Thủ tướng Narendra Modi: Mạnh tay với "tiền đen"
- Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: Luồng sinh khí mới của kỷ nguyên thay đổi
- Tân Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi: Kiên trì đi tới đích
Giải thích về quyết định nói trên, Thủ tướng Modi nêu rõ đây là một trong nhiều sáng kiến nhằm xóa sổ nạn tham nhũng cũng như hành vi trốn thuế của những người giàu.
Trước đó, kể từ khi lên nắm quyền năm 2014, Thủ tướng Modi đã cam kết sẽ loại bỏ tình trạng được gọi là nạn “tiền đen” (chỉ việc những người giàu có trốn thuế) và đã thực thi một loạt các biện pháp mạnh tay, trong đó có cả mức phạt 10 năm tù cho những người trốn thuế.
Sáng kiến… kiểu mới
Những tờ bạc mệnh giá 500 và 1.000 rupee (tương ứng khoảng 7,5USD và 15USD) có mệnh giá lớn nhất được sử dụng tại Ấn Độ.
Trong thông báo tới người dân cả nước được phát trên sóng truyền hình, ông Modi nói: “Để phá bỏ sự kìm hãm của nạn tham nhũng và tiền đen, chúng tôi quyết định những đồng tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee hiện đang sử dụng sẽ không còn giá trị lưu thông kể từ nửa đêm ngày 8-11-2016”.
Ông Modi cho biết, mặc dù người dân có thể đổi những tờ bạc cũ của họ để lấy những tờ bạc mới tại ngân hàng hoặc các bưu điện trong thời gian từ nay tới cuối năm, hoặc gửi tiền vào tài khoản của họ, nhưng các tờ bạc đó sẽ “vô dụng” kể từ sau nửa đêm 8-11.
Khi quyết định có hiệu lực, toàn bộ các ngân hàng và các máy ATM tại Ấn Độ đóng cửa một ngày (9-11), sau đó Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (Ngân hàng Trung ương) bắt đầu phát hành những tờ bạc mới với hai mệnh giá 500 và 2.000 rupee từ ngày 10-11.
Ngân hàng sẽ giám sát chặt chẽ quá trình đổi tiền, đặc biệt là với những người đổi số lượng lớn. Những người có khối lượng lớn tiền mặt mà không giải trình được nguồn gốc hợp pháp hay chưa khai báo để trả thuế thu nhập chắc chắn sẽ phải chịu “ngậm đắng nuốt cay” nhìn tài sản vi phạm trở thành đống giấy vụn.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2014, Thủ tướng Modi đã cam kết sẽ loại bỏ tình trạng được gọi là nạn “tiền đen” và đã thực thi một loạt các biện pháp mạnh tay. |
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tổng giá trị nền kinh tế ngầm của Ấn Độ đã tăng từ 20,7% GDP năm 1999 lên 23,2% năm 2007. Nhiều chuyên gia cho rằng, con số hiện tại đã lên đến khoảng gần 40% GDP.
Trong bối cảnh này, thu hồi tất cả các loại tiền giấy hai mệnh giá lớn nhất 500 rupee và 1.000 rupee (thực chất là hình thức đổi tiền sang hai mệnh giá mới 500 rupee và 2.000 rupee) được xem là biện pháp bất ngờ.
Với quyết định “đột phá” của mình, Thủ tướng Narendra Modi hi vọng có thể tạo nên một chế tài nghiêm khắc nhằm kiểm soát nền kinh tế ngầm, nạn “tiền đen”, cũng như các hoạt động buôn bán phi pháp và tiền giả.
Quyết định của ông Modi đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Tất cả các trung tâm mua sắm, quán ăn, thậm chí cửa hàng rau đều từ chối nhận thanh toán bằng tiền với các mệnh giá 500 và 1.000 rupee. Việc bệnh viện tư nhân không chấp nhận tiền mệnh giá lớn cũng khiến nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nước ngoài trở tay không kịp.
Nhiều người phải túc trực ở trước cửa ngân hàng hay cây ATM từ rất sớm để “lấy chỗ” xếp hàng. Rất nhiều người dân Ấn Độ tỏ ra hoang mang khi phần lớn các cây ATM đều hết tiền mặt.
Trong một tuyên bố nhằm trấn an dư luận, Thủ tướng Modi khẳng định có đủ lượng tiền mặt tại các ngân hàng và người dân không cần phải lo lắng tới các ngân hàng và cây rút tiền tự động để rút tiền tích trữ.
Theo ông, tình hình sẽ cải thiện một cách nhanh chóng, sau khi số lượng tiền giấy 500 rupee và 100 rupee tăng lên còn quá trình hiệu chỉnh máy ATM hoàn tất. Thủ tướng Modi cũng đề nghị người dân “cố gắng” chịu cảnh rắc rối trong 50 ngày: “Sau đó, nếu có tìm thấy lỗi nào trong ý định hay hành động của tôi, tôi sẵn sàng chịu bất cứ sự trừng phạt nào từ đất nước”.
Nhiều người phải túc trực ở trước cửa ngân hàng hay cây ATM từ rất sớm để “lấy chỗ” xếp hàng cho việc đổi tiền. |
Khó khăn còn đó
Sau khi đưa ra quyết định không cho lưu hành đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Ấn Độ để đối phó với nạn “tiền đen”, Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục tuyên bố ông còn “có sẵn các ý tưởng” để loại bỏ nạn tham nhũng.
Quyết tâm của nhà lãnh đạo được thể hiện ở cam kết sẵn sàng đối phó với các khó khăn mà lực lượng chống đối có thể gây ra. Với ông, cuộc chiến chống tham nhũng ở Ấn Độ chỉ mới bước vào giai đoạn đầu tiên, và sẽ còn những “vũ khí bí mật” sẽ được chính ông đưa ra trong thời gian sắp tới.
