Thủ tướng Anh David Cameron tiếp tục nhiệm kỳ hai:

Ván bài mạo hiểm

Thứ Bảy, 30/05/2015, 10:30
Chiến thắng ngoạn mục của đảng Bảo thủ tại cuộc bầu cử Hạ viện Anh vừa qua đã đem lại cho Thủ tướng David Cameron thêm một nhiệm kỳ nữa. 

Nhà lãnh đạo Chính phủ Anh đang có một khởi đầu thuận lợi hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên để tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong cương lĩnh tranh cử, bao gồm cắt giảm thâm hụt ngân sách, tạo thêm việc làm và đầu tư mạnh mẽ cho dịch vụ y tế công và hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ông cũng sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán khó nếu muốn hiện thực hóa lời hứa với cử tri Anh. Đó là việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân từ nay đến năm 2017 về sự đi hay ở của Anh trong Liên minh châu Âu (EU). Điều này đồng nghĩa với việc đặt cược vị thế quốc tế của Anh trong một ván bài mạo hiểm mà David Cameron cần phải chứng tỏ mình là một“tay chơi bài khôn ngoan”.

Chiến thắng bất ngờ

Kết quả cuối cùng từ Ủy ban Bầu cử Anh cho biết đảng Bảo thủ (do Thủ tướng David Cameron lãnh đạo) đã giành được 329 ghế tại Hạ viện gồm 650 ghế, cao hơn mức quá bán (326 ghế) để có thể đơn phương thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với bất kỳ đảng nào khác như ở kỳ bầu cử năm 2010. Trong khi đó, Công đảng của thủ lĩnh Ed Miliband chỉ giành được 232 ghế. Kết quả này gây ngỡ ngàng với tất cả những ai quan tâm khi mọi cuộc thăm dò của các tổ chức uy tín nhất trước đó đều dự báo cán cân “một chín, một mười” giữa hai chính đảng lớn nhất nước Anh và không đảng nào giành được đa số phiếu để có thể độc lập thành lập chính phủ mới.

Trong bài diễn văn đầu tiên sau khi tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm, Thủ tướng Cameron đã cam kết sẽ thành lập một chính phủ đa số của phe bảo thủ để đoàn kết Vương quốc Anh, đồng thời hứa hẹn sẽ làm cho nước Anh trở nên “vĩ đại hơn”. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng đảng của ông đã tạo hy vọng thực sự cho người dân, và kết quả bầu cử chứng tỏ kế hoạch tích cực của đảng Bảo thủ đã được đền đáp xứng đáng. Ông cũng nói muốn tiếp tục xây dựng đất nước trên nền tảng vững mạnh đã đạt được 5 năm qua. 

Thủ tướng David Cameron cho rằng nước Anh đang tiến tới rất gần “một điều đặc biệt” và có thể trở thành một nơi mà cuộc sống tốt đẹp “nằm trong tầm tay của tất cả những ai sẵn sàng làm việc và làm những việc đúng đắn”. Nhà lãnh đạo miêu tả Vương quốc Anh sở hữu những tài năng và tinh thần sáng tạo vượt trội, và chính phủ đa số mà ông lãnh đạo sẽ khơi mở mọi tiềm năng về đất nước và con người, khẳng định lại giá trị đích thực của xứ sở sương mù trên trường quốc tế.

Thắng lợi của ông Cameron cho thấy cử tri Anh không muốn chứng kiến sự tan vỡ của hệ thống chính trị cũng như sự trỗi dậy của các đảng phái nhỏ, dẫn đến việc hình thành một chính phủ liên hiệp. Họ vẫn trân trọng sự ổn định của cơ chế “đầu phiếu đa số tuyệt đối” truyền thống, vốn luôn có lợi cho các phe phái lớn như đảng Bảo thủ. Trong bối cảnh tình hình nền kinh tế vẫn đang bị đe dọa, cuối cùng cử tri sẽ vẫn theo đảng nào đem lại sự cải thiện trong mấy năm vừa qua. 

Rõ ràng, David Cameron đã giành được niềm tin từ người dân nhờ câu châm ngôn “bàn tay an toàn” - thứ quyền lực mà thủ lĩnh đảng Bảo thủ đã kiên trì tận dụng suốt 5 năm vừa qua để “hướng dẫn” nền kinh tế vượt qua những cơn sóng gió gay go.

