Thủ tướng Đức Angela Merkel: Thẳng thắn tự phê bình

Thứ Ba, 13/09/2016, 15:55
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 28-8 cho thấy 50% số người được hỏi phản đối “bà đầm thép” Angela Merkel tiếp tục trở thành Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4, sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017.

Trong khi đó, chỉ 42% số người được hỏi nói họ muốn bà Merkel tiếp tục lãnh đạo nước Đức sau cuộc bầu cử tới. Càng ngày càng có nhiều người không hài lòng về chính sách mở cửa đối với người tị nạn mà bà Merkel đưa ra, theo đó cho phép hàng trăm nghìn người từ các nước Trung Đông hay Bắc Phi tới Đức. Việc xảy ra các vụ tấn công và trong đó có một số vụ liên quan đến người tị nạn đã khiến nhiều người lo ngại về chính sách của Thủ tướng Merkel.

Một điều đáng buồn hơn đối với nữ Thủ tướng Đức là uy tín giành cho bà đã và đang sụt giảm nghiêm trọng. Một trong những động thái hiếm hoi lấy lại niềm tin nơi cử tri của bà Merkel liên quan tới quan hệ “đang trục trặc” giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau quãng thời gian căng thẳng liên quan tới những cáo buộc qua lại trong cuộc đảo chính tại Ankara, Thủ tướng Đức Angela Merkel bất ngờ lên tiếng kêu gọi người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức thể hiện lòng trung thành và người Thổ không nên mang tới Đức những xung đột nội bộ. Điều quan trọng là, những người gốc Thổ sinh sống ở Đức cần phải nhận biết rằng bà “cũng là Thủ tướng của họ”.

Nữ Thủ tướng khẳng định, cần phải duy trì đối thoại với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bởi khi không cùng nhau thảo luận, các biện pháp ngoại giao cũng sẽ không mang lại kết quả.

Chính sách sai lầm?

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận những sai lầm của nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung những năm trước liên quan tới chính sách tị nạn, đồng thời tuyên bố nỗ lực theo đuổi chính sách đúng đắn đang được triển khai hiện nay.

Bà Merkel đã thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm trong cách phản ứng trước đây với làn sóng người di cư tới châu Âu, nhấn mạnh ngay cả nước Đức cũng đã phớt lờ vấn đề này trong một thời gian dài, mà quan tâm tới những vấn đề khác sau khi đã tiếp nhận rất nhiều người tị nạn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lần đầu tiên lên tiếng thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm liên quan đến chính sách người di cư tới châu Âu.

Theo “bà đầm thép”, ngay từ năm 2004 và 2005 đã có nhiều người tị nạn tới châu Âu, song châu Âu lại để Tây Ban Nha và các nước khác nằm ở biên giới Liên minh châu Âu (EU) tự giải quyết vấn đề của họ. Bên cạnh đó, Berlin sau đó cũng từ chối những cải cách cần thiết của EU, như việc phân bổ theo tỷ lệ người tị nạn hay việc bảo vệ biên giới ngoài EU, do lo ngại việc đó có thể xâm phạm tới vấn đề chủ quyền quốc gia.

Liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố thời gian qua, Thủ tướng Merkel thừa nhận cảm giác bất ổn và lo lắng trong dân chúng khi người tị nạn tới châu Âu “ẩn chứa nhiều nguy cơ”, đặt ra thách thức lớn hơn cho vấn đề hội nhập. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức bác bỏ mối liên quan trực tiếp giữa người tị nạn với chủ nghĩa khủng bố. Bà Merkel cũng đảm bảo rằng, nước Đức sẽ vẫn là nước Đức, sẽ không có thay đổi lớn sau khi hội nhập hàng trăm nghìn người tị nạn.

Theo bà, Berlin sẽ vẫn trung thành với những giá trị và nền tảng cơ bản đã làm nên tên tuổi nước Đức, trong đó có sự quảng đại, nền dân chủ, nhà nước pháp quyền hay kinh tế thị trường xã hội. Tuy nhiên, mới đây Chính phủ Đức yêu cầu người dân tích trữ lương thực cho 10 ngày phòng trường hợp xảy ra tấn công khủng bố.

Bên cạnh đó, người dân Đức cũng được khuyến cáo chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ trong tương lai đe dọa đến sự an toàn của mình. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang phải đối mặt với những nguy cơ ngày một gia tăng từ chủ nghĩa cực đoan.

Có vẻ như bà Angela Merkel đang lo lắng tới một tương lai bất ổn cho chính quốc gia và dân tộc của mình. Điều này càng khiến dư luận tỏ ra ngao ngán trước những quyết sách của “bà đầm thép”, cho rằng mọi phát ngôn trấn an của nữ Thủ tướng chỉ mang tính chất… tượng trưng. Mức ủng hộ của người dân Đức đối với Thủ tướng Angela Merkel vì thế đã sụt giảm mạnh, và có tới một nửa số người được hỏi không muốn bà tiếp tục lãnh đạo trong nhiệm kỳ sau.

