Thủ tướng Đức Angela Merkel: Người đàn bà thép mở lòng
Dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, cánh hữu Đức đã nhìn nhận vấn đề nhập cư với con mắt tích cực hơn vì trên thực tế, Đức đang phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số, cùng nguy cơ thiếu nhân công trình độ cao trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, công nghệ cao đang hoạt động với cường độ lớn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức và người đồng cấp Áo Werner Faymann cũng quyết định mở cửa biên giới hai nước này đón nhận người di tản đang dồn ứ tại Hungary với con số lên tới 800 nghìn người. Những người di cư đang không biết đi đâu về đâu đã xúc động giơ cao ảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel để hoan nghênh quyết định nhân ái của bà.
Đối mặt với khủng hoảng
Thủ tướng Angela Merkel có vẻ là người đã quen đối mặt với các cuộc khủng hoảng. Trong suốt một thập kỷ cầm quyền, “Người đàn bà thép” luôn giành được tình cảm và sự ủng hộ của người dân khi đưa nước Đức vượt qua được nhiều thách thức và khẳng định vị thế nền kinh tế số 1 châu Âu, cũng như tầm ảnh hưởng to lớn đối với các vấn đề quốc tế.
Chẳng hạn như với cuộc khủng hoảng Ukraine và đồng euro, châu Âu đã xem Đức là người lãnh đạo và từng bước đi nhằm giải quyết khủng hoảng đã được bà Merkel triển khai chắc chắn, thận trọng. Tuy nhiên, tất cả những biến động này vẫn cách xa biên giới nước Đức. Còn lần này, bà không có may mắn như vậy, bởi vấn đề người di cư có ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả các cộng đồng dân cư Đức.
Tờ nhật báo Tấm gương nổi tiếng của Đức bình luận: “Trong suốt cuộc khủng hoảng ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu, người dân có cảm giác rằng đó là vấn đề của các nước khác hơn là của chính nước Đức, vì nền kinh Đức vẫn trụ vững. Nay gánh nặng của vấn đề người nhập cư đã vào nhà chúng ta”.
Và đây là lần đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Merkel nắm quyền lực, nước Đức thực sự phải đối diện với một vấn đề nghiêm trọng. Chính bà đã phải tuyên bố rằng, làn sóng người di cư từ các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đã trở thành một thách thức, lớn hơn cả cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đối với toàn châu Âu.
Vài tuần qua, thông tin về cuộc khủng hoảng di cư đã tràn ngập trên các trang báo của Đức và khắp châu Âu, biến đây trở thành một chủ đề bàn thảo sôi nổi tại các diễn đàn khu vực và dư luận. Ở Đức, động thái đầu tiên góp phần giải quyết khủng hoảng đó là Thủ thướng Angela Merkel thông báo dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 800 nghìn người xin tị nạn chính trị trong năm nay vì lý do nhân đạo, tức gần gấp đôi so với con số đưa ra trước đó vài tháng, và gấp 4 lần so với con số của năm 2014.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng người nhập cư khác hẳn về quy mô và tính phức tạp. Đó là vấn đề vừa mang tính địa phương, vừa có tác động ở tầm quốc gia và toàn châu lục. Nó đòi hỏi một sự lãnh đạo chủ động, tập hợp được người dân - điều mà bà Merkel không phải lúc nào cũng thành công trong quá khứ. Nữ Thủ tướng đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích và phần nào cho thấy sự lúng túng của Berlin trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định: Vấn đề người tị nạn có thể sẽ là thách thức lớn tiếp theo đối với sự đoàn kết và hợp tác của toàn châu Âu. |
Sự kiện đáng chú ý là cuộc biểu tình phản đối người nhập cư của lực lượng cực hữu ở thị trấn Heidenau, miền Đông Đức, khiến hơn 30 cảnh sát bị thương. Cuộc bạo động làm sống lại bóng ma của chủ nghĩa phát xít, bạo lực mà Đức đã từng chứng kiến trong những năm 1990 - thời kỳ làn sóng người xin tị nạn vào Đức tăng vọt. Những người dân tại thị trấn Heidenau sau đó đã gọi bà Merkel là “kẻ phản bội” khi nhà lãnh đạo này bày tỏ sự đoàn kết đối với những người nhập cư.
Theo họ, việc tiếp nhận nhiều người dân tị nạn cũng đồng nghĩa với việc đưa vào đất nước hàng trăm ngàn người thất nghiệp, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hoá, tín ngưỡng và có nguy cơ gia tăng tệ nạn xã hội cùng nguy cơ khủng bố.
Cuộc khủng hoảng cũng đang đe dọa vị thế của đảng cầm quyền và cá nhân bà Merkel khi các đảng đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử vào tháng 3/2016 và bầu cử liên bang vào năm 2017, tại đó, bà Merkel dự kiến sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4. Những nhân vật thân cận của bà Merkel nhận định cuộc khủng hoảng nhập cư có thể là một “quả bom” đối với đảng của bà, mặc dù hiện đảng Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền vẫn bỏ xa các đối thủ trong những cuộc thăm dò dư luận.