Tuy nhiên, chiến thắng bất ngờ này dù mang lại nhiều thuận lợi cho ông Cameron trong việc thành lập chính phủ, song cũng đặt ông trước những thách thức không hề nhỏ. Báo giới cho rằng: chiến thắng của ông Cameron đã nhận được sự hoan nghênh đặc biệt của các thị trường tài chính, với kỳ vọng ông sẽ tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những người phản đối ông Cameron đã chỉ trích mạnh mẽ ông về hậu quả của chính sách thắt lưng buộc bụng, dù không thể phủ nhận là đã giúp vực dậy nền kinh tế đất nước song lại làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Chính Thủ tướng Cameron cũng thừa nhận những lo ngại ngày càng tăng về mặt xã hội và theo các nhà phân tích, việc xóa bỏ bất bình đẳng đang gia tăng sẽ là một trong những vấn đề đau đầu của ông Cameron trong nhiệm kỳ thứ hai.

Bên cạnh đó, nội các của ông Cameron cũng sẽ rất mệt mỏi nếu muốn thực hiện tốt mục tiêu cân bằng ngân sách. Cho tới nay, chính phủ đã phải thực hiện nghiêm ngặt chính sách khắc khổ với việc cắt giảm nhiều phúc lợi xã hội đã ảnh hưởng tới đời sống dân nghèo. Kế hoạch của đảng Bảo thủ xóa bỏ thâm hụt ngân sách vào năm 2018 đồng nghĩa với việc chính phủ sắp tới phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực.

Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) có thể được bảo vệ nếu đảng Bảo thủ giữ lời hứa nhưng chi tiêu cho hội đồng địa phương, giao thông và quốc phòng chắc sẽ phải giảm bớt. Làm sao để thực hiện mục tiêu này mà không gây ra bất bình và xáo trộn trong xã hội là một bài toán khó đối với ông Cameron và chính phủ Bảo thủ của mình.

Một thách thức nữa với Thủ tướng David Cameron trong nhiệm kỳ này chính là đảm bảo sự toàn vẹn của Vương quốc Anh, đặc biệt sau thắng lợi vang dội của đảng Dân tộc Scotland (SNP) tại cuộc bầu cử vừa qua. SNP đã giành tới 56 trong tổng số 59 ghế nghị viện phân bổ cho xứ Scotland và không che giấu ý định tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về độc lập.

Thủ tướng Cameron từng hứa hẹn trao quyền tối đa cho Scotland để thuyết phục xứ này đừng tách khỏi Anh trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm ngoái. Tuy vậy, những quyền lực mới cho Scotland phải đi kèm với những cải cách sâu rộng đối với bộ máy hiến pháp trên toàn lãnh thổ khiến việc thực hiện không đơn giản và điều này dễ biến ông trở thành người “nói không đi đôi với làm”. Trong phát biểu mừng thắng cử, Thủ tướng Cameron không quên nhắc lại cam kết trao quyền tối đa cho các xứ trong liên hiệp, bao gồm Wales, Scotland và Bắc Ireland. Tuy vậy, để xử lý vấn đề này một cách hài hòa giữa các xứ sẽ là một thách thức vô cùng lớn đòi hỏi tài năng và sự khéo léo của nhà lãnh đạo Vương quốc Anh.

“Bài toán khó” Brexit

Kết quả bất ngờ trong cuộc bầu cử vừa qua không chỉ giúp Thủ tướng David Cameron và đảng Bảo thủ của ông tiếp tục cầm quyền thêm 5 năm nữa, mà còn cho thấy tâm lý của người dân Anh đối với tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của đảo quốc sương mù. Có thể nói, với chiến thắng vang dội của ông Cameron, nỗi lo ngại về khả năng Anh rời khỏi “ngôi nhà chung” EU đã bắt đầu mờ nhạt dần.

Theo giới quan sát, chiến thắng đã đưa ông Cameron lên vị thế tốt hơn để mặc cả các thỏa thuận với EU sao cho có lợi nhất cho Anh trước khi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân như vậy. Chẳng thế mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngay sau khi biết kết quả bầu cử Anh đã gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng Cameron và ngỏ ý “sẵn sàng đàm phán để tìm ra một thỏa thuận công bằng cho Anh tại EU”.

“Brexit” là một ván bài mạo hiểm mà Thủ tướng David Cameron cần phải chứng tỏ rằng ông biết cách giải quyết khôn ngoan và tinh tế.