Sau khi quyết định mở cửa tiếp nhận người tị nạn vào Đức một năm trước, Thủ tướng Merkel đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ thế giới, song phải đối mặt với nhiều chỉ trích ở nước Đức cũng như các nước châu Âu.

Giờ đây, khi uy tín giảm sút, bà Merkel đang “tự phê bình” khi kêu gọi người Đức cần kiên trì và nhẫn lại với các chính sách đang được áp dụng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, đồng thời cho rằng EU cần đẩy mạnh sự hợp tác và hỗ trợ phát triển với các nước châu Phi, với Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực bất ổn. Mục tiêu sau cuối của nhà lãnh đạo là hiện thực hóa tuyên bố Berlin từng đưa ra hơn một năm trước nhằm chào đón người tị nạn, với khẩu hiệu: “Chúng ta sẽ làm được”.

Quan hệ rạn nứt

Bên cạnh vấn đề dân tị nạn, Thủ tướng Angela Merkel đang chịu sức ép gia tăng trong việc hàn gắn quan hệ song phương Đức – Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ giữa Berlin và Ankara trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây sau khi Hạ viện Đức thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là tội ác diệt chủng. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích từ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Chưa hết, Thủ tướng Đức vào cuối tháng 8 vừa qua đã nói rằng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức đã xấu tới mức hai nước hầu như “không có cơ sở” để hội đàm. Bà bày tỏ sự quan ngại với các vụ bắt bớ hàng loạt, thanh trừng quy mô lớn của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15-7.

Vụ thảm sát 1,5 triệu người Armenia và cuộc đảo chính bất thành đang làm gia tăng căng thẳng giữa Berlin và Ankara.

Trong khi đó, Ankara lại cảm thấy Đức không có thái độ nghiêm túc đối với cuộc binh biến này. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tức giận trước những bản tin của truyền thông Đức khi nói rằng cuộc đảo chính là “màn kịch” được dựng lên bởi ông Erdogan.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có những nỗ lực nhằm khôi phục quan hệ hai nước, nhưng chính bà buộc phải thừa nhận những bất đồng giữa hai nước không thể nào “biến mất”. Chưa bao giờ bà Merkel vấp phải những mâu thuẫn gay gắt đến vậy với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong vấn đề người tị nạn. Điều làm Berlin cực kỳ khó chịu là Thổ Nhĩ Kỳ không mau chóng thực hiện các điều khoản của thỏa thuận nhằm bảo vệ Liên minh châu Âu trước làn sóng người tị nạn.

Cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã ký thỏa thuận đồng ý nhận lại tất cả những người nhập cư bất hợp pháp vào Hy Lạp qua Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và 3 tỷ euro của EU trong vòng 2 năm. Tuy nhiên giờ đây, ông Erdogan đang đòi 3 tỷ/năm.

Có thể nói, Thủ tướng Angela Merkel đã đặt lên bàn cân của thỏa thuận này cả tương lai lẫn sự nghiệp chính trị. Giờ đây, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang ra thêm yêu sách khiến tương lai của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và cá nhân nữ Thủ tướng Đức đang là một câu hỏi lớn.

Mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi khi chính quyền Merkel đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ hậu thuẫn các lực lượng khủng bố và Hồi giáo cực đoan mà còn để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một bàn đạp cho các hoạt động khủng bố. Tuy nhiên, những công bố kiểu này đang đẩy bà Merkel vào tình thế khó xử vì như thế đâu có khác gì bóc trần tính hai mặt của chính sách của Chính phủ Đức đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Xưa nay, Đức luôn tỏ thái độ rất cứng rắn đối với tất cả các quốc gia, tổ chức và cá nhân bị coi là có liên hệ với khủng bố, chứ chưa nói đến dung túng và hậu thuẫn khủng bố như đánh giá của Chính phủ Đức về Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, Berlin cũng rất “mềm dẻo” khi cần thiết, bởi Ankara ở vị trí địa chiến lược quan trọng độc nhất vô nhị trong cuộc chiến chống khủng bố và những lực lượng Hồi giáo cực đoan ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.

Về phương diện quân sự và chính trị an ninh khu vực, Đức hay những đồng minh khác cần Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là ngược lại. Thậm chí, chính quyền Merkel còn phải dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề người tị nạn. Vì thế, “bà đầm thép” phải rất khéo léo để lấy lại cân bằng trong quan hệ song phương, từ đó tạo bàn đạp gia tăng uy tín trong lòng người dân và cải thiện hình ảnh trước công chúng sau một thời gian khá dài hứng chịu sự phản đối...

Lê Nam
.
.