“Hãy hợp tác và giúp tôi trong 50 ngày, tôi sẽ mang lại cho bạn đất nước Ấn Độ mà bạn từng mong muốn”, Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi người dân. Trong một diễn biến liên quan, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 8 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) diễn ra ở bang Goa (Ấn Độ), ông Modi kêu gọi mạnh mẽ các nước thành viên BRICS cần phối hợp trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền và tham nhũng thông qua việc xây dựng một văn bản pháp lý cũng như có cơ chế mạnh tay, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các biện pháp của chính quyền Modi chưa thể giải quyết được nạn tham nhũng và trốn thuế vẫn được xem là một vấn đề nhức nhối của nền kinh tế 1,3 tỷ dân. Theo báo cáo của kiểm toán viên nhà nước, chính phủ đã thất bại trong việc thu hơn 105 tỷ USD trong năm 2014 - 2015, với 96% trong số này “khó thu hồi”.
Phạt nặng người trốn thuế song chính phủ của Thủ tướng Modi lại đưa ra Chương trình ân xá thuế được gọi là Đề án công bố thu nhập năm 2016, theo đó sẽ không truy tố những người trốn thuế nếu họ khai số tiền mình đang có.
Sau khi chương trình này kết thúc vào cuối tháng 9 vừa qua, ngân sách Ấn Độ đã có thêm 4 tỷ USD từ khoản tiền trị giá hơn 9,8 tỷ USD thu nhập được khai báo mới. Tổng số tiền lẽ ra phải khai báo để thu thuế thu nhập lớn hơn rất nhiều con số hơn 9,8 tỷ USD khai báo để được hưởng ân xá, với sự ước tính của các quan chức chính phủ và nhiều nhóm nghiên cứu quốc tế có thể lên đến hơn 500 tỷ USD.
Hiện nay chỉ có khoảng 2% người Ấn Độ trả thuế thu nhập vì hầu hết người dân nước này làm việc trong khu vực phi chính thức của nền kinh tế chi tiêu chủ yếu bằng tiền mặt nên rất khó kiểm soát thu nhập để đánh thuế thu nhập.
Tiền mệnh giá 500 và 1.000 Rupee trở nên vô giá trị… sau một đêm. |
Dù nhằm vào giới nhà giàu trốn thuế và tham nhũng, chính sách đổi tiền mới của chính phủ còn nhiều bất cập. Chính sách này khiến người dân Ấn Độ thu nhập thấp, vốn dựa vào tài sản tiền mặt trở nên khốn đốn.
Thời hạn giữa tuyên bố của Thủ tướng Modi và lúc ban hành quá ngắn khiến các ngân hàng Ấn Độ quá tải do không đủ tiền mặt cung ứng. Một số ngân hàng đã phải gia hạn thêm giờ làm việc hành chính, tuy nhiên vẫn diễn ra cảnh hàng dài người dân chờ đợi đổi tiền.
Bên cạnh đó, du khách tới Ấn Độ cũng gặp bất lợi trong việc chi tiêu và tìm địa điểm đổi tiền, nguy cơ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp không khói của quốc gia này trong ngắn hạn. Số tiền mệnh giá cũ chiếm khoảng 85% lượng tiền phát hành tại Ấn Độ, do đó sẽ mất khoảng thời gian không nhỏ để thu hồi.
Theo ước tính, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi có thể cần đến tháng 5-2017 để đổi những tờ tiền vô giá trị. Thế nên, người Ấn Độ có thể sẽ không nhìn thấy ngay hồi kết của chiến dịch đổi tiền mặt mà chính phủ vừa đưa ra.
Sự chậm trễ trong việc thay thế tiền tệ có nguy cơ kéo dài nỗi đau trong nền kinh tế 2.000 tỉ USD, nơi khoảng 98% thanh toán tiêu dùng thực hiện bằng tiền mặt. Nhiều chuyên gia dự báo cho rằng đợt đổi tiền của quốc gia Nam Á sẽ xóa mất nửa điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế từ tháng 10 đến tháng 12, đe dọa vị trí nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới của nước này.
Các dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương cho thấy, động thái của Thủ tướng Modi loại bỏ khoảng 23 tỉ giấy bạc với tổng giá trị 15.000 tỉ rupee. Ngân hàng Dự trữ Giấy bạc Bharatiya Mudran (BRBNM), nơi in tiền mệnh giá cao, đã cho biết chỉ có khả năng phát hành 1,3 tỉ tờ bạc mỗi tháng nếu họ làm ca đôi. Nếu có thể làm thêm ca ba, năng suất của Ngân hàng Dự trữ Bharatiya là 2 tỉ tờ bạc mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa với việc phải đợi tới cuối năm nay, Ấn Độ mới bổ sung đủ giá trị của những tờ 1.000 rupee.
Điều tồi tệ hơn là các máy in tiền, vốn bận rộn in giấy bạc mới, gần như dừng hoàn toàn việc in tờ bạc 100 rupee. Những tờ bạc này được xem như là tối cần thiết trong nền kinh tế không chính thức 780 tỉ USD của Ấn Độ, nơi hơn 90% lực lượng lao động làm việc.
Nguy cơ trước mắt là tình trạng thiếu hụt tiền tệ trong nhiều tháng và suy giảm kinh tế sẽ thống trị giai đoạn này. Đến cuối giai đoạn, sự tự tin sẽ ở mức thấp và chuyện phục hồi sẽ tốn thời gian…