Tất nhiên, mối lo ngại về kịch bản “Brexit” (tức khả năng Anh quốc rời khỏi EU), vẫn còn đó. Câu hỏi về việc ra đi hay ở lại EU của Anh được khắp lục địa châu Âu quan sát kĩ lưỡng trong đợt bầu cử Quốc hội Anh vừa qua. Tuy nhiên, có thể thấy vấn đề này không phải là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của các đảng phái chính trị, nếu so sánh nó với các vấn đề nội trị của Vương quốc Anh. Dù vậy, Thủ tướng David Cameron cho rằng về mặt chính trị, đây là một trong những vấn đề lớn mà nước Anh không được phép lẩn tránh.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Cameron sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2017 xoay quanh vấn đề tư cách thành viên EU của đảo quốc sương mù. Bất chấp cuộc bầu cử vừa qua đã phần nào cho thấy người dân Anh không mấy “mặn mà” với chuyện rời khỏi EU, đây vẫn là một bài toán chính trị khó khăn đòi hỏi những đối sách tinh tế.

David Cameron đã thuyết phục được cử tri Anh trao cho ông cơ hội tiếp tục làm Thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ hai này, và bây giờ, ông giúp người dân Anh có thể bày tỏ ý kiến về việc họ có muốn vương quốc này tiếp tục là một thành viên của EU hay không. Những đảng phái ủng hộ sự ra đi của nước Anh đã không thể giành chiến thắng, thế nên cuộc trưng cầu ý dân là hoàn toàn có thể kiểm soát được và vấn đề phụ thuộc vào chính phủ mới dưới quyền ông Cameron.

Theo một cuộc khảo sát mới đây, người dân Anh hiện vẫn chưa thể đưa ra một quyết định dứt khoát về vấn đề “Brexit”. 39% số người được hỏi mong muốn Anh rời khỏi EU, trong khi đó, 40% người dân muốn nước này tiếp tục ở lại trong Liên minh.

Về phần mình, Thủ tướng Cameron đã nhiều lần khẳng định ông và nội các sẽ chọn phương án giữ nước Anh ở lại châu Âu. Nếu ông có thể khiến EU thay đổi một số điều khoản có lợi cho Anh qua thương lượng thì cuộc trưng cầu ý dân vẫn sẽ diễn ra nhưng kết quả Anh vẫn ở lại EU. Thủ tướng Anh hy vọng rằng các cuộc đàm phán của ông với giới chức EU sắp tới có thể diễn ra trong bầu không khí ít căng thẳng.

Thủ tướng Cameron tự cho mình là người theo chủ nghĩa quốc tế và trái ngược với “những người Anh bảo thủ và bài ngoại” trong đảng của ông. Vì vậy, Thủ tướng Cameron đã nhiều lần được cảnh báo rằng nỗ lực đàm phán với EU của ông sẽ chẳng mang lại kết quả gì đáng kể. Ngoài ra, nhiều thành viên trong phe Bảo thủ vẫn có thái độ hoài nghi đối với châu Âu. Ít nhất 60 trong số hơn 300 đại diện của đảng Bảo thủ tại Hạ viện được cho là có quan điểm bài xích châu Âu mạnh mẽ.

Cho dù quan điểm cũng như thẩm quyền của Thủ tướng Anh rất lớn, song theo giới phân tích, ông Cameron chắc chắn sẽ phải chịu áp lực từ nội bộ đảng. Trừ phi ông Cameron chấp nhận giảm nhẹ khuynh hướng “thân EU” trong chính phủ mới và tôn trọng những ý kiến trái chiều, vị Thủ tướng Anh có thể phải đối mặt với sự chống đối hoặc thậm chí mất đi sự ủng hộ của đa số thành viên Bảo thủ.

Dù sao, việc Thủ tướng David Cameron nhanh chóng bắt tay vào thành lập chính phủ mới và bày tỏ thái độ không né tránh khó khăn cho thấy ông đã sẵn sàng tập trung sức lực cho một nhiệm kỳ thứ hai đầy hứng khởi. Trong khi đó, EU có thể tạm thở phào nhẹ nhõm khi vấn đề tư cách thành viên của Anh đã không trở thành một “trận đá bóng chính trị” giữa các phe phái ở đảo quốc sương mù.

Các cử tri Anh rõ ràng cũng muốn giữ nguyên tình hình hiện tại hơn là trông đợi vào những triển vọng xa xôi. Họ cũng hi vọng ông David Cameron, với vai trò lãnh đạo đầy nhiệt huyết, cùng cá tính “chiến đấu” mạnh mẽ và sự khôn ngoan về chính trị, sẽ đem tới những luồng sinh khí mới cho nước Anh và hóa giải những bài toán khó tồn tại trong lòng xã hội nhiều biến động hiện nay…

Lâm Anh
.
.