Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras: Cần sống sót hơn là chọn tự sát

Thứ Bảy, 29/08/2015, 06:00
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang phải đối mặt với những bất đồng lớn chưa từng có từ các nghị sĩ cánh tả, sau khi quốc hội nước này thông qua một gói cứu trợ mới hôm 14/8 vừa qua. Điều này buộc ông Tsipras phải cân nhắc tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và mở ra khả năng cho một cuộc bầu cử sớm.

Trong bối cảnh Hy Lạp vẫn đang loay hoay tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ kéo dài suốt thời gian qua, ông Tsipras đã thoải mái chấp thuận các giải pháp thắt lưng buộc bụng để thông qua gói cứu trợ tài chính thứ ba của các chủ nợ nước ngoài. Sự kiện này đã dọn đường cho nhóm bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro phê duyệt chính thức một thỏa thuận trị giá 86 tỷ euro trong vòng 3 năm cho Athens, trước sự phản đối và ngỡ ngàng của nhiều chính khách Hy Lạp.

Đối mặt khó khăn

Các nghị sĩ đảng cánh tả Syriza tỏ thái độ phản đối gay gắt trước các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách mà Thủ tướng Alexis Tsipras chấp nhận để đổi lấy gói cứu trợ 86 tỷ euro. Tổng cộng 43 nghị sĩ, tức gần một phần ba đảng cánh tả Syriza, đã bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng.

Những áp lực từ sự bất đồng chính kiến lớn của các nghị sĩ, trong đó có cả cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis, khiến Thủ tướng Tsipras phải nhanh chóng kêu gọi một cuộc bầu cử sớm với hy vọng làm dịu đi những mâu thuẫn này. Tuy vậy, Thủ tướng Tsipras vẫn còn rất được tín nhiệm ở Hy Lạp do ông đã nỗ lực chống lại những điều kiện cương quyết về biện pháp thắt lưng buộc bụng của Đức, trước khi chấp nhận các điều kiện này do sự đe dọa phải rời khỏi khu vực đồng euro.

Nhiều ý kiến cho rằng ông Alexis Tsipras dự kiến sẽ đắc cử một lần nữa nếu cuộc bỏ phiếu được tổ chức ngay thời điểm hiện tại. Trước làn sóng phản đối, Alexis Tsipras luôn tỏ ra điềm đạm và giữ vững quan điểm bảo vệ gói cứu trợ từ các chủ nợ khu vực đồng euro và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). 

Ông phát biểu trước quốc hội: “Tôi không hối tiếc về quyết định thỏa hiệp của mình. Chúng ta cần phải sống sót hơn là lựa chọn tự sát”. Đáp lại, các quan chức chính phủ cho rằng, việc ông Tsipras kêu gọi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội sau khi Hy Lạp tiến hành thanh toán khoản nợ với ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 20/8 là một động thái có thể khiến chính phủ sụp đổ và phá hủy cuộc bầu cử.

Một bất lợi khác đối với Thủ tướng Tsipras là việc “kế hoạch dự phòng bí mật” trong trường hợp Hy Lạp bị buộc rời khỏi khu vực đồng euro bị phanh phui. Ông Tsipras trước đó phải chịu chất vấn cho các vấn đề trong quốc hội sau khi cựu Bộ trưởng Yanis Varoufakis tiết lộ kế hoạch xâm nhập vào mã số thuế của người dân để tạo ra một hệ thống thanh toán song song bằng đồng drachma (đơn vị tiền tệ Hy Lạp) khiến cho dư luận Hy Lạp phẫn nộ.

Theo đó, kế hoạch trên đã được Thủ tướng chấp thuận từ tháng 12 năm ngoái, tức một tháng trước khi Syriza chiến thắng cuộc tuyển cử và thành lập chính phủ. Kế hoạch chỉ rõ, trong trường hợp cần thiết, chẳng hạn như hệ thống ngân hàng bị đóng cửa, ngân khố quốc gia bằng đồng euro có thể dễ dàng chuyển đổi thành đồng drachma. Điều đó cho phép Hy Lạp trả các khoản nợ cần kíp nhất.

Do ngân khố bị kiểm soát bởi ECB, Thủ tướng Tsipras đã chỉ đạo ông Varoufakis cùng nhiều thành viên khác tìm cách xâm nhập vào hệ thống điều hành của trang điện tử ngân sách quốc gia. Một tuần sau khi ông Varoufakis nhận chức bộ trưởng tài chính, nhóm của ông đã kiểm soát được phần cứng của hệ thống, còn phần mềm vẫn nằm trong tay bộ ba chủ nợ. 

Hệ thống mã số thuế của người dân cũng được bí mật sao chép, để khi cần thiết chính quyền sẽ giao dịch với người dân bằng đồng drachma với hệ thống mã này. Tất nhiên, người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp phủ nhận việc sẽ quay lại sử dụng đồng drachma, trong khi không đưa ra thêm bất cứ tuyên bố nào khác về kế hoạch nói trên. Ông chỉ khẳng định rằng kế hoạch này là rất “khẩn cấp” và đồng thời cũng là nghĩa vụ của một chính phủ có trách nhiệm. 

