Thủ tướng Anh David Cameron: Tốt cho nước Anh thì tốt cho cả châu Âu
- Thủ tướng Anh David Cameron: 'Người có quan điểm chính trị hợp lý'
- Nhiệm kỳ đầy thách thức của Thủ tướng Anh
- Thủ tướng Anh cho con học trường bình dân
Trong những chuyến công cán đến các quốc gia ở lục địa già để tìm kiếm sự ủng hộ cải cách EU, nhà lãnh đạo người Anh luôn tích cực phát đi thông điệp “những gì tốt cho nước Anh thì cũng tốt cho cả châu Âu”.
Quả thực, ông Cameron đang đứng trước áp lực vô cùng lớn khi cử tri có thể bỏ phiếu ủng hộ giải pháp “Brexit” (Anh rời EU). Một kết quả không như ý trong cuộc trưng cầu ý dân về tương lai của Anh tại EU có thể khiến tương lai chính trị của Thủ tướng David Cameron bị đe dọa.
Trong một sự kiện diễn ra tại ngoại ô thủ đô London vừa qua, ông đã phải lên tiếng kêu gọi cử tri tin tưởng vào viễn cảnh tươi sáng khi Anh ở lại EU, đồng thời chỉ ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Anh và tình hình thế giới nếu như kịch bản quốc gia châu Âu này rời khỏi EU trở thành sự thật.
Đối diện thách thức
Có thể nói, Thủ tướng David Cameron đã có một khoảng thời gian vô cùng bận rộn khi thực hiện liên tục nhiều chuyến viếng thăm một số các quốc gia châu Âu như Bỉ, Đức, Hungary và Hà Lan. Đến đâu, ông cũng nhận được những cam kết ủng hộ tham vọng thay đổi các quy định của EU để bảo vệ hệ thống phúc lợi của châu Âu.
Trong đó, sự ủng hộ của Thủ tướng Angela Merkel được cho là quan trọng nhất bởi Đức là nền kinh tế hàng đầu châu Âu, và ngay cả “bà đầm thép” cũng từng cảnh báo cả lục địa già phải làm tất cả những gì có thể để ngăn thảm kịch Brexit. Rõ ràng, nỗ lực ngoại giao con thoi của người đứng đầu nhà số 10 phố Downing là sự vận động hành lang nhằm hướng đến một thỏa thuận quy mô toàn EU. Và tất nhiên trong đó, Anh sẽ có phần lợi hơn.
Brexit đặt ra yêu cầu Thủ tướng David Cameron phải giải quyết hài hòa mong muốn của cử tri, bảo đảm lợi ích cho nước Anh và cả EU. |
Sau những ngày đàm phán căng thẳng, cuối cùng EU và Anh đã đạt được một thỏa thuận “công bằng” trong nỗ lực giữ nước này ở lại khối, cho phép London hưởng “quy chế đặc biệt”.
Theo thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý này, về cơ bản Anh được giảm trợ cấp xã hội cho người lao động nhập cư cũng như được tự vệ trước các quy định tài chính mà Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) áp đặt lên trung tâm tài chính London. Tuy nhiên, không có bất cứ quyền phủ quyết nào được trao cho các quốc gia không phải thành viên của Eurozone để phong tỏa những quyết định mà họ không đồng ý. Điểm đáng lưu ý là điều khoản “tự hủy”, cho phép toàn bộ thỏa thuận bị vô hiệu hóa trong trường hợp người dân Anh chọn giải pháp chia tay EU.
Trên thực tế, Thủ tướng David Cameron cho rằng để hướng về tương lai dài lâu thì nên quyết tâm giữ nước Anh tiếp tục đồng hành cùng đoàn tàu EU. “Chúng tôi đã kiên trì đàm phán, sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích cho mục đích chung nhằm thể hiện sự đoàn kết. Tôi có niềm tin tột độ rằng nước Anh cần châu Âu và châu Âu cần Anh”, ông cho biết.
Nhà lãnh đạo cũng khẳng định đã đạt được những cải cách mà bản thân muốn thực hiện, giúp Anh là một trong những thị trường lớn nhất thế giới và EU trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, quyết tâm của ông lại không hoàn toàn nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong đảng Bảo thủ cầm quyền hay đảng đối lập, khi nhiều ý kiến muốn nước Anh tách khỏi EU.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, số người được hỏi chọn rời EU chiếm 36%, số người chọn ở lại chiếm 34%, trong khi 30% chưa quyết định. Tiếp đó, diễn ra nhiều cuộc tranh luận về nội dung bản thỏa thuận mà Thủ tướng David Cameron đã ký, chủ yếu liên quan tới các quyền lợi về thuế và trợ cấp mà Anh phải chi cho người nhập cư mang quốc tịch các nước EU.
Một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Cameron là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove và năm thành viên nội các khác phản đối thỏa thuận, cho biết sẽ tiến hành chiến dịch vận động người dân “tẩy chay” EU. Họ tin rằng nước Anh đã nhượng quá nhiều chủ quyền, và việc từ bỏ EU có thể gây ra sự mất ổn định và chệch choạc ban đầu nhưng tiếp đó sẽ là sự cải thiện mạnh mẽ cho nước Anh.