Cương quyết hành động
Quyết định của Thủ tướng Angela Merkel cho hàng nghìn người di cư kẹt ở Hungary được vào Đức đã gây chia rẽ sâu sắc trong chính phe bảo thủ của bà. Các đồng minh của bà Merkel đã lên tiếng cáo buộc nữ Thủ tướng phát “một tín hiệu sai hoàn toàn” tới châu Âu, tự ý hành động mà không tham vấn bất kỳ ai. Nhiều chính khách đồng ý rằng việc bà Merkel bật đèn xanh cho người di cư ở Hungary là một “quyết định sai của chính phủ liên bang”, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh của chính nước Đức.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ xã hội trung tả, một đối tác nhỏ trong “liên minh lớn” của bà Merkel, lại nhanh chóng bênh vực nữ Thủ tướng. Tổng thư ký Yasmin Fahimi gọi quyết định của bà là “điều đúng đắn duy nhất phải làm”.
Theo đó, bà Merkel đã chọn đúng thời điểm để phát đi một tín hiệu nhân đạo mạnh mẽ nhằm chứng tỏ rằng, các giá trị của châu Âu là vững chắc ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Hungary không thể kham nổi cuộc khủng hoảng di cư sau nhiều nỗ lực của Budapest muốn đưa người di cư vào trong các trại và hàng loạt các cuộc đối đầu căng thẳng giữa cảnh sát Hungary và người di cư. Vì vậy, Đức đã rất cởi mở để chia sẻ gánh nặng với quốc gia này.
Những người di cư đang không biết đi đâu về đâu đã xúc động giơ cao ảnh Thủ tướng Đức để hoan nghênh quyết định nhân ái của bà. |
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, uy tín của bà Merkel suy giảm vì cách thức bà xử lý vấn đề di cư. Tuy nhiên, bất chấp mọi sự phản đối, Thủ tướng Angela Merkel cho biết khủng hoảng di cư là ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay. Đức có thể đối phó với vấn đề di cư mà không cần tăng thuế hay kiến tạo thêm những khoản nợ mới, cũng như gây ảnh hưởng đến mục tiêu cân bằng ngân sách quốc gia. Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ Đức đã lên kế hoạch giới thiệu một khoản ngân sách bổ sung để giải phóng các gói dành cho những người tị nạn và giúp cho các thị trấn ở vùng biên giới có thể dễ dàng chi trả cho các chi phí về nhà ở và chăm sóc y tế cho những người mới đến.
Hành động tiếp nhận số người tị nạn kỷ lục không khỏi khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Vì sao Đức lại tiếp nhận nhiều người tị nạn đến vậy? Đa số các ý kiến cho rằng Thủ tướng Angela Merkel muốn nhân cơ hội này để để giải thoát chính nước Đức khỏi bóng ma của quá khứ, khi Đức quốc xã thực hiện cuộc diệt chủng tàn bạo đối với dân Do Thái. Thêm vào đó, với tiềm lực kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức luôn cần người lao động nhập cư, nguồn lực vốn đã vận hành nền kinh tế nước này kể từ những năm 1960. Do đó, việc tiếp nhận lượng lớn dân nhập cư từ Trung Đông, trước mắt sẽ phần nào giải quyết được nạn khan hiếm lao động tại Đức.
Một yếu tố tiên quyết nữa chính là thái độ của chính phủ đối với sự khác biệt tôn giáo. Trong khi Tổng thống Hungary hùng hồn tuyên bố họ không muốn có một cộng đồng Hồi giáo tồn tại trong lãnh thổ đất nước, thì Thủ tướng Anglela Merkel cho biết sẽ không có bất cứ sự khác biệt nào giữa người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo trong đất nước của bà. Dễ hiểu vì sao những người tị nạn sẵn sàng rời bỏ Hungary để đến với Đức - nơi đang được cho là “thiên đường” đối với người tị nạn.
Sau những tác động của bà Merkel, giới chủ Đức đã có tiếng nói chung với những người muốn tiếp nhận và hỗ trợ hội nhập người nước ngoài càng nhanh càng tốt. Đây là những nhân tố quan trọng góp phần thay đổi cách tiếp cận của Berlin đối với vấn đề khủng hoảng di cư.
Chuyển sang phạm vi châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel lặp lại tuyên bố rằng những người tị nạn cần phải được phân bổ công bằng ở các nước thành viên EU như là một phần chiến lược chung để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư chưa từng thấy. “Toàn bộ hệ thống cần phải được thiết kế lại”, bà Merkel nói, đồng thời bổ sung thêm rằng những nhiệm vụ và gánh nặng nên được phân bố một cách công bằng hơn.
Với bà Merkel, thách thức lớn nhất hiện nay là lái châu Âu hướng tới một chính sách chung về vấn đề tị nạn. Các chính trị gia Đức trong những ngày gần đây đã liên tục đăng đàn bày tỏ sự thất vọng đối với một số đối tác châu Âu trong việc không chấp nhận chia sẻ gánh nặng trước làn sóng người nhập cư. Họ lo ngại nếu không giải quyết được bài toán này, sự cởi mở của người Đức với người tị nạn sẽ nhanh chóng suy sụp.
Chính vì vậy, trong một hội nghị đầu tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Angela Merkel khẳng định: vấn đề người tị nạn có thể sẽ là thách thức lớn tiếp theo đối với sự đoàn kết và hợp tác của toàn châu Âu…nThủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định: Vấn đề người tị nạn có thể sẽ là thách thức lớn tiếp theo đối với sự đoàn kết và hợp tác của toàn châu Âu.