Hiện chưa rõ thái độ của Chính phủ Hy Lạp có thực sự định triển khai kế hoạch trên hay không. Phe đối lập đang gây áp lực yêu cầu Thủ tướng Alexis Tsipras giải thích rõ về thông tin trên. Trả lời phỏng vấn tờ DailyTelegraph (Anh), ông cho biết những đoạn trích dẫn trên các tờ báo đều chính xác, nhưng các thông tin đã được trình bày theo cách hướng người đọc cho rằng đảng Syriza đã chuẩn bị để sử dụng đồng drachma ngay từ đầu. Trong khi đó, nhiều nguồn tin nội bộ thì khẳng định đảng cầm quyền chưa bao giờ thảo luận việc sử dụng đồng drachma ở mức độ chính sách của chính phủ.

Chưa thể yên tâm

86 tỷ euro đã được các chủ nợ đồng ý cho Hy Lạp vay, đổi lại ông Alexis Tsipras đã để Athens phải thực thi những biện pháp khắc nghiệt chưa từng có, tiếp tục các cải cách kinh tế như cam kết, mặc dù những cam kết cải cách này được cho là còn lâu mới đạt được như kỳ vọng. Giờ đây, ông Tsipras đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng và dứt khoát: Hy Lạp đã và chắc chắn vẫn sẽ là một thành viên của khu vực đồng euro.

Trước khi đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba, Thủ tướng Alexis Tsipras và các nước chủ nợ quốc tế đã nhất trí về các mục tiêu ngân sách mà Athens phải thực hiện trong 3 năm tới nhằm đổi lấy 86 tỷ euro. Hy Lạp đã phải dựa vào các cam kết cứu trợ tổng cộng 240 tỉ euro kể từ khi thị trường tài chính nước này mất tín nhiệm và không thể đi vay nợ từ năm 2010. Dù gói cứu trợ thứ ba đã mang lại hy vọng cho quốc gia này nhưng như thế là chưa đủ để đưa Hy Lạp bước ra khỏi cơn khủng hoảng tài chính. Theo IMF, trong vòng 10 năm tới, gánh nợ công của Athens sẽ trở nên nặng nề hơn nhiều.

Các biện pháp khắc khổ đã nhiều lần dẫn tới những cuộc biểu tình lớn bùng phát thành bạo động tại Hy Lạp.

Dự báo, năm 2016, nợ công của Hy Lạp sẽ tăng vọt lên ngưỡng 200% GDP so với dự báo 177% trước đó. Rõ ràng, sức ép lên Thủ tướng Tsipras ngày càng gia tăng. Chính phủ của Alexis Tsipras đã chấp nhận thoả hiệp với chủ nợ bất chấp đa số người dân Hy Lạp nói “không” với các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Lúc này, bất cứ quyết định nào làm ảnh hưởng đến những người nông dân - nhóm có ảnh hưởng lớn ở Hy Lạp, sẽ mang lại rủi ro chính trị cho ông Tsipras.

Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Tsipras cần phải tập hợp đủ đa số phiếu để thúc đẩy quốc hội thông qua những cải cách ngân sách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các chủ nợ. Điều này không đơn giản bởi ngay trong đảng Syriza, lực lượng cánh tả vẫn phản đối Hy Lạp đàm phán về gói cứu trợ mới, cũng như chống lại những biện pháp chi tiêu khắc khổ do ông Tsipras đề xuất. 

Vào tháng 7/2015, ông Tsipras đã cách chức 10 thành viên nội các bỏ phiếu chống đối những biện pháp cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ. Không loại trừ khả năng Thủ tướng Tsipras sẽ tìm cách giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào mùa thu này do sức ép từ những thành viên chống đối trong nội các.

Giới phân tích cho rằng khủng hoảng nợ Hy Lạp kéo dài nhiều năm qua đã gây ra những tổn thất về nền tảng đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính của nước này. Kể từ khi khủng hoảng nợ nổ ra ở Hy Lạp năm 2010, các chính phủ nối tiếp nhau ở Hy Lạp đã ưu tiên chính sách tài khóa khắc khổ thông qua nỗ lực tăng thu ngân sách và cắt giảm chi tiêu, thay vì thực thi những cải cách sâu rộng trong hệ thống. 

Cách thức quản lý kiểu này sẽ đưa đất nước tới chỗ phá sản. Vẫn biết, các vấn đề cốt lõi đối với Hy Lạp sẽ chưa thể được xóa bỏ trong một sớm một chiều. Việc giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro là rất tốn kém và chứa đựng nhiều rủi ro. Nhiều nước châu Âu không chấp nhận lấy thêm tiền đóng thuế của người dân để “hào phóng” với Hy Lạp.

Do đó, Thủ tướng Tsipras sẽ có rất nhiều việc cần phải thực hiện, trong khi vẫn phải toan tính những chiến lược đủ tinh tế và hợp thời. Dù cơn bão đã tạm thời đi qua nhưng không có nghĩa là sóng gió đã chấm dứt. Những thỏa thuận đã đạt được giữa Chính phủ Alexis Tsipras và các chủ nợ quốc tế vẫn chưa thể khiến người dân yên tâm về cuộc khủng hoảng nợ công tại quốc gia Nam Âu này. Điều Hy Lạp cần lúc này không đơn thuần chỉ là một gói cứu trợ mới, mà còn cần được tái cơ cấu nợ, và trên hết chính phủ phải tiến hành cải cách sâu rộng cơ cấu và cách thức quản lý nền kinh tế…

Nam Hồng
.
.