Số phận của mối quan hệ Anh – EU sẽ được định đoạt bởi chính người dân. |
Tại một sự kiện kêu gọi cử tri bỏ phiếu rời khỏi EU, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland, ông Theresa Villiers nhấn mạnh: “Vẫn còn những mối lo ngại về mối quan hệ giữa Anh với EU trong nhiều năm qua và tôi nghĩ cách tốt nhất đó là rời khỏi EU, đàm phán một thỏa thuận mới dựa trên sự hợp tác thương mại và thân thiện, chứ không phải là một liên minh chính trị”.
Những quan điểm kiểu này thực sự trở thành “lưỡi dao” khiến Thủ tướng Anh đau đầu, tạo nên một cuộc nội chiến mới trong đảng Bảo thủ. Bởi lẽ, sự chia rẽ về vị trí của Anh tại châu Âu cũng là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ của hai thủ tướng tiền nhiệm sụp đổ.
Nguy cơ bất ổn
Việc Anh muốn rời EU xuất phát từ cuộc khủng hoảng tài chính của khối Eurozone. Nước Anh không nằm trong Eurozone nhưng người dân Anh nhận thấy việc tham gia EU không còn mang lại cho họ những lợi ích như trước đây nữa, mà trái lại có quá nhiều ràng buộc.
Năm 1973, Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC, tiền thân của EU). Năm 1975, một cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EEC từng được tổ chức ở Anh với hơn 67% cử tri phủ quyết. Vậy mà giờ đây, sau hơn 40 năm, gần 40% cử tri Anh muốn quay lưng với EU, chưa tính số lượng cử tri chưa quyết định.
Thủ tướng David Cameron đã cảnh báo, việc Anh rời khỏi EU sẽ tạo nên một cú sốc kinh tế. Theo tính toán, hiện ba triệu lao động Anh đang phụ thuộc vào các hoạt động thương mại của châu Âu, và Brexit sẽ gây tác động không nhỏ đến vấn đề công ăn việc làm của nước Anh. Nếu như các cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ việc chia tay EU, thì điều này sẽ làm phát sinh một sự xáo trộn về kinh tế trên diện rộng, dù chỉ là trong ngắn hạn. Thậm chí, việc Anh từ bỏ EU sẽ kéo theo các tác động tiêu cực về kinh tế trong dài hạn, cùng với sự sụt giảm sâu giá trị của đồng nội tệ.
Với viễn cảnh Anh “dứt áo ra đi”, EU sẽ mất đi nền kinh tế lớn thứ hai trong khối (xếp sau Đức), một quốc gia có quân đội quy mô giữa lúc khối này đối mặt với không ít đe dọa về an ninh và một trong hai ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (bên cạnh Pháp). Một khi kết thúc mối quan hệ bắt đầu từ năm 1973 này, Anh phải đàm phán lại các thỏa thuận, hiệp ước với các đối tác thương mại lớn.
Việc Anh “dứt áo ra đi” có thể tạo nên một cú sốc kinh tế. |
Ông Cameron cũng cảnh báo, rời bỏ EU là “một điều nguy hiểm” trong một thế giới không chắc chắn vì việc Anh “muốn giành lại tự do” sẽ khiến quốc gia này dễ bị tấn công hơn bởi những nhóm khủng bố và những băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Cuộc trưng cầu ý dân về tương lai của Anh ở EU sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới. Một kết quả bất lợi không chỉ khiến tương lai chính trị của ông David Cameron bị đe dọa mà còn có thể châm ngòi cho nỗ lực ly khai ở Scotland, nơi nhiều người dân có lập trường thân EU.
Chưa hết, mối quan hệ giữa Anh với các đồng minh (như Mỹ) cũng bị ảnh hưởng bởi London là cầu nối đến châu Âu. Thế nhưng, ngay cả khi người Anh chịu ở lại EU, việc London được trao thêm đặc quyền có thể thúc đẩy những nước thành viên EU khác đưa ra yêu sách của riêng mình. Vì vậy, khó khăn chồng chất đặt lên vai ông Cameron khi vừa giải quyết hài hòa mong muốn của cử tri, vừa bảo đảm lợi ích cho nước Anh và cả liên minh, để ở lại trong một EU cạnh tranh, linh hoạt, phi tập quyền, dân chủ và công bằng.
Brexit là điều mà Thủ tướng David Cameron không mong muốn. Với ông, không có gì quan trọng hơn việc bảo vệ người dân trước những đe dọa về kinh tế hay an ninh, và đó là lý do vì sao nước Anh nên ở lại.
Thủ tướng Cameron đang ráo riết vận động cử tri Anh tin rằng, việc ở lại một thị trường chung gồm 500 triệu người tiêu dùng, được miễn thuế xuất khẩu và có thể tận dụng sức mạnh thương lượng của EU với các nền kinh tế lớn khác mang lại những lợi ích tốt nhất cho người Anh. Điều này sẽ “tác động tâm lý” đến một tỷ lệ cử tri đáng kể trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.
Trong lịch sử, chưa có nước nào từng rời khỏi Liên minh châu Âu. Cùng với những nỗ lực của mình, Thủ tướng Cameron hy vọng sẽ giải quyết êm thấm mọi trắc trở trong những ngày tới, để đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo vệ nguyên vẹn vị trí của xứ sở sương mù trên bản đồ EU.
Ông tin tưởng về một tương lai tốt đẹp đối với nước Anh khi lựa chọn ở lại với một khối EU đã cải cách, cùng cơ chế vận hành mới. Thế nhưng, quyết định cuối cùng lại thuộc về người dân. Không ai có thể dám chắc về sự đi hay ở của Anh trong “ngôi nhà chung” EU. Mọi khả năng vẫn còn để ngỏ...