hiện việc bình thường hóa tình hình Syria”, bởi “các phần tử vũ trang không còn đường thoát đang cố thủ tại Idlib là trở ngại đích thực đối với tiến trình hòa bình ở Syria”.

Vào thời điểm ấy, quân chính phủ Damascus, với sự hỗ trợ của Nga và Iran, đã vây kín ba mặt Idlib. Tuy nhiên, Mỹ, châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ - những thế lực quốc tế vốn chưa từng ngần ngại chuyện thúc đẩy can thiệp quân sự, thậm chí đưa thẳng xe tăng vượt biên giới vào tác chiến trên lãnh thổ Syria - lại kêu gọi ngừng bắn vì nguyên nhân lo ngại xảy ra thảm họa nhân đạo.

Dĩ nhiên, cái cớ ấy là rất thuyết phục, khi 1/3 dân số 3 triệu người ở Idlib là trẻ em. Nhưng dĩ nhiên, họ cũng còn theo đuổi những mục tiêu khác.

Đầu tiên, phương Tây (hay nói chính xác là NATO - Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đã không còn nắm giữ “chính nghĩa” để can thiệp quân sự, khi cái cớ là nghi ngờ Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học đã không còn đầy đủ sức nặng như trong quá khứ gần. Thứ hai, nếu công khai can thiệp quân sự, phương Tây có thể bị dư luận đánh giá là cố tình bảo trợ cho các lực lượng khủng bố. 

Hơn thế, họ vẫn muốn tránh nguy cơ đối đầu trực diện (và ngược lại, Nga, Iran và Syria cũng vậy). Vì những lẽ đó, các giải pháp ngoại giao lại trở thành ưu tiên hàng đầu. Để rồi, thỏa thuận phi quân sự hóa Idlib xuất hiện như cách làm hài lòng tất cả.

Idlib - thành lũy cuối cùng của các lực lượng nổi dậy.

Chồng chéo những mạch ngầm

Vẫn còn quá thiếu cơ sở để kết luận chắc chắn về nguyên nhân xảy ra vụ máy bay IL-20 bị bắn hạ - điều đáng lẽ có thể tác động rất xấu đến tình hình chung ở Syria. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, sự vụ này cũng đã đặt Tổng thống Nga Vladimir Putin vào một tình thế tương đối khó khăn. 

Cuối cùng, ông đã chọn sự mềm dẻo và chấp nhận thiệt thòi khi kết quả một số cuộc khảo sát dư luận xã hội Nga cho rằng ông cần phải cứng rắn và mạnh mẽ hơn.

Vấn đề là, người ta không thể có được tất cả và trên cương vị của mình, ông còn phải tỉnh táo hơn tất cả. Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Ngoại giao Nga vẫn có thể gây sức ép lên Israel (cũng như phương Tây) về hành động của những chiếc tiêm kích F-16, nhưng Điện Kremlin thì phải bảo đảm được một điểm dừng, để “dễ ăn dễ nói”, chứ không phải đánh mất sự bình tĩnh và rơi vào những cái bẫy mà đối phương “cài cắm”. 

Cho dù thế nào, thỏa thuận phi quân sự hóa Idlib cũng nên được tiếp tục tiến hành, không chỉ vì lý do nhân đạo mà còn vì đó là sự củng cố vị thế cho Nga, cũng như cho cả Damascus và Tehran.

Hơn thế, nếu muốn khuếch trương tầm ảnh hưởng của mình ở Trung Đông nhằm hướng đến các lợi ích kinh tế trong tương lai, Moskva cũng cần duy trì những kết nối với Israel - cường quốc hàng đầu khu vực. 

Và để làm được điều đó, việc có thể trực tiếp tác động và tận dụng những mối hiềm khích chằng chịt (giữa Iran và Israel, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, giữa Israel với cộng đồng Hồi giáo...) là một điểm mấu chốt.

Trong khi đó, chính Mỹ cũng đang ráo riết thúc ép Iran - đồng minh quan trọng nhất của Syria trong khu vực - ký lại những điều khoản mới cho thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà họ đã phủ nhận. 

Phản ứng đầu tiên từ Tehran, rất dễ đoán: “Mỹ xem JCPOA chỉ là thỏa thuận giữa hai chính phủ. Đó là một sai lầm. Họ đã vi phạm các nghĩa vụ trong thỏa thuận. Họ coi thường những lời kêu gọi hòa bình”. 

Để rồi, ngày 19-9, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran - Brian Hook - phải đính chính: “Có thể không phải chỉ là một thỏa thuận song phương mà chúng tôi tìm kiếm một hiệp ước với Iran”. 

Cũng trong hôm đó, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mở chiến dịch phản công nhằm vào các lực lượng được Mỹ ủng hộ ở miền Đông Syria. Washington cũng phải “cân nhắc thiệt hơn” kỹ lưỡng về những hành động cụ thể của mình ở Syria, nhằm đạt được nhiều mục đích nhất có thể.

Trong bối cảnh này, ai “ra tay” trước cũng đều sẽ dễ dàng bị đổ lỗi, đặc biệt là khi vấn đề nhân đạo đang được đưa vào tâm điểm chú ý của thế giới. Chưa đến thời điểm (hay nói cách khác, đã qua thời điểm) dành cho các hoạt động quân sự mang tính “dằn mặt”. Hiện tại, tất cả đều đã xoay sang tập trung vào các phương tiện ngoại giao.

Và có lẽ, đó là điều thực sự tốt đẹp đối với một đất nước đã trải qua 7 năm binh lửa tang thương.

Đông Phong
.
.